Nhớ một người chơi Rock
4 năm sau ngày Trần Lập về với cát bụi, nhưng ca khúc của anh vẫn vang lên đâu đó, được các fan hát lại rất nhiều, rất nhiều, nhất là trong những ngày này.
Trần Lập – thủ lĩnh của nhóm Bức Tường. Ảnh: Internet.
Đã 4 năm sau khi Trần Lập – người thủ lĩnh của nhóm nhạc Rock đình đám nhất Việt Nam một thời về cõi tạm, nhưng có lẽ ký ức về anh lại vẫn mới mẻ như thuở nào, với nhiều người.
Tôi còn nhớ mãi năm 1998, đó là lần đầu tiên tôi biết đến Rock của Bức Tường qua “Bông hồng thủy tinh”. Đó là một trong vài tiết mục văn nghệ chào đón lứa học sinh Trung học phổ thông đầu năm mới, ở một ngôi trường huyện ở mãi Ba Vì.
Thú thực, trước đó tôi chưa từng nghe Rock. Tôi chỉ mơ hồ hiểu rằng, nhạc Rock, là thứ nhạc vũ bão, cuồng phong… và gào thét. Hôm đó, tôi thấy một chất Rock khác, nhẹ hơn, mềm hơn.
Nhưng ngày đó, cũng chỉ mới biết qua, rồi quên.
Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập. Ảnh: Internet.
Bẵng đi đâu gần chục năm sau khi đã đi làm, cũng là thời của nhạc số, nhạc Internet làm mưa làm gió, vô tình một buổi, tôi chợt biết đến những “Mắt đen”, “Người đàn bà hóa đá”, “Tâm hồn của đá”, “ Niềm tin cho cát bụi”, “ Giọt đắng”, “Trở về”, “Cây bàng”, “Hoa ban trắng”…
Lúc đó, tôi mới biết, Trần Lập và Bức Tường không chỉ có mỗi một “Bông hồng thủy tinh”.
Từ đó, tôi mê mẩn Bức Tường, mê mẩn giọng hát đậm chất tự sự của Trần Lập.
Video đang HOT
Bức Tường đã khai sáng tôi về Rock, rồi cho tôi biết một nét riêng khác, Rock không phải lúc nào cũng là gào thét, lên gân. Rock không phải lúc nào cũng phải cháy rần rật. Rock có lúc chỉ như lời kể, như lời thì thầm tâm sự của những kẻ đang yêu. Điều đó có hết trong “Mắt đen”, “Giọt đắng”…
Bức Tường trong một liveshow. Ảnh: Internet.
Một điều nữa, âm nhạc của Bức Tường dễ nghe, nó đầy tính nhân văn nhưng lại được dung dị hóa một cách nhẹ nhàng, bộc trực trong từng ca từ, giai điệu. Có lẽ, với các fan của Bức Tường, chẳng ai có thể quên những đoạn dạo ghi ta đầy ám ảnh, chẳng ai có thể quên giọng hát giàu nội lực phát ra từ một ca sĩ có thân hình nhỏ nhắn, bụi bặm. Đó là những nghĩ suy về một kiếp người trong “Niềm tin cho cát bụi”, đó là một câu chuyện tình buồn mang màu huyền thoại trong “Người đàn bà hóa đá”, đó là niềm vui khi cất bước trở về với mái ấm, bếp lửa gia đình trong “Trở về”…
Nói đến Bức Tường là nói đến Trần Lập. Và ngược lại. Thú thật, bao nhiêu năm nay, khi nghe Rock Việt, tôi chỉ nghe được mỗi nhạc của Bức Tường. Có thể đó là cái tiêu cực của một fan đã bị ban nhạc bỏ bùa.
Nhưng tôi thích Bức Tường không chỉ vì âm nhạc, dù đó là lý do khởi nguyên. Tôi còn thích Bức Tường bởi câu chuyện của nó và của người thủ lĩnh.
Cho đến tận những ngày cuối đời, Trần Lập vẫn hát, vẫn truyền đi năng lượng sống tích cực cho những người quanh mình. Giọng hát của anh chính là “đôi bàn tay thắp lửa” (tên một chương trình ca nhạc của Bức Tường) cho biết bao người. Và điều đó được duy trì suốt những tháng năm rực rỡ đã qua, ngày Bức Tường còn Trần Lập.
Bức Tường là một trong những nhóm nhạc có lượng fan “khủng” nhất tại Việt Nam. Ảnh: Internet.
Ra đời, trưởng thành và có lẽ vẫn là hình mẫu thành công nhất của phong trào ca nhạc sinh viên. Bức Tường đã tự viết nên câu chuyện của mình, khẳng định vị thế độc tôn, không thể xô đổ trong lòng quá nhiều người hâm mộ.
Bức Tường dù chẳng còn như xưa khi mất đi nhạc sĩ sáng tác, kiêm ca sĩ chính, nhưng tôi tin, họ đã thực sự trở thành huyền thoại, dù người còn, người mất.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
"Tình em 2" - Đưa nhạc đỏ đi qua thiên kiến!
Các ca khúc nhạc đỏ thường bị gắn với một thiên kiến về sự khô cứng của tuyên truyền. Thế nhưng "Tình em 2" của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đã đưa nhạc đỏ ra khỏi vùng trời thiên kiến ấy.
Khi thế hệ những bạn trẻ sinh lứa tuổi 9x, 2000 sinh ra và lớn lên, chiến tranh đã lùi xa, dấu ấn chiến tranh với thế hệ ấy có phần mờ nhạt. Trung thực mà nói, những tác phẩm văn học nghệ thuật, những bài hát về một thời kỳ hùng tráng cả nước "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai" có phần xa lạ với những người trẻ. Không thể trách những người trẻ bởi phía trước họ là hiện tại và tương lai. Như bất kỳ thế hệ trẻ nào, quá khứ không phải là điều để họ thực sự lưu luyến và ghi nhớ.
Những ca khúc nhạc đỏ hay và đẹp nhưng nó cần được sống trong lòng khán giả, nhất là những khán giả trẻ tuổi. Nhưng giữa bạt ngày những ca khúc "triệu view", thậm chí "tỷ view", nhạc đỏ phải làm sao để tồn tại trong đời sống mà không bị gắn với thiên kiến về sự khô cứng, xa lạ?
"Tình em 2" tái hiện tình yêu thời chiến bằng hình thức nhạc kịch. Ảnh: Quốc Minh
Giữa muôn vàn khó khăn để sân khấu sáng đèn, điều tuyệt vời là Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long - một đơn vị Nhà nước - đã làm được. Trong những ngày cuối năm 2019, Nhà hát này đã dàn dựng thành công một chương trình nghệ thuật đặc sắc có tên "Tình em 2". Điều đặc biệt là toàn bộ các ca khúc sử dụng trong chương trình đều thuộc lớp các bài hát mà chúng ta quen gọi là Nhạc Đỏ.
Dưới dạng một vở nhạc kịch, đêm nghệ thuật đã trình diễn các tác phẩm đã đi vào lòng khán giả yêu nhạc cách mạng, đó là các ca khúc: "Nhịp cầu nối những bờ vui", "Thư tình cuối mùa thu", "Sơn nữ ca", "Tình ca", "Cô gái mở đường", "Màu hoa đỏ"... Cùng với đó là các ca khúc khá "độc" được anh chị em nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long dàn dựng đưa lên sân khấu. Có thể kể đến: "Đưa anh đi hái măng rừng", "Chàng trai nước Việt", "Chiều trên quê hương tôi"...
"Tình em 2" là chương trình ca nhạc có chủ đề xuyên suốt và chặt chẽ, được trình diễn liên tiếp như một vở kịch được diễn bằng âm nhạc, những bản tình ca, những giai điệu của tình yêu sẽ được vang lên mà ở đó ta thấy cả dáng hình đất nước, dáng mẹ bóng cha và cả những lý tưởng cuộc đời. Các ca khúc được tập thể nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long với những giọng ca trẻ và tài năng như: Bảo Trâm, Đông Hùng, Hà Linh, Quang Đạt, Đức Trung... thể hiện.
Giữa tiếng rền vang dữ dội của chiến tranh, tiếng bom mìn tàn phá cuộc sống bình yên, tiếng kêu, tiếng khóc và cả những tiếng hờn căm, ta vẫn nghe được âm thanh dịu dàng nhưng da diết cháy bỏng của tình yêu. Chiến tranh dữ dội, khốc liệt là thế, nhưng vẫn ươm mầm xanh cho tình yêu của anh lính và cô nữ dân quân thêm bền chặt, khăng khít. Họ chia tay khi tình yêu vừa chớm nở. Cô gái ở lại nơi huyết mạch giao thông, chàng trai đi vào sâu trong tuyến lửa.
Giữa khoảng không gian ấy là nỗi nhớ thiết tha, từ đó những khúc tình ca cũng bắt đầu được ngân vang. Đó là một trong nhiều câu chuyện tình yêu trong thời chiến tranh, về một thời kỳ hàng vạn người Việt Nam trẻ tuổi phải hy sinh xương máu và hạnh phúc cá nhân cho cuộc chiến giành tự do, bảo vệ sự sống của chính mình và đồng bào. Người ra đi, người ở lại, người trở lại, người chẳng thể quay về.
Ca sĩ, NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long nói: "Bằng cách làm này, chúng tôi vẫn giữ được hồn cốt của ông cha ta và thổi một luồng gió mới của ngày hôm nay. Có thể nói là tham vọng cũng được, chúng tôi rất mong muốn các thế hệ 7x, 8x, thậm chí 2000 đến nghe và vẫn cảm thấy được sống trong các bài hát đó".
Chia sẻ về ngọn nguồn của "Tình em 2", NSƯT Tấn Minh nói: "Tôi rất tin tưởng giao dự án cho một đồng nghiệp trẻ, một người em là Dương Cầm".
Nhạc sĩ Dương Cầm quả thật là còn rất trẻ, nhưng tên tuổi và tài năng của anh đã được khẳng định từ lâu bằng nhiều sáng tác, bằng các giải thưởng âm nhạc Cống hiến, chương trình Bài Hát Việt và là giám đốc âm nhạc của nhiều chương trình khác nhau.
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, anh nói: "Cá nhân tôi rất có hứng thú với chủ đề của "Tình em 2" này. Như chúng ta biết, rừng Trường Sơn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử của đất nước. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều câu chuyện tình. Từ những câu chuyện tình ấy mà sinh ra rất nhiều bài hát. Cá nhân tôi rất yêu thích các bài hát đó".
Chuyện tình thì có những dở dang, chia ly, gặp nhau trong chốc lát, nhưng cũng có những chuyện tình trở về sau chiến tranh, viên mãn với hạnh phúc. Từ những câu chuyện có thật, những sự kiện có thật, những bài hát có thật, "Tình em 2" đưa ra hình tượng về một đôi trai gái yêu nhau, cùng từ biệt làng quê yêu dấu, nơi có những "nhịp cầu nối những bờ vui" để ra trận. Họ gặp nhau nơi "đường ra trận mùa này đẹp lắm", đi qua mưa bom, bão đạn, cùng nhau chiến thắng trở về làng quê yêu dấu, đôi trai gái lại sống với nhau tới đầu bạc răng long, vẹn tròn hạnh phúc riêng tư trong niềm hạnh phúc chung của cả non sông, đất nước.
"Bằng những bài hát, tôi đã xâu chuỗi câu chuyện theo mạch không gian và thời gian, giống như tái hiện lại tình yêu của anh bộ đội và cô thanh niên xung phong trong một ngày. Khi nhắc đến những ca khúc trong "Tình em 2", có thể có người sẽ nghĩ nó hơi nặng nề bởi chiến tranh, bom đạn, khói lửa đã lùi xa chúng ta, nhưng xem toàn bộ chương trình chúng ta sẽ chỉ thấy một câu chuyện tình yêu lãng mạn và bay bổng với những người lính, những người đã sống và chiến đấu", Dương Cầm nói.
"Tình em 2" cũng ghi nhận một cách thức phối khí hoàn toàn mới lạ, đưa nhạc đỏ đi ra khỏi vùng "kinh điển" khi sử dụng nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như pop, rock, jazz, swing... NSƯT Tấn Minh cho biết: "Toàn bộ nhạc trong chương trình đều do Dương Cầm viết lại", còn như Dương Cầm nói: "Chính những điều này làm những bài hát đến gần khán giả trẻ hơn". Anh cho biết: "Tôi sử dụng phong cách nhạc kịch để liên kết các bài hát. Bản thân tôi cũng được khám phá rất nhiều khi thực hiện dự án này. Các bài hát tạo thành một mạch liên kết mềm mại, làm cho khán giả thấy gần gũi hơn, nhất là các khán giả trẻ sẽ không thấy xa lạ".
Ngoài phần nhạc là một thể thống nhất, chương trình còn gây ấn tượng với công chúng bằng cách sử dụng các thủ pháp về ánh sáng khiến cho sân khấu có một sự mạch lạc về nội dung và cảm xúc. Anh Trường Anh, một khán giả thuộc lứa tuổi 7x thì nói: "Thật sự rất bất ngờ, tôi cảm thấy như đang được xem một vở kịch trên sân khấu Broadway".
Thận trọng hơn trong chuyên môn, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Minh sau khi xem chương trình đã nhận xét: " Trong bối cảnh khó khăn của các nhà hát, tôi thấy chương trình này rất thành công. Nếu có sự đầu tư, chau chuốt hơn nữa về phần kịch dẫn chuyện, tôi tin rằng nó không thua kém bất kỳ một vở nhạc kịch nào mà chúng ta đã từng xem".
Nhạc sĩ Dương Cầm cho biết, "Tình em 2" là sự tiếp nối của những chương trình nghệ thuật " Hà Nội xưa và nay", "Tình em", "Hà Nội ngày... tháng... năm...", "Những thanh xuân rực rỡ". Đây là một thể nghiệm nhỏ cho một dự án nhạc kịch lớn hơn của Nhà hát Ca Múa nhạc Thăng Long trong năm 2020. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Tử Hưng
Theo congluan.vn
Bức Tường tiết lộ điều xúc động sau khi Trần Lập qua đời Bức Tường vẫn luôn mang theo chiếc micro của Trần Lập trong mỗi show diễn để tưởng nhớ tới thủ lĩnh của ban nhạc. Các thành viên nhóm nhạc Bức Tường Đối với thế hệ 8X và đầu 9X, Bức Tường là một ban nhạc gắn bó với nhiều người. Được thành lập vào năm 1995, nhóm nhạc Bức Tường là band nhạc...