Nhớ một lần khám phá Dinh Vua Mèo
Trong hành trình đến với Hà Giang vừa qua, đoàn nhà báo chúng tôi may mắn được khám phá Dinh thự họ Vương (Dinh Vua Mèo) ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn
Không khỏi trầm trồ trước kiến trúc độc đáo của công trình thế kỷ cũng như tìm hiểu về gia thế dòng tộc họ Vương danh giá này.
Dinh thự họ Vương thu hút đông đảo khách du lịch
Con đường lên đến xã Sà Phìn thật không dễ dàng. Mặc dù những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm, thế nhưng do địa hình đồi núi hiểm trở mà đường đi lại có phần hết sức khó khăn. Cách thành phố Hà Giang trên 100km, Dinh thự họ Vương đã trở thành một điểm đến du lịch không thể bỏ qua với du khách khi đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc đầy thương mến này.
Cụ Vương Chính Đức (1865 – 1947) là người duy nhất được đồng bào dân tộc Mông suy tôn là Vua Mèo. Dinh họ Vương hay còn gọi là Dinh Vua Mèo Vương Chính Đức là công trình kiến trúc đặc sắc bậc nhất của tỉnh Hà Giang. Dinh thự đã được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia năm 1993.
Trước đây, Vua Mèo Vương Chính Đức cai quản các khu Quản Bạ, Yên Ninh, Mèo Vạc, Đồng Văn, và đây cũng là khu tự trị của người dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang. Khoảng hơn 100 năm trước, ông Vương Chính Đức đã thuê thợ từ Trung Quốc sang thi công Dinh họ Vương. Hàng vạn nhân công Việt Nam cũng tham gia xây dựng Dinh Vua Mèo, chi phí xây dựng dinh thự rất lớn không thống kê được. Chỉ tính riêng tiền công thuê thợ đã tốn 15 vạn đồng bạc Đông Dương, lập kỷ lục thời đó ở tỉnh Hà Giang.
Chị Vương Thị Chở, người cháu Vua Mèo và hiện là hướng dẫn viên khu di tích Dinh họ Vương, kể: “Cụ Vương Chính Đức tên dân tộc người ta gọi là Vàng Giống Lùng. Cụ là người đứng đầu, là thủ lĩnh ở vùng đất này. Cụ sinh năm 1865 mất năm 1947, thọ 82 tuổi. Hiện nay, mộ cụ được quàng ở sau khe núi này, từ Dinh lên khe núi chỗ mộ cụ mất khoảng 3 km. Tuy nhiên, sau này người được biết đến nhiều hơn là con trai thứ hai của cụ, ông Vương Chí Sình. Ông Vương Chí Sình là anh em kết nghĩa với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Vương Chí Sình tham gia Đại biểu Quốc hội khóa 1, khóa 2 và sau này là Chủ tịch huyện Đồng Văn đầu tiên ở đây.”
Đứng ở trên đỉnh cao nhìn xuống, Dinh họ Vương như hình mai rùa, nổi bật, bề thế giữa thung lũng Sà Phìn. Dinh được thiết kế như một pháo đài kiên cố, bao quanh Dinh thự là một dải núi cao, tạo nên địa thế hình vòng cung ôm trọn toàn bộ khu nhà. Bên trong là một khối kiến trúc đồ sộ tiêu biểu cho một dòng họ vương giả vùng cao với những dãy nhà 2 tầng ngang, dọc nối tiếp nhau như những dãy núi trùng trùng điệp điệp trên cao nguyên đá. Ngoài Dinh có 2 lô cốt để phòng thủ, các lăng mộ con, cháu cụ Vương Chính Đức.
Trong Dinh có kho chứa vũ khí, kho cất giữ vàng, bạc, tiền, kho thuốc phiện, các nhà ở, làm việc, khu bếp, khu nuôi gia súc, gia cầm… Bao quanh Dinh là vườn cây trái sum suê và các loại hoa rực rõ, tô điểm thêm vẻ đẹp của Dinh thự. Nét đặc sắc của dinh Vua Mèo nằm ở cấu trúc và cách bố trí các phòng ở và làm việc, mô phỏng một thành quách thu nhỏ. Các họa tiết bằng đá, gỗ của Dinh được chạm khắc tinh xảo, bắt mắt, biểu tượng cho sự giàu sang, quyền quý
Dinh thự họ Vương đã được thi công từ cách đây hơn một thế kỷ
Chị Vương Thị Chở cho biết thêm: “Khu nhà cụ Vương Chính Đức được xây dựng năm 1898 hoàn thành năm 1907. Ngôi nhà có tất cả 64 phòng ở được tính theo 64 quẻ hình bát quái. Dinh thự gồm 3 khu tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Tiền dinh là nơi ở là phòng lính bảo vệ, Trung Dinh là nơi ở của vợ và các con còn hậu Dinh là nơi ở Vua Mèo Vương Chính Đức. Ngôi nhà cụ Vương được tu sửa lại năm 2004. Tường, ngói, đá… vẫn được giữ nguyên hiện trạng từ xưa đến nay. Gỗ là gỗ lim thay cho gỗ thông đá trước đây. Tính ra 40% gỗ là mới, còn lại 60% vẫn còn nguyên vẹn từ trước đến nay.”
Hằng ngày, Dinh họ Vương đón tiếp khá đông du khách trong và ngoài nước. Lần đầu tiên đến tham quan Dinh họ Vương, anh Ben Brenner, du khách đến từ bang California, Mỹ, bày tỏ: “Tôi rất thích khi nghe những câu chuyện lịch sử của ngôi nhà. Kiến trúc ngôi nhà có 3 loại kiến trúc gồm châu Âu, người Mông và Trung Quốc đan xen rất đẹp. Tôi ấn tượng nhất là kiến trúc ở đây và câu chuyện lịch sử của ngôi nhà khoảng 100 năm trước rất lôi cuốn.”
Năm 2004, gia đình họ Vương quyết định trao tặng Dinh họ Vương cho Nhà nước bảo tồn. Kể từ đó, nơi đây trở thành địa điểm tham quan cho khách du lịch. Đến tỉnh Hà Giang, du khách không thể bỏ qua điểm tham quan thú vị này. Khám phá Dinh họ Vương, thăm chợ phiên ở trước Dinh thự rồi từ điểm dừng chân này, du khách có thể dễ dàng, thuận tiện tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và mua sắm cho mình những món đồ lưu niệm đặc sắc của tỉnh Hà Giang.
Ngô Khiêm
Theo congluan.vn
Điểm check-in cùng hoa cánh bướm, tam giác mạch, cúc họa mi ở Nghệ An
Ngoài mở rộng diện tích, năm nay cánh đồng hoa ở xóm Đông Mỹ, xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa) đa dạng hơn các loài hoa từ cúc họa mi, hoa thạch thảo, cúc 7 màu, tam giác mạch, hoa cánh bướm đa sắc, đơn sắc đến hoa túy điệp, hoa xác pháo.
Nằm cách đường mòn Hồ Chí Minh gần 300m về hướng Bắc, cánh đồng hoa với diện tích 3,5 ha của nhóm bạn trẻ ở TX.Thái Hòa nhìn trên cao như tấm thảm đa sắc màu.
Theo anh Đặng Trọng Tấn, đại diện nhóm bạn trẻ, là chủ vườn hoa: "Mong muốn của chúng tôi là ngày càng quảng bá rộng hơn, để nhiều người được biết đến cảnh sắc, con người Thái Hòa nói riêng, cũng như Nghệ An nói chung".
Khác với các năm trước, năm nay các loài hoa được gieo trồng theo hình thức gối vụ, kéo dài từ nay đến giáp Tết Âm lịch 2020. Để tiện cho du khách có nhiều bức hình đẹp nhất, chủ nhân đã bố trí lối đi lại hợp lý trên từng thửa hoa.
Ngay trên cánh đồng hoa còn có nhiều tạo cảnh lãng mạn. Ảnh: Đ.C
Theo ước tính trong ngày đầu mở cửa (10/11), đã có hàng trăm lượt khách đến tham quan chụp ảnh. Ngoài ra, đến với đồi hoa, du khách còn được tham quan các gian hàng địa phương với các sản phẩm đặc trưng của Thái Hòa như cam, bưởi, mật ong, nghệ...
Chị Trần Mai Lan, một du khách đến từ TP. Vinh chia sẻ: "Khi lên đây tôi thực sự ngỡ ngàng bởi có đủ những loài hoa mà trước đây phải tìm ra tận các tỉnh phía Bắc mới có".
Đáng nói, trong khung cảnh ngút ngát sắc hoa trải dài, du khách còn có thể trải nghiệm hóa thân thành những chàng trai, thiếu nữ người Mông, người Thái...
Để tiện cho việc đi lại, kết nối với các điểm tham quan khác trên địa bàn, du khách có thể liên hệ với anh Đặng Trọng Tấn, đại diện nhóm bạn trẻ, theo số điện thoại 0972.908.036
Ảnh, nội dung: An Thái; clip: Sách Nguyễn
Theo baonghean.vn
Tây Sơn thương nhớ... Tây Sơn đẹp không chỉ vì cảnh sắc mà còn giàu các giá trị văn hóa của tộc người được trao truyền và ngày càng phát triển. Tây Sơn để lại nhiều thương nhớ cho những ai đã từng một lần đến... Xã Tây Sơn nằm ở phía Tây Nam huyện miền núi Kỳ Sơn, có độ cao lớn so với mặt nước...