Nhớ món lươn xứ Nghệ – nỗi nhớ hồn quê những ngày giãn cách
Những ngày giãn cách kéo dài, bớt những bộn bề công việc, bớt cái xô bồ tấp nập chốn đô thành, chắc hẳn nhiều người con xứ Nghệ không khỏi cảm giác xốn xang mà nhớ về quê hương.
Nỗi nhớ về hồn đất xứ Nghệ xưa với những tâm hồn dung dị, từ những mộc mạc giản đơn của “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”, âm thanh giòn tan, ngọt bùi của cà pháo Nghi Lộc… và tất nhiên không thể không nhớ đến món cháo lươn, súp lươn – vị thanh ngọt trên đầu lưỡi mang cả niềm tự hào trong sâu thẳm ký ức của mỗi người con xứ Nghệ.
Nghệ An thuộc dải đất miền Trung đầy nắng và gió. Giáp ranh với Lào, khí hậu của mảnh đất này có nhiều khắc nghiệt nên sản vật không mấy phong phú như ở các tỉnh, thành khác.
Dẫu vậy, bằng sự khéo léo ở đôi tay và khả năng cảm vị tinh tế, người phụ nữ miền quê gốc Nghệ vẫn tận dụng và sáng tạo ra nhiều món ăn ngon lạ từ những nguyên liệu đơn sơ có sẵn quanh nhà, mà điển hình phải kể đến đặc sản trứ danh: Lươn đồng xứ Nghệ.
Cháo lươn xứ Nghệ đượm vị, thơm ngon
Nghệ An nổi tiếng với nhiều món Lươn mà không nơi nào có được, vị ngon của món ăn dân dã này được chính những con người nơi đây và thực khách nhận xét “Người xứ Nghệ ăn lươn quê mình thấy hồn mình trong đó, còn người xứ khác khi ăn được lươn sẽ chạm vào một trải nghiệm đầy khác lạ, quyến rũ để rồi trở thành nỗi nhớ”. Cái hương vị đầy mùi quê hương ấy được lưu giữ trong ký ức của bao người con xứ này. Bởi vậy mà, người dân xứ Nghệ dù có đi Bắc vào Nam, dù có ở bên trời Âu đất Á xa xôi vẫn không nguôi nhớ về bát cháo lươn xứ sở, cay nóng và sánh vàng.
Video đang HOT
Theo chồng ra thủ đô công tác và sinh sống gần 20 năm, chị Thúy Vân – một người con gốc Nghệ vẫn luôn đau đáu hướng về nơi quê nhà, hướng về hương vị của bát cháo lươn đượm mùi hành tăm hay bát súp lươn ăn kèm với bánh mướt. Trong một lần được gặp gỡ, tôi có cơ hội được nghe chị Vân kể về tuổi thơ gắn bó với hương vị tinh thần ấy. Chị nhớ những dịp về thăm quê, ngày tiết trời se lạnh, chọn quán quen vỉa hè hay cùng gia đình ngồi nhà hàng sang trọng, gọi tô cháo lươn, súp lươn mà tâm trạng chị tự rộ lên vẻ rưng rưng, là cảm giác thân thuộc để rồi thấm vào từng vị ngon ngọt của thịt lươn, tê tê nơi đầu lưỡi đến gắp cuối cùng.
Nhớ về nụ cười của cha khi bắt được mẻ lươn tươi béo
Con lươn ấy có thể gắn liền với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ mà với chị Thúy Vân có lẽ cũng không ngoại lệ. Tuổi thơ ấy là những chiều hứng nắng chang chang chờ chiều tàn cha lội bùn đi khắp cánh đồng đặt ống trúm, đàn con nhảy cẫng lên ngóng những mẻ lươn béo tốt, tươi rói của cha rồi đòi các mẹ, các chị, các O mau mau nấu nồi cháo lươn, súp lươn hay thi thoảng đổi vị cho cả nhà bằng món lươn om chuối đậu, lươn xào sả ớt cay nồng. Hương vị tình thân ấy cứ thế đi theo mỗi tháng năm, mỗi bước chân của người xa xứ. Miếng lươn ấy có cái tình thương của người ly hương, có cái nóng gắt của gió Lào, cái rét ngọt của tiết trời cuối tháng chạp và cả hình ảnh mẹ cha tần tảo quyện vào trong đó.
Ngày nay, không khó để thực khách lựa chọn và tìm ăn một tô cháo lươn, súp lươn tại thủ đô Hà Nội hay những tỉnh thành lân cận, thế nhưng nói về cảm nhận với tôi, chị Thúy Vân tâm sự “Tôi không tìm được hương vị ấy ở bất cứ hàng quán nào ngoài này. Cũng có quán người Nghệ An nấu đấy, cũng đúng công thức của người Nghệ nhưng đâu đó cái hồn đã phai nhạt đi nhiều. Có lẽ là để chiều theo khẩu vị của người tứ xứ.
Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19 , bộn bề công việc được gác lại một phần, tôi mới có dịp dành thời gian cho gia đình của mình, có dịp tự tay chế biến món lươn xa xứ cho chồng và các con. K hó mà bù đắp đủ đầy tuổi thơ ấy cho các con, nhưng cơ hội này khiến tôi vơi bớt nỗi nhớ quê nhà”.
Chảo lươn ngấm đều gia vị, sánh vàng của nghệ, của dầu điều
Chị Vân nhờ người thân ở quê đặt mua đúng loại lươn đồng. Cách làm sạch lươn và khử mùi tanh của lươn với chị không hề khó. Chị chia sẻ nếu lươn nấu cháo thì chọn những con bé hơn, cho vào chậu với một lượng muối nhất định, chờ lươn “giãy giụa” ra nhớt thì vớt ra rửa qua, cho vào nồi đổ nước đun sôi rồi vớt ra, dùng cái kẹp tự chế tuốt từ đầu con lươn xuống đuôi thành một dải thịt lươn thật ngon mắt. Sau khi tuốt lươn xong, thịt lươn được tẩm ướp gia vị gồm nước mắm, mì chính, hạt nêm, hạt tiêu xay, ớt chưng, nghệ tươi giã nát; hành tăm đập dập cho vào chảo và mỡ lợn phi thơm, cho lươn vào đảo nhẹ, thêm vài muỗng dầu điều tạo sánh để lươn được ngấm đều gia vị, thơm ngon săn dai.
Số xương lươn sau khi tuốt được giã nát, lọc lấy nước cho vào nồi cháo cho ngọt vị. Sau khi cháo đã đạt đến độ tơi hạt gạo, ta cho một phần nhân lươn vào và thêm rau thơm, mùi tàu, rau răm, tía tô, hành lá thái nhỏ tạo thành món cháo thơm nức, cay nồng. Còn món súp lươn, ta dùng nhân lươn cho thêm ít nước dùng (nước xương lươn, xương lợn và các gia vị khác) ăn kèm với bánh mướt tiết trời mùa hè hay ăn kèm với bánh mì nóng giòn tan tiết trời mùa đông xao xuyến lòng người.
Súp lươn ăn với bánh mướt hay bánh mì đều thơm ngon hợp vị
Những ngày giãn cách xã hội, mọi việc đình trệ âu cũng là nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các thành viên trong gia đình thể hiện sự gắn kết yêu thương. Với nhiều người con Nghệ An, món lươn vô tình đã tạo thành sợi nhớ – sợi thương trong gia đình đầy ắp tiếng cười, dù ngoài kia còn bao vất vả, lo sợ khi cả nước đang gồng mình chống dịch.
Các món về lươn xứ Nghệ dù rất giản dị, mộc mạc bởi được nấu từ những sản vật gần gũi của đồng đất Nghệ An, nhưng sớm đã trở thành nét văn hoá đặc trưng cho vùng đất này, trở thành niềm nhớ, niềm thương của những người con xứ Nghệ khi xa quê. Người ta vẫn nói vui với nhau rằng, đến Nghệ An mà chưa được thưởng thức các món lươn thì xem như… chưa đến. Đi qua miền Nghệ An nắng gió ta đọng lại những nóng, những cay khắc nghiệt của gió Lào, những tảo tần, chân phương của con người nơi đây…
Bản đồ ẩm thực: Thổn thức món cháo cá đi vào ca dao đất Quảng Trị
Nếu Thanh Hóa có món nem chua, Nghệ An là súp lươn, thì khi đến với vùng đất đầy nắng gió Quảng Trị, món ăn đã đi vào ca dao - cháo cá vạt giường là đặc sản mà du khách không nên bỏ lỡ.
Thật vậy, cháo cá vạt giường được ưa chuộng quanh năm, người dân Quảng Trị xem đây là món quà dân dã của quê mình, đậm chất gió Lào cát trắng, phảng phất vị mặn mòi của biển. Người Quảng Trị còn đem nó làm nên câu ca dao đi vào nỗi nhớ của bao người:
Bàn qua về cái tên món ăn thì "vạt giường" xuất phát từ cách chế biến, do đó nó không giống bất kỳ món cháo nào khác. Cụ thể, khi cán mỏng sợi bánh rồi thái thành từng sợi nhỏ thì nó trông giống như những thanh tre của vạt giường. Thế nên, cái tên cháo vạt giường cũng ra đời từ câu chuyện này.
Món cháo ngon nức tiếng này được yêu mến bởi vị ngọt thanh của cá lóc. Cá muốn ngon phải chọn những con cá to, thịt săn chắc, có thế, cá mới dày thịt và ngọt nước. Sau khi sơ chế thì lọc thịt cá ra khỏi xương, cho lòng cá vào nồi cháo để ngọt nước. Nếu như ở một số món ăn khác từ cá, lòng đem bỏ đi thì ở cháo cá vạc giường, nó lại là điểm nhấn làm tăng vị thơm ngon hơn.
Cách chế biến công phu thôi chưa đủ khi thực khách phải nắm rõ thêm cách dùng để thưởng thức trọn vẹn nhất vị tinh túy món ăn. Cụ thể, thực khách dùng đũa để gắp sợi vạc giường và dùng muỗng để húp nước dùng đưa đẩy trong miệng, vừa ăn vừa xuýt xoa cái vị cay của ớt mà người dân nơi đây mê mẩn. Vị cháo cá ngon ngọt, thơm nức, mê mẩn người ăn ngay từ lần đầu tiên thử qua.
Dọc đường hành trình du lịch Bắc-Nam, thức quà đặc sản của Quảng Trị - cháo cá vạt giường - luôn níu chân những du khách yêu thích du lịch và khám phá các món ăn vùng miền của đất nước hình chữ S. Thử một lần thưởng thức, mọi người sẽ hiểu vì sao nó không còn là món ăn mang tính "nội bộ" của Quảng Trị mà đã lan tỏa đến khắp các vùng miền khác nhau, như một phần của dòng chảy ẩm thực Việt Nam.
Bản đồ ẩm thực: Súp lươn xứ Nghệ, ngon đắm say lòng người Bên cạnh những đặc sản trứ danh như nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cá thu Cửa Lò... súp lươn với hương vị vừa ngon vừa lạ cũng là món ăn không thể bỏ lỡ mỗi khi ghé thăm Nghệ An. Nhắc đến Nghệ An, chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay tô súp lươn cay nóng, đậm đà, nức tiếng gần xa....