Nhớ lại Hà Nội 12 ngày đêm: Bắn “3 điểm” và “đón góc”, Sam 2 hạ B52
Tướng Phúc đang hào hứng kể về trận đánh B52. Ảnh: Việt Văn
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẻ vang của dân tộc, thắng lợi là chiến công chung của cả dân tộc; trong đó, lực lượng quân đội với đủ các quân-binh chủng đã đóng góp công lao to lớn.
Và trong số đó, binh chủng tên lửa được nhắc đến đặc biệt trong chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972 lịch sử. Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc- năm nay đã bước vào tuổi 81- vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông hào hứng nhớ lại những ngày tháng không thể nào quên đó…
Trong chiến dịch Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không tháng 12.1972, tướng Đỗ Văn Phúc khi đó là Tham mưu phó Sư đoàn Phòng không HN 361- mà nhân dân mệnh danh là sư đoàn “cận vệ đỏ”. Ông được phân công đặc trách tên lửa, ngồi trực ở sở chỉ huy 24h/24h…
(?) Thưa ông, việc bắn rơi pháo đài bay B52 thực sự là một chiến công làm kinh ngạc ngay chính người Mỹ có phải vì họ không tin vũ khí của ta khi đó còn quá thô sơ?
- Nói vũ khí ta thô sơ là không có căn cứ khoa học. Tên lửa trang bị cho quân ta hồi đó là tổ hợp tên lửa Sam 2 của Liên Xô (cũ) đủ thông số và độ cao để bắn B52, độ cao của tên lửa là 27km, cự ly là 34km, trong khi B52 bay cao 10km.
Video đang HOT
Điểm đặc biệt ở đây là vũ khí, khí tài của Liên Xô (cũ), nhưng “bàn tay vàng” là của người VN, ở đây là kíp trắc thủ tên lửa phòng không trực tiếp bắn rơi B52.
Thắng lợi lớn nhất của ta là biết vạch nhiễu tìm thù, bắn diệt, tiêu diệt địch trong tình trạng nhiễu nặng. Chính Tổng thống Mỹ Nixon khi đó cũng không tin Sam 2 bắn được B52. Nhưng quả thực kíp trắc thủ là những “bàn tay vàng”, chỉ có 5 người thôi – như 5 anh em trên 1 chiếc xe tang – đoàn kết, hợp đồng tác chiến nhịp nhàng bắn rơi B52. Vì thế, sau này khi về hưu, tôi đã viết ca khúc “Kíp săn B52″ để ca ngợi những trắc thủ tài hoa. Ca khúc này đã được đăng vào cuốn sách kỷ niệm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” cùng bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
(?) Đâu là trận đánh lớn nhất quyết định trong 12 ngày đêm, thưa ông?
- Đêm 26.12.1972 là 1 trận đánh tiêu diệt lớn, quyết chiến chiến lược, là một đòn đánh rất mạnh, quyết định thắng lợi chiến dịch Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Đó là trận đánh ta đã huy động tổng hợp lực lượng của tên lửa, pháo cao xạ, không quân và dân quân tự vệ, đánh đòn hiệp đồng quân-binh chủng rất mạnh. Không quân cất cánh bay lên đánh xa làm cho đội hình bảo vệ B52 dãn ra, tạo điều kiện cho tên lửa vòng trong tập trung đánh vào mục tiêu.
Dân quân tự vệ đánh máy bay bay thấp F4 ở dưới. Về cách đánh của tên lửa Sam 2, bây giờ đã có thể công bố. Phương pháp thứ nhất là bắn 3 điểm, bắn trong điều kiện địch gây nhiễu rất mạnh. Nó giống như màn hình bạn đang xem bị mất tín hiệu thành nhiễu sóng. Máy bay địch đã gây nhiễu làm cho màn hình radar của ta bị nhiễu sóng không nhìn thấy mục tiêu.
Cách đánh là phải làm sao để đài radar, tên lửa của ta và máy bay địch luôn luôn trên 1 đường thẳng, đòi hỏi trắc thủ của ta phải giỏi tính toán, có “bàn tay vàng” và con mắt rất tinh tường thì mới làm nổi.
Phương pháp thứ hai là đón trước được góc. Địch gây nhiễu, nhưng càng vào gần thì cường độ nhiễu càng giảm, mục tiêu càng rõ. Trắc thủ nhìn thấy mục tiêu trên màn hiện sóng, sẽ để tên lửa bắn đón góc, tên lửa là ngòi nổ vô tuyến, để đến khi cách máy bay khoảng 60m thì ngòi nổ vô tuyến làm việc. Nó sẽ tạo ra áp lực rất mạnh, tên lửa nổ và 12.000 mảnh tên lửa trùm vào máy bay.
Cái tài của trắc thủ ta là lúc đầu khi địch gây nhiễu, thì trắc thủ dùng phương pháp 3 điểm. Khi anh em phát hiện mục tiêu thì chuyển sang phương pháp đón góc; trước bằng quay tay, giờ là tự động. Đó là đêm tiêu diệt B52 nhiều nhất, làm địch hoảng và đến đêm 29.12, B52 đã không dám vào đánh HN mà đánh ở Thái Nguyên và Bắc Giang. Trong nghệ thuật quân sự, để chiến dịch thắng lợi phải có 1-2 trận tiêu diệt lớn. Trong chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm, có 2 đêm như thế. Đêm 20.12 bắn rơi 7 chiếc B52, 5 chiếc rơi tại chỗ và đặc biệt là đêm 26.12 bắn rơi 8 chiếc, 6 chiếc rơi tại chỗ.
(?) Thưa ông, vì sao các tướng lĩnh VN phần lớn không được học bài bản lại có thể đánh thắng trong nhiều trận chiến với các tướng lĩnh quân sự nổi danh của nước ngoài?
- Tôi không phải nhà nghiên cứu sử học hay nhà nghiên cứu chiến lược quân sự, nhưng qua thực tế chiến đấu, tôi nhận thấy tướng lĩnh VN dù không được đào tạo bài bản (sau này có một số được đào tạo bài bản), nhưng ta có một nền văn hóa rất VN, bắt nguồn từ truyền thống cha ông ta chống xâm lược, luôn luôn được con người VN phát huy. Các tướng lĩnh VN đã học lịch sử và nghệ thuật chiến tranh của cha ông ta, đó cũng chính là văn hóa VN.
Tướng lĩnh VN có lòng yêu nước và chí căm thù giặc, ra trận không chỉ bằng lòng dũng cảm mà đều rất chịu học, học từ thực tiễn, kinh nghiệm chiến trường. Và yếu tố quan trọng nhất không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Bác chính là nhà tư tưởng quân sự vĩ đại, các tướng lĩnh kính yêu, học tập và tiếp thu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không được đào tạo cơ bản nhưng được gần Bác, cộng với trí thông minh của Đại tướng và qua thực tiễn chiến đấu đã biết vận dụng linh hoạt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh “tiến chắc đánh chắc”, Đại tướng vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh, chuyển hóa thành phương châm “Thần tốc, thần tốc và thần tốc. Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa hướng tới miền Nam”.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc – nguyên Tùy viên quân sự Việt Nam tại Liên Xô (cũ), Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Pháo binh, Phó Trưởng phòng huấn luyện Học viện Quân sự cấp cao, Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân… Sinh ra tại quê hương quan họ Bắc Ninh, nhưng phần lớn cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với HN.
Từng tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong có chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, từng được cử sang Liên Xô (cũ) học tại Học viện Pháo binh Kalinin tại Leningrad trong 6 năm – từ 1957-1963, từng là Lữ đoàn trưởng đơn vị pháo binh 351 tham gia chiến dịch biên giới năm 1979… Ông nghỉ hưu năm 1994, hiện sống tại TPHCM, ông mua sách nhạc tự học và đã viết 8 ca khúc tri ân những mảnh đất, con người đã qua, về Quân chủng Phòng không-Không quân, kíp săn B52… Đã 10 năm nay, ông sống với một quả tim nhân tạo…
Theo laodong
Cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng
Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không", ngày 28-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật Đoàn Cựu chiến binh dân quân tự vệ trực tiếp tham gia chiến dịch.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay thăm hỏi Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân cùng các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu 12 ngày đêm đánh máy bay B52 của Mỹ
Vinh dự và phấn khởi có mặt tại Phủ Chủ tịch để báo công lên Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân (PKKQ), cựu chiến binh dân quân tự vệ trực tiếp tham gia chiến dịch ngày ấy đã cùng nhớ lại những ngày tháng hào hùng lịch sử 40 năm về trước. Trong bối cảnh miền Bắc tập trung chi viện cho chiến trường miền Nam, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, trang bị vũ khí vừa thiếu về số lượng vừa lạc hậu so với không quân Mỹ, bộ đội PKKQ đã xây dựng thế trận phòng không 3 thứ quân rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp, bắn rơi 81 máy bay trong đó có 34 máy bay B52, làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Chiến công oanh liệt của 12 ngày đêm lịch sử đã khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Trung ương Đảng, thể hiện tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh, ý chí kiên cường của quân và dân miền Bắc. Trong chiến đấu, nhiều tấm gương anh hùng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đã tỏa sáng, biểu trưng rạng ngời của truyền thống văn hóa và trí tuệ Việt Nam. Ghi nhớ công lao của các cựu chiến binh dân quân tự vệ, thời gian qua, Quân chủng PKKQ đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức gặp mặt, giao lưu nói chuyện truyền thống, xây dựng 45 nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, thăm và tặng quà các gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh cựu chiến binh, tu sửa 13 tượng đài, bia tưởng niệm, di tích lịch sử chiến thắng B-52.
Biểu dương chiến công nghìn đời không quên của các anh hùng, chiến sĩ, dân quân tự vệ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, 40 năm nhìn lại, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"- niềm tự hào của cả dân tộc, mãi là nguồn lực tinh thần lớn lao, sâu sắc, khích lệ thế hệ trẻ hôm nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ANTD
Dũng mãnh tên lửa Việt Nam Là đơn vị đầu tiên bắn rơi tại chỗ B-52 trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" và cũng là trong toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đoàn Tên lửa 93 giờ đây với hệ thống S-300 tối tân, luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Cùng đoàn cán bộ học viên Học viện Đà Lạt đến...