Nhớ hoài cháo cá chép mẹ nấu cho con
Ngày tôi mang bầu con gái nhỏ, mẹ tôi tuần nào cũng nấu cho một nồi cháo cá chép.
Mẹ bảo: Bà chửa mà ăn cháo cá chép thì sau con sinh ra sẽ thông minh, trắng trẻo. Tôi nghe mẹ nói vậy, lần nào cũng an nhàn thưởng thức món ăn vừa ngon miệng mẹ lại vừa bổ con.
Thường mẹ sẽ đi chợ buổi sáng, chọn con cá chép tươi, mình dày, dài, bụng nhỏ dẹp là cá chép ngon. Về nhà, mẹ vừa làm cá vừa ngâm gạo. Cá được mổ bụng, bỏ ruột, làm sạch, bóp muối gừng cho hết mùi tanh.
Nước đã được thêm vài lát gừng đun trên bếp đến khi sôi mới thả cá vào luộc với mấy nhánh thì là làm dậy lên mùi thơm ngọt mát.
Cá chép luộc chín. Trong lúc chờ cá nguội, mẹ đem gạo tẻ, gạo nếp, thêm nhúm đỗ xanh vo sạch, ngâm nở. Mẹ mang gọng kính tỉ mẩn ngồi gỡ hết xương sống xương dăm vì sợ cô “bé con” hai mươi mấy tuổi của mình bị hóc. Thịt cá lọc hết xương được tẩm ướp với chút nước mắm và hạt tiêu cho vừa thấm. Sau đó, phi thơm hành khô, bột nghệ, cho thịt cá khéo léo xào trên chảo để cá không bị nát.
Video đang HOT
Phần xương cá sau khi gỡ hết thịt, mẹ cũng tiếc chẳng bao giờ bỏ đi. Mẹ cho vào cối giã nhỏ, lọc lấy nước cốt trộn cùng với nước luộc cá để hầm cháo. Nước cốt không chỉ giúp nồi cháo thêm ngon, ngọt mà còn tận dụng được tối đa lượng can xi.
Chiều chiều, mẹ luôn canh thời gian gần lúc tôi đi làm về, cho thịt cá vào nồi cháo đun lên cho nóng để khi tôi về đến nhà là kịp ăn. Múc cháo ra bát, mẹ còn để mấy cọng thì là lên trên vừa “đúng bài” vừa trang trí.
Mẹ tôi, cũng như bao bà mẹ khác được truyền lại từ những bà mẹ thời trước đều tin rằng cháo cá chép là một bài thuốc an thai. Về sau, tôi – bà mẹ sống trong thời kỳ phổ cập thông tin, có điều kiện đọc tài liệu nhiều hơn mẹ thì biết thêm rằng món cháo này ngoài tác dụng an thai, còn giúp thông sữa, bồi bổ sức khỏe, điều hòa khí huyết, làm giảm mệt mỏi cho mẹ. Đồng thời, các dưỡng chất trong cá chép còn có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ.
Và bà mẹ của hai cô gái là tôi bây giờ lại ngồi viết những dòng này để lưu lại công thức cháo mẹ nấu ngày nào, sau này lại nấu cho hai cô gái của mình.
Cháo cá ngày mưa
Hà Nội mưa, cái mưa rấm rứt của tháng Ngâu. Sáng cuối tuần, qua ô cửa sổ, cô lặng ngắm phố chìm trong màn mưa. Cô thầm nghĩ: "Thời tiết này đãi cả nhà món cháo cá chắc là hợp lý hơn cả". Khép nhẹ cánh cửa để các "tình yêu" ngủ thêm chút nữa, cô xách làn đi chợ.
Bởi đi chợ sớm, nên cô chọn được con cá chép thật ưng ý. Con cá tươi rói, khoảng 8 lạng, mình dày, vẩy óng lên. Cá chép dùng nấu cháo rất ngon bởi vị ngọt thanh nhẹ, lại nhiều chất bổ dưỡng. Lượn một vòng chợ, cô đã mua đủ các gia giảm, nguyên liệu cần để nấu món cháo cá chép.
Để món cháo cá không bị tanh, người nội trợ khéo cần có một vài bí quyết nho nhỏ. Về tới nhà, cô sơ chế cá sạch sẽ, đặc biệt, cô cạo sạch phần đen bên trong bụng cá để loại bỏ mùi tanh. Cẩn thận hơn, cô còn rửa lại bằng nước pha chút gừng và dấm thanh.
Bắc nồi nước lên bếp, cô luộc cá cùng với một nhánh gừng đập dập, chút muối. Chờ cho cá chín, cô vớt ra, cẩn thận gạn lấy nước luộc để riêng. Sau đó, cô tỉ mẩn lọc thịt cá. Khâu này phải làm thật cẩn thận để tránh bị lẫn xương.
Lúc này, cô bắc bếp nấu cháo. Gạo trắng và đậu xanh được vo qua, ngâm với nước ấm chừng 30 phút rồi nấu với nước luộc cá. Chờ cháo sôi, cô hớt bọt rồi hạ lửa liu riu hầm cho cháo nhừ.
Trong khi nồi cháo sôi lục bục trên bếp, cô chuẩn bị một số nguyên liệu khác. Nấm được ngâm trong nước ấm rồi thái nhỏ. Cà rốt cắt hạt lựu. Hành khô bóc vỏ, xắt mỏng, để riêng. Củ nghệ tươi được thái chỉ. Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi. Cô phi thơm hành khô rồi cho các nguyên liệu vào xào cùng với thịt cá. Nêm một chút gia vị, mì chính thật nhẹ rồi bắc ra.
Lúc này, hương thơm của gạo mới, đậu xanh từ nồi cháo đang sôi nhẹ nhàng lan trong căn bếp nhỏ. Cô nếm thấy cháo đã chín nhừ, liền trút toàn bộ phần thịt cá và các nguyên liệu vừa xào vào nồi rồi đảo đều.
Trước khi múc cháo ra các bát, cô "nêm" thêm một chút nước mắm ngon vào nồi cháo. Chẳng để mẹ gọi, các "tình yêu" đã vào bếp, sắp xếp bàn ăn. Từng bát cháo cá nóng hổi, rắc hành thì là thơm nức được bưng ra bàn.
Trong tiết trời mưa gió, được thưởng thức món cháo cá thật tuyệt. Bát cháo có màu vàng sanh sánh của đậu xanh, những miếng thịt cá trắng xen cùng cà rốt đỏ, nấm nâu bóng, thấp thoáng hành thì là xanh ngắt.
Khẽ múc một thìa đưa lên miệng, cô cảm nhận sự sánh nhuyễn của cháo và đậu xanh kết hợp với thịt cá chép và các loại gia vị, củ quả ngọt thanh thật tinh tế. Gẩy thêm chút hạt tiêu bắc vào bát cháo, vừa ăn vừa xuýt xoa một chút mới "dậy vị" làm sao.
Đôi khi, do bận rộn nên cô không thể nấu cháo cá tại nhà nên cũng ra hàng thưởng thức món ăn này cùng bạn bè. Hà Nội có nhiều quán cháo cá khá ngon.
Quán cháo Đoan Xồm nằm trên đường Hàng Bông tuy cũ kỹ nhưng lại thu hút khá nhiều thực khách bởi hương vị thơm ngon và cháo được nấu sánh nhuyễn.
Cháo cá Bắc Ninh ở Chùa Láng mang hơi thở và hương vị của vùng Kinh bắc. Nguyên liệu chính là cá trắm, được thái miếng to, không nát và không bở.
Đường Giảng Võ có quán cháo cá nằm ở vị trí khá đẹp. Cháo được nấu cùng đậu xanh nên dậy vị bùi thơm. Cá của quán được gỡ nhỏ lẫn vào cháo chứ không chiên vàng như các quán khác.
Món cháo cá tuy bình dị nhưng đủ khiến ta thêm chút ấm áp trong những ngày mưa.
Món sườn non rim mặn muốn thơm ngon phải cho thêm thứ này mới tuyệt hảo Món sườn non rim mặn muốn thơm ngon phải cho thêm thứ này mới tuyệt hảo, khiến ai ăn một lần cũng ghiền. Những món ăn ngon từ sườn luôn biết cách làm hài lòng vị giác của gia đình bạn. Vào những ngày chưa biết ăn gì thì bạn hãy thử món sườn rim chua ngọt để đổi vị cho cả nhà...