Nhớ da diết những chiều 30 Tết
Tôi nhớ da diết những chiều 30 Tết, khi nhà đã không còn hột bụi, khi khói đốt đống lá cây cuối cùng bay lên bảng lảng, tivi phát chương trình Chiều cuối năm, ba tôi đốt một nén hương trầm trên ban thờ tổ tiên, má tôi làm cơm cúng tất niên.
Tôi hay ngóng Tết về từ độ gió chướng cuối năm. Gió chướng, đúng như tên gọi của nó: khó chịu, ngang ngạnh, khô và lạnh. Gió đùng đùng cả ngày theo từng cơn thốc đám lá cao su, lá điều tứ tung đầy nhà đầy sân. Nhỏ em cầm chổi quét đằng trước gió lại quẩn lá về phía sau, những sáng thức dậy sớm, chúng tôi tranh nhau đốt lá cao su hơ tay sưởi ấm. Thỉnh thoảng, vài hạt điều sót lại nổ lép bép và dậy mùi thơm béo ngậy.
Gió chướng về, rau muống ra hoa, mía trổ cờ, ngoài đồng những con cá rô béo núc ngược dòng nước từng đàn.
Từ trước khi gió về là má đã làm đất gieo rau xà lách, thì là, rau mùi. Có gió xuống đám xà lách vừa vặn kịp cuộn lại, búp non mơn mởn. Rau này mà nấu canh cá với cà chua rồi chấm, hay cuộn chả giò chiên chấm nước mắm thì ngon hết sẩy.
Từ độ đưa ông Táo về trời là thời gian như cứ trôi vèo vèo, ba tôi vặt lá cho mấy gốc mai rồi sáng chiều chắp tay đi quanh ngó nghiêng tính toán xem thời tiết này mai có nở kịp không. Có khi ngủ nửa đêm thấy trời trở lạnh, ba còn lật đật trở dậy lấy bóng đèn ra thắp ủ ấm cho cây mai. Với ba, có cây mai mới ra Tết, mà còn phải là mai do chính tay ba chăm sóc.
Mấy anh chị em họ chúng tôi có thói quen đi chợ Tết cùng nhau vào những ngày 30. Từ khi chúng tôi còn là những đứa bé đạp xe đạp hẹn nhau ở đầu chợ, xin ba má được ít tiền đi chợ Tết, đến khi đã là những đứa trẻ lớn đầu thì chợ Tết luôn là một điều đặc biệt. Đó là phiên chợ rộn ràng và đầy sắc màu, người mang ra những xếp lá dong, lá chuối, người mang ra mấy con gà trống, những cây phát tài, những rổ trái cây hái từ vườn nhà.
Ở một góc chợ, có những người bán cả những cành mai rừng to đùng và rất dài thu hút cánh đàn ông đứng xem và bàn tán. Phụ nữ thì khỏi phải nói, các chị các mẹ ai cũng khệ nệ xách hai ba giỏ đầy ắp thị thà rau củ. Chợ quê mà, nghỉ Tết cũng phải ra mùng mới bán lại chứ không như ở thành phố có sẵn siêu thị mở cửa xuyên Tết.
Video đang HOT
Tết cuốn cả nhà vào sự bận rộn không rõ ràng, làm xong việc này lại thấy phải làm việc kia. Những bận rộn mà người ta than thở đó nhưng rồi lại ngóng chờ trong nhớ thương, chộn rộn. Phải chợ ngó nghiêng hoa cỏ, mấy chậu quất kiểng, bông cúc rồi ỏng eo chê mắc xong rồi vẫn mua “mua về sớm chưng cho có không khí Tết, chờ chi tới chiều 30, hết Tết mất rồi còn đâu”- má nói vậy.
Phải đi tới đi lui mấy nhà trong xóm hỏi nhau một câu “Sắm Tết tới đâu rồi”, nghe người ta trả lời mới thấy không khí Tết. Phải lôi hết chén dĩa, ly tách ra rửa, lôi chăn lôi mền ra giặt phơi kín bờ rào, lau ban thờ, lau bát nhang, quét mạng nhện sạch bóng nhà cửa, cho có không khí Tết. Phải bày ra mấy trái dừa nạo làm mứt, sên đường, bày ra mấy ký gạo gói mấy cái bánh chưng, làm ít dưa hành củ kiệu đau muốn gãy cái lưng rồi đắp mền mở Táo quân, chuẩn bị sẵn đống củi chờ giao thừa châm lửa cho có không khí Tết.
Tết mà!
Tôi nhớ da diết những chiều 30 Tết, khi nhà đã không còn hột bụi, khi khói đốt đống lá cây cuối cùng bay lên bảng lảng, tivi phát chương trình Chiều cuối năm, ba tôi đốt một nén hương trầm trên ban thờ tổ tiên, má tôi làm cơm cúng tất niên. Cái mùi hương trầm ba tôi đốt những chiều đó không lẫn vào bất cứ ngày nào khác.
Bởi thế những chiều 30 khi nắng chếch sau hè, tôi hay ngồi ở mé hiên nhà tận hưởng từng phút giây như gần như xa. Bởi phải mất 364 ngày sau mới lại được gặp một chiều bình yên ấm cúng như thế, với những đổi thay chẳng ai đoán định.
HUYỀN TRẦN
Theo thegioitiepthi.vn
Một bếp lửa to nhất trong năm
Bỏ lại một năm bộn bề nơi phố thị, nơi những vòng quay của bánh xe mải miết nhả khói bụi trùm phủ thời gian, tôi về quê mẹ trong một chiều cuối năm.
Vẫn lối nhỏ nâng niu bước chân tôi, hai bên cỏ màn trầu xanh mướt xòe nở như những bông hoa sắc nhọn, những cánh lá mỏng manh khẽ cứa vào tuổi thơ những vết xước ngọt ngào.
Từ căn bếp, làn khói mỏng bay lên như những sợi mây hờ hững về trời. mùi khói chạm vào nỗi nhớ, chạm vào những cái Tết xưa.
Tôi đẩy cánh cổng gỗ bước vào. Mẹ đang lúi húi trong bếp, bên nồi bánh chưng to. Và bên cạnh vẫn là hai phên cá nướng. Mẹ lặng lẽ cầm que cời bếp lửa. Mùi khói sực lên nồng đượm.Gửi Biên Tập
Tôi nhớ Tết của một thời tuổi cũ. Năm nào mới đến giêng hai cũng đã đếm ngược thời gian để mong tết quay về. Mà tết nào cũng say trong mùi khói và cái roi mây cha phải rút khỏi mái hiên.
Cánh đồng hoa. Ảnh: Dương Thanh Xuân.
Nghe đến Tết là háo hức. Tết là manh áo mới, là tiền lì xì, là tranh nhau xác pháo trước hiên nhà, là trông nồi bánh chưng và phên cá nướng. Năm nào cũng thế, chiều 29 là mẹ tôi sang nhà bác cả, lấy thịt lợn đụng để mang về gói bánh. Tôi ở nhà lau lá dong. Gạo nếp, đỗ xanh, mẹ tôi đã chuẩn bị đủ. Còn cha tôi thì cùng các bác ra đánh cá ở sông Tích. Anh tôi là con trai nên được đi theo, tôi muốn lắm nhưng không được, trong lòng ấm ức. Mẹ tôi dỗ dành: "Con là con gái"... Con gái thì đã sao? Tôi vùng vằng. Mẹ bảo tôi bướng bỉnh.
Tối 29 cả ngõ nhà tôi rộn ràng gói bánh. Lũ chúng tôi chạy lăng xăng làm chân sai vặt. Rồi chẳng biết ngủ quên lúc nào trên chiếu, đến khi tỉnh giấc, những cái bánh chưng xanh, vuông vắn, có buộc những sợi giang mỏng tang, trắng tinh đã được xếp ngay ngắn trong nồi. Cha không quên gói cho tôi và anh, mỗi đứa một cái bánh chưng con. Cha xuống bếp hì hụi nhóm lửa. Những cành củi chưa kịp khô sau những trận gió bấc mưa phùn. Là khói! Khói sực lên ngai ngái, cay cay. Khói vương vào mái tranh, dùng dằng không bay lên trong màn đêm gần sáng. Khói đọng lại trong cổ họng, nuốt vào, khạc ra đều không được. Hai hàng nước mắt tôi trào ra. Mẹ đuổi tôi lên nhà. Nhưng tôi vẫn muốn xem cha nhóm lửa. Cả một năm, tôi mới được nhìn bếp lửa lớn và ấm áp đến nhường này. Khi bếp lửa cháy đều, tôi lên nhà ngủ nốt giấc ngủ còn dang dở. Trong giấc mơ là khói, quyện vào bánh chưng xanh. Có lúc, khói đọng lại trong chiếc bánh chưng con của tôi. Tôi ăn không được, tức tưởi khóc trong mơ rồi choàng tỉnh.
Chơi đùa đợi Tết. Ảnh: Dương Thanh Xuân.
Chiều 30 Tết, anh trai theo bố đi tảo mộ. Mẹ tôi tranh thủ ra chợ mua sắm nốt những gì còn thiếu. Tôi phải ở nhà trông nồi bánh chưng và 2 phên cá nướng. Nồi bánh chưng bốc hơi lên nghi ngút. cá nướng tai tái, tỏa ra mùi thơm ngầy ngậy. Những nan tre bị cháy sém, hằn trên những miếng thịt cá chắc nịch. Lửa cháy rừng rực. Đôi má tôi chín đỏ trong chiều cuối năm gió rét mưa phùn.
Cha dặn tôi phải thêm nước vào nồi bánh, phải lật phên cá để cá chín cho đều. Nhưng ngồi bên bếp lửa, ánh lửa bập bùng như một vũ điệu thôi miên. Rồi không biết tôi ngủ thiếp đi lúc nào. Đến khi tỉnh dậy, hai phên cá đã cháy khét lẹt. Hoảng quá, nhưng không biết làm sao. Tiếng cha tôi đã vang vang nơi đầu ngõ. Thế là chiều 30 Tết cha lại rút roi mây khỏi mái hiên. Tôi bị ăn roi vì làm cháy mất hai phên cá nướng. Đã dặn thế rồi mà còn ngủ quên. Anh tôi đứng ngoài lấy hai tay kéo ngoác miệng ra trêu. Tôi ức lắm mà không khóc được. Nhìn những miếng cá cháy đen, lòng tôi đắng ngắt.
Những sợi khói vi vút, âm thầm len lỏi vào trong tôi. Nhưng chỉ chiều 30 như vậy thôi. Chẳng Tết nào tôi buồn cả. Vì chỉ cần đến khi những chiếc bánh nóng hổi được vớt khỏi nồi, hai anh em tôi tranh nhau tìm bánh chưng con, thì những miếng cá cháy và cái lằn roi mây ở mông cũng tan biến hết. Chỉ còn nỗi thèm thuồng được cắn một miếng bánh mềm béo ngậy mà mỡ ở nhân bánh sẽ chảy ra nhếnh nhoáng cả hai bên mép. Vừa ăn vừa thổi, vừa xuýt xoa. Nhưng đứa nào cũng tiếc, chẳng muốn ăn mất cái bánh của mình. Cứ thế, cái bánh chưng con theo anh em tôi hết cả mấy ngày tết.
Tôi nhớ đêm giao thừa, khi thắp hương ở bàn thờ tổ tiên và làm lễ ở ngoài sân xong, cha tôi châm lửa đốt pháo. Cả xóm nhỏ bừng lên xôn xao. Những quả pháo đỏ như một tràng hoa bắn những tia lửa chói sáng và rực rỡ trong màn đêm thâm u. Rồi tan. Chỉ còn mùi khói và xác pháo tả tơi như những cánh hoa rụng cuối mùa. Hai anh em tôi ùa ra tìm pháo xịt.
Bỗng mẹ vỗ vào vai tôi làm tôi choàng tỉnh. Trước mặt là nồi bánh chưng và phên cá của năm nay. Những sợi khói mỏng vấn vít làm khóe mắt cay. Sao mẹ vẫn gói nhiều bánh và nướng nhiều cá thế, có ai ăn đâu? À, để cho con được tìm về với mùi Tết của một thời tuổi cũ.
NGUYỆT CHU
Theo thegioitiepthi.vn
30 Tết vợ ra chùa cúng tất niên nhưng lại để cả "đồ bảo hộ" vào giỏ đồ lễ, thấy lạ chồng đi theo thì choáng nặng Đi theo vợ qua tận 3 ngôi chùa rồi vẫn chưa em thấy vào chùa nào, cho đến khi em rẽ vào con ngõ hẻm thì tôi choáng nặng. Trời đất ơi, em cúng tất niên ở đây ư? Không thể tin nổi. Từ hồi mở quán quần áo, vợ tôi lại tín hay thắp hương và đi lễ đều đặn. Nay 30...