“Nhìn tàu TQ, tôi thấy nhói trong tim”
Nhìn các tàu TQ đông đảo, to lớn lao vào các tàu chấp pháp của VN nhỏ hơn để tấn công gây thương tích, tôi thấy nhói trong tim. Cái gì sẽ diễn ra tiếp? – nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vừa biên thư gửi bạn bè của bà trên khắp thế giới để nói về việc TQ xâm phạm chủ quyền VN.
VietNamNet trân trọng giới thiệu bức thư này:
Các bạn thân mến,
Nhiều bạn hỏi tôi: Cái gì đang xảy ra ở VN? Nhân dân VN đã chiến đấu bao nhiêu năm, chịu bao nhiêu hy sinh gian khổ, chẳng nhẽ phải tiếp tục đấu tranh? Tại sao TQ có thể xâm phạm chủ quyền của VN?
Chính trước đây TQ đã tích cực ủng hộ VN chống sự xâm lược của Mỹ? TQ là nước “ xã hội chủ nghĩa” do một Đảng Cộng sản lãnh đạo, có lẽ nào như vậy? Đó cũng chính là những câu hỏi mà tôi và nhân dân VN tự hỏi.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: Dân Trí
Các bạn đã từng ủng hộ chúng tôi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, 30 năm ròng rã. Chắc các bạn hiểu cái giá to lớn mà nhân dân chúng tôi phải trả để có hòa bình độc lập và thống nhất đất nước. Hơn ba triệu người đã hy sinh, một đất nước tan nát và hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, đặc biệt với hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam mà không cách nào chạy chữa.
Năm 1974, khi còn chiến tranh, TQ đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN. Sau chiến tranh, Mỹ cấm vận VN 20 năm. Chiến tranh với Mỹ vừa chấm dứt, sau nhiều năm gây hấn ở biên giới phía Bắc, TQ đã kéo hơn 20 vạn quân sang để “dạy cho VN một bài học”. Không biết đó là bài học gì? Mà sao cắt nghĩa được khi một nước “xã hội chủ nghĩa” lớn lại đánh một nước “xã hội chủ nghĩa” nhỏ, vừa ra khỏi chiến tranh? Vậy mà đó là sự thật! Năm 1988, TQ lại đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Ngày nay, nhân dân VN đang cố gắng xây dựng lại đất nước, từng bước phát triển, gặp vô vàn khó khăn và thử thách. Và tuy hết sức nỗ lực, VN còn rất nghèo, nên VN làm hết sức mình để tạo môi trường hòa bình, ổn định, sẵn sàng hợp tác với các nước để phát triển.
Ngay với Mỹ, nước đã gây ra cho chúng tôi bao nhiêu đau khổ, VN chủ trương nhìn về tương lai, gác lại quá khứ. Đối với TQ, nước láng giềng lớn, mặc dầu có những thăng trầm trong lịch sử hai nước và giữa VN và TQ còn những tranh chấp cần được giải quyết, song chúng tôi nghĩ nhiều về việc hai dân tộc đã sát cánh với nhau trong đấu tranh giải phóng, nên VN luôn luôn mong có quan hệ tốt với TQ, chủ trương mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Trên thực tế chúng tôi đã xử sự như thế, khiêm nhường và kiềm chế.
Video đang HOT
Cái gì sẽ diễn ra tiếp?
Nhưng như các bạn đã biết, ngày 2/5 vừa qua, TQ đã cho đặt một giàn khoan khổng lồ để khai thác dầu khí vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN với sự hỗ trợ của trên 100 tàu, trong đó có tàu quân sự và máy bay.
Đây là hành động hết sức nghiêm trọng, xâm phạm chủ quyền của VN, vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982. Về phía VN, một mặt chúng tôi đã dùng con đường ngoại giao và các kênh quan hệ khác, đồng thời cử một số tàu chấp pháp ra yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền của VN, rút giàn khoan đi. Đến nay, TQ không những không đáp lại thiện chí của VN, mà càng hành động hung hãn.
Nhìn thấy hình ảnh các tàu TQ đông đảo, to lớn lao vào các tàu chấp pháp của VN nhỏ hơn để tấn công gây thương tích, tôi thấy nhói trong tim. Cái gì sẽ diễn ra tiếp?
Dư luận thế giới rất lo ngại hành động của TQ ảnh hưởng đến cả an toàn và tự do hàng hải quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh của cả khu vực. Phía TQ lại đổ lỗi việc đang xảy ra là do VN khiêu khích. Ai có thể tin một nước VN dân số bằng 1/15 của TQ, thu nhập GDP nhỏ hơn TQ 50 – 60 lần, đang cố gắng vượt qua tình trạng một nước nghèo, chậm phát triển lại có thể khiêu khích TQ?
Những nhà lãnh đạo TQ nói chính sách của TQ là “trỗi dậy hòa bình”, rằng trong dòng máu TQ không có”gien xâm lược, gien xưng bá”. Vậy TQ giải thích thế nào với tuyên bố chủ quyền trong “đường lưỡi bò 9 đoạn” nhằm độc chiếm cả biển Đông, bất chấp cả luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước luật biển 1982 của Liên hiệp quốc, bất chấp sự phản đối của cả thế giới?
Độc lập, tự do, chủ quyền là điều thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Nhân dân VN đấu tranh đến cùng để bảo vệ những mục tiêu đó. Đồng thời, nhân dân chúng tôi rất cần hòa bình và hữu nghị để phát triển, để người dân VN, phụ nữ và trẻ em có cuộc sống khá hơn.
Chúng tôi tha thiết có hòa bình, một nền hòa bình công bằng, chân chính, lâu bền cho VN và tất cả các dân tộc trong khu vực và thế giới. Chúng tôi tha thiết có tình hữu nghị với TQ và với các nước khác, nhưng phải là một tình hữu nghị chân thành đích thực, biết tôn trọng lẫn nhau. Tôi tin rằng ở cương vị các bạn, các bạn cũng sẽ nghĩ như vậy.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn các bạn ủng hộ chúng tôi như trước đây đã ủng hộ. Trước mắt, yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của VN, tôn trọng chủ quyền của VN theo đúng luật pháp quốc tế.
Chúng tôi tin nếu chúng ta đoàn kết, hành động mạnh mẽ, công lý và luật pháp sẽ được thực hiện.
Thân ái gửi lời chào đến các bạn và cảm ơn những gì các bạn đã làm cho VN và sẽ làm cho VN.
Nguyễn Thị Bình
Bà Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1927 tại Đồng Tháp, là một trong những nhân vật có vai trò quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại. Bà là đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam tại hội đàm Paris, Bộ trưởng Giáo dục và Phó Chủ tịch nước của nước Việt Nam thống nhất sau này.
Theo VietNamnet
Mối nguy từ các dự án tổng thầu EPC rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc!
Hàng loạt dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC thời gian qua đã khiến dư luận giật mình vì sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trong nước.
Hơn 10 năm qua, thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí - NARIME (Bộ Công Thương) thì nhiều dự án trọng điểm thuộc những lĩnh vực an ninh năng lượng của nền kinh tế VN là thủy điện, nhiệt điện, ximăng, bauxite, sàng tuyển than... đều do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu với giá thấp, nhưng để lại những hệ luỵ như chậm tiến độ, điều chỉnh giá, đưa lao động phổ thông vào VN...
Phụ thuộc do Luật đấu thầu?
TS. Phạm Sỹ Thành, GĐ Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhìn nhận rằng sự phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu Trung Quốc mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Mối nguy từ việc doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu phần lớn các dự án "chìa khoá trao tay" (EPC) với những dự án trọng điểm mới là điều đáng lo ngại.
Viện Nghiên cứu cơ khí đưa ra con số, ngành công nghiệp ximăng có 24 nhà máy thì có đến 23 nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu EPC, tỉ lệ nội địa hoá trong nước rất thấp không lớn hơn 3% (phần lớn là 0%) do nhà thầu dành toàn bộ phần việc của thầu phụ, thậm chí mang cả người Trung Quốc sang làm những công việc giản đơn như khuân vác, phụ hồ...
Tương tự, với nhiệt điện đốt than, trong 20 dự án có tới 15 dự án nhà thầu Trung Quốc trúng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa 0%. Ngành công nghiệp nhôm và bauxite, cả 2 dự án bauxite do Tập đoàn CN Than- Khoáng sản VN làm chủ đầu tư đều do Trung Quốc làm tổng thầu EPC với tỷ lệ nội địa hóa chỉ vỏn vẹn 2%. Với các nhà máy sàng tuyển than, Vinacomin đầu tư 3 nhà máy thì cả 3 đều do Trung Quốc làm tổng thầu.
Trong 10 dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông, năng lượng, hoá chất, luyện kim của VN đều có nhà thầu Trung Quốc tham gia, trong đó phải kể đến như công trình đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông, đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Hà Nội- Lào Cai, nhà máy gang thép Lào Cai, nhiệt điện Duyên Hải 1, nhiệt điện Mông Dương 2... đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc..
Tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh - một trong những công trình do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Ảnh: Giang Huy
Lý giải cho việc này, nhiều quan chức có trách nhiệm thường đổ lỗi cho việc nhiều dự án vốn đầu tư phải vay từ Trung Quốc, họ đặt ra các điều kiện như phải mua thiết bị từ chính nước họ hoặc không được bảo hộ cho các nhà chế tạo thiết bị trong nước. Thứ hai, là Luật Đấu thầu ưu tiên đơn vị trúng thầu giá rẻ mà không chú ý đến nguồn gốc xuất xứ, không ưu tiên đúng mức tỷ lệ nội địa hóa. Do vậy hầu hết các dự án rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Khi đó, các nhà máy chế tạo của VN hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là cơ chế chính sách đã ban hành để hỗ trợ cho sản xuất trong nước đã bị các chủ đầu tư "biến tướng". Một số chủ đầu tư "ngại" dùng thiết bị sản xuất trong nước, thích nhập ngoại.. Hậu quả dẫn đến không ít dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu liên tiếp bị chậm tiến độ, yêu sách đội vốn đầu tư hoặc bài bây không thi công dẫn đến không ít hệ luỵ.
Doanh nghiệp VN phải tự chủ
GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Khoa học Kinh tế VN cho rằng, phụ thuộc vào Trung Quốc không khác nào "con dao 2 lưỡi". Dù là nước lớn nhưng ý đồ thâu tóm, không muốn các nước láng giềng phát triển nhanh về kinh tế, mà phải chịu phụ thuộc vào Trung Quốc là ý đồ không phải mới phát sinh từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 mà đã ngấm ngầm từ hàng chục năm nay.
Với động thái Trung Quốc dành được hầu hết các dự án trọng điểm làm tổng thầu EPC, một lần nữa cho thấy vấn đề an ninh năng lượng, an toàn, chất lượng các công trình trọng điểm của VN cần được đặt ra cấp thiết. TS Phạm Sĩ Thành cho biết, ở nhiều nước nếu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, họ có danh mục cấm các nhà thầu tham gia đấu thầu các công trình trọng điểm, nhưng VN hiện chưa có điều luật này.
Để khắc phục những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra trong tương lai, giải pháp được các chuyên gia đề cập là VN cần hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện hơn cho nhà thầu trong nước và vật tư, sản phẩm chế tạo trong nước. Đưa nguồn gốc xuất xứ hàng hoá vào tiêu chí đánh giá có mức độ ưu tiên cho phần dịch vụ thiết bị chế tạo trong nước, không chỉ xét tiêu chí giá rẻ, mà cần quan tâm đến vòng đời kỹ thuật dự án thì nhà thầu Trung Quốc sẽ hạn chế cơ hội trúng thầu.
Ngoài ra, việc VN tham gia tích cực vào các Hiệp định thương mại quốc tế cũng sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, với điều kiện các DN VN ngày càng mạnh lên để có nội lực so găng với đối thủ sát vách "lắm võ nhiều mưu".
Theo Hoàng Quân
Lao động
Đài Trung Quốc "hân hoan" đưa tin tàu Việt Nam bị đâm Ngày 3/6, Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc hân hoan loan tin tàu của Trung Quốc đã phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam và gây hư hại một tàu khác của Việt Nam tại khu vực giàn khoan Hải Dương- 981 trên Biển Đông. Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị hư hỏng do tàu Trung Quốc đâm va Đài phát...