Nhìn ROE đầu tư: “Đường dài mới biết ngựa hay”
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là chỉ tiêu quan trọng khi xem xét hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, xem xét ROE trong bộ lọc cổ phiếu, cần nhìn trong mối tương quan với nhiều chỉ số tài chính khác và trong chiều dài lịch sử, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp…
Trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhiều mã cổ phiếu đã trở thành gương mặt quen thuộc trong bảng xếp hạng có mức ROE cao. Có thể kể đến những cái tên như NTC (CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên), SCS (CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn), D2D (CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2), NCT (CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài), VCS (CTCP Vicostone), DSN (CTCP Công viên nước Đầm Sen), BAX (CTCP Thống Nhất), VCF (CTCP Vinacafe Biên Hòa), MSH (CTCP May Sông Hồng), VNM (CTCP Sữa Việt Nam), SGN (CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn), MWG (CTCP Thế giới di động), VJC (CTCP Vietjet), VHC (CTCP Vĩnh Hoàn), LIX (CTCP Bột giặt Lix), FMC (CTCP Thực phẩm Sao Ta), TV2 (CTCP Tư vấn xây dựng điện 2)…
Trong số này, NTC thường xuyên duy trì mức ROE trên 25%, ít nhất từ năm 2015 trở lại đây. Riêng năm 2016, ROE của NTC là 97%.
Thành tích của ROE đến từ lợi thế cạnh tranh trong ngành (về diện tích, vị trí khu công nghiệp và còn đến từ nguồn cung đất cao su giá rẻ). Ngoài ra, NTC cũng có thể được xem là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính khá hiệu quả, với khoản doanh thu chưa thực hiện lớn – được xem là của để dành của doanh nghiệp.
Cổ phiếu D2D cũng đang tạo ấn tượng mạnh với giới đầu tư nhờ kết quả kinh doanh tăng vọt trong 9 tháng đầu năm nay.
Việc cho thuê hạ tầng khu công nghiệp và doanh thu Dự án Khu dân cư Lộc An. ROE qua các năm của D2D tăng trưởng ổn định từ mức 14% năm 2015 lên 20,99% năm 2018.
Tính đến cuối tháng 9/2019, D2D có hơn 1.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tương đương 62% tổng tài sản Công ty. Việc nắm giữ nhiều tiền gửi ngân hàng (một phần do được khách hàng ứng trước) đã giúp doanh thu tài chính D2D tăng mạnh.
Chiếm lĩnh thị trường sữa Việt Nam, VNM đã có nhiều năm tăng trưởng liên tục, đi kèm theo đó là chỉ tiêu khả năng sinh lời trên vốn cũng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, do tác động giá nguyên liệu và cạnh tranh trên thị trường, ROE của VNM đang có sự sụt giảm từ năm 2018 đến nay.
Trong lĩnh vực dịch vụ cảng hàng không, có nhiều mã đóng góp vào danh sách những cổ phiếu có ROE cao nhất trên sàn như NCT, SGN, SCS và AST.
Các doanh nghiệp ngành này giới đầu tư nhìn nhận nhờ sở hữu lợi thế cạnh tranh vượt trội, được quyền khai thác dịch vụ tại các cảng hàng không – là yếu tố giúp doanh nghiệp có biên lợi nhuận và mức sinh lợi tốt.
Tuy nhiên, với NCT, cũng cần chú ý đến xu hướng giảm ROE trong vài năm gần đây, mà nguyên nhân chính đến từ giảm biên lợi nhuận, vòng quay tài sản, trong khi đòn bẩy tài chính có phần gia tăng.
Video đang HOT
Trong khi đó, tín hiệu tốt đối với AST khi biên lãi ròng đang khá ổn định (chỉ thấp hơn so với năm đột biến 2017) và vòng quay tổng tài sản đang có xu hướng gia tăng. Hay với SCS cũng đang có biên lãi ròng gia tăng qua các năm và đa số lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Bên cạnh các gương mặt trên, danh sách cổ phiếu có ROE cao trong 9 tháng đầu năm nay xuất hiện một số cái tên khá lạ.
Nhiều cổ phiếu trong số này có thanh khoản èo uột, thậm chí là không có thanh khoản, dù tỷ suất sinh lời rất cao như QNC (CTCP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh) có ROE 87,85%; VNA (CTCP Vận tải biển Vinaship) có ROE 83%; MH3 (CTCP Khu công nghiệp Cao su Bình Long) 46,79%; BDG (CTCP May mặc Bình Dương) có ROE là 46%.
Chỉ một số trường hợp được dòng tiền chú ý hơn như CVN (CTCP Vinam) có ROE là 45%, CMX (CTCP Camimex Group) có ROE là 42,74%; ANV (CTCP Nam Việt) có ROE là 39,43% (xem bảng).
Mỗi mã này có một câu chuyện riêng. Chẳng hạn, QNC là cổ phiếu bị đưa vào diện bị kiểm soát từ 18/6/2018 do lợi nhuận sau thuế năm 2016, 2017 là số âm.
Lỗ lũy kế đến cuối tháng 9/2019 của Công ty lên tới 320 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn vẻn vẹn 63,7 tỷ đồng.
Thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp đã phản ánh trên thị giá cổ phiếu QNC. Trên sàn, cổ phiếu QNC đang được giao dịch ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ vài chục đơn vị.
Tương tự, sau nhiều năm thua lỗ, VNA đã lọt vào Top các cổ phiếu có ROE cao nhất 9 tháng đầu năm.
Lợi nhuận cải thiện chủ yếu nhờ nhượng bán, thanh lý tài sản. Tại thời điểm 30/9/2019, VNA lỗ luỹ kế 220 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Công ty chỉ còn gần 63 tỷ đồng, giúp tỷ lệ ROE… cao đột biến.
CVN trong 4 kỳ gần nhất cũng ghi nhận lợi nhuận tăng vọt so với các năm trước, đặc biệt là quý IV/2018 đạt 25 tỷ đồng và quý III/2019 đạt 17 tỷ đồng, các quý còn lại dưới 5 tỷ đồng. CVN là cổ phiếu có mức tăng giá mạnh trong năm 2018, hơn 143,8%, đi kèm đó là sự biến động trong cơ cấu cổ đông lớn.
Cuối năm 2018, hai cổ đông cũ thoái hết 22,54% vốn, xuất hiện ba cổ đông cá nhân mới gom gần 48% vốn CVN.
Mới đây, CTCP Quản lý quỹ Bông Sen (trở thành cổ đông lớn từ 5/7/2019) mua thêm 121.000 cổ phiếu CVN, nâng tỷ lệ nắm giữ 9,94%.
ROE của CVN chỉ hơn 1% trong năm 2015 và âm trong năm 2016 và bắt đầu có sự cải thiện từ năm 2017 lên 7,91%, vọt lên 28,63% năm 2018 và trong 4 quý gần nhất là 50,71%. Hiện cổ phiếu CVN tiếp tục thuộc diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2016 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 trên báo cáo tài chính kiểm toán 2016 là số âm.
Giá cổ phiếu CVN đang ở mức 14.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng P/E hơn 36 lần, bình quân khối lượng giao dịch 1 năm qua là hơn 8.600 cổ phiếu/phiên.
BDG là một doanh nghiệp may mặc cũng có ROE trên 46%, cao hơn cả MSH đang có ROE 40%.
Xu hướng biên lãi ròng của doanh nghiệp này cũng đang cải thiện hàng năm, trong khi đòn bẩy tài chính giảm dần. Thị giá cổ phiếu BDG ở mức quanh 35.000 đồng/cổ phiếu và thanh khoản cũng không cao, khối lượng giao dịch bình quân dưới 300 cổ phiếu/phiên.
Nhà đầu tư trên thị trường thường gán giá trị cho ROE để lọc ra được những doanh nghiệp tốt, thường là trên 15%/năm và tốt hơn nữa là duy trì được 20 – 25%/năm là “đáng được xem xét đầu tư”.
ROE gần như là chỉ số hàng đầu mà nhà đầu tư sử dụng để đo lường mức độ hiệu quả sử dụng đồng vốn mà cổ đông bỏ vào công ty.
Tuy nhiên, ROE chỉ áp dụng được với doanh nghiệp có tỷ suất ổn định vài năm, hoặc có xu hướng tăng, mà không nên tính đến các doanh nghiệp có lợi nhuận bất thường, đột biến.
Hiểu Lam
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
BIDV đấu giá khoản nợ 85 tỷ đồng của PXA
Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,9% hồi đầu năm lên 2,09% cuối tháng 9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ráo riết đấu giá các khoản nợ để xử lý nợ xấu.
Sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chính thức được Quốc hội thông qua vào tháng 8/2017, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo. Trong đó, BIDV là ngân hàng có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đứng đầu hệ thống cũng đang rất tích cực công bố thu hồi và thanh lý tài sản đảm bảo và các khoản nợ.
Cụ thể, tính hết ngày 30/9, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Nợ nhóm 5 tăng 70% lên 12.194 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 2,09% cuối tháng 9.
BIDV từng đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 10.500 tỷ đồng nhưng sau đó điều chỉnh giảm ở mức 10.300 tỷ đồng. Với 200 tỷ đồng được điều chỉnh giảm trong phần lợi nhuận, BIDV sẽ dùng để tăng vào quỹ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Điều này chứng tỏ BIDV chưa thực sự kỳ vọng nhiều vào việc xử lý nợ xấu của mình.
BIDV Nghệ An tiếp tục đấu giá khoản nợ hơn 85 tỷ đồng tại PXA.
Đứng trước tình thế đó, BIDV đã và đang ráo riết thông báo về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo, thông báo thu giữ tài sản, thông báo phát mại tài sản thế chấp,... gồm bất động sản, thiết bị khai thác thủy sản,...
Đáng chú ý, trong đó có khoản rao bán khoản nợ của PXA.
Trong ngày 13/11, BIDV chi nhánh Nghệ An (BIDV Nghệ An) đã thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ hơn 85 tỷ đồng tại PXA.
Theo đó, tổng dư nợ của PXA tại BIDV Nghệ An tính đến thời điểm ngày 23/10 là hơn 85 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 40 tỷ, còn lại là dư lãi trong hạn và phạt lãi quá hạn.
Tài sản thế chấp cho khoản vay nay là dự án Tòa nhà Dầu khí theo hợp đồng thế chấp ngày 12/11/2011 giữa PXA và PVFC Thanh Hóa (nay là PVcombank).
Trong đó, tài sản thế chấp tại BIDV Nghệ An là 8 tầng văn phòng cho thuê (từ tầng 15-22) diện tích sử dụng mỗi tầng khoảng 733 m2. Giá khởi điểm của khoản nợ này là hơn 85 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 10 trước đó, BIDV Nghệ An đã từng một lần rao bán khoản nợ này tính đến thời điểm 15/7 là hơn 84 tỷ đồng.
Được biết, PXA hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ từ năm 2016 đến nay. Theo báo cáo tài chính gần nhất được Công ty công bố, lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/6 đã ghi nhận mức âm tới 137 tỷ đồng, sắp ngốn hết vốn góp của chủ sở hữu (151 tỷ đồng).
Cũng tại thời điểm ngày cuối quý 2, tổng tài sản của PXA ở mức 142 tỷ đồng nhưng nợ ngắn hạn đã sắp đuổi kịp với gần 141 tỷ đồng.
Anh Nhi
Theo vietnamdaily.net.vn
Vàng "sốt sình sịch" đạt đỉnh 6 năm, nhà đầu tư quay cuồng với giá Được coi là "tài sản trú ẩn an toàn", giá vàng trở thành tâm điểm chú ý trong tuần qua. Sự biến động không ngừng của giá vàng thế giới khiến giới đầu tư không khỏi phấp phỏng, còn ở trong nước, vàng SJC đang được giao dịch quanh mốc 42 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên 14/8, giá vàng giao kỳ hạn tháng...