Nhìn lại sự kiện Phát triển game Việt Nam
Sự kiện Third-party gặp gỡ First-party thu hút gần 200 người tham gia meetup đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Dưới đây là những tổng hợp cụ thể.
Khi khởi nghiệp trong ngành game, bạn nên bắt đầu với vai trò là third-party (gia công phần mềm cho những công ty game khác) hay đi sâu để trở thành first party (tự sản xuất game cho mình)? Có lẽ đây là một câu hỏi khá quen thuộc với nhiều nhà lập trình đã và đang khởi nghiệp hoặc theo đuổi lĩnh vực phát triển game độc lập.
Ngày 17 tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ 2 CEO kì cựu trong ngành công nghiệp này: Phil Trần, CEO Glassegg và Luyến Ngô, CEO Divmob, tại Game in Asia meetup đầu tiên, diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Sự kiện thu hút 174 khách tham dự, cùng với một số công ty game tham gia trình làng sản phẩm như Cool Studio, Guava 7, Paths.
Một công ty game đang giới thiệu game tại sự kiện.
Có thể thấy tất cả mọi người đều rất háo hức muốn tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề giữa first-party và third-party trong phát triển game Việt. Buổi gặp gỡ được bắt đầu với chia sẻ của Phil Trần về các công ty trong vai trò third-party.
Chạm ngõ ngành công nghiệp game từ năm 1995, Phil Trần bắt đầu sự nghiệp với Morgan Interactive. Thông qua công ty của mình tại Việt Nam, Morgan Interactive đã cho ra đời một loạt các game giáo dục – Jump Start (đây là trò chơi mà khi còn nhỏ tôi mê đến nỗi “chơi không thấy mặt trời”). Đó là thời điểm mà thế giới chưa biết đến internet. Phil từng phải mang theo những vali chỉ đựng toàn đĩa CD game trong những chuyến trở về trụ sở Morgan Interactive ở Mỹ. Thật khủng khiếp phải không?
Video đang HOT
Sau đó, khi Morgan Interactive đóng cửa, Phil Trần thành lập studio phát triển game hiện tại cho riêng mình, Glassegg. Glassegg hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm phát triển trò chơi và sản xuất nghệ thuật, và đã trở thành một lựa chọn không thể thiếu của nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử.
Tính đến hôm nay, tài năng của Glassegg đã góp phần không nhỏ vào những trò chơi như Forza, Battlefield 2, Dirt, Blur, Need for Speed: Most Wanted và Need for Speed: Rivals. Công ty cũng đã góp phần tạo ra nghệ thuật xây dựng khái niệm (concept art) và xây dựng nhân vật (character art) trong một loạt các trò chơi Bandai Namco tên Butto Burst.
Ngoài việc gia công, Glassegg cũng có một trang tin là Like.VN, với các trò chơi Daybreak Online, Tề Thiên, và Pháp Sư trong danh mục đầu tư của mình. Công ty gần đây cũng tung ra một trang web hẹn hò được gọi là Oakclub, hỗ trợ 14 ngôn ngữ khác nhau, nhưng mục tiêu chủ yếu tập trung vào Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.
Hiện nay, Glassegg tự sản xuất (first-party game) trên điện thoại di động. Tuy nhiên, Phil Trần vẫn có những bài học giá trị để chia sẻ từ kinh nghiệm của mình cho các nhà phát triển third-party. Tại meetup, Phil đã chia sẻ về ba giai đoạn gia công phần mềm.
Hình ảnh trong một slide trình bày của Phil.
GIAI ĐOẠN 1: LÀM VIỆC VÌ ĐƯỢC THUÊ
Đây là giai đoạn đầu tiên của gia công phần mềm, nơi bạn chỉ đơn giản làm những công việc được giao cho công ty tuyển dụng. Chi phí thấp được ưu tiên hơn chất lượng. Tất cả các quy trình và hướng sáng tạo được quy định bởi khách hàng. Ở giai đoạn này, các công ty gia công phần mềm cạnh tranh về giá.
GIAI ĐOẠN 2: TRỞ THÀNH CÁC ĐỐI TÁC
Đây là thời điểm mà khách hàng đặt niềm tin vào bạn. Sẽ không còn chuyện thương lượng, trả giá, và họ biết rằng bạn sẽ hoàn thành công việc xuất sắc tương ứng với mức giá tốt. Mối quan hệ của bạn và họ đã chuyển từ “người thuê và người làm thuê” sang đối tác chiến lược.
GIAI ĐOẠN 3: ĐỔI MỚI VÀ SÁNG TẠO
Ở giai đoạn này, giá trị sáng tạo và sự đổi mới của toàn bộ dự án được gia công bên ngoài. Công ty của bạn giống một nhà tư vấn hơn một công ty gia công phần mềm.
Phil Trần cũng giới thiệu các trò chơi đầu tiên do Glassegg đã sản xuất. Art of Darkness là một trò chơi có các đối tượng ẩn, và Tap Pet Party là trò chơi dành cho trẻ em, cho phép bạn chơi và xây dựng những bữa tiệc trong vườn cho riêng mình. Ông cũng giới thiệu một trò chơi (chưa đặt tên) với mechas (những cỗ máy biết đi) được dự định ra mắt trong mùa Giáng sinh năm 2014.
Làm thế nào Glassegg tạo ra những sản phẩm tốt? Phil Trần cho biết, phần lớn là do văn hóa của công ty. Glassegg rất cởi mở, thân thiện, và là một môi trường đa văn hóa với giờ làm việc linh hoạt, và quan trọng nhất: làm hết sức, chơi hết mình.
Luyến Ngô, Giám đốc điều hành của Divmob, lại mang đến một góc nhìn khác cho Game in Asia Meetup tại Tp. Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ có một đoạn video về bài trình bày của anh (bằng tiếng Việt, phụ đề tiếng Anh) vào tuần tới, nhưng trong khi chờ đợi, đây là một số điểm tin thú vị về Divmob.
Không giống như Glassegg, Divmob bắt đầu là một nhà phát triển first-party. Divmob làm về các game giáo dục cho trẻ em đến tháng 11 năm 2012, trước khi công ty tung ra game đầu tiên tự sản xuất: Field Runner. Nhưng tiếc thay, game này là một thất bại. Tuy nhiên, Divmob đã phát hành chín đầu game khác, bốn trong số đó được xem là thành công. Kể từ đó đến nay, trò chơi Divmob đạt được khoảng 20 triệu lượt tải về.
Với gần 200 người tham gia meetup đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đang mong đợi nhiều sự kiện thú vị hơn về ngành công nghiệp game trong thời gian sắp tới!
Theo VNE