Nhìn lại quan hệ Nga – Mỹ sau hơn hai thập kỷ làm lãnh đạo của Tổng thống Putin
Trong hơn hai thập kỷ, nhiệm kỳ chính trị của Tổng thống Putin đan xen với chính quyền của 5 nhà lãnh đạo Mỹ, mỗi người đều đưa ra những chính sách và quan điểm riêng cho mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp ông Joe Biden lúc còn đương nhiệm Phó Tổng thống Mỹ tại Moskva, ngày 10/3/2011. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ khi nhậm chức vào năm 1999, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành nhân vật quan trọng trong nền chính trị toàn cầu, gắn với các Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton đến Joe Biden, mỗi mối quan hệ được đặc trưng bởi một loạt thách thức và căng thẳng ngoại giao riêng.
Trong hơn hai thập kỷ, nhiệm kỳ chính trị của ông Putin đã đan xen với chính quyền của 5 nhà lãnh đạo Mỹ, mỗi người đều đưa ra những chính sách và quan điểm riêng cho mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
Bill Clinton (1999-2000)
Thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông Putin trùng với những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Dù có mối quan hệ nồng ấm với người tiền nhiệm của ông Putin, Boris Yeltsin, cựu Tổng thống Clinton kể lại rằng ông thấy Tổng thống Putin “lạnh lùng nhưng có năng lực”.
Khi NATO mở rộng về phía đông vào cuối những năm 1990 và xung đột nổ ra ở Kosovo, căng thẳng giữa hai siêu cường ngày càng gia tăng. Ông Clinton chỉ trích chiến dịch của Nga ở Chechnya, khiến Tổng thống Putin phản ứng gay gắt.
Gần đây hơn, do cuộc xung đột ở Ukraine, ông Clinton đã bác bỏ quan điểm cho rằng chiến dịch quân sự của Nga là một phản ứng trước sự mở rộng của NATO, vốn bắt đầu từ nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông Clint nói với CNN vào năm 2022: “Tôi nghĩ chúng tôi đã làm đúng vào đúng thời điểm. Và nếu chúng tôi không làm điều đó, cuộc khủng hoảng này có thể đã xảy ra sớm hơn nữa”.
George Bush (2001-2008)
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ George W. Bush nhậm chức và đề ra mục đích ổn định quan hệ với Nga. Những cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với nhà lãnh đạo Nga rất nồng ấm. Tuy nhiên, mối quan hệ trở nên xấu đi do những bất đồng về Chiến tranh Iraq, kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.
Khi chiến tranh Iraq trở thành vũng lầy đối với Mỹ, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ không cần Mỹ “thuyết giảng về dân chủ”.
Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Gruzia vào những ngày cuối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Bush năm 2008, ông Bush đã “đối đầu” trực tiếp với Tổng thống Putin tại Thế vận hội Bắc Kinh.
Barack Obama (2009-2016)
Tổng thống Mỹ Barack Obama, người cũng nhậm chức với kế hoạch “tái thiết lập” quan hệ với Nga, ngày càng bất đồng với ông Putin gần như ngay từ ngày đầu tiên làm tổng thống. Mối quan hệ giữa hai bên hầu như được đánh dấu bằng các biện pháp trừng phạt và bế tắc ngoại giao. Những bất đồng về Syria, Ukraine và những cáo buộc can thiệp bầu cử đã khiến quan hệ song phương xuống mức thấp mới.
Mối quan hệ ngoại giao giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng hầu như đã sụp đổ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014, dẫn đến sự tái diễn của căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh vẫn âm ỉ cho đến ngày nay.
Ông Obama từng mô tả nhà lãnh đạo Nga là một nhân vật “cứng rắn, thông minh, không đa cảm”. Về phần mình, ông Putin từng nói: “Tổng thống Obama không được người dân Mỹ bầu chọn để tỏ ra hài lòng với Nga”.
Donald Trump (2017-2020)
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump được đánh dấu bằng tranh cãi ngay từ đầu về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Nhưng ông Trump và nhà lãnh đạo Nga dường như có mối quan hệ cá nhân nồng ấm hơn một chút.
Mối quan hệ được đánh dấu bởi sự ngưỡng mộ của công chúng. Tổng thống Putin, người từng gọi ông Trump là “cá nhân đầy sắc thái”, bày tỏ sẵn sàng đối thoại ngay từ đầu.
Sự tương tác của họ được đánh dấu bằng một loạt cuộc họp cấp cao, bao gồm cả hội nghị thượng đỉnh đáng chú ý ở Helsinki. Cuộc trao đổi đó đã gây náo động ở Mỹ, với những người chỉ trích cáo buộc ông Trump làm suy yếu lợi ích của Mỹ.
Về phần mình, ông Putin dường như đánh giá cao việc Trump sẵn sàng bỏ qua các chuẩn mực ngoại giao thông thường nhưng vẫn thận trọng, thấy được sự bất ổn chính trị mà nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump tạo ra.
Joe Biden (2021-nay)
Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, quan hệ Mỹ – Nga quay trở lại theo kiểu đối đầu hơn – kế thừa từ chính quyền Obama – với việc ông Biden công khai chỉ trích nhà lãnh đạo Nga có lập trường cứng rắn về các vấn đề như nhân quyền và chủ quyền của Ukraine.
Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra năm 2022, chính quyền Biden cùng với các đồng minh phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt Nga cũng như cá nhân ông Putin. Cuộc gặp gần đây giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ diễn ra vào năm 2021 tại hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ.
Cả hai bên đều thừa nhận vào thời điểm đó rằng mối quan hệ Nga – Mỹ đang ở “mức thấp” và mối quan hệ ngày càng đi xuống thấp hơn từ đó.
Định hướng phát triển ổn định
Ngày 7/5, Tổng thống LB Nga Vladimir Vladimirovich Putin đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm trong sự nghiệp chính trị của mình.
Ông Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống LB Nga nhiệm kỳ thứ 5 ở Moskva, ngày 7/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo quy định của Hiến pháp, nhà lãnh đạo nước Nga đã tuyên thệ tại Cung Kremlin Lớn, trước sự chứng kiến của các thành viên Hội đồng Liên bang (Thượng viện), Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga và các thẩm phán Tòa án Hiến pháp.
Trong bối cảnh nước Nga phải đối mặt với hàng chục nghìn lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang năm thứ ba, việc ông Putin tiếp tục tái đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu cao kỷ lục (87,32%) trong cuộc bầu cử tháng 3 vừa qua cho thấy tinh thần đoàn kết, thống nhất của người dân Nga. Kết quả bầu cử cũng thể hiện niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân Nga đối với Tổng thống Putin trong việc lãnh đạo đất nước phát triển ổn định trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng thống Putin bày tỏ nhận thức rõ niềm vinh dự và trách nhiệm trên cương vị người lãnh đạo đất nước, khẳng định số phận của nước Nga sẽ do chính người dân Nga định đoạt, vì lợi ích của các thế hệ hôm nay và tương lai. Đề cập những ưu tiên hàng đầu của LB Nga, ông Putin nhấn mạnh tới việc bảo tồn các dân tộc, các giá trị, truyền thống lâu đời, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh an toàn cho người dân. Ông đồng thời nêu bật cần duy trì sự ổn định trong hệ thống chính trị quốc gia trên cơ sở linh hoạt, đảm bảo tính liên tục đáng tin cậy trong sự phát triển của nước Nga nhiều thập niên tới. Một số đề xuất mà ông Putin đưa ra bao gồm việc thành lập 5 "dự án quốc gia" mới, tập trung vào các chính sách xã hội quan trọng, sẽ cần nguồn tài trợ mới đáng kể.
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Putin tuyên bố nước Nga đang và sẽ mở cửa với các quốc gia đối tác, đồng thời không từ chối đối thoại với các nước phương Tây. Theo ông, trong một thế giới phức tạp, nước Nga "phải tự chủ và cạnh tranh" và Nga sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để hình thành trật tự thế giới đa cực. Kết thúc bài phát biểu nhậm chức, nhà lãnh đạo Nga khẳng định: "Chúng ta là một dân tộc đoàn kết và vĩ đại, cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại và hiện thực hóa mọi kế hoạch của mình".
Lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm của Tổng thống Putin không chỉ đánh dấu việc nhà lãnh đạo này nắm giữ quyền lực suốt gần 1/4 thế kỷ, mà còn cho thấy mong muốn chuyển đổi của Nga để vươn mình hơn nữa dựa vào nội lực. Đó là mô hình một thế giới đa cực với nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Trong thông điệp liên bang hồi tháng 2, vốn được xem như cương lĩnh tranh cử, Tổng thống Putin cam kết sẽ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra và kiên quyết "bảo vệ chủ quyền và an ninh của công dân chúng ta". Ông cũng công bố một loạt các dự án trong nước với các cải cách về giáo dục, phúc lợi và chống đói nghèo, với mục tiêu đưa nền kinh tế Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Đó là lộ trình phát triển nhất quán của nước Nga.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Piotr Tsvetov, Phó Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao LB Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga - Việt, nhận định lễ nhậm chức đánh dấu sự khởi đầu một nhiệm kỳ mới của ông Putin trên cương vị tổng thống. Ở nước Nga, Tổng thống Putin là người lãnh đạo đất nước, quyết định đường lối, chính sách phát triển đất nước. Theo ông Tsvetov, với nhiều người Nga, một trong ưu tiên đầu tiên đặt ra cho Tổng thống là giữ gìn an ninh và ổn định trong nước, trong đó có việc kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt.
Mặc dù nền kinh tế Nga đã đạt được tốc độ phát triển ấn tượng 3,6% trong năm 2023, song vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro kinh tế do hàng loạt các biện pháp bao vây cấm vận, mà điển hình nhất là vấn đề về lạm phát cũng như lãi suất chủ chốt vẫn ở mức cao. Ngoài những vấn đề phát triển kinh tế, chuyên gia Tsvetov cho rằng trong bối cảnh bị bao vây cấm vận, người dân Nga rất quan tâm và hy vọng chính phủ sẽ tìm ra cách để đạt được tiến bộ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đây là hai lĩnh vực phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ quốc tế và việc tạo được cú hích về phát triển khoa học và công nghệ cũng sẽ giúp nước Nga tiến những bước dài hơn trên con đường phát triển của mình.
Có nhiều nhiệm vụ đặt ra cho Tổng thống Putin trong nhiệm kỳ này. Phát biểu sau khi kết quả cuộc bầu cử tháng 3 vừa qua được công bố, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh, cội nguồn sức mạnh của đất nước là nhân dân Nga, ý chí chung của người dân cả nước được hình thành từ tiếng nói của mỗi người dân. Ông cũng khẳng định có các điều kiện để Nga trở nên mạnh mẽ hơn, "tiến xa hơn nữa, để Nga vững chắc hơn, hùng mạnh hơn, hiệu quả hơn".
Trên hết, việc được đại đa số người dân Nga tín nhiệm và đặt niềm tin sẽ tạo tiền đề để Tổng thống Putin tận dụng những điều kiện và cơ hội đó, dẫn dắt đất nước đi theo con đường phát triển ổn định.
Ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ 5 Lúc 12h trưa nay giờ Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 5 trong một buổi lễ diễn ra tại Điện Kremlin. Nhiệm kỳ mới của ông Putin kéo dài 6 năm, tới 2030. Ảnh: Yonhap Theo Anadolou, ông Vladimir Putin đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra từ ngày 15-17/3...