Indonesia nâng mức cảnh báo đối với núi lửa Ibu
Ngày 8/5, núi lửa Ibu ở miền Đông Indonesia đã phun trào, khiến giới chức nước này phải nâng mức cảnh báo lên cấp 3, đồng thời khuyến cáo người dân tránh xa khu vực nguy hiểm này.
Cột tro bụi phun lên từ miệng núi lửa Ibu ở Halmahera, tỉnh Bắc Maluku, Indonesia, ngày 8/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Núi lửa Ibu, nằm trên đảo Halmahera thuộc tỉnh Bắc Maluku, đã phun trào vào 11h11 sáng cùng ngày theo giờ địa phương. Một cột khói đen và tro dày đặc cao tới khoảng 1.500m tính từ miệng núi lửa đã được ghi nhận.
Trao đổi với báo giới, ông Hendra Gunawan, người đứng đầu Trung tâm Giảm thiểu rủi ro núi lửa và địa chất (PVMBG), cho biết dựa trên kết quả giám sát bằng hình ảnh và thiết bị, mức độ hoạt động của núi lửa Ibu đã nâng từ cấp 2 lên cấp 3 trong hệ thống 4 cấp.
Nhà chức trách đã thiết lập vùng cấm trong phạm vi 3 – 5 km xung quanh núi lửa này và kêu gọi người dân địa phương cảnh giác. Người dân sinh sống gần đó cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang và kính khi tham gia các hoạt động ngoài trời, cũng như có phương án ứng phó trong trường hợp tro núi lửa rơi xuống.
Do nằm trên “ Vành đai lửa” Thái Bình Dương, Indonesia, một quốc đảo rộng lớn, thường xuyên phải hứng chịu các hoạt động địa chấn và núi lửa. Tháng trước, núi lửa Ruang ở tỉnh Bắc Sulawesi đã phun trào dung nham hơn 5 lần, buộc hàng nghìn cư dân trên các đảo lân cận phải sơ tán. Ngọn núi này lại phun trào vào tuần trước và nhà chức trách vẫn duy trì mức cảnh báo cao nhất trong hệ thống 4 cấp. Toàn bộ khoảng 800 cư dân trên đảo Ruang đã được sơ tán.
Núi lửa Ibu ở Indonesia phun trào, tro bụi bốc cao tới 1.200 mét
Ngày 7/12, núi lửa Ibu trên đảo Halmahera (thuộc tỉnh Bắc Maluku, miền Đông Indonesia) đã phun trào, tạo ra cột tro bụi cao tới 1.200 mét tính từ đỉnh núi.
Cột tro bụi phun lên từ miệng núi lửa Marapi ở Tây Sumatra, Indonesia, ngày 4/12/2023. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Theo Trung tâm Giảm thiểu nguy cơ từ núi lửa và địa chất (PVMBG) của Indonesia, đợt phun trào này xảy ra vào khoảng 11h00 sáng 7/12 (giờ địa phương) và kéo dài khoảng 90 giây.
Bà Efrita Saragih - một quan chức thuộc PVMBG - cho biết cột tro xám và dày đặc đang di chuyển về phía Đông Nam.
Nằm ở độ cao khoảng 1.300 mét so với mực nước biển, núi lửa Ibu được đánh giá mức độ nguy hiểm cao thứ hai tại Indonesia, dưới mức cao nhất là IV.
Theo PVMBG, núi lửa này đã phun trào 60 lần kể từ đầu năm nay. Bà Saragih kêu gọi người dân không có các hoạt động trong bán kính 3,5 km tính từ miệng núi lửa. Trong trường hợp bất khả kháng, người dân cần đeo dụng cụ bảo vệ mũi, miệng và mắt để đề phòng tro bụi núi lửa.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia là một trong những quốc gia có nhiều núi lửa nhất thế giới.
Núi lửa Ibu phun trào tại Indonesia Theo Trung tâm Núi lửa và Giảm nhẹ rủi ro địa chất của Indonesia, ngày 25/3, núi lửa Ibu trên đảo Halmahera ở tỉnh Bắc Maluku, miền Đông nước này đã phun trào trong khoảng 3 phút, tạo ra cột tro bụi cao tới 2.500 mét tính từ đỉnh núi. Núi lửa Ibu. Ảnh: AFP Trung tâm trên cho biết cột tro xám...