Nhìn lại loạt sự cố trên thị trường ô tô Việt trong năm 2020
Trong năm qua, thị trường ô tô Việt Nam không chỉ đón nhận những đợt tăng giảm doanh số thất thường mà còn đối mặt với nhiều vấn đề còn tồn tại như những đợt triệu hồi xe cực lớn, nhiều vụ lùm xùm lỗi xe gây nhiều tranh cãi…
Hàng chục nghìn xe ô tô bị triệu hồi
Những đợt triệu hồi xe năm nào cũng diễn ra và 2020 cũng không phải ngoại lệ. Trong năm vừa qua, hàng chục mẫu xe nằm trong diện triệu hồi với rất nhiều lỗi, từ nhỏ đến nghiêm trọng. Có những mẫu xe bị triệu hồi tới hàng chục ngàn chiếc.
Nguyên nhân dẫn đến hàng chục nghìn xe bị triệu hồi ở Việt Nam chủ yếu liên quan đến lỗi bơm nhiên liệu và lỗi túi khí Takata.
Trong đó, tổng cộng, năm nay đã có tới sáu đợt triệu hồi của năm hãng xe khác nhau liên quan đến lỗi túi khí Takata tại nước ta và số lượng ôtô cộng dồn nằm trong diện ảnh hưởng lên tới 21.756 chiếc, trong đó thuộc nhiều mẫu xe khác nhau thuộc các thương hiệu: Chevrolet, Mitsubishi, Nissan, Toyota và Mercedes. Thời gian sản xuất xa nhất là Toyota Corolla Altis – từ ngày 2/11/2004 đến 28/4/2005.
Hàng chục nghìn xe ô tô bị triệu hồi trong năm 2020.
Đối với lỗi bơm nhiên liệu Denso thị trường ghi nhận đợt triệu hồi lớn nhất thị trường đến từ hai hãng xe nổi tiếng Honda và Toyota đặc biệt gây chú ý trong năm vừa qua. Các mẫu xe bị ảnh hưởng trong đợt này gồm cả lắp ráp nội địa và nhập khẩu từ nước ngoài.
Cụ thể, Honda Việt Nam đã công bố đợt triệu hồi với số lượng xe lên tới 19.219 chiếc, gồm: 5.966 chiếc City 2018 (1.5 Top và 1.5 AT) lắp ráp trong nước, và 15.233 xe nhập khẩu với 1.170 chiếc Jazz 2019, 1.710 chiếc HR-V 2018, 1.620 chiếc Civic 2018, 7.973 chiếc CR-V 2018-2019, và 180 chiếc Accord 2018.
Riêng Toyota số lượng xe phải triệu hồi còn lớn hơn rất nhiều với tổng số lên tới 32.527 chiếc. Tính chung cả các đợt triệu hồi xe sang Lexus, con số triệu hồi của nhà sản xuất này lên tới 33.276 chiếc, cũng gồm cả xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước.
Cụ thể có 29.513 chiếc Camry, Corolla Altis và Innova trong số đó được lắp ra tại nhà máy Vĩnh Phúc cùng với 3.763 xe nhập khẩu bao gồm các mẫu sản xuất ở Nhật thuộc thương hiệu Toyota (Alphard, Land Cruiser 200) và Lexus (GS200t, GS350, GX460, LX570, LS460, LS500/500H, NX200T/300H, RC350/300H, RX350/450H, RX350L/450); đồng thời, còn có Toyota Fortuner sản xuất tại Indonesia.
Xe hot Ford Ranger và Everest bị khách hàng tố rò rỉ dầu
Vào cuối tháng 2 năm nay, có khoảng hơn 400 khách hàng đi Ford Ranger Wildtrak 2.0L Bi-Turbo và Ford Everest phản ánh gặp hiện tượng rò rỉ dầu ở cổ hút turbo và mặt cam động cơ trên xe. Nhiều khách hàng đã được các đại lý của Ford sửa chữa, khắc phục nhưng chưa giải quyết được dứt điểm được lỗi này.
Đây được xem là một trong những vụ việc gây chú ý nhất làng xe Việt trong năm 2020 liên quan đến hai dòng xe bán chạy nhất của Ford tại Việt Nam.
Xe hot Ford Ranger và Everest bị khách hàng tố rò rỉ dầu
Đến tháng 6/2020, qua quá trình kiểm tra, đánh giá vụ việc, Ford Việt Nam xác định nguyên nhân cũng như đưa ra giải pháp sửa chữa hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp đồng thời gia hạn chính sách bảo hành với các xe Ford bị ảnh hưởng.
Phía hãng khẳng định hiện tượng rò rỉ dầu trên không gây rủi ro an toàn, bao gồm cả nguy cơ cháy cũng như không gây nguy cơ hỏng động cơ hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ.
Giữa tháng 9/2020, Ford Việt Nam cho biết hơn 6.000 xe Ford gặp hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp đã được kiểm tra, sửa chữa.
Mazda3 lỗi hệ thống phanh tự động khẩn cấp
Đầu năm 2020, tức chỉ sau vài tháng được Trường Hải (THACO) phân phối ra thị trường, mẫu Mazda3 2020 phiên bản Premium bị một số người dùng phản ánh xe có vấn đề ở hệ thống phanh tự động khẩn cấp, có thể khiến xe bất ngờ dừng lại khi đang vận hành.
Mazda3 gặp nạn khi chạy thử check lỗi hệ thống phanh tự động khẩn cấp.
Đáng chú ý, đến ngày 14/2 video thử phanh thông minh (SBS) của mẫu Mazda3 được đăng tải trên một hội nhóm người dùng xe Mazda tại Việt Nam. Video ngắn ghi lại vụ việc một đại lý Mazda tại Việt Nam tiến hành thử nghiệm mẫu xe Mazda3 mới để kiểm tra hệ thống phanh khẩn cấp tự động (Smart Braking System – SBS) dẫn đến va chạm với xe Mazda CX-5. Vụ va chạm xảy ra trong khuôn viên đại lý không gây thiệt hại về người nhưng khiến phần đầu xe Mazda3 hư hỏng, biến dạng, bung túi khí.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề này, Thaco Mazda cho biết, vấn đề chỉ có trên bản Premium của hai mẫu Mazda3 và Mazda3 Sport (bản hatchback), vì chỉ phiên bản này trang bị SBS. Các phiên bản khác không có hiện tượng trên.
Để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho khách hàng, đến cuối tháng 3/2020, THACO đã triển khai chương trình triệu hồi gần 300 xe All-New Mazda3 để cập nhật lại phần mềm điều khiển hệ thống hỗ trợ phanh (SBS).
Hàng chục xe Subaru dính lỗi “cá vàng”
Thời điểm đầu tháng 7, nhiều người sở hữu xe Subaru Forester đời mới “than phiền” chiếc xe đang di chuyển bình thường thì đột nhiên sáng đèn kiểm tra động cơ check engine trên bảng đồng hồ (đèn “cá vàng”), đồng thời chiếc xe có dấu hiệu hoạt động bất thường.
Hàng chục xe Subaru dính lỗi “cá vàng”
Thậm chí một số xe liên tục chết máy sau khi đèn báo “check engine” hiện lên hoặc bị vô hiệu hoá nhiều tính năng an toàn, gây phiền hà, hoang mang và ức chế cho các chủ xe.
Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng liên quan đến vụ việc này, Công ty TNHH Hình tượng Ô tô Việt Nam (Motor Image Việt Nam) – nhà nhập khẩu, phân phối xe Subaru tại Việt Nam đã báo cáo vụ việc với Tập đoàn Subaru Nhật Bản để điều tra làm rõ.
Ngày 23/7, nhà phân phối của hãng xe Nhật xác định nguyên nhân dẫn đến việc đèn báo lỗi động cơ trên Forester liên tục bật sáng do kim phun nhiên liệu bị nghẹt. Ngay sau đó, hãng đã đưa ra một số giải pháp để xử lý tình trạng trên.
Hyundai Accent bị tố lỗi ở trục lái
Mẫu xe ăn khách nhất của TC Motor là Hyundai Accentcũng gặp sự cố bị khách hàng phản ánh lỗi nghiêm trọng tỏng năm vừa qua.
Cụ thể, tháng 11/2020, trên một số diễn đàn và hội nhóm, nhiều người sử dụng xe Hyundai Accent phản ánh có hiện tượng hệ thống lái phát ra tiếng kêu khi đánh lái hoặc đi qua đường xóc, gây cảm giác khó chịu khi vận hành xe.
Hyundai Accent bị khách hàng tố lỗi ở trục lái.
Nhiều người dùng cho biết đã mang xe đi bảo hành nhưng không khắc phục triệt để được hiện tượng nói trên. Ngoài ra, một số khách hàng có xe gặp hiện tượng này bị từ chối bảo hành do xe đã bảo dưỡng, sửa chữa ở gara ngoài. Cộng đồng người dùng cũng cho biết hiện tượng này có thể gặp trên cả Grand i10.
Điều đáng nói là khi khách hàng mang xe tới đại lý để yêu cầu bảo hành nhưng một số đại lý không chấp nhận bảo hành do chủ xe không bảo dưỡng định kỳ tại các trung tâm ủy quyền của Hyundai.
Trước cách giải quyết vô trách nhiệm của đại lý, một số chủ xe sử dụng Hyundai Accent đã rủ nhau dán decal lên thân xe như một cách để phản đối và “tìm công bằng” cho người dùng.
Trước động thái này, TC Motor – đơn vị lắp ráp phân phối ô tô Hyundai tại Việt Nam lên tiếng xác định nguyên nhân là do sự sai khác trong cơ cấu trục vít và bánh răng. Đồng thời hãng xe này khẳng định: “Tiếng động phát ra từ cơ cấu lái này không ảnh hưởng tới vận hành hay an toàn của xe”
Xe Suzuki Ertiga bị hụt hơi và thiếu phụ tùng
Trong năm 2020, mẫu xe Suzuki Ertiga cũng “dính phốt” liên tiếp khiến người tiêu dùng Việt không khỏi “ngán ngẩm”.
Vụ việc đầu tiên gây chú ý đó là chủ nhân chiếc xe Suzuki Ertiga bị tai nạn tại Cà Mau phản ánh xe “nằm xưởng”"chờ chết” đến gần 9 tháng vì không đủ phụ tùng thay thế, sữa chữa.
Chiếc xe Suzuki Ertiga bị tháo tung chờ linh kiện phụ tùng sửa chữa.
Đến cuối tháng 9/2020 vừa qua, mẫu xe này lại bị gần 30 khách hàng đồng loạt phản ánh tình trạng có tiếng kêu phát ra từ hộp số và xe xuất hiện hiện tượng bị hụt hơi khi tăng ga.
Ngay sau đó, đích thân Tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam đã lên tiếng giải thích, xin lỗi về vụ việc chậm trễ cung ứng phụ tùng, đồng thời cũng khẳng định, Suzuki Việt Nam sẽ không để xảy ra việc này một lần nữa và đã chuẩn bị đầy đủ tại hai kho ở Đồng Nai và Hà Nội.
Riêng về vấn đề Suzuki Ertiga có hiện tượng hụt hơi khi đạp ga tăng tốc và xuất hiện tiếng ồn của hộp số, tổng Giám đốc Suzuki Việt Nam khẳng định không phải do xe bị lỗi.
So sánh Peugeot 2008 GT Line và Hyundai Kona 1.6 Turbo
Peugeot 2008 GT Line có kiểu dáng hầm hố, trang bị hiện đại trong khi Hyundai Kona 1.6 Turbo có động cơ mạnh mẽ và mức giá thấp hơn.
Trong năm 2020, thị trường ôtô Việt đón nhận hàng loạt mẫu xe mới, sôi động nhất là phân khúc SUV. Trong đó, nhóm SUV đô thị được chú ý hơn cả với những cái tên "mới toanh" như Kia Seltos, Toyota Corolla Cross, MG ZS và Peugeot 2008.
Ra mắt vào giữa tháng 12, Peugeot 2008 cũng là mẫu xe "chốt sổ" cho cả thị trường năm 2020. Được định vị là mẫu xe cao cấp, 2008 có giá niêm yết cao hơn mặt bằng chung của nhóm SUV đô thị. Peugeot 2008 có 2 phiên bản là Active và GT Line có giá lần lượt là 739 triệu và 829 triệu đồng.
So với Hyundai Kona 1.6 Turbo có giá 729 triệu, Peugeot 2008 GT Line đắt hơn đến 100 triệu đồng. Với mức chênh giá khá lớn, 2008 GT Line có gì nổi trội hơn Kona 1.6 Turbo?
Peugeot 2008 hầm hố, Kona trẻ trung
Hyundai Kona và Peugeot 2008 đều là những mẫu xe mới, có thiết kế trẻ trung, hiện đại. Peugeot 2008 có vẻ ngoài cá tính, pha trộn giữa mềm mại và hầm hố - phong cách đặc trưng của xe châu Âu. Các đường gân dập nổi giúp chia cắt thân xe thành nhiều mảng, khối rõ ràng.
Điểm nhấn nổi bật của xe là thiết kế đèn daylight và đèn hậu với tạo hình 3 sọc lấy cảm hứng từ móng vuốt sư tử. Hệ thống đèn daylight còn được kéo dài xuống gần cản trước, tương tự 2 mẫu xe đàn anh mới ra mắt là 3008 và 5008. Theo hãng xe Pháp, thiết kế này được lấy cảm hứng từ nanh sư tử và cũng tạo nên đặc điểm nhận diện cho các mẫu SUV của Peugeot.
Trong khi 2008 thuần chất SUV thì Hyundai Kona có nét thiết kế mềm mại kiểu crossover. Hyundai vẫn mang đến đôi chút vẻ hầm hố cho Kona với các đường gân chạy khắp xe cùng chi tiết ốp nhựa tối màu ở cản trước, hốc bánh và cản sau.
Kona có phần đầu xe hiện đại với kiểu bố trí đèn chiếu sáng chính phía dưới, đèn định vị đặt cao. Bố cục này tạo nét mới cho mẫu SUV của Hyundai trong khi 2008 vẫn trung thành với bố cục truyền thống.
Ở đuôi xe, 2008 trông nổi bật hơn Kona. Mẫu xe của Pháp có đuôi xe không quá hầm hố nhưng cho vẻ cứng cáp thường thấy của các mẫu SUV châu Âu như Land Rover hay Porsche Cayenne. Điểm nhấn hiếm hoi của Kona là hệ thống đèn hậu 3D, cánh gió mui tích hợp đèn phanh. So với 2008, các trang bị này không có gì nổi trội.
Peugeot 2008 có các số đo kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 4.300 x 1.770 x 1.550 (mm), chiều dài cơ sở đạt 2.605 mm. Các thông số tương ứng trên Kona là 4.165 x 1.800 x 1.565 (mm) và chiều dài cơ sở 2.600 mm. 2008 có lợi thế về các số đo chiều dài trong khi Kona nhỉnh hơn ở chiều rộng và cao.
Thực chất, các số đo kích thước chưa bao giờ là thế mạnh của xe châu Âu khi so với xe châu Á. Khi so với Toyota Corolla Cross, 2008 còn kém hơn ở tất cả số đo. Kona có khoảng sáng gầm ở mức 170 mm, kém 2008 khoảng 5 mm.
Là các phiên bản cao cấp nhất, Peugeot 2008 GT Line và Hyundai Kona 1.6 Turbo đều sở hữu những trang bị thuộc diện tốt nhất. Toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng trên 2008 đều sử dụng công nghệ LED. Tại Việt Nam, cả 2 phiên bản của Peugeot 2008 bị cắt đi hệ thống đèn sương mù. Trong khi đó, Kona 1.6 Turbo có đèn sương mù và đèn báo rẽ vẫn là bóng halogen.
Kona 1.6 Turbo ghi điểm với bộ mâm 18 inch, nhỉnh hơn bộ mâm 17 inch trên 2008 GT Line. Cả 2 xe đều sở hữu gương chiếu hậu gập điện.
Nhìn chung, Peugeot 2008 GT Line nhỉnh hơn Kona đôi chút ở kiểu dáng. Mẫu xe Pháp hầm hố, cá tính trong khi đối thủ có kiểu dáng mềm mại hơn. Điều này cũng dễ hiểu vì Kona được ra mắt thế giới vào năm 2017 trong khi Peugeot 2008 thế hệ này xuất hiện sau Kona đến 2 năm.
Nội thất 2008 sang trọng, Kona thực dụng
Ởbên trong, khoang lái của Peugeot 2008 hướng đến sự sang trọng trong khi Kona thực dụng hơn. Nội thất của mẫu SUV Hàn sử dụng tone màu đen với nhựa và da, bố cục các phím bấm trực quan, dễ thao tác. Nội thất của 2008 GT Line cũng sử dụng tone màu đen nhưng các chi tiết, bố cục được trau chuốt nhiều hơn.
Peugeot 2008 có trung tâm điều khiển hướng về người lái, các phím bấm dạng lẫy tương tự chiến đấu cơ. Trên bản GT Line, 2008 có đồng hồ kỹ thuật số dạng 3D trong khi Kona vẫn sử dụng đồng hồ analog.
Các trang bị bên trong của 2 xe khá tương đồng: vô-lăng bọc da tích hợp các nút chức năng, khởi động bằng nút bấm, ghế lái chỉnh điện, hệ thống thông tin giải trí hỗ trợ kết nối Apple CarPlay, dàn âm thanh 6 loa.
Kona 1.6 Turbo nhỉnh hơn với cửa sổ trời, sạc không dây và màn hình thông tin giải trí 8 inch. Dù kích thước nhỏ hơn, màn hình trên 2008 GT Line có độ phản hồi tốt. 2008 có hệ thống đèn nền nội thất.
Nhỉnh hơn ở các số đo chiều dài giúp 2008 có lợi thế về không gian nội thất. Hàng ghế thứ 2 trên Peugeot 2008 cho cảm giác rộng rãi hơn ở khoảng để chân và không gian trên đầu. Dù chiều rộng và cao kém hơn Kona, hàng ghế thứ 2 trên 2008 được đặt thấp và phần trần xe lõm lên trên giúp bù đắp sự thiếu hụt ở kích thước.
Kona mạnh hơn, 2008 an toàn hơn
Cung cấp sức mạnh cho Peugeot 2008 là động cơ tăng áp PureTech 1.2L, sản sinh công suất 133 mã lực và mô-men xoắn 230 Nm. Kona 1.6 Turbo sử dụng động cơ tăng áp Gamma T-GDi 1.6L, mạnh 177 mã lực và mô-men xoắn 265 Nm.
Với dung tích lớn hơn, động cơ trên Kona cho sức mạnh nhỉnh hơn 2008 cả về công suất và sức kéo. Bù lại, mẫu xe Pháp có thể đạt mô-men xoắn cực đại tại dải tua máy thấp hơn (1.750-3.500 vòng/phút), giúp mang đến phản hồi nhanh trong các tình huống cần sức kéo tức thời như tăng tốc hay khởi hành ngang dốc.
Cả 2 xe đều sử dụng hệ dẫn động cầu trước. Peugeot 2008 đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển hàng ngày với hộp số tự động 6 cấp, vận hành mượt mà. Trong khi đó, Kona hướng đến cảm giác lái thể thao khi có sức mạnh vượt trội đi kèm hộp số ly hợp kép 7 cấp.
Peugeot 2008 GT Line và Kona 1.6 Turbo khá cân bằng ở trang bị an toàn với 6 túi khí, phanh ABS/EBD, cân bằng điện tử, khởi hành ngang dốc, camera lùi, cảm biến đỗ xe, cảnh báo điểm mù, cảnh báo áp suất lốp.
Còn lại, mẫu SUV Pháp nhỉnh hơn với loạt hệ thống camera lùi giả lập 180 độ, hệ thống cảm biến va chạm phía trước và sau, nhận diện biển báo tốc độ, cảnh báo người lái mất tập trung, hỗ trợ giữ làn đường.
Peugeot 2008 GT Line đắt nhưng xắt ra miếng
Từng là mẫu xe dẫn đầu phân khúc SUV đô thị với kiểu dáng trẻ trung, động cơ mạnh mẽ, Hyundai Kona đang bị "lỗi thời" so với các đối thủ mới ra mắt thị trường Việt Nam. Bằng chứng là Kona đang xếp sau Kia Seltos và Toyota Corolla Cross về doanh số. Hiện tại, Kona chỉ còn lợi thế duy nhất về giá bán.
Ở chiều ngược lại, Peugeot 2008 cũng là mẫu xe hoàn toàn mới tại Việt Nam. Chiếc SUV Pháp gây ấn tượng với thiết kế khỏe khoắn, nhiều công nghệ hiện đại. Định vị phân khúc tiệm cận xe sang là rào cản của Peugeot 2008 so với các đối thủ. Mức chênh giá lên đến 100 triệu đồng sẽ khiến nhiều người phân vân khi chọn giữa 2008 GT Line và Kona 1.6 Turbo.
Nhờ sự phân hóa rõ rệt về giá, Kona 1.6 Turbo và 2008 GT Line hướng đến nhóm khách hàng khác nhau. Nếu bạn muốn mẫu xe nhỏ nhắn nhưng vẫn hầm hố, nội thất tiện nghi, hiện đại, 2008 GT Line là lựa chọn thích hợp. Kona 1.6 Turbo là mẫu xe hướng đến khách hàng không quá chú trọng tiện nghi, ưu tiên tính thực dụng và cảm giác lái thể thao.
6 mẫu ô tô khuấy động thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 Trong một năm "lận đận", ngành ô tô Việt Nam vẫn có nhiều điểm nhấn riêng nhờ sự xuất hiện của những mẫu xe "đình đám", đủ sức khuấy động thị trường. Sự bứt phá doanh số của nhiều mẫu xe giúp thị trường ô tô Việt Nam bớt phần "ảm đạm" trong năm 2002 2020 có thể xem là "một năm kinh...