Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt
Dẫu cho còn non trẻ, nền điện ảnh Việt Nam chưa từng quên tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Nhân ngày 20-10, hãy cùng nhìn lại một số bộ phim mà trong đó người phụ nữ Việt Nam được khắc họa chân thực và đầy sức sống.
Với nền văn hoá của Việt Nam, thân phận người phụ nữ đã trở thành một đề tài quen thuộc trong chiều dài lịch sử của thi, ca, nhạc, hoạ. Không ít những giai thoại, câu ca nổi tiếng về số phận long đong, chấp chới của người phụ nữ trong xã hội Việt đã trở thành kinh điển với tháng năm như nàng Tô Thị trong hòn vọng phu, nỗi oan Thị Kính, chị em nhà Kiều,…
Tới lượt bộ môn nghệ thuật thứ 7 xuất hiện trong đời sống văn hoá Việt, dáng hình người phụ nữ lại tiếp tục được đem vào trong giọng kể của ống kính điện ảnh, thể hiện cả những nét truân chuyên cũng như khí phách anh hùng của phái đẹp Việt. Nhân dịp ngày 20/10, ngày của phái đẹp trên khắp đất nước, tiếp tục nhìn lại những người phụ nữ đã gắn liền với ký ức điện ảnh Việt Nam.
5. Chị Dậu
Trước Làng Vũ Đại ngày ấy, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã gây tiếng vang với một bộ phim khác cùng chuyển thể từ truyện ngắn của Ngô Tất Tố và lấy bối cảnh làng quê Việt Nam thời thực dân nửa phong kiến. Đó là Chị Dậu. Cũng như các tác phẩm khác của đạo diễn Phạm Văn Khoa, bộ phim sử dụng chất liệu của dòng văn học hiện thực phê phán để đem lại cảm xúc mạnh cho người xem, khơi gợi sự cảm thông, lòng nhân ái và cả sự căm giận, buộc con người phải trăn trở, hành động để thay đổi.
Trong đó, cuộc sống và suy nghĩ đầy nghị lực của nhân vật chị Dậu chính là đòn bẩy lớn nhất thúc đẩy cảm xúc trong khán giả. Dưới ách cai trị thực dân, chị Dậu phải gánh vác gia đình thay cho người chồng đau ốm, bị ép uổng đến mức phải bán chó, bán con mà vẫn không trả hết được thuế, phải đi làm vú em.
Nữ diễn viên Lê Vân đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, chứng tỏ mình là người sinh ra để hoá thân vào nhân vật trong truyện ngắn của Ngô Tất Tố sau 6 năm chờ đợi của đạo diễn Phạm Văn Khoa để tìm được gương mặt thích hợp.
Bao giờ cho đến tháng 10 tiếp tục ghi dấu ấn trong lịch sử điện ảnh với nghệ sĩ Lê Vân là nữ chính. Bộ phim được đạo diễn Đặng Nhật Minh lấy cảm hứng từ một đám tang có thật ở Quế Võ, Hà Bắc mà ông đang ngồi trong quán trú mưa chứng kiến.
Một đoàn người đi lầm lũi trong mưa… theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai nhỏ. Người thiếu phụ ấy chính là chị Duyên, nhân vật chính trong Bao giờ cho đến tháng 10.
Bộ phim mang nét văn hoá tâm linh người Việt lên màn ảnh bằng ngôn ngữ dung dị, nhuần nhị đậm chất huyền bí Á Đông. Cảnh đáng nhớ nhất trong phim chính là ở chợ phiên âm phủ ngày rằm tháng 7, khi chị Duyên được gặp lại người chồng đã hy sinh trong chiến trận. Cuộc đối thoại trữ tình nhưng cũng đầy ám ảnh đó đã in mãi trong lòng người xem về hình tượng người phụ nữ làm hậu phương trong gia đình thời chiến, một mực thuỷ chung, trong sáng đợi ngày chồng trở về.
Video đang HOT
7. Chị Tư Hậu
Chị Tư Hậu là bộ phim sản xuất năm 1962 của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Phim nói về cuộc đời một người phụ nữ miền Nam Việt Nam tên là Tư Hậu trong kháng chiến chống Pháp. Phim chuyển thể từ kịch bản là tác phẩm văn học của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958 với tựa đề “ Một chuyện chép ở bệnh viện“. Trong một trận càn quét của giặc Pháp, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp. Nỗi đau khiến chị suýt tự tử nếu không có tiếng khóc xé lòng của đứa con nhỏ khát sữa.
Từ đó, cuộc đời của chị chồng lấp, xen kẽ những đau khổ, bất hạnh khi chồng hy sinh, con bị giặc bắt và sự trưởng thành, cứng rắn để trở thành một nữ chiến sĩ can trường, bản lĩnh. Cuộc đời sương gió nhuốm màu buồn của chị Tư Hậu được diễn tả xuất sắc bằng vẻ đẹp mỏng manh, vừa man mác buồn vừa phẳng lặng hồ thu của nữ diễn viên điện ảnh Trà Giang.
8. Cô gái trên sông
Cô gái trên sông tiếp tục là một tác phẩm giàu tình cảm khác về đề tài thân phận phụ nữ của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim được ông coi như là tác phẩm để trả món nợ ân tình với xứ Huế, quê hương ông. Cô gái trong phim do NSND Minh Châu thể hiện chính là cô gái trong bài thơ “ Tiếng hát sông Hương” của Tố Hữu. Phim kể về một người chiến sĩ cách mạng được cô gái giang hồ trên sông Hương cứu thoát khỏi cuộc săn lùng của lính nguỵ.
Cảm động trước lý tưởng cao đẹp mà anh theo đuổi, cô gái đem lòng yêu người chiến sĩ. Sau ngày Huế giải phóng, cô gái lên đường hy vọng sẽ tìm lại được người lính năm nào. Thế nhưng, niềm hy vọng của trái tim cô gái mạnh mẽ lập tức bị vùi dập bởi người lính tránh né tình cảm của cô.
Diễn xuất của NSND Minh Châu đã thể hiện cho chúng ta thấy được hình ảnh của một bông hồng gai bị tổn thương, bên cạnh vết thương toác miệng của lòng kiêu hãnh là tiếng thở dài thườn thượt của trái tim yếu mềm.
9. Người đàn bà mộng du
Người đàn bà mộng du được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Bộ phim kể về câu chuyện của Quỳ (Hồng Ánh thể hiện) – một nữ quân nhân mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, đằm thắm, một mình làm chủ trái tim của tất cả những người lính trong một cánh quân lớn trên rừng Trường Sơn.
Những người đàn ông lần lượt đi qua đời Quỳ và hy sinh, để rồi những hình bóng ấy ám ảnh suốt cuộc đời, khiến chị trở thành một kẻ quen sống với người chết, quen với những giấc mơ, những hoài niệm chiến tranh. Quỳ trở thành người đàn bà mộng du, không chỉ đêm đêm cầm đèn đi soi từng chiếc giường bệnh trong quân y viện mà còn lang thang trong suốt cuộc đời mình, không thể dừng lại ở các ga xép hạnh phúc, cho dù chiến tranh đã đi qua.
Tạm kết
Qua thời gian, hình ảnh của phái đẹp của Việt Nam cũng ít nhiều thay đổi. Khói bụi chiến tranh phai mờ dần, nhường chỗ cho một hiện tại yên bình và tươi sáng hơn. Người phụ nữ Việt không còn bị đóng đinh trong sự truân chuyên thời binh lửa nữa mà dần đón nhận những vẻ đẹp tân thời, tự do và năng động hơn. Tuy nhiên, những gì thuộc về quá khứ vẫn rất đáng chân trọng và việc ôn lại những thước phim cũ chính là cách để tôn vinh vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc.
Trên đây chỉ là 9 trong số rất nhiều bộ phim khai thác hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Và với sự tiến bộ của xã hội cũng như ngành điện ảnh, chúng tôi tin chắc rằng trong tương lai gần, sẽ có thêm càng nhiều những bộ phim khắc họa được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại để người xem có thể thưởng thức, và thêm phần tự hào cũng như yêu quý phụ nữ Việt, đơn cử như Cô Ba Sài Gòn sắp ra mắt vào tháng sau.
Theo TTT
"Bao giờ cho đến tháng 10": Vẫn là bộ phim đẹp nhất cho tháng 10 và cho phụ nữ
"Bao giờ cho đến tháng 10" đã được CNN bầu chọn là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại, sánh ngang với các tác phẩm của những tên tuổi lớn như Akira Kurosawa, Trương Nghệ Mưu, Giả Trương Kha.
Tháng 10, tháng của hương lúa chín, tháng của những cánh diều chao lượn trên bầu trời lộng gió, tháng của những dòng sông tươi mát. Biết bao nhiêu kỷ niệm và hình ảnh tươi đẹp đã được những kẻ thơ mộng và những nghệ sĩ cả vô danh lẫn nổi tiếng gửi gắm vào trong khoảng thời gian đẹp nhất trong năm này. Những với đạo diễn Đặng Nhật Minh và những khán giả của ông, tháng 10 là tháng của sự chờ đợi vô vọng và những nỗi niềm hoá đá.
Đã hơn 30 năm kể từ ngày bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 ra mắt, cuộc sống làng quê Bắc Bộ của cô thiếu phụ tên Duyên đã đem về cho đạo diễn Đặng Nhật Minh vô số giải thưởng và trở thành một tác phẩm kinh điển không chỉ của Việt Nam mà còn của cả châu Á, giúp cho người Việt tự hào đem ra với thế giới không gian văn hoá bảng lảng huyền bí đậm chất Á Đông cũng như hình ảnh người phụ nữ Việt nhuần nhị, trinh khiết như những giọt cảm xúc đọng lại mãi trong lòng người xem.
Poster phim "Bao giờ cho đến tháng 10"
Bao giờ cho đến tháng 10 lấy bối cảnh ở một làng quê đơn sơ, dung dị, nơi có con sông hiền hoà, ruộng lúa xanh bát ngát và những mái đình lấp loáng bóng cây. Bộ phim bắt đầu bằng hình ảnh của Duyên (Lê Vân), một người phụ nữ trẻ với khuôn mặt băn khoăn, lo lắng như đang cất một nỗi tâm sự trong lòng. Chồng cô vừa mới hy sinh trên chiến trường. Trên đường qua sông, Duyên nhìn vào tờ giấy báo tử rồi ngất đi, ngã xuống nước nhưng được một thầy giáo làng gần đó là Khang (Hữu Mười) nhảy xuống cứu.
Trở về nhà, bố chồng liên tục dục hỏi Duyên về tin chồng cô, đứa con trai cũng kêu nhớ bố da diết. Duyên không đành lòng tiết lộ tin mới nhận, một mặt hy vọng rằng lần này báo tin sai, một mặt không muốn cho bố chồng biết vì sợ ông tuổi già đau yếu không chịu nổi cú sốc lớn. Duyên bèn nhờ anh giáo Khang viết hộ bức thư để gửi về làng vào ngày dỗ của người mẹ chồng, vốn là dịp cả gia đình, dòng họ cùng đoàn tụ.
Sau khi đã "lừa" gia đình được một lần, Quyên lại nhờ Khang viết thư tiếp lần sau. Đồng cảm với nỗi khổ của Duyên, Khang viết thư khuyên cô hãy nói ra sự thật cho mọi người cùng biết. Không may, bức thư này lại đến tay anh chồng của Duyên và mọi người bắt đầu dị nghị mối quan hệ giữa Duyên với thầy Khang.
Bộ phim có những yếu tố gây hồi hộp, giật gân của thể loại bi kịch thời chiến. Đạo diễn vẽ ra một tình huống có những mâu thuẫn để dồn các nhân vật vào đường cùng, buộc họ phải đối mặt với bế tắc. Nhưng đó chính là một cách để làm nổi bật lên sự cao cả trong tâm hồn các nhân vật. Tuy chịu sự dị nghị của đồng nghiệp và người làng là lợi dụng người chồng đi chiến trận để chiếm lấy Duyên nhưng Khang vẫn kiên định giữ lấy bí mật cho cô. Dù cho có bị thuyên chuyển công tác cũng như mất niềm tin của bạn gái là Thơm (Nguyễn Minh Vượng).
NSƯT Hữu Mười trong vai thầy giáo Khang
Về phía Duyên, hành động giấu tin chồng mất một phần vì cô quá yêu anh để chấp nhận được sự thật. Một phần vì Duyên thương bố chồng và gia đình bên chồng, bảo vệ họ khỏi sự thật khắc nhiệt. Còn Thơm, tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng cách ứng xử của cô vào cuối phim thực sự khiến người xem phải xúc động. Ban đầu, vì hiểu lầm nên Thơm khinh ghét Khang nhưng khi biết được sự thật, cô đã hiểu và san sẻ cho nỗi đau của Duyên. Giọt nước mắt của Thơm khi đưa con của Duyên vào lớp một tượng trưng cho giọt nước mắt của những người mẹ trước cổng trường của con trong ngày khai giảng đầu tiên.
Mà ở đây, Thơm đóng vai trò là người mẹ thứ hai, trong tư cách của một người giáo viên và đồng thời cũng là trong tư cách của một người phụ nữ cùng chia sẻ nỗi niềm với một người phụ nữ khác có chồng hy sinh ở chiến trường. Dưới lá cờ bay lất phất giữa bầu trời tĩnh lặng không mây, giọt nước mắt của người phụ nữ bao dung trở thành dấu chấm cho câu kết đẹp của cả bộ phim, thấm qua bao trang sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và làm hiện ra hình bóng lớn lao, cao cả của người phụ nữ Việt.
Diễn viên Minh Vượng trong vai Thơm
Đạo diễn Đặng Nhật Minh, vốn chỉ làm phim từ kịch bản do chính mình viết, đã khéo léo xen vào câu chuyện con người thời hậu chiến trong phim những chất liệu tâm linh hết sức gần gũi với không gian văn hoá Bắc Bộ như những miếu thờ cổ kính, vị thành hoàng làng đeo gươm dài oai phong, chợ phiên âm phủ dịp rằm tháng bảy.... Người phụ nữ trong quan niệm truyền thống của người Việt luôn là người đóng vai trò chăm sóc góc tâm linh trong gia đình. Nếp truyền thống đó được thể hiện qua những lần hình ảnh người chồng trở về trong những trải nhiệm nửa hư nửa thực của Duyên.
Trong đêm văn nghệ, Duyên được phân công đóng vai nữ trong vở chèo cổ Trương Viên diễn tả cảnh kẻ đi người ở. Duyên nhập vai đến nỗi làm hỏng cả vở chèo. Nuốt nước mắt vào trong, cô chạy ra chiếc miếu thờ dưới cây muỗn già. Tại đây, vị Thành Hoàng Làng bất ngờ xuất hiện trong hình hài của tráng sĩ dưới lá cờ Hưng Đạo Vương. Vị Thành Hoàng Làng này dặn Duyên rằng đến rằm tháng 7 ở đây mở chợ phiên âm phủ, nếu muốn gặp lại chồng hãy chạy ra đây.
Giọt nước mắt trinh khiết của người phụ nữ nhớ chồng thất trận chính là tấm gương làm biến hình vũ trụ để đạo diễn đưa người xem bước vào thế giới siêu thực huyền ảo. Để từ đó, khán giả được chứng kiến cảnh phim siêu thực hay nhất điện ảnh Việt Nam. Ở đêm chợ âm dương, vị Thành hoàng làng đưa Duyên đi giữa những người trong chợ tìm chồng. Nam xuất hiện, gương mặt trắng bệch nhưng thanh thản. Anh chìa tay ra, cô định nắm lấy nhưng không thể chạm vào, hai người len lỏi qua dòng người bên sông. Cô hỏi anh có muốn dặn dò gì không? Người chồng chỉ lặng lẽ trả lời: "Anh chỉ muốn những người còn sống được hạnh phúc. Chỉ những người đang sống mới làm được điều đó. Anh đã làm hết phần việc của mình rồi."
Cảnh phiên chợ âm phủ vốn nhẽ ra phải bị cắt vì vấn đề tâm linh nhạy cảm thời bấy giờ nhưng trong buổi duyệt phim cuối cùng tại nhà tổng bí thư Trường Chinh, ông đã quyết định cho giữ cảnh phim lại. Vị tổng bí thư không nói gì mà chỉ lặng lẽ tiến lại gần nữ diễn viên Lê Vân đang hồi hộp chờ, bắt tay cô và nói vọn vẹn hai từ "Thương lắm". Hai từ tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng biết bao niềm cảm thương và sự đồng điệu sâu sắc với những người đóng vai trò là hậu phương của đất nước. Phụ nữ Việt Nam bao ngày nay vẫn thế, là cái gốc, cái nhà để ngả bóng cao cả xuống che chở cho những người đàn ông trinh vung gươm, vác súng trinh chiến ngoài mặt trận. Lịch sử dựng nước, giữ nước của Việt Nam tạo ra bao nhiêu anh hùng thì cũng tạo ra bấy nhiêu người phụ nữ can trường, quả cảm.
Bao giờ cho đến tháng mười hướng ống kính thơ mộng và chân thực về phía bối cảnh làng quê Bắc Bộ thời bấy giờ. Những mái đình, chiếu chèo, miếu thờ thiêng liêng được đưa vào trong không gian bảng lảng, nhuần nhị của tiết trời tháng 10 như làn gió làm mở toang cánh cửa vào lòng khán giả. Nhìn vào trong không gian đó, không ít khán giả cũng sẽ thấy vừa lạ vừa quen. Lạ vì không gian thần bí phảng phất hơi thở cổ tích dân gian. Quen vì được chìm đắm trong những âm thanh đồng vọng đến từ ký ức của một thời chưa xa lắm mà cha anh ta đã trải qua trong những cánh đồng quê. Và trên hết, là hình ảnh người phụ nữ Việt kiên cường, bất khuất mà các bà, các mẹ của chúng ta đã xây dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử vệ quốc của đất nước.
Theo Kenh14.vn
Phim 'Cha cõng con' đại diện cho điện ảnh Việt Nam tại Oscar 2018 Bộ phim cảm động về tình phụ tử của đạo diễn Lương Đình Dũng được chọn làm tác phẩm Việt Nam dự tranh hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại lễ trao giải Oscar năm nay. Trailer bộ phim 'Cha cõng con' Tác phẩm nghệ thuật cảm động của đạo diễn Lương Đình Dũng chuẩn bị ra mắt khán giả...