Nhìn lại công tác điện ảnh năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ ngành 2019
Ngày 30/11/2018, Cục Điện ảnh tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác điện ảnh năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019 với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị điện ảnh. Đây là hoạt động thường kỳ của Cục Điện ảnh được tổ chức vào dịp cuối năm. Cũng trong dịp này, Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh vinh dự được nhận Bằng khen Chiến sỹ thi đua toàn quốc do đại diện lãnh đạo Vụ thi đua, Khen thưởng trao tặng.
Tổng kết Công tác điện ảnh năm 2018, nhiều hoạt động mà Cục Điện ảnh đã hoàn thành gồm: Tổ chức Lễ Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam và đón Huân chương Lao động Hạng Nhì do Đảng và Nhà nước trao tặng vào tháng 3/2018; Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V thành công tiếp tục khẳng định về chất lượng chuyên môn của LHP và tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức. Liên hoan phim đã trở thành hoạt động nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng khi đưa điện ảnh Việt Nam tới gần hơn với khán giả thế giới đồng thời đưa tinh hoa điện ảnh thế giới đến với Việt Nam.
Trong công tác quản lý sáng tác, sản xuất phim, Cục Điện ảnh đã hoàn thiện các hồ sơ, trình Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Bộ Tài chính cấp một phần kinh phí đặt hàng sản xuất phim tài liệu, hoạt hình, khoa học, quay tư liệu các năm 2016 và 2017 đợt 1 cho 3 đơn vị: Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty CP Phim Giải Phóng, Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam; Hoàn thiện các hồ sơ thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Nhà nước đặt hàng sản xuất 06 phim truyện Lính chiến, Người yêu ơi, Hợp đồng bán mình, Thạch Thảo, Truyền thuyết về quán Tiên và Cô gái tóc xanh…
Cục trưởng Cục điện ảnh Ngô Phương Lan vinh dự được nhận Bằng khen Chiến sỹ thi đua toàn quốc do đại diện lãnh đạo Vụ thi đua, Khen thưởng trao tặng
Video đang HOT
Trong công tác quản lý phổ biến phim, báo cáo Tổng kết của Cục Điện ảnh cho biết: Tính đến cuối tháng 11/2018, Cục Điện ảnh đã tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành 30 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 208 phim truyện nước ngoài, 16 phim truyện video , 02 phim truyện hợp tác với nước ngoài, 05 phim tài liệu nhựa, 22 phim tài liệu kỹ thuật số và 32 phim ngắn. Ngoài ra, Cục Điện ảnh cũng luôn theo sát và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL về những kiến nghị của Hiệp hội phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, Công ty CJ CGV Việt Nam xung quanh vấn đề Công ty CJ CGV Việt Nam phát hành phim Việt Nam và khởi chiếu phim nước ngoài đồng thời tại các rạp trong và ngoài hệ thống rạp của CJ CGV Việt Nam. Về vấn đề này, Tiến sỹ Ngô Phương Lan cho biết số lượng phim ngoại nhập được cấp phép phát hành tại Việt Nam trong năm 2018 vẫn tăng và tiếp tục chiếm phần lớn thị phần chiếu phim tại thị trường Việt Nam do khi ký kết các Hiệp định thương mại WTO (2007), Việt Nam đã cam kết không quy định hạnh ngạch nhập khẩu phim. Trong khi đó, phim của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa ít về số lượng vừa không đồng đều về chất lượng nội dung nghệ thuật và kỹ thuật nên găp nhiều khó khăn trong việc đưa vào hệ thống phát hành do nhà đầu tư nước ngoài quản lý. Vụ việc công ty CJ CGV có dấu hiệu thống lĩnh thị trường, chèn ép các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim đã được phản ánh lên Bộ VHTTDL, tuy nhiên, do những vướng mắc về quy định pháp lý nên vụ việc vẫn chưa thể giải quyết.
Với kinh nghiệm và sự am hiểu về quản lý cũng như chuyên môn, Cục trưởng Ngô Phương Lan yêu cầu các đơn vị điện ảnh có chức năng sản xuất phim trong nước nên bám sát 3 tiêu chí Nhà nước đặt hàng phim phục vụ nhiệm vụ chính trị thuộc các đề tài: Chiến tranh cách mạng, Dân tộc Miền núi và Thiếu nhi, từ đó tập trung tìm kịch bản có chất lượng, riêng với mảng phim truyện, các hãng khi bắt đầu làm phim đồng thời phải tìm nhà phát hành để khâu quảng bá phim được thực hiện tốt, thể loại hoạt hình cũng nên sản xuất phim truyện hoạt hình dài, không chỉ dừng ở phim ngắn 10 – 15 phút.
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đơn vị trong ngành và đại diện lãnh đạo đơn vị trong Bộ, hội nghị đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm 2019 của ngành điện ảnh, gồm: Hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và trình Chính phủ vào quý III năm 2019, Xây dựng “Đề án xây dựng quảng bá thương hiệu quốc gia lĩnh vực điện ảnh”; Tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 21 tại Bà Rịa – Vũng Tàu…
Theo thegioidienanh.vn
Việt Nam giành 4 giải tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội
Sau 5 ngày được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, từ 27/10 đến 31/10, với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo các nghệ sĩ, các nhà sản xuất điện ảnh, công chúng, báo giới trong nước và quốc tế, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ V đã thành công tốt đẹp. Đặc biệt, điện ảnh Việt Nam giành 4 giải thưởng tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội.
Trong những ngày diễn ra Liên hoan Phim, công chúng Thủ đô đã có cơ hội để xem 147 bộ phim của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 201 buổi chiếu phim tại rạp, trong đó có 48 buổi chiếu có Nghệ sĩ các đoàn làm phim ra mắt, giao lưu trực tiếp với khán giả trước giờ chiếu. Chương trình Phim Việt Nam đương đại khiến các khán giả trở nên hào hứng hơn khi có cơ hội được xem phim và được bình chọn cho Phim Việt Nam được yêu thích nhất. Đặc biệt, không chỉ được xem 47 bộ phim Việt Nam mới, đa dạng về thể loại, đề tài phong phú, khán giả còn được thưởng thức 100 tác phẩm điện ảnh nước ngoài, các tác phẩm đại diện cho dòng phim kinh điển đến các phim mới sản xuất.
Lễ bế mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ V
Điểm nhấn đem đến sự hào hứng cho khán giả hơn nữa và cũng là nét tươi mới của Liên hoan Phim chính là 3 buổi chiếu phim ngoài trời, giao lưu với khán giả tại trung tâm thành phố với các bộ phim "Cô Ba Sài Gòn"(của Việt Nam) , "Anida và gánh xiếc nổi" (của Argentina) và "Giản đơn" (của Australia).
TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc Liên hoan phim khẳng định: "Hơn 1200 đại biểu và khách mời cũng như các nghệ sĩ điện ảnh có tác phẩm tham dự LHP, các nhà sản xuất phim, những người hoạt động điện ảnh tên tuổi trên thế giới và Việt Nam đã đến với Hà Nội trong 5 ngày diễn ra LHP vừa qua. Họ đã tạo được không khí náo nức, say mê nghề nghiệp lan tỏa trong giới những người làm nghề điện ảnh, sinh viên các trường nghệ thuật, khích lệ không khí sáng tác, xây dựng tác phẩm, tìm tòi cơ hội hợp tác làm phim thông qua các hoạt động nghiệp vụ chuyên sâu như Hội thảo, Trại Sáng tác và Chợ Dự án phim".
Trước đó, trong khuôn khổ LHP, BTC Trại sáng tác và Chợ Dự án của HANIFF 2018 đã công bố những dự án cũng như cá nhân xuất sắc. Sau những buổi học và nhận đánh giá tổng kết từ các diễn viên điện ảnh, quay phim, biên kịch và các nhà làm phim danh tiếng trong nước và quốc tế, đã có 3 học viên xuất sắc được trao giải thưởng. Đó là Mr. Crisanto Calvento đến từ Philippines, học viên lớp Đạo diễn - Sản xuất; Lớp diễn viên có 2 học viên được trao giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất, đó là Công Văn Dương và Vũ Kim Anh.
Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho Đào Phương Anh
Ngoài ra Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Christian Bables - Philippines phim "Tín hiệu trên đỉnh núi"; Giải thưởng BGK cho phim dài "Dân quê" của đạo diễn Vladimir Todorovic - Serbia. Giải Phim ngắn xuất sắc: "Su" của đạo diễn Aizhana Kassymbek - Kazakhstan. Giải Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á - NETPAC trao cho phim "Nữ sinh A" của đạo diễn Lee Kyung-sub - Hàn Quốc; Giải bình chọn phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong Chương trình phim Việt Nam đương đại phim "Chàng vợ của em" - đạo diễn Charlie Nguyễn. Đặc biệt, Việt Nam đã giành 4 giải thưởng gồm: Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho nữ diễn viên Phương Anh Đào (phim "Nhắm mắt thấy mùa hè"); Bộ phim "Chàng vợ của em" (đạo diễn Charlie Nguyễn) đã giành giải Khán giả bình chọn trong chương trình phim Việt Nam đương đại. Giải đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc giành cho Nguyễn Lê Hoàng Việt - phim "Bạn cùng phòng"; Giải ban giám khảo cho phim ngắn: phim "Hai đứa trẻ" của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.
Đánh giá về Liên hoan phim, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh: Đây thực sự là những "bữa tiệc" phim quốc tế sôi động, tạo cơ hội cho điện ảnh Việt Nam nhìn lại mình trong nhiều góc độ. Xét riêng về phim truyện điện ảnh - phim dài, một kênh đánh giá chất lượng và sự phát triển điện ảnh quốc gia, các bạn đã mang đến những tác phẩm rất xuất sắc, có chọn lọc kỹ, phần lớn đã đoạt các giải thưởng Liên hoan phim quốc tế danh giá. Riêng phim tham dự tranh giải đều mới và cách tiếp cận các vấn đề về cuộc sống đương đại đã vượt tầm quốc gia chạm đến những vấn đề "nóng" toàn cầu, không có phim nào thuộc dòng giải trí hay thị trường. Nhưng điều đáng nói hơn là phim của bạn mang đậm đặc bản sắc văn hóa quốc gia, để phim như đại diện tiếng nói quốc gia, không lai tạp hay pha trộn. Đó chính là điều cần nhìn lại một cách nghiêm túc. Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội là cơ hội lớn mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam ra khu vực và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, ổn định thông qua hình ảnh Thủ đô Hà Nội thân thiện, mến khách với bề dày nghìn năm văn hiến, cảnh quan tươi đẹp và thanh bình".
Cũng trong khuôn khổ Liên hoan phim, triển lãm "Bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam"và Chương trình tham quan Tràng An - Bái Đính, tham quan Hà Nội do Ban Tổ chức chiêu đãi đại biểu đã góp phần quảng bá tích cực, hiệu quả cho tiềm năng du lịch, cũng như thu hút các nhà làm phim nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam. Đặc biệt, góp phần không nhỏ làm nên thành công của Liên hoan Phim là gần 200 tình nguyện viên là các sinh viên thuộc các Trường Đại học tại Thủ đô Hà Nội có khả năng giao tiếp ngoại ngữ tốt, tinh thần làm việc hăng say, yêu điện ảnh và tình nguyện phục vụ Liên hoan phim.
Theo baodansinh.vn
Mr. Cần trô - Xuân Nghị xin lỗi Han Jae Suk và đạo diễn Hàn Quốc vì ekip Việt Nam nợ tiền rồi trốn mất Bộ phim "Thiên đường" có sự góp mặt của Lý Nhã Kỳ - Han Jae Suk đã chính thức bị hủy bỏ vì nhà sản xuất nợ tiền nhân viên và các diễn viên. Một tin chẳng mấy vui vẻ gì cho điện ảnh Việt Nam, ấy là dự án Thiên đường do Han Jae Suk - Lý Nhã Kỳ đóng chính đã...