Nhìn lại 15 ngày giãn cách xã hội chống dịch ở TPHCM
15 ngày thực hiện giãn cách xã hội ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên số ca mắc Covid-19 vẫn tăng cao khiến TPHCM tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh hơn nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Nhìn lại 15 ngày giãn cách xã hội chống dịch ở TPHCM
Đúng thời khắc 0h đêm 9/7, TPHCM chính thức thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ để giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Các tuyến đường trung tâm thành phố vắng vẻ, tĩnh lặng, không có người di chuyển qua lại.
Bên cạnh việc giãn cách xã hội, TPHCM đã tái lập 12 chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố như: đường Trần Văn Giàu (giáp tỉnh Long An), Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22, cao tốc Trung Lương… để kiểm soát dịch bệnh.
Khu trung tâm TPHCM vắng vẻ trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đây là lần thứ hai thành phố áp dụng Chỉ thị 16 trong bối cảnh ghi nhận hàng nghìn ca mắc Covid-19, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát ngày 27/4, cao nhất cả nước.
Chỉ thị 16 của Chính phủ quy định người dân ở nhà, chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
Khu vực vòng xoay ngã 6 Lý Thái Tổ (quận 10) ngay giờ cao điểm không còn cảnh xe cộ đông đúc như trước.
Khu vực đường Đồng Khởi (quận 1), đoạn trước Nhà hát Thành phố cũng không một bóng người. Tại khu vực này, nhiều biển tuyên truyền điện tử được lắp đặt để nhắc nhở người dân tuân thủ chống dịch.
Khu vực công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) được giăng dây cẩn thận tránh việc người dân vào tập thể dục. Theo quy định tại nghị định 117, phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Trong 15 ngày qua, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã thành lập 969 đoàn kiểm tra; xử phạt gần 4.000 vụ với tổng số tiền 8 tỉ đồng (chủ yếu các lỗi vi phạm do tập trung đông người, các loại hình tạm ngưng kinh doanh nhưng vẫn cố tình hoạt động, đi ra ngoài không có lý do chính đáng…).
Hàng nghìn người dân xếp hàng dài phía ngoài Bệnh viện Quân Y 175 (quận Gò Vấp) chờ làm xét nghiệm Covid-19 để có đủ điều kiện lưu thông qua các tỉnh. Giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 là một trong những điều kiện cần có để người dân có thể di chuyển qua lại giữa TPHCM và các tỉnh lân cận.
Tổng số nhân sự phục vụ công tác lấy mẫu trong 15 ngày qua là 4.456 người, tương ứng 2.228 đội. Đã có hàng trăm nghìn người dân TPHCM được tầm soát, xét nghiệm Covid-19. Đặc biệt, hình thức xét nghiệm lưu động, đến từng nhà dân lấy mẫu đã giảm tập trung đông người, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Số ca nhiễm cộng đồng của TP từ ngày 9-7 đến 6 giờ ngày 23-7 có 40.255 ca. Từ ngày 9 đến 15/7, trung bình mỗi ngày thành phố phát hiện 2.780 ca bệnh. Các ca nhiễm hiện nay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
Chợ Bến Thành nổi tiếng gắn với hình ảnh du lịch, năng động, sáng tạo, vốn là điểm đến nằm trong top những nơi phải check-in khi đến TPHCM. Hơn 1.000 sạp trong chợ đóng cửa phòng chống dịch.
Quận 3 (TPHCM) phối hợp với các siêu thị lớn phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn lẻ nhằm giảm tải và rút ngắn thời gian xếp hàng chờ đợi vào mua hàng cho người dân trên địa bàn khi dịch bệnh bùng phát nhanh.
Nhiều phương thức cung cấp nhu yếu phẩm đã được thực hiện để đảm bảo người dân không thiếu lương thực, thực phẩm như: Lập nhiều chợ dã chiến, mở lại các chợ dân sinh, thành lập nhiều siêu thị 0 đồng hỗ trợ người dân trong khu cách ly…
Ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã tới khảo sát việc xây dựng 4 bệnh viện dã chiến số 6,7,8,9 với tổng số 16.000 giường, vừa được thiết lập tại khu tái định cư Bình Khánh, TP Thủ Đức.
Các chung cư lô R1, R2, R3 trở thành Bệnh viện số 6, 7, 8, 9 thu dung và điều trị Covid-19 tại TPHCM. Quy mô 3 tòa chung cư lên đến hơn 18.000 giường để điều trị các F0.
Ngoài ra, để đáp ứng trong việc điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19, TPHCM khẩn trương san lấp mặt bằng một đầm lầy rộng hơn 5 héc-ta để xây dựng bệnh viện dã chiến tại quận 7 và huyện Bình Chánh. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 8.
Hình ảnh các bạn sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương đang chờ phân công về các quận trên địa bàn TPHCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.
Tổng số nhân lực ngành y tế đang tham gia chống dịch trên địa bàn TPHCM là 14.000 người, trong đó đội ngũ y, bác sĩ của thành phố là 10.022 người; Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ là 4.107 người.
Bộ Tư lệnh TPHCM cũng đã điều động 27.769 cán bộ, chiến sĩ, dân quân phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến và khu phong tỏa.
Hiện TP điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm xét nghiệm PCR và test nhanh), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong. Ngày 23/7, TP HCM có 2.226 bệnh nhân xuất viện.
Ngoài việc hỗ trợ về nhân lực Y tế, TPHCM còn được sự chung tay chống dịch của người dân từ khắp các địa phương trên toàn quốc, từ các trang thiết bị y tế đến các nhu yếu phẩm như gạo, rau củ, quả…
Chiều 19/7, hai chuyến tàu cao tốc đầu tiên của TPHCM đã cập bến Bạch Đằng sau 10 tiếng di chuyển đường sông để đưa gần 20 tấn thực phẩm từ miền Tây về cung ứng cho TPHCM nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong thời điểm thực phẩm khan hiếm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đội ngũ tình nguyện viên khẩn trương vận chuyển chuyến cá đầu tiên của người dân Quảng Bình đến với người nghèo, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM.
Phật tử cùng với các tình nguyện viên, con em sống tại Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Diệu Giác (TP Thủ Đức) nấu 200 suất ăn mỗi ngày để ủng hộ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.
TPHCM đã khẩn trương, kịp thời triển khai hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như: Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc), người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp… hàng trăm tỉ đồng.
Tính đến nay, TPHCM đã triển khai tiêm được 991.872 liều vắc xin, trong đó 943.251 người mũi 1 và 48.657 người mũi 2.
Hiện tại, thành phố đang thực hiện khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong thời gian 2-3 tuần từ ngày 22/7 để không chịu áp lực về thời gian hoàn thành mục tiêu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện về giãn cách. Đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt này là người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh nền.
Chiều 20/7 là kỷ niệm đáng nhớ bậc nhất với các bác sĩ, điều dưỡng từ khi làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 6 thu dung điều trị F0 Covid-19 tại TP Thủ Đức (TPHCM), khi ba mẹ con chị Trần Thị Thanh Thảo (41 tuổi, ngụ quận Bình Tân), là những trường hợp F0 đầu tiên tại đây được xuất viện.
Theo Sở Y tế TPHCM, công tác điều trị có nhiều tiến triển tích cực, dự kiến số bệnh nhân xuất viện thời gian tới sẽ khoảng 1.000 người/ngày.
TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ với các biện pháp mạnh hơn nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan, giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong cho người mắc Covid-19.
Công tác xét nghiệm trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16
Từ 0 giờ ngày 9/7 TP.Hồ Chí Minh đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những biện pháp phòng, chống dịch đang được triển khai quyết liệt hơn để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
Theo nhận định từ các chuyên gia, do tác nhân gây bệnh là chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, khu nhà trọ, nơi làm việc, tòa nhà văn phòng, cơ sở sản xuất môi trường thông khí kém, máy lạnh trung tâm. Biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha khoảng 60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn so với người nhiễm biến thể Alpha. Nghiên cứu cũng cho thấy ca mắc biến thể Delta có thể lây nhiễm mạnh hơn và lâu hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong buổi làm việc sáng ngày 9/7
Trong thời gian TP.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các công tác điều tra truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch sẽ được triển khai triệt để theo hướng đúng trọng tâm, trọng điểm để ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.
Theo đó, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lại công tác xét nghiệm trên địa bàn theo đó việc điều phối xét nghiệm sẽ được giao cho các đơn vị quận, huyện phụ trách từ công tác tổ chức lấy mẫu, điều phối xe vận chuyển mẫu đến các phòng thí nghiệm được phân công thực hiện nhằm đảm bảo nhanh chóng, thông suốt trong công tác xét nghiệm; Các đơn vị từ thành phố sẽ tham gia điều phối tổng thể cũng tham gia điều phối khi các đơn vị quận, huyện gặp tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, các đơn vị được phân công cũng liên tục rà soát, kiểm tra, đánh giá các đơn vị thực hiện xét nghiệm để tiến hành điều chỉnh, điều phối nhằm đảm bảo đáp ứng tiến độ, kết quả xét nghiệm theo quy định.
Song song việc điều phối xét nghiệm, công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian tới cũng có sự thay đổi phù hợp tùy theo mức độ nguy cơ của từng địa bàn.
Đối với hình thức xét nghiệm, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương cho biết hiện đang phối hợp cùng các đơn vị để tiến hành triển khai tập huấn thực hiện xét nghiệm mẫu gộp bằng phương pháp test nhanh để đáp ứng nhanh chóng cho công tác phòng chống dịch của Thành phố.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống chống dịch COVID-19 tại TP.HCM cho biết, căn cứ tình hình giãn cách tại TP.HCM cùng kinh nghiệm chống dịch được tích lũy trong thời gian qua Bộ Y tế khuyến nghị đối với các khu vực nguy cơ cao và rất cao sẽ thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát theo hình thức mẫu gộp hộ gia đình (tất cả các thành viên trong một gia đình được thực hiện chung một mẫu) trong đó khu vực nguy cơ rất cao nên được tầm soát với tần suất 3 ngày/ lần, với các khu vực nguy cơ cao thực hiện 1 tuần/ lần nếu có điều kiện thực hiện tiến hành nâng cao tần suất; đối với các khu vực nguy cơ sẽ được tiến hành tầm soát theo hộ gia đình.
Về vấn đề hỗ trợ từ Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, các lực lượng luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM bao gồm công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tế, hỗ trợ chuyên môn, công tác điều trị... Bộ Y tế sẽ dựa trên yêu cầu từ TP.HCM để tiến hành hỗ trợ, điều phối và phối hợp cho phù hợp với các lực lượng sẵn có.
Đối với vấn đề tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong thời gian tới Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục có sự ưu tiên phân bổ vắc xin cho thành phố, song song đó cũng sẽ phối hợp cùng thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phù hợp với tình hình thực tiễn giãn cách tại đây.
Quảng Ngãi hỏa tốc thêm 2 địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 Quảng Ngãi vừa bổ sung huyện Sơn Tịnh và Trà Bồng vào danh sách các huyện thị giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Chợ Trà Bồng đang được phong tỏa - Ảnh: T.N Chiều 9-7, UBND tỉnh Quảng Ngãi phát đi văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh, bổ sung áp dụng các biện pháp chống dịch đặt thù trong...