Nhìn lại 10 năm cuộc đua lợi nhuận ngân hàng: Cạnh tranh quyết liệt!
Thập niên những năm 2010 đã chứng kiến cuộc cạnh tranh lợi nhuận rất quyết liệt giữa các ngân hàng. Đơn cử như Vietcombank, sau nhiều năm đánh mất ngôi đầu đã lấy lại vị trí từ tay VietinBank vào năm 2016.
Nhìn lại 10 năm cuộc đua lợi nhuận ngân hàng: Cạnh tranh quyết liệt!
Thập niên của những năm 2020 vừa bắt đầu được vài ngày, kỳ vọng sẽ chứng kiến thêm nhiều thay đổi mới trong nền kinh tế. Tuy nhiên, dù là 10 năm nữa thì ngân hàng nhiều khả năng vẫn tiếp tục đóng vai trò xương sống, dẫn dắt kinh tế tăng trưởng.
Trong nội bộ ngành ngân hàng, thập niên tới chắc chắn sẽ tiếp tục chứng kiến sự thay đổi lớn về mặt vị thế, đặc biệt là sự xáo trộn trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng, như những gì đã từng xảy ra trong 10 năm trước.
Nhìn lại thập niên của những năm 2010, có thể cảm nhận được ngay sự quyết liệt trong cuộc đua lợi nhuận giữa các ngân hàng.
Năm 2019, Vietcombank đứng đầu bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng, tương tự như vị thế của năm 2010. Nếu nhìn vào điểm mốc đầu – cuối, có thể lầm tưởng rằng Vietcombank duy trì vị thế “anh cả” lợi nhuận suốt thập niên, nhưng thực tế không phải!
Năm 2011, VietinBank đã soán ngôi với lợi nhuận trước thuế lên đến gần 8.400 tỷ đồng, tăng vọt 83% so với năm trước đó. Ngôi đầu này được duy trì trong suốt giai đoạn 2011 – 2015, bất chấp đa phần các ngân hàng “chao đảo” lợi nhuận do phải dành nguồn lực lớn để xử lý nợ xấu.
Năm 2014, Vietcombank thậm chí còn bị BIDV đẩy xuống vị trí thứ 3.
Sau một thời gian khá dài dành nguồn lực xử lý gọn nợ xấu, lợi nhuận của Vietcombank bắt đầu bứt phá từ năm 2016, lấy lại ngôi vương lợi nhuận và duy trì suốt từ đó tới nay với khoảng cách ngày càng xa so với nhóm phía sau.
Thống kê của VietnamFinance cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2010 – 9 tháng 2019 của Vietcombank ở mức 21%/năm, cao hơn nhiều mức 9% của VietinBank và mức 10% của BIDV.
Xét 5 năm trở lại đây, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của Vietcombank lên đến 37%/năm, cao hơn hẳn mức 2% của VietinBank và 8% của BIDV.
Video đang HOT
Dù vậy, xét về tăng trưởng lợi nhuận, Vietcombank vẫn thua một ngân hàng quốc doanh khác: Agribank.
Mặc dù là ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống xét về tổng tài sản cũng như thị phần cho vay nhưng do hoạt động trong lĩnh vực tam nông vốn nhiều rủi ro nên nền lợi nhuận của Agribank khá thấp so với quy mô, chỉ ở mức trên 2.200 tỷ đồng năm 2010, thấp hơn nhiều ngân hàng tư nhân như ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank hay MB.
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Agribank đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn Vietcombank, 33%/năm cho giai đoạn 2010 – 9 tháng 2019 và 47%/năm cho 5 năm gần đây.
Tuy nhiên, vẫn phải dành lời khen cho ngân hàng này khi đã bứt phá lợi nhuận trong vòng 2 năm trở lại đây. 9 tháng năm 2019, Agribank đã trở thành á quân lợi nhuận ngân hàng, chỉ đứng sau Vietcombank.
Cuộc đua lợi nhuận ngân hàng 10 năm qua. Nguồn: VietnamFinance (Ghi chú: Riêng SCB không có số liệu lợi nhuận năm 2011 do trùng vào thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng, trong đồ họa là số liệu 9 tháng năm 2011)
Với nhóm ngân hàng tư nhân, những cái tên “hầm hố” 10 năm trước có thể kể đến như: ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank, MB. Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận cao, trên nghìn tỷ, như VIB, MSB.
Tuy nhiên, 10 năm sau, những cái tên vẫn giữ được phong độ chỉ có Techcombank và MB, phần nào đó là ACB (bứt tốc lợi nhuận từ năm 2017 sau khi xử lý gọn nợ xấu liên quan đến bầu Kiên) và VIB (lấy lại mốc lợi nhuận nghìn tỷ năm 2017).
Trong khi đó, Sacombank dù vẫn cố duy trì lợi nhuận ở mức khá cao so với trung bình ngành nhưng điều này không có quá nhiều ý nghĩa trong bối cảnh nợ xấu vẫn chất đống với quy mô khổng lồ.
Còn với Eximbank, ngân hàng này ngập chìm trong “nội chiến”, cộng thêm với việc nợ xấu vẫn ở mức cao, khiến triển vọng lợi nhuận ngân hàng này không mấy sáng sủa. Trong thập niên vừa qua, có tới 6 năm Eximbank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.
Trong số các ngân hàng tư nhân, ấn tượng nhất trong 10 năm qua là trường hợp của VPBank.
Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ 663 tỷ đồng, nằm ở nửa dưới bảng xếp hạng lợi nhuận. Tuy nhiên, năm 2017 và năm 2018, VPBank đã chễm chệ trong top 5 lợi nhuận. “Gà đẻ trứng vàng” FE Credit là động lực chính giúp VPBank đạt được vị thế này.
Bên cạnh đó, TPBank cũng là trường hợp gây ấn tượng khi lợi nhuận tăng hơn chục lần trong vòng 10 năm, dù từng có khoảng thời gian rất khó khăn do hạn chế về nguồn lực xử lý nợ xấu.
Thất vọng nhất là trường hợp của Saigonbank. Năm 2010, “ngân hàng của thành ủy TP. HCM” duy trì vị thế top trên với lợi nhuận trước thuế 871 tỷ đồng, xếp ngay sau nhóm ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ.
Tuy nhiên, sau 10 năm, lợi nhuận của ngân hàng này ngày càng teo tóp, nằm trong số những ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất suốt nhiều năm qua, trong bối cảnh quy mô tài sản cũng như dư nợ cho vay tăng rất chậm so với các ngân hàng khác.
Hiện Saigonbank là ngân hàng có quy mô tổng tài sản và dư nợ cho vay nhỏ nhất hệ thống.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Lãi khủng, ngân hàng có dư địa giảm lãi suất cho vay?
Lãi lớn, nhiều ngân hàng mạnh tay chi lương, thưởng, nhưng tỏ ra khá "rụt rè" trong việc giảm lãi suất cho vay cho dù mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đang cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực.
Top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2019. Đơn vị tính: Tỷ VND
Lãi khủng, trả lương cao
Đến nay đã có một số ngân hàng hé lộ về kết quả kinh doanh năm 2019 với những con số lợi nhuận tăng mạnh so với năm trước. Đơn cử như VIB đã công bố mức lợi nhuận trước thuế năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2018 và gấp 5,6 lần so với năm 2016; tổng tài sản ước đạt 180.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cuối năm 2018.
Hay như Sacombank ước lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch; tổng tài sản dự kiến đạt 457.000 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2018; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413.000 tỷ đồng, tăng khoảng 18%; cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15%.
Ngay cả Agribank, mặc dù tăng trưởng tín dụng không cao do hệ số an toàn vốn đã ở sát ngưỡng tối thiểu, thế nhưng ngân hàng này vẫn thu về hơn 11.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 11 tháng đầu năm 2019, mức lợi nhuận kỷ lục mà ngân hàng đạt được từ trước đến nay.
Cũng gặp khó khăn về tăng trưởng tín dụng do chưa tăng được vốn điều lệ, song theo tiết lộ của một lãnh đạo VietinBank, nhà băng này sẽ đạt, thậm chí có khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 đã được ĐHCĐ giao phó là 9.500 tỷ đồng.
Những ví dụ nêu trên cũng đã phần nào cho thấy, bức tranh lợi nhuận vô cùng khả quan của các ngân hàng trong năm 2019. Trong đó, dẫn đầu có lẽ vẫn là Vietcombank khi mà chỉ trong 9 tháng đầu năm, nhà băng này đã thu về tới hơn 17.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và theo dự báo của nhiều tổ chức, nhà băng nay chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm 2019. Đứng thứ hai có lẽ là Agribank khi mà ngân hàng này cũng thu về tới 11.700 tỷ đồng lãi trước thuế trong 11 tháng. Các vị trí tiếp theo có lẽ cũng không có nhiều sự thay đổi, lần lượt là Techcombank, VietinBank, MB, VPBank...
Thu lãi lớn, các nhà ngân hàng mạnh tay chi lương, thưởng lớn cho các cán bộ, nhân viên. Đơn cử như Vietcombank, 9 tháng đầu năm bình quân mỗi nhân viên của nhà băng này nhận được 36,96 triệu đồng một tháng. Hay như thu nhập bình quân của nhân viên Techcombank cũng lên tới 33 triệu đồng/người/tháng. Gặp nhiều khó khăn trong việc tăng tín dụng như VietinBank, song nhân viên của nhà băng này vẫn thu nhập tới 31,5 triệu đồng mỗi tháng...
Dư địa giảm lãi vay vẫn còn
"Việc chia thành quả cho người lao động âu cũng là điều bình thường, bởi nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên, các nhà băng mới có được kết quả kinh doanh tốt như vậy. Hơn nữa, đầu tư cho con người cũng là đầu tư cho tương lai", lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Sẽ không có gì đáng nói nếu các ngân hàng không "rụt rè" với việc giảm lãi suất cho vay, nhất là khi nguồn thu từ tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong số lợi nhuận của các ngân hàng. Chẳng hạn như Vietcombank, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này đạt gần 25.938 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước cho dù tín dụng chỉ tăng khoảng 16% trong thời gian này. Thu nhập lãi thuần của Techcombank cũng đạt tới 10.106 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 23,7% so với cùng kỳ; thu nhập lãi thuần của VietinBank cũng tăng 11,7% lên 10.106 tỷ đồng...
"Thu nhập lãi thuần của các nhà băng tăng mạnh, thậm chí cao hơn nhiều tốc độ tăng tín dụng cho thấy tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng được cải thiện tích cực. Điều đó cũng có nghĩa dư địa giảm lãi suất vẫn còn", một chuyên gia ngân hàng cho biết.
Dường như các nhà băng cũng thấu hiểu điều này. Chẳng thế, sau mỗi lần công bố con số lợi nhuận khủng, các ngân hàng quốc doanh lại tiên phong giảm lãi suất cho vay. Tính chung trong năm 2019, 4 ông lớn NHTM Nhà nước đã có 3 lần giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, mức độ hưởng ứng của các ngân hàng cổ phần là rất ít chỉ khi có "lệnh" từ NHNN.
Theo NHNN Việt Nam, hiện lãi suất huy động bằng VND vẫn phổ biến ở mức 0,2- 0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3- 5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3- 7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6- 7,5%/năm. Trong khi mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6- 9%/năm đối với ngắn hạn; 9- 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Thống kê nói trên cho thấy, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động vào khoảng 4%, một mức khá cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2014- 2018, khi so sánh Việt Nam với một số nước trong khu vực và cùng mức thu nhập, có thể thấy lãi suất cho vay thực bằng VND ở mức trung bình cao (4,96%/năm so với mức bình quân của 10 quốc gia là 4,39%). Điều đó đang khiến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt thua kém so với những đối tác này.
Theo vị chuyên gia ngân hàng nói trên, mong muốn giảm lãi suất cho vay của cộng đồng doanh nghiệp là chính đáng, và lãi suất cho vay nên giảm thêm khi xét trong bối cảnh điều kiện vĩ mô của Việt Nam ổn định hơn nhiều so với các quốc gia nói trên. Hơn nữa, xét ở một góc độ nào đó, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng là để nuôi dưỡng nguồn thu bởi hoạt động của các doanh nghiệp tốt hơn cũng giúp cho ngân hàng thu tốt hơn.
Hà Anh
Theo enternews.vn
Chưa hết năm, hàng loạt ngân hàng đã hồ hởi 'khoe' lãi đậm Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả lợi nhuận khả quan trong năm nay, trong khi chất lượng tài sản tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực. Chưa hết năm, hàng loạt ngân hàng đã hồ hởi 'khoe' lãi đậm Năm 2019 có vẻ tiếp tục là một năm kinh doanh khả quan của các ngân hàng khi chưa hết...