Nhịn được thì nhịn
Mâu thuẫn mẹ vợ – chàng rể lâu ngày cháu không nói được nữa. Cứ hết năn nỉ chồng tới năn nỉ má, thiệt muốn bể cả đầu.
- Tao đã nói, bận họp hành liên tục, muốn gì thì nhắn tin, sao cứ gọi hoài?
Anh tràn vào phòng lúc 12 giờ 30 trưa. Phòng bệnh phải cần nghỉ ngơi mà anh cứ oang oang như đang buổi họp. Cô em gái ra dấu nhỏ tiếng rồi thì thào:
- Chứ má trở bệnh hoài, ma giờ bác sĩ kêu chuyển viện mấy lần, em biết làm sao?
- Thì cứ chuyển, chứ làm sao là làm sao? Hay chờ má chết rồi mới biết làm sao?
- Anh nói…
- Mày hết tiền hả? Bởi vậy nói cái tức à! Tao đã nói vợ chồng nhịn được thì nhịn, cãi nhau làm chi cho nó ôm tiền đi hết. Tao nè, chị Hai mày mần ăn cái gì hổng biết, tự dưng cái mà lòi ra khúc nợ sáu trăm triệu làm tao muốn đứt con chuột luôn. Nhưng vẫn phải nhịn cho yên nhà lợi nước nè!
Ảnh minh họa
- …
- Đây “nguyên con” mới rút. Chiều làm thủ tục đưa bà già đi Sài Gòn đi, tao ráng xong công việc chiều nay, mai mới xuống được.
Video đang HOT
Anh nói và chìa về phía cô em cả xấp tiền.
Cô em định nói gì đó, anh lại quát:
- Mày mệt, tao khỏe lắm chắc? Nhưng làm con thì phải ráng thôi. Ai kêu hồi đó má sanh có hai anh em mình. Thôi mà… ráng đi em, để hai ngày cuối tuần anh bảo con trai anh qua coi má cho em đi tìm dượng ba nó về. Ừ mà chắc dượng ấy cũng về bên ruột chứ không đâu mà lo.
Rồi anh hạ giọng “Nhưng nhớ ráng năn nỉ nó nghen, vợ chồng còn nhịn được là nhịn, qua đận này anh chị đem má về bển nuôi…”
Anh ào ra khỏi phòng nhanh hơn lúc tràn vào. Đầu tóc tinh tươm, áo quần gọn ghẽ nhưng vẻ mệt mỏi đang lẩn khuất trên gương mặt người đàn ông tuổi 50.
Cô em gái vừa dọn tư trang vừa phân trần:
- Cháu khó nghĩ lắm mấy cô ơi, nhà có hai anh em, ông bà già bỏ nhau từ khi cháu còn bú mẹ. Má cháu ở vậy nuôi con, anh Hai học hành giỏi giắn nên giờ làm việc nhà nước, cháu bán sạp trái cây ở chợ. Má cháu sống với vợ chồng cháu chứ không phải sống với anh chị Hai vì chị Hai cũng đi làm suốt ngày. Chồng cháu phụ vợ giao trái cây hàng ngày, con đã 10 tuổi rồi nhưng vợ chồng luôn hục hặc vì tại sao anh phải “nuôi” mẹ vợ khi con trai bà còn đó. Cháu nói với chồng đừng so đo, má ở với mình nhưng hàng tháng anh Hai đưa 5 triệu tiền trầu thuốc, cũng dư mà. Nhưng má cháu già nên hay khó chịu, cứ thấy mỗi chiều thằng rể đi nhậu, đi cà phê là càm ràm.
Chồng cháu thì bực mình, nói nhà này của anh, anh muốn làm gì thì làm, làm “mọi” cả ngày chưa đủ sao. Anh nói vậy cũng không có gì sai, vì ngoài việc đi giao trái cây giúp vợ, anh còn lo cơm nước cho mẹ vợ, đưa đón con đi học. Mà má cháu thì…người già lại bệnh tiểu đường, bao tử, thấp khớp nên khó ăn khó uống lắm, nay muốn ăn thứ này, mai đòi món khác…
Mâu thuẫn mẹ vợ – chàng rể lâu ngày cháu không nói được nữa. Cứ hết năn nỉ chồng tới năn nỉ má, thiệt muốn bể cả đầu. Anh chị Hai đòi đón má về nhà rồi mướn người giúp việc trông coi, má không chịu đi… Cách đây mười ngày, má cháu trở bệnh nặng… chứng tiểu đường thời kỳ cuối đó mà, mắt mờ, thận suy rồi… Chồng cháu bảo “trả” má về cho anh chị Hai để còn làm ăn, nhưng cháu không thể làm như vậy… Rồi tự dưng chồng cháu ôm hết tiền bạc trong nhà đi biệt tăm. Má cháu nghe tin, lên cơn mệt phải vô bịnh viện, cháu theo má luôn chứ làm sao đi tìm chồng…
Nhịn để cùng nhau đi trọn con đường. Ảnh minh họa
Câu chuyện dừng lại vì chị phải sang phòng bác sĩ trực để làm thủ tục chuyển viện khi kim đồng hồ đã nhích dần sang con số 1 giờ 30.
Bỗng một người đàn ông lấp ló cửa phòng hỏi trổng “Ở đây có bà nào tên Nguyễn Thị A, 73 tuổi không?”. “Có đó. Chú là ai?”. Bác Tám giường số 1 trả lời.
- Dà… cháu là con rể bà A…. bữa giờ bận đi làm ăn xa…
Người thanh niên nói năng lấp lửng.
- Làm ăn xa hay giận vợ bỏ nhà đi? Thôi, tụi tui biết hết rồi. Về là tốt đó, chút nữa chuyển bà già vợ cậu đi Sài Gòn rồi. Vợ chồng thiệt là… nhịn được thì nhịn, bảy mươi mấy rồi, bà già còn sống được bao lâu.
Bác Tám nói một thôi dài, người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi đứng như bị “điểm huyệt” tại cửa.
Bà A trở mình quơ tay tìm người thân. Anh chàng ào tới nói “con nè má”. Bà già xoa xoa nắn nắn cánh tay gân guốc của anh rồi nghèn nghẹn “Tại má mà… vợ chồng con…”. Anh chàng rót ly nước ấn vào tay bà già vợ, đỡ bà ngồi dậy uống nước và nhỏ giọng lời xin lỗi.
Chị vợ vừa từ phòng bác sĩ trực về, nhìn mà không nói được lời nào nhưng trong khóe mắt chị lấp lánh hai giọt lệ hân hoan.
Theo Báo Phụ Nữ
Ra oai vì sợ mờ nhạt
Tin anh chị ly hôn không khiến nhiều người ngạc nhiên, chỉ có nhà anh là bất ngờ. Họ chỉ trích chị không biết điều, xúi anh cứ ký đơn và để chị ra đi tay trắng như chính chị yêu cầu...
Anh bảo chị cho nhân viên lễ tân mới thôi việc, vì bạn của anh "mắng vốn", bảo cô ấy dám "hỗn" mỗi khi anh ta đến tìm anh. Chị thì biết rõ vì sao cô nhân viên của mình "hỗn". Tay bạn thân của anh nay đến xin đống áo thun, mai tới xin mớ nón bảo hiểm - những sản phẩm công ty anh chị đặt mua để khuyến mãi hay tặng đối tác, khách hàng. Có khi y còn xin cả máy vi tính, tủ lạnh hoặc "mượn" tiền, mà anh thì không bao giờ từ chối vì luôn được bạn bơm lên mây: "Tui hãnh diện có người bạn thành đạt như ông".
Ảnh minh họa
Không chỉ bạn bè mà người nhà cũng không ít lần khiến chị buồn lòng. Anh không chỉnh đốn họ, còn trách chị không "vị tình". Mấy lần mẹ anh ghé công ty, vào thẳng phòng kế toán, bảo đưa bà tiền, vì anh "đã nói trước một tiếng" rồi. Tất nhiên chị thủ quỹ không đồng ý, mẹ anh làm ầm lên. Thấy không thể yên ổn làm việc, chị thủ quỹ lặng lẽ nộp đơn xin nghỉ việc, dù chị không hề muốn mất đi một cánh tay đắc lực trong công việc, anh thì chỉ cần "chống là cho biến".
Em trai anh là tài xế chiếc tải nhỏ của công ty, thường chở hàng giao cho khách. Trước đây, khi giao dịch thông qua ngân hàng và e-banking chưa phát triển thì vẫn thu tiền trực tiếp, nhưng sau hai lần anh ta thu tiền mà không bàn giao lại cho kế toán, chị đã đề nghị khách hàng chuyển sang thanh toán bằng chuyển khoản, cũng là để hiện đại hóa dần quy trình làm việc. Thế nhưng, em trai của anh lại làm dữ, bảo rằng mình bị xúc phạm, bị coi thường và hăm nghỉ việc, khiến anh phải năn nỉ mãi mới chịu, với điều kiện phải tăng lương.
Đỉnh điểm của cơn giận nơi chị là lúc kế toán báo cậu em chồng mang về cái hóa đơn gần chục triệu. Hóa ra anh ta dẫn bạn bè ăn uống, hát hò ở nhà hàng, bảo rằng anh trai đã "nói trước một tiếng rồi", yêu cầu chi tiền lại.
Ảnh minh họa
Chị nhớ cái thẻ ATM đưa anh tuần trước để chuyển khoản tiền biếu ông bà nội ngoại mỗi tháng như thường lệ, vì mấy hôm đó chị bận nhiều việc quá. Anh bảo sau khi chuyển tiền cho ông bà ngoại thì đã đưa thẻ luôn cho bà nội, đưa cả password để bà tự rút tiền khi cần. Khi thẻ về đến tay chị, số dư tài khoản chỉ còn vài triệu đồng, trong khi trước đó là một số tiền rất lớn. Chị gục đầu, biết rằng, với tính cách của anh, sớm muộn gì gia đình cũng tan vỡ, công ty cũng khó tồn tại.
Tin anh chị ly hôn không khiến nhiều người ngạc nhiên, chỉ có nhà anh là bất ngờ. Họ chỉ trích chị không biết điều, xúi anh cứ ký đơn và để chị ra đi tay trắng như chính chị yêu cầu. Anh im lặng, bởi anh hiểu rõ nhất năng lực của mình và biết rõ khả năng của chị. Anh bắt đầu hối hận.
Nếu anh không coi thường những điều nhỏ nhặt, không quá vô tâm, chịu khó làm việc, không dung túng cho người thân... thì đã không đổ vỡ như bây giờ. Trong hôn nhân, có những điều tưởng nhỏ, nhưng nếu không kịp thời điều chỉnh, chúng sẽ như những vết dầu loang, đến lúc chúng phủ kín mặt hồ, hôn nhân giãy chết.
Theo Báo Phụ Nữ
Vì câu hỏi này mà tôi quyết chia tay anh người yêu giàu có đẹp trai không một chút hối hận Người yêu năn nỉ xin lỗi tôi. Anh cũng tìm đến nhà tôi thêm vài lần nhưng tôi nhất định không quay lại. Khi chúng tôi công khai yêu nhau, có rất nhiều những tin đồn ác ý bao vây. (Ảnh minh họa) Tôi không được may mắn như mọi người khi có đủ bố mẹ. Từ nhỏ, bố mẹ tôi đã li...