Nhiều vụ án ma túy tồn đọng vì thiếu “hàm lượng”
Vì yêu cầu phải xác định hàm lượng chất ma túy nên nhiều vụ án ma túy bị tồn đọng không thể giải quyết được. Yêu cầu này được đặt ra từ Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC và Bộ Tư pháp.
Tại tiểu mục 1.4 Mục 1 Phần I trong Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC và Bộ Tư pháp (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 17/2007) có hướng dẫn như sau: “Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì cần phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiềm chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì tùy hành vi cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”. Chúng tôi nhận thấy hướng dẫn này không đúng với quy định của BLHS hiện hành.
Theo Luật Phòng chống ma túy được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000 thì chất ma túy là “các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành”.
Trong danh mục hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại số 0088/TM-QĐ ngày 18/1/2000 thì có 44 chất ma túy, có 181 chất ma túy độc hại được dùng trong y tế, trong nghiên cứu khoa học có 22 tiền chất sử dụng vào sản xuất chất ma túy.
Hải quan Tân Sơn Nhất bắt giữ vụ vận chuyển 397kg cocain
Điều chưa biết về phiên tòa xét xử vụ ma túy lớn nhất Việt Nam
Trong Nghị định số 133/2003/NĐ-CP ngày 6/11/2003 của Chính phủ bổ sung một số chất vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 1/10/2001 của Chính phủ. Tại Điều 22 của Nghị định này bổ sung 18 hóa chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất, điều chế chất ma túy đưa tổng số tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy lên 40 tiền chất.
Trong BLHS hiện hành chỉ quy định người có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy hoặc người có hành vi tang trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy… và quy định về trọng lượng chất ma túy, là phạm tội phải bị trừng trị. Ví dụ 1: Tại điểm e khoản 2 Điều 193 quy định như sau: “Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam”. Ví dụ 2, tại điểm m khoản 2 Điều 194 quy định như sau: Các chất ma túy khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam. Ví dụ 3, tại điểm đ khoản 2 Điều 195 quy định: “Tiền chất có trọng lượng từ hai tram gam đến dưới năm trăm gam”.
Các điều 193, 194 của BLHS hiện hành là các điều trừng trị đối với người phạm tội về ma túy, trong các điều luật này chỉ quy định chất ma túy, tiền chất và trọng lượng của chất ma túy, của tiền chất mà không quy định hàm lượng chất ma túy cũng không quy định hàm lượng tiền chất là bao nhiêu phần trăm. Nhưng trong Thông tư liên tịch số 17/2007 lại hướng dẫn phải xác định hàm lượng chất ma túy, hàm lượng tiền chất. Hướng dẫn này rõ rang là không đúng với BLHS hiện hành.
Video đang HOT
Hậu quả của sự hướng dẫn không đúng này là có nhiều vụ án về ma túy phải “đắp chiếu” mà không đưa ra xét xử được chỉ vì thiếu hàm lượng chất ma túy, tiền chất.
Để thực hiện đúng pháp luật, chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi bổ sung tiểu mục 1.4 Mục 1 Phần I của Thông tư liên tịch số 17/2007 để đưa ra xét xử những vụ án về ma túy đang phải đắp chiếu vì thiếu hàm lượng. Nội dung sửa đổi, bổ sung là:
Một là: Chuyển tiểu mục 1.4 Mục 1 Phần I trong Thông tư liên tịch số 17/2007 sang phần khác của Thông tư. Lý do là nội dung hướng dẫn không phù hợp với tiêu đề của Mục 1. Cụ thể là tiêu đề của Mục 1 là: Về một số khái niệm. Với tiêu đề này được hiểu là Mục giải thích từ ngữ và thực tế là: tiểu mục 1.1 giải thích chất ma túy; tiểu mục 1.3 giải thích phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Còn tiểu mục 1.4 lại không giải thích từ ngữ mà hướng dẫn xác định chất yêu cầu giám định là chất ma túy gì, là tiền chất gì và trọng lượng, hàm lượng của chất yêu cầu giám định. Đây là nội dung về chuyên môn.
Hai là: Bãi bỏ cụm từ hàm lượng. Lý do là không đúng với quy định trong Bộ luật về hình sự. Vì trong BLHS không quy định hàm lượng chất ma túy, hàm lượng tiền chất là một nội dung xác định tội phạm về ma túy. Do đó chỉ cần xác định chất yêu cầu giám định có phải là chất ma túy, là tiền chất không? Nếu là chất ma túy, là tiền chất thì tên gọi của chất đó là gì? Chất đó có trong danh mục mà Chính phủ công bố hay không?
Ba là: Bãi bỏ cụm từ “khoản 1 của” ở cuối đoạn 1 trong tiểu mục 1.4. Lý do bãi bỏ là tội danh (tên tội) quy định tại điều luật chứ tội danh không quy định tại khoản 1 của điều luật như Thông tư liên tịch số 17/2007 xác định. Sau khi bãi bỏ cụm từ “khoản 1 của” cuối đoạn 1 trong tiểu mục 1.4 Mục 1 Phần I của Thông tư liên tịch số 17/2007 đọc là: “… thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”.
Có bạn đọc thắc mắc hàm lượng là gì? Trong Thông tư liên tịch số 17/2007 không giải thích hàm lượng là gì. Theo Từ điển Tiếng Việt thì hàm lượng là “lượng của một chất chứa trong một hỗn hợp hoặc trong một chất nào đó tính bằng phần tram (%)” (Xem trang 418 Từ điển Tiếng Việt Viện Ngôn ngữ học. Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2002).
Theo Công lý
Muôn chiêu giấu ma túy tinh vi có một không hai hòng "lọt" cửa khẩu
Máy soi không phát hiện dấu hiệu bất thường, song bằng kinh nghiệm của mình, lực lượng hải quan đã phát hiện số ma tuý trị giá 32 tỷ đồng được cán mỏng ép vào thành chiếc valy hai đáy của cô gái.
Bắt đầu đáp chuyến bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM, từ chập choạng tối 6/6, người phụ nữ trẻ mang quốc tịch Thái Lan với vẻ bình thản chen chân trong nhóm hành khách, đưa valy hai đáy nặng hơn 10 kg sang gian hành lý ký gửi để nhập cảnh vào Việt Nam.
"Cô ấy không hề tỏ vẻ lúng túng hay bất an. Đợi lúc mọi người nhốn nháo gửi hành lý thì cô ta cũng hoàn thành công đoạn để valy vào dây chuyền soi chiếu. Chỉ trong vòng 3-4 giây, valy 2 đáy của người phụ nữa này chạy nhanh quá máy soi chiếu mà chúng tôi không hề thấy dấu hiệu khác biệt về tông màu hiển thị trên máy", một quản lý soi chiếu kể.
Tuy nhiên, với những thông tin phân tích và theo dõi của các lực lượng chức năng trong một thời gian dài, nhân viên Hải quan TP HCM nhận thấy dấu hiệu bất thường nên đã tiến hàng kiểm tra thủ công chiếc valy này.
Cocaine được ép mỏng và gói giấy bạc. Ảnh: Hải quan cung cấp.
Sự khác biệt được lực lượng chức năng để ý đó là thay vì quần áo xếp ở mức độ tối đa 3-4 tầng trong chiếc valy hai đáy, chủ nhân lại "nhồi" quần áo lên tới 7-8 tầng và nén chặt.
"Nhồi chặt quần áo để máy soi khó phát hiện là chiêu thức hoàn toàn mới của giới buôn ma túy trong thời gian gần đây. Khi quần áo bị nén chặt, máy soi sẽ rất khó phân biệt vì nó được bao bọc bởi tầng che phủ dày của quần áo. Lúc đó, máy soi chiếu chỉ thể hiện được một tông màu đồng đều duy nhất", lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất tiết lộ.
Sau khi tiến hành tách toàn bộ quần áo trong valy, cơ quan hải quan đã tìm thấy 5 kg cocaine ép mỏng trong giấy bạc và đóng kín trong các hộp mỹ phẩm. Số ma túy này ước tính trị giá lên đến 32 tỷ đồng nếu tiêu thụ thành công.
Một chiêu thức khác cực kỳ tinh vi, được khá nhiều đường dây vận chuyển ma túy áp dụng là giấu trong thực phẩm. Điển hình nhất là tối hôm 31/12/2013, nam thanh niên 23 tuổi quốc tịch Australia xuất cảnh khỏi Việt Nam mang theo 2 thùng me nặng hơn 10 kg. Để qua mắt nhân viên hải quan, anh này đã trộn 3,4 kg tiền chất ma túy Pseudoephedrine vào giữa túi me.
Sau khi soi chiếu, phát hiện hành khách này có dấu hiệu khả nghi, hải quan đã tiến hành kiểm tra thủ công. Lực lượng chức năng phải bóc tách từng gói hàng và mang đi giám định. Cuối cùng phát hiện trong 2 thùng me xuất đi nước ngoài có chứa 3,4 kg tiền chất ma túy Pseudoephedrine, tương đương 6 tỷ đồng.
"Tiền chất ma túy là loại rất dễ hòa trộn vào thực phẩm, đặc biệt những thực phẩm nhão rất khó phát hiện. Để tìm thấy số tiền chất ma túy được giấu trong thùng me, chúng tôi đã phải kiểm tra và giám định nhiều lần", lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho hay.
Tiền chất ma túy được giấu trong 2 bịch me xuất đi nước ngoài. Ảnh: Hải quan cung cấp.
Cũng giấu trong thực phẩm nhưng đóng gói rất tinh vi là vụ bắt giữ 2 kg tiền chất ma túy Pseudoephedrin hồi đầu năm trong 6 kiện hàng nặng 96 kg, được khai báo là quần áo và balô du lịch, do một công ty đã gửi.
Sau khi soi chiếu các cán bộ hải quan phát hiện màu hàng hóa đậm hơn tông màu bình thường. Lúc đầu, họ thấy một nửa lô hàng đóng gói là đồ hộp, cà phê, chè... Tuy nhiên, quan sát kỹ, lực lượng chức năng phát hiện các vết hàn cũng như keo dán có sự tác động của thủ công. Kiểm tra bên trong hộp thực phẩm, họ tìm thấy hơn 2 kg tiền chất ma túy Pseudoephedrin. Trị giá tang vật ước tính gần 2 tỷ đồng.
Một "chiêu" khác mà trước đây các hành khách hay sử dụng là nuốt cocaine vào bụng để che mắt cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với biểu hiện lừ đừ, bước đi khó nhọc, nhiều người đã bị phát hiện. Chỉ qua soi chiếu, nhân viên hải quan phát hiện trong cơ thể hành khách có dị vật giống hình kén. Khi "vật thể lạ" được đem đi giám định, cảnh sát xác định là vài trăm gram ma túy.
Theo lãnh đạo Chi cục hải quan Tân Sơn Nhất, sau khi một loạt nghi can sử dụng chiêu thức này bị phát hiện, các nhóm tội phạm ma tuý xuyên quốc gia đã thay đổi phương thức. Chúng đã chế tạo một loại bao cao su dành riêng cho việc chứa ma túy rồi nuốt vào bụng. Do ma tuý không thẩm thấu ra ngoài nên người vận chuyển vẫn tỉnh táo, ăn uống bình thường, khiến việc kiểm soát của cơ quan chức năng lại phải chặt chẽ hơn rất nhiều.
Dù hình phạt đối với tội phạm ma tuý là đặc biệt nghiêm khắc, song do lợi nhuận từ việc mua bán nó là rất lớn nên không ít người vẫn liều mình tham gia. Chỉ cần trót lọt một chuyến, có thể thu lãi nhiều tỷ đồng. Thế nên, ngoài việc thay đổi hình thức cất giấu, các băng nhóm tội phạm còn thay đổi tuyến đường.
"Ngoài việc giám sát thật chặt, cơ quan hải quan còn phải theo dõi hồ sơ những người tình nghi ở các tuyến đường trọng điểm. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ và phối hợp với các cơ quan an ninh điều tra để kiểm soát 24/24", vị lãnh đạo ngành hải quan cho hay.
Trong 2013, Hải quan Tân Sơn Nhất đã phát hiện 12 vụ vận chuyển trái phép ma túy với tổng trọng lượng 27,3 kg các loại với tổng giá trị ước tính là 100 tỷ đồng.
Theo Dân Việt