Nhiều tướng tá cấp cao Triều Tiên vắng họp khó hiểu
Một loạt tướng lĩnh hàng đầu của quân đội CHDCND Triều Tiên đã vắng mặt trong một cuộc họp quan trọng ở Bình Nhưỡng vào ngày 24.8, làm dấy lên dự đoán rằng toàn bộ đã được điều ra biên giới chuẩn bị chiến tranh, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc).
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un cầm súng ngắn chỉ đạo các thuộc cấp trong chuyến thăm một doanh trại quân đội hồi tháng 3.2013 – Ảnh: Reuters
Hình ảnh từ bản tin truyền hình nhà nước Triều Tiên cho thấy trong cuộc họp diễn ra một ngày trước lễ kỷ niệm ngày Bình Nhưỡng ban hành chính sách Tiên Quân (songun), các tướng lĩnh chủ chốt, bao gồm cả Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên Ri Yong-gil, đã không xuất hiện.
Tiên Quân là chính sách ưu tiên xây dựng quân đội trước tiên, nhằm mục đích tạo dựng nên một quốc gia hùng mạnh về mặt quân sự. Chính sách này do ông Kim Jong-il (lúc đó còn trẻ) phát động vào ngày 25.8.1960 khi cùng cha là Chủ tịch Kim Nhật Thành đến thăm một đơn vị quân đội.
Tại sự kiện này trong những năm trước đây, luôn có sự có mặt của ông Ri và các vị tướng chỉ huy lực lượng hải quân và không quân Triều Tiên, theo Yonhap.
Hãng tin Hàn Quốc bình luận sự vắng mặt của các tướng lĩnh chủ chốt của quân đội Triều Tiên rõ ràng xuất phát từ việc Lãnh đạo Kim Jong-un đặt các đơn vị quân đội đồn trú ở biên giới trong tình trạng chiến tranh và ban bố tình trạng “sắp có chiến tranh” tại các vùng giáp với Hàn Quốc.
Được biết, các nhà đàm phán của 2 phía đang cùng ngồi lại đàm phán từ ngày 22.8 nhằm làm giảm căng thẳng, nhưng hiện vẫn chưa đạt được tiến triển gì.
Tại cuộc đàm phán, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong-sik cho biết lực lượng biên phòng nước này đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu tổng lực theo lệnh của ông Kim.
Hoàng Uy
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên thực sự ở mức nào
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng cao khi hai bên nã pháo về phía nhau và cùng có những tuyên bố cứng rắn. Nhưng chiến tranh lại là chuyện khác.
Các khẩu pháo tự hành K-55 của Hàn Quốc với cỡ nòng 155mm khai hỏa. Ảnh:MND
Theo tờ Telegraph của Anh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lệnh cho binh sỹ nước này trong tình trạng sẵn sàng cho chiến tranh từ 12h16 ngày 21/8, nhằm đáp trả căng thẳng leo thang trên Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền.
Bình Nhưỡng đồng thời cũng đề ra thời hạn chót 17h ngày 22/8 để Seoul chấm dứt các chương trình tuyên truyền chống Triều Tiên được phát thanh dọc DMZ, kèm cảnh báo sẽ có các hành động quân sự.
Các cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng tại làng đình chiến Panmunjom bắt đầu từ hôm thứ bảy, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát mà hai bên có thể cùng chấp nhận, hãng thông tấn AFP đưa tin.
Triều Tiên phủ nhận mọi liên quan đến các vụ nổ mìn gần đây, còn các nhà phân tích tin rằng nước này sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu xin lỗi của Hàn Quốc.
Theo giáo sư Yang Moo-Jin tại đại học Bắc Triều Tiên ở Seoul, Tổng thống Park Geun-hye biết rõ điều này, và cả hai bên thực sự đang cố gắng gia tăng áp lực lên đối phương, nhằm giành được thế thượng phong trong những cuộc đàm phán đang rất cam go.
Căng thẳng hiện tại bắt nguồn từ sự việc ngày 4/8, khi một nhóm binh sỹ Hàn Quốc trong lúc thực hiện nhiệm vụ do thám thường kỳ tại tỉnh Gyeonggi, trên khu vực phía nam DMZ bị vấp phải mìn. Vụ nổ khiến hai trong số 8 binh sỹ đi tuần bị mất chân. Hàn Quốc đổ trách nhiệm cho Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng một mực bác bỏ.
Để đáp trả, Hàn Quốc đã cho phát trở lại chương trình tuyên truyền chống Triều Tiên trên các loa phóng thanh đặt tại DMZ, việc họ đã không làm suốt 11 năm qua. Tức giận với động thái này, Triều Tiên đã nổ súng về phía biên giới với Hàn Quốc và quân đội quốc gia láng giềng phía nam cũng có động thái tương tự.
Nguy cơ nhỏ
Trong bài viết trên tờ Al Jazeera hôm 23/8, giáo sư Triều Tiên học Andrei Lankov tại đại học Kookmin, Seoul tin rằng, cho dù truyền thông thế giới không ngừng đưa tin rằng "căng thẳng leo thang tại Triều Tiên đang gây ra nguy cơ chiến tranh", giới quan sát cũng như công chúng Hàn Quốc không quá lo lắng với thông tin này.
Có hai lý do đằng sau sự bình thản này. Đó là do những diễn biến tương tự từng xảy ra nhiều lần và bởi hai bên đều thực sự sợ xảy ra chiến tranh. Một minh chứng là năm 2010, Hàn Quốc từng cáo buộc ngư lôi Triều Tiên đánh đắm tàu chiến của nước mình, và trả đũa bằng việc cấm hầu như mọi hoạt động thương mại cũng như cắt viện trợ. Những tuyên bố giận dữ tiếp tục được hai phía đưa ra sau đó, góp phần dẫn tới vụ Triều Tiên nã pháo lên hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2011, khiến một số dân thường thiệt mạng.
Nhưng lần này, ngay cả những lời cảnh báo được Triều Tiên đưa ra được ông Lankov xem là không thực sự hiếu chiến, khi Bình Nhưỡng chỉ tuyên bố "tình trạng bán chiến tranh". Năm 2013, nước này từng tuyên bố đang trong tình trạng chiến tranh, và xung đột thực sự có thể nổ ra trong vòng vài ngày. Thậm chí, Bình Nhưỡng đã đề xuất sơ tán nhân viên ngoại giao các nước.
Cho đến nay, cả hai phía rõ ràng đều không muốn chiến tranh, bởi không bên nào có lợi gì từ xung đột. Sự gắn kết về địa lý giữa hai miền từ lâu khiến một cuộc Chiến tranh Triều Tiên mới trở thành lựa chọn "thua - thua" cho cả hai bên, ông Lankov khẳng định.
Cùng quan điểm trên, tiến sỹ Tim Beal, chuyên gia châu Á tại đại học Victoria, thành phố Wellington, New Zealand nhận định, ít có khả năng tình hình đi xa hơn những cuộc đối thoại và có chăng là thêm "một vài quả đạn pháo".
Trong cuộc phỏng vấn với kênh RT của Nga ngày 21/8, ông Beal tin rằng bán đảo Triều Tiên là nơi Mỹ sát cánh cùng Nhật, còn Trung Quốc kề vai cùng Nga. Do đó, đây là nơi những cường quốc quân sự thế giới đối mặt nhau. Nếu có bất kỳ điều gì diễn ra tại đây, nó có thể bùng nổ và "nuốt chửng" cả thế giới. Điều này lí giải vì sao thế giới quan tâm tới tình hình bán đảo này nói chung.
Pháo rơi dè dặt
Trả lời phỏng vấn trang tin NK News, chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên, một cựu sỹ quan lục quân Hàn Quốc, người từng phục vụ tại Bộ chỉ huy lục quân Hàn Quốc đã giải mã tình hình dựa trên phân tích những loạt đạn pháo của hai phía. Kết quả cho thấy cả vụ nã đạn đầu tiên của Triều Tiên lẫn đòn đáp trả của Hàn Quốc vừa qua đều được tính toán kỹ lưỡng để tránh thương vong cho bên còn lại.
Cụ thể, sỹ quan giấu tên được NK News gọi với bí danh Chung cho biết, Triều Tiên bắn tổng cộng 4 quả đạn về phía nam đường DMZ. Loạt đạn đầu tiên rơi lúc 15h53 giờ Hàn Quốc ngày 20/8, từ một khẩu súng phòng không 14,5mm. Đến 16h12, thêm 3 loạt đạn từ một khẩu pháo 76,2mm. Tất cả đều không gây thương vong.
Theo ông Chung, do loạt đạn của Triều Tiên rơi xuống khu vực trống tại phía nam đường DMZ, Bộ quốc phòng Hàn Quốc xem đây là hành động không có ý định gây thương vong hay thiệt hại cho người và thiết bị của Hàn Quốc.
Sau đó, cơ quan này đã chỉ thị cho binh sỹ không bắn thẳng vào lính Triều Tiên, mà chỉ bắn vào vùng trung tâm của khu vực khiêu chiến, cách đường DMZ 500 m về phía Bắc, bởi "làm hại binh sỹ Triều Tiên" chỉ "đổ thêm dầu vào lửa".
Cũng theo vị cố vấn quân sự của chính phủ Hàn Quốc, sở dĩ quân đội Hàn Quốc cần tới một giờ để đáp trả vụ nã pháo của Triều Tiên, là do radar cần thời gian để xác định vật thể rơi xuống có thực sự là đạn pháo hay không, cũng như vị trí quả đạn rơi xuống. Sau đó, thông tin được truyền từ khu vực DMZ tới Bộ quốc phòng để quyết định mức độ phản ứng, trước khi mệnh lệnh được truyền trở lại cho các đơn vị đóng gần DMZ.
Chỉ trừ khi giới chức Triều Tiên thực sự "mất tỉnh táo", họ mới tuyên chiến với Hàn Quốc, bởi hiện các lực lượng Hàn Quốc cũng như lực lượng Mỹ đang có mặt tại đây đều trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, để tham gia cuộc tập trận người bảo vệ tự do Ulchi, Chung phân tích. Ngoài ra Hạm đội 7 của Mỹ, một trong những hạm đội mạnh nhất thế giới, cũng đang trên đường tới bán đảo Triều Tiên để tham gia cuộc tập trận này.
Trong tương lai gần, Triều Tiên sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng đến mức nước này có thể kiểm soát, trước khi đột ngột thay đổi quan điểm với tuyên bố "tôi sẽ bỏ qua những hành động của anh lần này" để tránh làm phức tạp thêm tình hình.
"Đây sẽ là điều dễ xảy ra nhất trong tương lai gần", ông Chung nhận định về chiến thuật quen thuộc của Bình Nhưỡng.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Vì sao Trung Quốc đứng ngoài cuộc vụ căng thẳng Hàn-Triều? Giữa lúc căng thẳng hai miền Triều Tiên leo thang, Trung Quốc - đồng minh duy nhất của CHDCND Triều Tiên và thường lên tiếng bảo vệ Bình Nhưỡng - lại đứng ngoài cuộc; điều này có thể giải thích bằng mối quan hệ ngày càng lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Lính Hàn Quốc tuần tra ở biên giới sát...