Nhiều tướng công an bị kỷ luật: Đau nhưng giúp trong sạch lực lượng
“Lực lượng Công an là cơ quan bảo vệ pháp luật, nếu những cán bộ làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật thì sự ảnh hưởng, tác động của nó trong xã hội rất lớn”, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội nói khi trao đổi với PV Dân Việt xung quanh việc hai cán bộ cấp tướng của Công an vừa bị xử lý kỷ luật Đảng.
Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an (trái) và Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an bị cách chức trong Đảng, đề nghị xử lý hành chính và giáng cấp.
Chỉ một ngày sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kỳ họp thứ 28, kết luận nhiều vị tướng Công an có vi phạm, Bộ Chính trị đã họp để thi hành kỷ luật với hai tướng, ông thấy sao?
- Tôi thấy việc xử lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là rất kịp thời đúng với tinh thần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, xử lý tất cả các hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước không chừa ai nếu phát hiện có sai phạm. Có những cán bộ cấp bậc hàm lên tới Trung tướng, Thượng tướng, kể cả đương chức hay nghỉ hưu khi có sai phạm vẫn bị xử lý nghiêm khắc. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong giai đoạn hiện nay.
Ông Lê Việt Trường – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội. (Ảnh: VPQH)
Trước đây ít khi thấy vị tướng Công an nào bị phát hiện sai phạm phải xử lý. Tuy nhiên trong năm 2018, đã có 3 người từng là tướng bị tước danh hiệu, bị khởi tố, nay Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Trần Việt Tân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an bị xử lý kỷ luật, nhiều vị tướng đang chờ xử lý, đây là điều khiến dư luận xã hội xôn xao, thưa ông?
- Tất nhiên là dư luận xã hội sẽ xôn xao, bởi công an là lực lượng được ví như “thanh kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ”. Tuy nhiên đây không phải là điều quá bất ngờ, bởi khi bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta trong nhiều văn bản, nhiều nghị quyết đã cảnh báo về mặt trái của kinh tế thị trường. Mặt trái này tác động vào nếu như cán bộ nào không vững vàng, không tự rèn luyện, không kiểm soát được hành vi của mình sẽ dễ bị cám dỗ của vật chất.
Video đang HOT
Chúng ta sợ nhất là suy thoái phẩm chất cán bộ từ trong nội bộ. Có thể nói trong một thời gian dài công tác kiểm soát nội bộ chúng ta làm chưa tốt để cho nhiều trường hợp cán bộ có quyền dẫn tới lạm quyền, làm sai.
Việc nhiều cán bộ cấp tướng bị xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật như vậy là điều rất đau, nhưng điều này sẽ giúp làm trong sạch lực lượng, củng cố niềm tin của người dân, thưa ông?
- Đúng như vậy, lực lượng Công an là cơ quan bảo vệ pháp luật, nếu những cán bộ làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật lại vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước thì ảnh hưởng, tác động của nó trong xã hội rất lớn. Muốn cho xã hội có trật tự, có nề nếp, lành mạnh thì trước hết những tổ chức, cơ quan, công quyền nói chung và cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng phải trong sạch, vững mạnh, đây là điều logic với nhau.
- Tôi cho rằng, bên cạnh việc xem xét trách nhiệm của người trực tiếp có hành vi vi phạm kỷ luật Đảng hay vi phạm pháp luật của Nhà nước như trường hợp các vị tướng công an vừa bị kỷ luật và đang bị đề nghị kỷ luật thì cũng cần phải lật lại vấn đề, đó là xem xét trách nhiệm của những người làm công tác thanh tra ở thời kỳ đó, tại sao không sớm phát hiện ra. Nếu như công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ được thực hiện tốt thì sẽ hạn chế được việc làm vi phạm và không phải đến mức xem xét, xử lý nhiều cán bộ cấp tướng như vậy, thưa ông?
Làm việc này không phải mục đích là để trừng trị, tuy nhiên phải xem xét trách nhiệm ở mức độ nào đó để cảnh báo, răn đe, làm gương cho những người đang làm công tác tham mưu giúp Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra.
Để xảy ra việc vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xử lý, chúng ta thấy có mấy cái mất. Thứ nhất là mất cán bộ, để đào tạo một cán bộ lên đến cấp hàm tướng, làm Thứ trưởng phải trải qua cả quá trình; thứ hai là thất thoát tài sản của Nhà nước; thứ ba, đây là cái mất lớn nhất đó là mất niềm tin của người dân.
Hiện nay chúng ta có Nghị quyết 26 – Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Vấn đề là quán triệt và tổ chức thực hiện thế nào để phát huy hiệu quả. Chúng ta không thể loại trừ được việc làm sai, trong hoạt động có đúng, có sai, nhưng khi có sai phạm phải được phát hiện sớm, đừng để sai từ hành vi hành chính bình thường mà phải chuyển sang hình sự.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 28.7.2018, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét thi hành kỷ luật cán bộ.
Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tại Tờ trình số 130-TTr/UBKTTW, ngày 27.7.2018 về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Trung tướng Bùi Văn Thành, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Chính trị xem xét và kết luận: Những vi phạm của Trung tướng Bùi Văn Thành gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành Công an và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu và bức xúc trong xã hội. Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Bùi Văn Thành bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với đồng chí Bùi Văn Thành, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.
Tương tự, với Thượng tướng Trần Việt Tân, Bộ Chính trị kết luận: trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Việt Tân đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, đã ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của ngành Công an và cá nhân đồng chí, gây dư luận xấu trong xã hội. Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Việt Tân bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với đồng chí Trần Việt Tân bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương xứng với kỷ luật của Đảng theo quy định.
Theo Danviet
Thiếu tướng - Phó Tư lệnh Quân khu 1 bị kỷ luật là trường hợp hiếm
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, người có rất nhiều năm công tác trong quân đội, trường hợp một sĩ quan cấp cao như Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 1 bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) thi hành kỷ luật cảnh cáo là trường hợp rất hiếm gặp.
Thiếu tướng Hoàng Công Hàm. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bắc Giang)
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, trong quá trình công tác của ông cũng đã từng gặp trường hợp cán bộ cấp cao của Quân đội bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có vi phạm và bị thi hành kỷ luật. Tuy nhiên số vụ việc như vậy là rất ít.
Vẫn theo ông Trường, trong lực lượng quân đội có Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương. Cơ quan này chỉ tiến hành kiểm tra, xem xét và xử lý vi phạm của cán bộ quân đội thuộc diện Quân ủy Trung ương quản lý.
"Sĩ quan quân đội cấp Tư lệnh Quân khu là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý, còn Phó Tư lệnh Quân khu là do Ban Bí thư quản lý. Việc Ủy ban KTTƯ xử lý Thiếu tướng Hoàng Công Hàm là hoàn toàn theo đúng thẩm quyền", ông Trường khẳng định.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, ông có thời gian công tác mấy chục năm công tác trong lực lượng quân đội nhưng rất hiếm gặp trường hợp sĩ quan cấp cao bị UBKT Trung ương thi hành kỷ luật.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ. (Ảnh: VPQH)
Như Dân Việt thông tin, tại kỳ họp thứ 19, Ủy ban KTTƯ đã xem xét, kết luận một số nội dung chính trong đó có xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Thiếu tướng Hoàng Công Hàm, Đảng ủy viên, Phó Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Quốc phòng.
UBKT Trung ương kết luận: Trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, đồng chí Hoàng Công Hàm đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước và Quân đội trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Vi phạm của đồng chí đã làm ảnh hưởng đến uy tín và kỷ luật Quân đội, của tổ chức đảng và cá nhân đồng chí.
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đồng chí Hoàng Công Hàm.
Đây là mức nặng thứ hai trong các hình thức kỷ luật Đảng. Đối với đảng viên chính thức hình thức thi hành kỷ luật có 4 mức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Thiếu tướng Hoàng Công Hàm sinh năm 1960, quê Lạng Sơn. Ông nhập ngũ năm 1979. Trải qua quá trình công tác ông từng giữ chức: Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn. Sau đó được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 1.Quân khu 1 gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Theo Danviet
Tướng Công an nói gì về việc triển khai Luật An ninh mạng? Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng Bộ Công an cho hay, hiện nay, Ban Soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư pháp chuẩn bị xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An ninh mạng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong tháng 10 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ...