Nhiều trường đại học có hồ sơ đăng ký vượt chỉ tiêu
Tính đến thời điểm này, dù mới đi một nửa chặng đường xét tuyển nguyện vọng 1, nhưng tại nhiều trường, nhiều ngành, số hồ sơ nộp vào đã vượt chỉ tiêu.
Trường Đại học Cần Thơ tính đến thời điểm này đã có hơn 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển trong khi chỉ tiêu là 8.600.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM ban đầu đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 18 điểm, với chỉ tiêu cần tuyển là 4.400. Tuy nhiên, đến thời điểm này lượng hồ sơ nộp vào trường là gần 4700. Theo cán bộ tuyển sinh, nhiều khả năng điểm trúng tuyển sẽ tương đương hoặc cao hơn năm 2014.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tuyển 3.300 chỉ tiêu nhưng đến nay đã có trên 5.000 hồ sơ.
Đặc biệt, trường Đại học Sài Gòn không chỉ có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều nhất tại TP.HCM, với hơn 7.000 hồ sơ, trong đóvở mỗi ngành cũng có hồ sơ cao gấp cả chục lần so với chỉ tiêu.
Tại khu vực phía Bắc, các trường top đầu cũng có lượng hồ sơ đăng ký nhiều như: Học viện Ngoại giao, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại Thương… Chỉ riêng Đại học Y Hà Nội vẫn còn có số hồ sơ nộp xét tuyển khá ít và dè dặt.
Khác với trường đại học, nhiều trường cao đẳng lại có số hồ sơ nộp vào chưa nhiều. Với số lượng nộp vào khoảng vài trăm, thậm chí có nơi chỉ vài chục hồ sơ.
Theo_VTV
Hỡi ơi, sự học ngày nay...
Tôi mượn lại câu nói của một nhà thơ nổi tiếng về những mất mát trong chiến tranh để nói về một thực trạng mà không người dân nào có thể yên lòng: sự học đang xuống đáy
Nói đúng ra thì phải dùng nỗi đau mới chuẩn vì hơn 30 năm, hết cải tiến này đến cải tiến khác, trong điều kiện hết chiến tranh, đầu tư được tăng, khi "giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu" ở chủ trương, khi "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai" vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người,...cứ được ra rả nhắc trên các phương tiện truyền thông, kể cả đài phường.
Video đang HOT
Thế mà, nhìn vào thực tế, đáng buồn thay: chất lượng giáo dục càng ngày càng kém đi, sản phẩm giáo dục không thể yên lòng và mới đây thôi, con số 178.000 cử nhân thất nghiệp thật đáng báo động.
Nói cho thật công bằng thì tất cả những yếu kém đó không thể đổ cho riêng ngành giáo dục. Nhưng, tất cả những cải cách, chính sách này khác đều do ngành giáo dục đề xuất. Rồi khi đã thành chính sách thì họ đứng ra thực hiện.
Vậy, lỗi do ai? Tất nhiên là lỗi hệ thống nhưng cái chính vẫn là ở những người trong ngành. Điều này không thể nói khác.
Còn nhớ, cách đây khoảng gần 30 năm, khi chủ trương đào tạo theo hai giai đoạn, rất nhiều người trong nghề đã phản đối quyết liệt nhưng lại cũng rất nhiều người khác ủng hộ hết lòng. Cuối cùng, "phe ủng" họ thắng và hậu quả thế nào, ai cũng biết: sau một hồi dạy đại cương hết sức đại khái, lý thuyết " chia như thế để phổ cập kiến thức, để tạo điều kiện cho người ta học tập suốt đời, để chuyển đổi nghề..." tan như bọt xà phòng.
Loại hình học "mở rộng" theo kiểu ghi tên học cũng chấm dứt sau một hai khoá. Chất lượng nó thế nào, ai cũng biết. Chúng tôi đã phải nói với nhau: đẩy lưng người ta vào đại học rồi lại đẩy họ ra khỏi trường. Sản phẩm thế nào, ai cũng biết, khỏi cần nói thêm.
Hết hai giai đoạn là thời kỳ nhà nhà học đại học, nơi nơi mở trường đại học theo kiểu trăm hoa đua nở. Tỉnh nào cũng có ít ra một vài trường. Toàn dân học đại học. Đến bây giờ cả nước có hơn 400 trường đại học và cao đẳng. Các trường chuyên ngành cũng phấn đấu" xin" cho được mở đại học đa ngành để tuyển sinh cho được nhiều. Nhà trường thi nhau tuyển sinh và tuyển cả thày vì lấy đâu ra đủ thày mà dạy cho cả làng, cả nước đi học, mà lại toàn những ngành hót như Luật, Tin học, Kế toán, Công nghệ, Du lịch, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Maketing...
Cơm chấm cơm cũng chả sao.Thế là cả xã hội được chứng kiến một cơn "đại hồng thuỷ học". Ba môn thi được dưới 10 điểm cũng đỗ đại học, mỗi người nhận được vài giấy gọi học sau mỗi kỳ thi. Chỉ tội cho xã hội: bằng thì bằng thật nhưng tri thức thì giả nên học xong mà có làm được việc đâu?
Tôi đã chứng kiến thủ khoa của một vài trường mà những kiến thức rất sơ đẳng cũng cực lơ mơ.
Hỡi ôi, sự học ngày nay hỏng mất rồi, thưa cụ Tú.
Ảnh minh họa: Internet
Nó như căn bệnh đã ngấm vào cao hoang rồi, khó chữa lắm.
Gần chục năm trước, tôi rất ngạc nhiên khi nghe vị Bộ trưởng tuyên bố: "Tôi đã tìm ra quy luật của giáo dục và giáo dục nước nhà 3 năm sau sẽ cất cánh...". Chả lẽ tìm ra quy luật giáo dục dễ thế? Bao nhiêu lâu người ta đi tìm mà cứ loay hoay, giờ ông mới ngồi vào ghế Bộ trưởng mà đã tìm ra được ngay, thánh thật.Lại còn hứa ba năm sau giáo dục Việt Nam sẽ cất cánh nữa. Tài đến thế là cùng.
Kết quả thời "cai trị" bộ Học của ông chỉ là thế này: mạng lưới giáo dục rối như canh hẹ. Phát triển như nấm sau mưa nhưng theo "quy luật" ai cần là có, ai muốn là được. Trong vài năm có thêm hàng trăm trường đại học và cao đẳng mới. Đào tạo thế nào biết rồi, chất lượng ra sao, chuyện không cần nói nữa.
Quy luật ông nêu cũng chả phải, sau 3 năm giáo dục rã đôi cánh gẫy, chất lượng tất cả các bậc học càng ngày càng tệ.
Có người đặt câu hỏi: thì vẫn trường sở ấy, ngày một khá hơn, vẫn là các ông các bà giờ lại thêm mác mỏ nữa dạy chứ ai vào đấy mà chất lượng ngày càng kém đi. Vậy thì tại ai?
Đúng là trong cái kém đi ấy có lý do từ chúng tôi. Nhưng chủ trương thế, cách tổ chức thi cử, dạy dỗ, đánh giá ...cư như từ trên trời rơi xuống ấy, cải cách mãi mà cứ hỏng, người này đổ cho người kia, cấp này đổ cho cấp kia. Người định ra chính sách một là không hiểu giáo dục, hai là bắt bệnh không trúng, ba là không biết cách tổ chức, nghĩa là yếu kém nên mới gây ra hoạ này.
Rồi thay tướng. Tân quan, tân chính sách. "Trận đánh lớn" mà mọi người chờ đợi té ra cũng chỉ là những tiếng đì đùng thế thôi.
Nhưng, nói cho công bằng, chuyện bỏ thi tốt nghiệp là đúng 100% vì chưa thi đã biết đỗ gần hết thì thi làm gì cho tốn kém. Năm nay, là năm đầu nên còn nhiều cái dở. Sang năm, cố gắng khắc phục những cái kém ấy thì tình hình hy vọng sẽ tốt lên.
Mục tiêu là giải bài toán này chỉ nên chọn một đích là chất lượng và phải chịu đau khổ vài năm chứ đừng kéo cái này vào cái kia, làm cái này để gỡ cho cái kia thì chả bao giờ đạt được mục đích chính cả.
Điều đổi mới đầu tiên trộm nghĩ phải thay đổi ngay mấy việc cụ thể này chứ không cao siêu gì cả: đổi ngay chương trình đào tạo và mục tiêu đào tạo. Thế giới người ta đã quá nhiều kinh nghiệm hay, chọn cái đúng và những cái vừa tầm rồi đem áp vào ta cho phù hợp.
Với khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, cứ mua sách của người ta về, dịch ra rồi tổ chức dạy theo cách của người ta, tôi cam đoan sẽ thay đổi chất lượng ( nhìn vào kinh nghiệm của Ngoại thương thấy rõ điều này).
Còn khoa học xã hội thì biên soạn lại chương trình và sách giáo khoa, thật cơ bản, thật cần thiết, vứt bỏ tất cả những thứ mĩ miều nhưng vô dụng, những thứ hoa hoè, hoa sói đi, dạy ít môn nhưng thật cần cho con em.
Xin đừng lôi các cháu ra làm thí nghiệm thêm nữa. Ba mươi năm, một nửa đời người rồi các vị ạ mà đến nay vẫn cứ tình trạng leo ra, leo vào trên cành cụt kiểu cái kiến như hiện nay thì nguy lắm. Tỉ như cái vụ "Chủ tịch Hội đồng lớp" vừa rồi ấy. Tiền của đổ vào những thứ đó lãng phí quá mà chả biết để làm gì.
Thứ hai: đổi mới cách tổ chức dạy và học theo hướng thiết thực, hiệu quả, dạy cho học trò cách tiếp cận đối tượng tối ưu, biết cách nhận thức sự vật như nó vốn thế. Việc này dễ vì những năm 60-70 thế kỷ trước chúng tôi đã học theo cách này( tuy không phải nơi nào cũng thế, ai cũng làm thế nhưng chúng tôi đã từng được học như vậy).
Thứ ba: phải có ông Tư lệnh ngành đủ quyền lực và bản lĩnh để quyết những chuyện của giáo dục. Cứ như hiện nay dường như ông Tư lệnh cũng chỉ được quyết những gì người khác đã quyết, ông chỉ có vai trò điều hành trong khuôn khổ chứ không được chỉ huy đánh trận theo cách của mình.
Bên dưới lại còn khó khăn hơn. Phải cho các Tư lệnh ngành, Tư lệnh vùng, Tư lệnh địa phương những quyền và trách nhiệm thật rõ ràng và họ bị giám sát bởi những chế tài thật minh bạch, phù hợp.
Kinh phí nhà nước đã chi cho giáo dục, không ai được xâm phạm nhưng nếu làm hỏng thì người làm hỏng phải đền. Thế mới có chuyện dám làm và dám chịu. Còn như bây giờ, không muốn làm hay khó quá lại ra xin ý kiến tập thể rồi hỏng việc lại bảo tập thể quyết còn cá nhân thì vô can.
Thứ tư: phải làm sao thay đổi nhận thức xã hội. Xã hội đừng ép ngành giáo dục phải làm cho con mình thành giỏi giang hết, phải cho điểm cao hết. Như hiện nay, lớp nào cũng giỏi 80-90% thì là con số ảo. Học như thế, kiến thức như thế thì chỉ có tặng nhau điểm mới có thể có kết quả đẹp như vậy.
Đai học cũng nên chấm dứt tình trạng " đã vào thì phải ra". Tôi tin rằng quyền được học hành là của mọi người nhưng không phải ai sinh ra cũng phải thành nhà khoa học, trí thức hết. Cả xã hội toàn trí thức là không tưởng đã đành mà cũng sẽ loạn.
Vì vậy, ai có năng lực thực sự hãy vào đại học, còn lại tuỳ theo năng lực, hoàn cảnh làm nghề khác. Xã hội phải thay đổi quan niệm về việc này đi mới đỡ gây áp lực cho ngành giáo dục và không làm khổ chính mình.
Với giáo dục, câu chuyện đổi mới( thực sự ấy) đã như lửa cháy ngang mày rồi. Ba mươi năm là thời gian để cho một đất nước từ nghèo nàn, lạc hậu bước tới một xã hội hiện đại vì thời buổi này, người ta tiến nhanh lắm. Ba mươi năm qua, nhìn lại không khỏi lo lắng vì giáo dục nước nhà cứ ngày một yếu kém đi. "Phi trí bất hưng" mà trí ta như thế, hỏi yên lòng sao được?
PGS.TS Phạm Quang Long
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Theo_Người Đưa Tin
Hồ sơ liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, thường trú, bảo hiểm y tế Từ tháng 7-2015, bắt đầu thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi hoặc đăng ký khai sinh. Xin quý báo cho biết thủ tục hồ sơ thực hiện như thế nào và nộp đăng ký tại đâu? - Dương...