Nhiều trẻ mắc bệnh sởi do gia đình không cho đi tiêm phòng vắc xin sởi đúng lịch
Thời tiết Đông – Xuân là điều kiện thuận lợi của một số bệnh nguy hiểm thường gặp tấn công trẻ nhỏ, gây biến chứng nguy hiểm, trong đó đặc biệt là bệnh sởi.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga khám cho bệnh nhân mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đang điều trị cho 12 bệnh nhân nhi dưới 1 tuổi mắc sởi, đáng chú ý có những bệnh nhân nhi 12 tháng tuổi chưa được tiêm phòng sởi.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga khám cho bệnh nhân mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Với những trẻ nhỏ khi mắc sởi gặp những biến chứng viêm phổi rất lớn. Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương phải xử trí ca bệnh nặng có những ca can thiệp thở máy rất nhiều. Vì vậy, để phòng chống bệnh sởi các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm phòng – một trong biện pháp giảm nguy cơ mắc sởi hữu hiệu nhất”.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, bệnh sởi lây qua đường hô hấp, lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện do virus có trong nước bọt bắn ra không khí. Trẻ cũng có thể nhiễm virus sởi nếu như để tay tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, khăn mặt, quần áo… có virus sởi, từ đó đưa tay lên miệng hoặc mũi làm lây nhiễm virus.
Những trẻ mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho trẻ khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Sau khi tiếp xúc với virus sởi, người bệnh có thời gian ủ bệnh 7 – 15 ngày, sau đó mới phát tán thành các biểu hiện bệnh.
Theo BSCKII Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, từ giữa năm 2018, trước nguy cơ dịch sởi gia tăng, Sở Y tế đã xin ý kiến của Thường trực Thành ủy và UBND thành phố để triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố; chiến dịch đã được triển khai từ cuối tháng 11/2018 và đến nay đã tiêm được 574.191/607.023 trẻ (đạt tỷ lệ 95%) việc này đã góp phần khống chế sự bùng phát và lây lan của bệnh sởi trong cộng đồng.
BSCKII Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, để phòng tránh bệnh sởi khi trẻ đủ 9 tháng tuổi cho tiêm mũi vắc xin sởi mũi 1, đến 18 tháng tuổi tiêm sởi nhắc lại mũi 2. Ngoài ra đối với trẻ lớn chưa được tiêm sởi, cần phải cho trẻ tiêm bổ sung. Kể cả người lớn, nhất là với phụ nữ trước khi mang thai 3 tháng nếu như chưa tiêm sởi hoặc chưa mắc sởi cần đi tiêm vắc xin sởi.
Video đang HOT
PHƯƠNG THU
Theo tuoitrethudo
Cục y tế dự phòng bối rối khi nhiều phụ huynh không cho trẻ tiêm vắc-xin sởi
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu đề nghị các đơn vị y tế địa phương có văn bản báo cáo với chính quyền địa phương những trường hợp chống lại vắc xin, không chịu tiêm vắc xin sởi. Chúng ta đã tuyên truyền rồi mà các bà mẹ không đưa trẻ đi tiêm là trách nhiệm của các bà mẹ.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thăm trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) hôm 21.1- Ảnh: PV
Gần 2.000 ca mắc sởi và đang còn tiếp tục tăng lên
Chiều 21.1, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM về tình hình bệnh sởi đang bùng phát ở địa phương này cũng như công tác tiêm phòng sởi ở đây.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM trong năm 2018, TP phát hiện 1.989 ca mắc sởi. Tuy nhiên những tháng đầu năm 2018 chỉ có rải rác vài ca mắc sởi, nhưng đến tuần thứ 32 thì bắt đầu tăng nhanh, đến những tuần cuối năm 2018, mỗi tuần phát hiện từ 300 đến 400 ca mắc sởi. Tình hình này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh trong đầu năm 2019.
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết trong những năm trước, mỗi tuần chỉ phát hiện lác đác vài ca, có năm chỉ phát hiện hơn 20 ca mắc bệnh sởi. Tuy nhiên vào năm 2013 và 2014 - thời điểm xảy ra đại dịch sởi, toàn TP có số ca mắc sởi lên đến 1.500 ca. Ở thời điểm đó, bệnh sởi bắt đầu tăng cao từ tuần thứ 35 của năm 2013 và kéo dài đến tháng 6.2014.
"Như vậy, nhiều khả năng lần này sẽ là chu kỳ của bệnh sởi với 5 năm/ lần, nhưng năm 2018 bệnh sởi còn tăng sớm hơn đại dịch sởi trước đó, vì chỉ mới tuần thứ 32 đã tăng cao. Hiện bệnh sởi còn đang tiếp tục tăng cao, chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều khả năng bệnh sởi sẽ còn tăng mạnh kéo dài đến tháng 6.2019. Tình hình này, nếu chúng ta không có biện pháp để ngăn ngừa, nhất là tiêm phòng vắc xin sởi sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ Nga chia sẻ.
Một bé trai mắc bệnh sởi khá nặng được mẹ ôm vào lòng - Ảnh: PV
Theo bà Nga, trong số 1.989 ca mắc sởi được phát hiện trong năm 2018 thì có 4,5% trẻ dưới 9 tháng tuổi (độ tuổi chưa đủ để tiêm vắc xin sởi), từ 5 tuổi trở lên chiếm 60%, đặc biệt có gần 14% mắc sởi trên 16 tuổi.
Dù số người lớn mắc sởi ngày càng tăng, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng số người mắc sởi nhưng thời gian qua việc tuyên truyền, khuyến cáo chỉ tập trung ở trẻ em, không quan tâm đến người lớn. Điều này đang trở thành mối lo lớn cho việc phòng, chống bệnh sởi", bà Nga nói.
Phụ huynh không muốn cho trẻ tiêm vắc xin sởi
Tình hình bệnh sởi đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch nhưng điều đáng lo là số trẻ tiêm phòng vắc xin sởi trên địa bàn TP hiện còn quá thấp. Thống kê của Trung tâm y tế dự phòng TP cho thấy hiện số trẻ tiêm vắc xin sởi mũi 1 chỉ mới đạt hơn 80%, còn tiêm mũi 2 ở mức thấp hơn nhiều, chỉ mới hơn 60%.
Phân tích về điều này bà Nga cho biết là do người dân trong cộng đồng cũng như các trường học chưa có sự hợp tác và không muốn tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó còn là sự bất nhất giữa các điểm tiêm dịch vụ với tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế.
Dù ngành y tế các địa phương đã tuyên truyền việc tiêm vét vắc xin sởi, nhưng nhiều phụ huynh không muốn tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Các phụ huynh còn cho biết, bác sĩ tiêm vắc xin sởi dịch vụ nói tiêm mũi 1 khi trẻ bước vào 12 tháng tuổi, còn tiêm mũi 2 là sau đó 3 năm, chứ không phải tiêm mũi 1 là 9 tháng tuổi và mũi 2 là 18 tháng tuổi như chương trình tiêm chủng mở rộng nên không chịu tiêm.
Bà Nga cũng cho biết qua khảo sát 26 trường hợp trẻ mắc sởi do không tiêm, hoặc tiêm không đủ 2 mũi vắc xin sởi cho thấy có 10 trường hợp thiếu thông tin tiêm chủng, có 8 trường hợp nhân viên y tế chưa thống nhất chỉ định tiêm sở giữa lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia và tiêm dịch vụ, 7 trường hợp chưa quan tâm nhiều đến tiêm chủng.
Bà Nga tỏ ra lo lắng khi hiện nay vẫn còn 13,5% số trẻ trong độ tuổi dưới 5 tuổi nằm trong chiến dịch tiêm vét vắc sin sởi-Rubella không cung cấp bằng chứng trẻ đã tiêm đủ 2 mũi. Nếu những trường hợp này chưa tiêm sởi thì đây sẽ là nhóm đối tượng nguy cơ cao, có thể mắc sởi khi tiếp xúc với người bệnh.
Hàng loạt trẻ mắc bệnh sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: PV
Ông Trần Đắc Phu cho rằng diễn biến bệnh sởi hiện nay không khác gì so thời điểm xảy ra đại dịch sởi vào năm 2014. Tuy nhiên, bệnh sởi năm nay có phần đến sớm hơn và xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Người lớn mắc bệnh sởi đang trở thành mối nguy hiểm, vì chính họ là nguồn lây lan rất lớn cho cộng đồng.
Dù nguy cơ bệnh sởi bùng phát thành đại dịch là rất lớn, nhưng theo ông Phu hiện nay công tác giám sát ca bệnh sởi ở TP.HCM còn rất yếu kém, nếu không nói là các nhân viên y tế còn lơ là trong việc giám sát.
Ông Phu dẫn chứng tại một phường có 9 ca mắc sởi, nhưng nhân viên y tế chỉ tìm được 2 ca mắc sởi để giám sát, còn lại không tìm ra. "Chúng ta làm công tác phòng chống dịch mà để mất ca bệnh thì làm sao làm công tác phòng chống dịch", ông Phu tỏ ra không hài lòng.
Về vấn đề tiêm vắc xin sởi, ông Phu cho rằng hiện TP đang thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin sởi cũng đồng thời là thực hiện chống dịch. Theo quy định của Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vắc xin sởi đối với mũi 1 lúc 9 tháng, còn muốn tiêm vắc xin sởi - Rubella khi đủ 12 tháng thì cũng phải tiêm mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi, và tiêm mũi 2 lúc 18 tháng tuổi.
"Chúng ta đã tuyên truyền rồi mà các bà mẹ không đưa trẻ đi tiêm là trách nhiệm của các bà mẹ. Ai chống lại không tiêm vắc xin, ngành y tế phải có văn bản báo cáo với chính quyền địa phương, chứ không thể để họ không tiêm cũng mặc kệ rồi chúng ta nói đã tuyên truyền rồi mà họ không chịu tiêm", ông Phu đề nghị.
Hồ Quang
Theo motthegioi
Tiêm phòng sởi đang "bỏ quên" trẻ bị tim mạch Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sởi tại khu vực phía Nam, ngày 21/1, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã kiểm tra một số địa bàn có nhiều số ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thăm trẻ bị sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới...