Nhiều tỉnh phía Bắc lên phương án đón người dân về quê
Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Hà Giang chuẩn bị phương án đón người dân từ các tỉnh phía Nam đi xe máy về quê, tất cả được yêu cầu cách ly.
Sáng 5/10, ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái , cho biết từ đầu tháng này trong số hàng nghìn người dân đi xe máy từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, có nhiều người là công dân tỉnh Yên Bái.
“Chúng tôi chưa thống kê được số lượng, nhưng đã đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh bố trí nơi ăn, ở cho hàng trăm người”, ông Tuấn nói.
Người dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, dừng xe ở Thừa Thiên Huế để cảnh sát dẫn đoàn, ngày 4/10. Ảnh: Võ Thạnh
Người dân đi xe máy về đến Yên Bái sẽ được test nhanh để phân loại; những người tiêm hai mũi thì cách ly tập trung bảy ngày, tiêm một mũi là 14 ngày; trường hợp trong đoàn có ca dương tính thì cả đoàn cách ly tập trung 14 ngày.
“Chúng tôi buộc phải cách ly tập trung để đảm bảo an toàn tuyệt đối, không lây dịch ra cộng đồng vì các tỉnh phía Nam vẫn có nguy cơ cao”, ông Tuấn nói.
Ngoài tổ chức đón dòng người đi xe máy, ông Tuấn cho biết thêm đã lên phương án đưa khoảng 1.300 người dân quê Yên Bái hiện ở TP HCM và các tỉnh phía Nam về bằng máy bay, dự kiến triển khai giữa tháng 10.
“Đi về phải có tổ chức, các tỉnh phía Nam lên phương án bàn giao, Yên Bái tổ chức đón thì ngoài này Hà Nội mới cho hạ cánh ở sân bay Nội Bài”, ông Trần Huy Tuấn nói.
Phú Thọ hôm nay phát công văn hỏa tốc yêu cầu các huyện, thị xã chuẩn bị khu cách ly tập trung, sau khi xác định được đoàn xe khoảng 500 người đang từ phía Nam di chuyển về tỉnh này.
Video đang HOT
Một nhóm lao động đi xe máy về đến Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Với những những người dân có nguyện vọng và gia đình đủ điều kiện cách ly tại nhà, thì các huyện, thị xã lập danh sách để xem xét. Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, cho biết huyện này chủ trương cách ly tập trung tất cả người từ miền Nam về để đảm bảo an toàn chống dịch.
“Các xã sẽ tập hợp danh sách người dân đi làm ở miền Nam,, trước mắt bố trí cách ly tập trung, nếu số lượng quá lớn mới chuyển sang phương án cách ly tại nhà”, ông Nguyễn Duy Anh nói.
Lai Châu , ông Bùi Tiến Thanh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết tỉnh này chưa nắm được số lượng cụ thể người dân đi xe máy về quê. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đã sẵn sàng phương án đón, cách ly theo quy định.
Với người về từ vùng không có dịch, tỉnh yêu cầu tự theo dõi sức khỏe 14 ngày; về từ nơi đang giãn cách theo Chỉ thị 15 thì theo dõi sức khỏe tại nhà ba ngày (nếu đã tiêm đủ liều vaccine); người chưa tiêm đủ hai mũi thì cách ly tại nhà ba ngày, theo dõi sức khỏe 18 ngày.
Người về từ nơi giãn cách theo Chỉ thị 16, nơi phong tỏa sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày nếu đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh; người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều thì cách ly tập trung 14 ngày.
Ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hà Giang , cho biết đơn vị đang lên phương án đón lao động từ các tỉnh phía Nam về, trình lãnh đạo tỉnh xem xét; tinh thần là “sẽ phân loại và cách ly tập trung”.
“Trước đây người dân về lẻ tẻ thì tỉnh giao cho các huyện trực tiếp đón, phụ trách việc cách ly, nhưng hiện tại qua nắm tình hình, có tới hàng nghìn người Hà Giang đang trên đường về nên chúng tôi phải có phương án chi tiết để không bị quá tải”, ông Hùng nói.
Trong những ngày qua, hàng nghìn lao động từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã đổ về miền Tây khi các tỉnh, thành này nới lỏng giãn cách từ 1/10. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện có 3,5 triệu người các địa phương cả nước làm việc tại 4 tỉnh, thành nói trên, trong đó 2,1 triệu người muốn về quê.
Từ ngày 4/10 đến nay, các chốt kiểm soát ở miền Trung đã ghi nhận dòng người đi xe máy về các tỉnh phía Bắc. Trước đó, cuối tháng 7, dòng người từ một số địa phương phía Nam cũng chạy xe máy về các tỉnh miền Trung.
Yên Bái tái diễn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông vẫn tái diễn là do một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ hoặc quá nuông chiều để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích...
Mặc dù các nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ đến học sinh, sinh viên, tuy nhiên, thời gian gần đây, tái diễn tình trạng học sinh ở các địa phương của tỉnh Yên Bái vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi đường và cho chính bản thân các em.
Đầu giờ sáng hay mỗi giờ tan học, dọc trên các tuyến đường chính ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái không hiếm thấy tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện dàn hàng phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Anh Trần Đức Văn, ở TP. Yên Bái, người thường xuyên tham gia giao thông vào thời điểm học sinh tan học nói: "Tôi thực sự rất lo lắng khi nhiều cháu nhỏ mới cấp 2, cấp 3 thôi đi đường phóng rất nhanh, vượt ẩu. Nhất là buổi sáng sớm hay giờ tan tầm các cháu cứ dàn hàng 3, hàng bốn, thậm chí đi lạng lách đánh võng, rất nguy hiểm với người tham gia giao thông và cũng như chính tính mạng của các cháu".
Chứng kiến tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông diễn ra khá phổ biến, nhiều người dân tỏ ra ngao ngán và đã quay clip đưa lên mạng xã hội.
(Ảnh chụp màn hình)
Mới đây nhất, dư luận một lần nữa bức xúc khi trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ngắn về một nhóm học sinh không đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang không đúng cách, đi xe máy dàn hàng trên đại lộ Nguyễn Thái Học ở thành phố Yên Bái. Được biết, sau khi xác định nhóm học sinh trong đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội là của trường mình, Ban giám hiệu Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái đã triển khai những biện pháp chấn chỉnh.
Thầy Nguyễn Đức Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức cho học sinh ký cam kết về an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng, chống COVID-19 Tuy nhiên, còn một số em chưa thực hiện nghiêm các quy định, chúng tôi đã mời phụ huynh, học sinh lên ký cam kết và đề nghị phụ huynh, cũng như tổ chức, đoàn thể nơi học sinh cư trú phối hợp giáo dục các em".
Nếu các em học sinh ở vùng thấp thường vi phạm các quy định về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm hay vượt đèn đỏ... thì các em học sinh tại các Trường THPT ở vùng cao Yên Bái lại thường vi phạm về sử dụng phương tiện trên 50 phân khối (Cm3) tới trường. Lý do mà các em đưa ra khi vi phạm cũng "muôn hình muôn vẻ".
Em H.T.T.H ở Nà Hẩu - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Văn Yên, hiện đang học cấp III tại một trường học trên địa bàn huyện nói: "Chặng đường từ Nà Hẩu về trường em đi mất khoảng 1 tiếng, đường đi phải vượt dốc, vượt đèo và qua suối nữa nên đi xe dưới 50 phân khối rất khó khăn, do đó em phải đi xe trên 50 phân khối của bố mẹ để đi học".
Ngoài những lý do có vẻ "chính đáng" như trên, thì nhiều vi phạm lại xuất phát từ nguyên nhân "muốn thể hiện mình". Em Nguyễn Đức Mạnh, một học sinh cấp III ở tỉnh Yên Bái từng vi phạm luật giao thông cho biết: "Phong cách của giới trẻ bọn em hiện nay mọi người hay thích đi nhanh, không đội mũ bảo hiểm... Về tốc độ thì xe phân khối lớn sẽ đi được khỏe hơn và nhanh hơn, trong trường hợp di chuyển tốc độ thì tất nhiên không tuân thủ được theo quy định về an toàn giao thông".
Để hạn chế tối đa tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai nhiều biện pháp tích cực.
Điển hình như trường THPT Nguyễn Lương Bằng tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên - ngôi trường hội tụ nhiều con em là đồng bào dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng... chuẩn bị bước vào năm học mới năm nay, nhà trường đã rà soát lại toàn bộ điều kiện, phương tiện của các em học sinh khi đến trường. Qua đó, phát hiện có trên 100 em học sinh sử dụng xe trên 50 phân khối đến lớp, vì vậy đã khẩn trương tìm giải pháp khắc phục.
Thầy Hoàng Văn Chinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Lương Bằng, huyện Văn Yên cho biết: "Nhà trường đã cử giáo viên đi đến từng xã phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền trực tiếp với cha mẹ học sinh để các bậc phụ huynh nắm được quy định của pháp luật, của trường, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho các con có được phương tiện đến trường đảm bảo đúng quy định, đảm bảo an toàn giao thông. Sau đợt tuyên truyền trực tiếp như thế, tôi tin là biện pháp này sẽ tác động nhanh và bền vững".
Các tiết ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều có nội dung tuyên truyền về pháp luật đến học sinh.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông vẫn tái diễn là do một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm giáo dục con đúng mức, hoặc quá nuông chiều để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích; một số học sinh thì ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Thêm nữa, do mới vào đầu năm học, một số trường học chưa quản lý chặt chẽ nền nếp của học sinh...
Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh khi tham gia giao thông. Cùng với đó, cũng cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những học sinh ý thức kém, cố tình vi phạm các quy định của luật./.
Dẻo thơm hương nếp Tú Lệ Huyện vùng cao Văn Chấn, tỉnh Yên Bái không chỉ có trà Shan tuyết cổ thụ trứ danh mà còn có nếp Tú Lệ nức tiếng gần xa. Theo tiếng của người Thái, loại nếp này còn gọi là nếp Tan Lả, một đặc sản chỉ có ở thung lũng Tú Lệ. Lúa gặt về phải chế biến ngay trong ngày, đầu tiên...