Nhiều tỉnh “phát sốt” về con số thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi
Trước nhiều ý kiến phản ánh kinh phí hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi, ngày 4/6, Bộ NNPTNT đã chủ trì họp với đại diện 35 tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để thống nhất cách thức và mức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách hợp lý, chính xác khi lợn bị bệnh, buộc phải tiêu hủy.
Tại cuộc họp, nhiều tỉnh thừa nhận choáng váng vì thiệt hại do dịch bệnh nguy hiểm này gây ra.
Tại hội nghị quán triệt các biện pháp kỹ thuật và bàn về chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi do Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra hai phương án hỗ trợ:
Phương án 1 (đang thực hiện theo Nghị quyết 16) hỗ trợ phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại; lợn nái, lợn đực đang khai thác các loại hỗ trợ bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ bằng cân. Ông Dương cũng nêu đề xuất phương án hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tối thiểu bằng 30% giá thị trường.
Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại Thái Bình.
Phương án 2 hỗ trợ theo nhóm lợn phân ra 5 nhóm: lợn đang theo mẹ, mức hỗ trợ 250.000 đồng/con; lợn con cai sữa dưới 2 tháng tuổi mức hỗ trợ 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi (từ 30-80kg) hỗ trợ 1.500.000 đồng/con; lợn thịt từ 4 tháng tuổi trở lên: 2.500.000 đồng/con; lợn nái đang khai thác: 3.500.000-4.000.000 đồng/con.
Video đang HOT
Theo ông Dương, cách tính bằng cân “là công bằng, chính xác nhất”. Tuy nhiên, với số lượng lợn ít thì dễ thực hiện, nhưng khi trang trại có 1.000 con phải tiêu hủy, ai đi cân hết được trong điều kiện nắng mưa, nhọc nhằn? Trong khi đó, cách hỗ trợ theo nhóm lợn (phương án 2) đang được Đồng Nai và một số tỉnh áp dụng. Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đang áp dụng theo phương án này.
Đóng góp ý kiến, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với phương án đưa ra tại Nghị quyết số 16 của Chính phủ, đó là hỗ trợ bằng cân với tối thiểu 80% giá thị trường. Các địa phương căn cứ vào giá thực tế tại địa phương vào thời điểm hỗ trợ để xác nhận mức hỗ trợ cụ thể.
Người dân được hỗ trợ tiêu hủy lợn bằng 80% giá thị trường ở thời điểm tiêu hủy.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết tính đến nay số tiền hỗ trợ của tỉnh vào khoảng 450 tỷ đồng, trong khi quỹ dự phòng của tỉnh là 100 tỷ đồng. “Lãnh đạo tỉnh phải phát sốt lên vì trong quản lý tài chính chưa bao giờ nhìn thấy thiệt hại như vậy kể cả bão gió, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh” – bà Nga chia sẻ. Hiện tỉnh Nam Định đã tiêu hủy hơn 178.000 con, chiếm khoảng 30% tổng số đàn.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, thành phố áp dụng hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ – không dưới 38.000 đồng. Khi giá lợn xuống thấp, Sở đã trình UBND thành phố mức hỗ trợ bằng 80% mức giá do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam công bố nhằm tránh xảy ra tình trạng trục lợi hỗ trợ do giá hỗ trợ cao hơn giá thị trường. Thành phố lấy nguồn từ Quỹ dự phòng thiên tai để chi trả.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất nâng mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia tiêu hủy lợn bị bệnh bằng với mức thuê nhân công ở địa phương, dao động từ 300.000-500.000 đồng/ngày.
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 3/6/2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 52 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn. Thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây ra ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy …
Theo Danviet
Nguy cơ vỡ trận dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng ra công điện khẩn
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi khiến hơn 2 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, 52 tỉnh xuất hiện các ổ dịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Nội dung Công điện nêu rõ: Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhưng thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống bệnh DTLCP như: Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn bệnh chưa kịp thời, không bảo đảm yêu cầu, làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho cộng đồng; Một số địa phương đã có hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn.
Nhiều địa phương tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi chưa đúng cách.
Hệ thống thú y chưa được kiện toàn, củng cố theo đúng quy định của Luật thú y, chưa chủ động tham mưu có hiệu quả cho chính quyền cơ sở, chưa chủ động giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp về thú y; Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.
Để khắc phục tình trạng trên và chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là cấp ủy đảng và chính quyền các cấp ở địa phương tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm "phòng, chống dịch như chống giặc", "phòng là chính, cơ sở và người dân là chính".
Chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng. Các cấp địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, các trường hợp khai không đúng về số lượng và trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định.
Khẩn trương kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y, tăng cường năng lực hệ thống thú y đảm bảo thực thi nhiệm vụ và chủ động tham mưu cho chính quyền cơ sở; chủ động tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý lợn bệnh; tổ chức kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ lợn theo đúng quy định;
Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn; các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn đặc biệt đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,... để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân.
Các Bộ, ngành và từng thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP tổ chức các đoàn công tác đến đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa phương.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại trên 3.000 xã, phường, thị trấn của 52 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy tổng số trên 2 triệu con lợn. Nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh đến các địa phương chưa có dịch; tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày; xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn là rất cao, dẫn đến buộc phải tiêu hủy nhiều lợn trong thời gian tới.
Theo Danviet
Kênh rạch chằng chịt, miền Tây khó đối phó với dịch tả lợn châu Phi Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ, Bộ NNPTNT vừa có Công văn số 3707/BNN-TY gửi các tỉnh, thành phố trong khu vực yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Theo công văn này, trong quá trình kiểm tra, rà soát quá trình phòng chống dịch tả...