Nhiều tỉnh chưa báo cáo việc mua máy xét nghiệm Covid-19
Tối 24/4, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuốc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, tại công văn số 2288/BYT-KH-TC do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ngày 24/4 gửi các đơn vị trực thuộc Bộ (các viện, bệnh viện, trường đại học và các bệnh viện thuộc trường) và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các bộ, ngành và một số bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.
Công văn nêu rõ, trước đó, ngày 17/4, Bộ Y tế có công văn số 2151/BYT-KH-TC về việc báo cáo mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm. Theo đó, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để nắm được các thông tin về một số mặt hàng đã trúng thầu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống đã mua từ ngày 1/1/2019 đến nay bằng tất cả các nguồn tiền của đơn vị để phục vụ công tác xét nghiệm nói chung và xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 nói riêng tại các đơn vị.
Đến nay, một số địa phương đã gửi báo cáo về Bộ Y tế, tuy nhiên còn nhiều địa phương chưa gửi báo cáo.
Ảnh minh họa.
Do đó, tại công văn 2288, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1/3/2018 đến 29/2/2020 (2 năm).
Bộ Y tế yêu cầu các tài liệu đề nghị photocopy, đóng dấu sao y bản chính và gủi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên.
Báo cáo của các đơn vị đề nghị gửi khẩn về Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế trước ngày 28/4 để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
Thời gian qua đã có nhiều thông tin trái chiều về việc đấu thầu, mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động. Đáng nói, ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội ( CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm và 6 đồng phạm.
Theo đại tá Nguyễn Văn Long – Cục trưởng C03, Bộ Công an cho biết, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lên đến 7 tỷ đồng.
Diệu Linh
ĐBQH: Cần điều tra địa phương có dấu hiệu bất thường khi mua máy xét nghiệm
ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng rút kinh nghiệm vụ việc ở Hà Nội, các địa phương cần rà soát công tác mua sắm thiết bị y tế, nếu có dấu hiệu bất thường phải điều tra.
Vụ việc Bộ Công an bắt giữ Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đồng phạm do nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 để trục lợi đang khiến dư luận phẫn nộ.
Bên cạnh đó, từ hôm qua báo chí cũng râm ran câu chuyện Sở Y tế Quảng Nam mua máy xét nghiệm COVID-19 với giá 7,2 tỷ đồng, con số này còn cao hơn giá mà CDC Hà Nội bỏ ra.
Từ đây, người dân không khỏi băn khoăn và đặt ra nhiều nghi ngờ về tính minh bạch trong việc mua sắm thiết bị y tế ở các địa phương, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành như hiện nay. VTC News có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này.
Ông Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
- Ông đánh giá thế nào về vụ việc Bộ Công an bắt giữ Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 đồng phạm về hành vi nâng giá máy xét nghiệm COVID-19 để trục lợi?
Tôi cho rằng sự việc này xảy ra như một scandal của ngành y tế. Hiện nay, những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch đang không ngại nguy hiểm, không ngại việc có thể bị lây nhiễm virus để chăm sóc người bệnh, chăm lo cho người dân cũng như dốc sức phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Thế nhưng, ở phía có thể coi là "hậu cần" như CDC Hà Nội, những cán bộ lãnh đạo lại có việc làm như vậy, phải nói là quá mức nhẫn tâm. Họ đã đánh mất lương tâm, đánh mất đạo đức của ngành y.
Trong khi cả nước đang chung tay, chung sức để phòng chống dịch, lẽ ra những người như cán bộ ở CDC Hà Nội phải tìm mua những trang thiết bị y tế chất lượng tốt nhất với mức giá rẻ nhất để phục vụ người dân.
Đằng này, họ lại nâng giá trị thiết bị lên để hưởng chênh lệch, hưởng lợi nhuận nhằm moi tiền của nhà nước, moi tiền của nhân dân. Họ lợi dụng vị trí, danh nghĩa ngành y để trục lợi cho cá nhân, đó là điều không thể chấp nhận được.
- Nhiều người so sánh hành vi "ăn" thiết bị y tế của cán bộ CDC Hà Nội với những đóng góp của dân nghèo để chống dịch và coi đây là hành vi rất đáng xấu hổ, thưa ông?
Đã có những tấm gương rất xúc động trong phòng chống dịch như bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người già lớn tuổi góp từng cân gạo, hay những cháu học sinh sẵn sàng đập ống heo của mình để gửi tiền phòng chống dịch bệnh.
Trong khi đó những người có chức có quyền, trực tiếp trong công tác chống dịch lại lợi dụng để nâng giá vật tư y tế hưởng chệnh lệch, tôi cho rằng đây là hành vi rất phi đạo đức.
Những người này khi vào trại giam rồi, ngẫm nghĩ lại hành vi vi phạm, những hành vi phi đạo đức đó, chắc hẳn họ sẽ thấy day dứt.
Hành vi nâng khống giá máy xét nghiệm của những cán bộ CDC Hà Nội phải nói là quá mức nhẫn tâm, họ đã đánh mất lương tâm, đánh mất đạo đức của ngành y. ĐBQH Phạm Văn Hoà
Bản thân trong tay mình có chức, có quyền, có điều kiện thuận lợi nhất mà lại không làm được những việc như những đứa trẻ, những bà mẹ già đã làm, lại nâng khống giá trị vật tư y tế để hưởng chệnh lệch, để tư túi, trục lợi cho cá nhân.
Nhưng dù có day dứt thì cũng đã muộn.
- Phải chăng họ cho rằng việc làm của mình sẽ không ai biết hay lòng tham đã che mờ nhận thức của họ?
Họ là những con người có học thức, có địa vị và có trách nhiệm, họ hiểu rõ những việc làm của mình là phạm pháp mà vẫn vi phạm thì đó là hành vi cố ý.
Tôi cho đây là hành vi tham nhũng, trục lợi, lợi dụng tình hình dịch bệnh để mang lại lợi ích cá nhân mình.
Những cán bộ này biết luật, biết nâng giá lên là phi pháp nhưng họ nghĩ sẽ không ai nghe, không ai hiểu về việc của họ nên họ mới làm như vậy. Tuy nhiên, những việc làm đó đã không thể nào qua mắt những người có trách nhiệm.
Đây là bài học kinh nghiệm rất quý cho ngành y, có thể nói ngành y lâu nay đã lăm răm xảy ra tình trạng đó rồi khi không ít những trường hợp mua trang thiết bị không đảm bảo chất lượng mang về để hưởng lợi.
- Hành vi của những cán bộ này ảnh hưởng thế nào đến tâm lý người dân cũng như công tác chống dịch trên cả nước, thưa ông?
Người dân vốn đang rất hoang mang, lo sợ dịch bệnh. Họ đã rất ý thức chấp hành Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng và các biện pháp phòng dịch.
Lẽ ra những người có trách nhiệm phải chung sức chung lòng để lo lắng, chia sẻ với nhân dân, thể hiện trách nhiệm với sức khoẻ người dân, đằng này họ lại đi làm những việc rất phản cảm. Những việc này khiến người dân rất bức xúc, bực bội.
Một mặt người dân đang ca tụng đội ngũ y bác sĩ hết mình phục vụ, một mặt người dân cũng phê phán, phẫn nộ với những hành vi phạm tội của những đối tượng này.
- Đây là hành vi rất đáng xấu hổ của những cán bộ tuyến đầu kiểm soát dịch bệnh của Hà Nội trong bối cảnh cả nước đang cùng nỗ lực để chống COVID-19. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử nghiêm những cán bộ biến chất này để răn đe.
Đối với những cán bộ này, phải xử lý ở mức phạt cao nhất trong khung hình phạt cho tội danh đó để trừng trị thích đáng, không dung thứ bất cứ một ai, dù người đó là người thế nào.
Chỉ có như vậy người dân mới có thể thoả mãn, mới có thể yên tâm được.
Việc xử lý ở đây không chỉ đơn giản là xử lý những đối tượng phạm pháp này mà nó còn mang tính chất phòng ngừa, răn đe cho tất cả những ai còn có suy nghĩ trục lợi từ dịch bệnh.
Cả nước ta không chỉ có thành phố Hà Nội cần mua trang thiết bị y tế mà tỉnh thành nào cũng cần phải mua, cho nên cần phải răn đe phòng ngừa cho những đối tượng khác.
Những ai có ý định lợi dụng tình hình dịch bệnh này để trục lợi riêng tư cho cá nhân thì nhìn vào bài học của CDC Hà Nội để không dám, không muốn, không làm những hành vi phạm pháp tương tự.
- Hôm qua, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính báo cáo việc đầu tư mua hệ thống xét nghiệm COVID-19 với giá 7,2 tỷ đồng. Vậy, theo ông có nên thanh tra, rà soát lại các địa phương có dấu hiệu bất thường, thậm chí là tất cả các địa phương có mua máy xét nghiệm?
Rút kinh nghiệm ở Hà Nội, các tỉnh thành cũng cần rà soát lại công tác mua sắm thiết bị y tế của địa phương mình đã thực hiện đúng quy định hay chưa, giá cả thế nào, chênh lệch giá ra sao.
Chúng ta không "vơ đũa cả nắm" cho rằng các nơi khác đều có tình trạng như vậy nhưng cần phải cảnh giác, phải xem xét cẩn thận, không để xảy ra thất thoát, hư hao ngân sách nhà nước để trục lợi cho cá nhân.
Các địa phương cần rà soát, nếu đúng thì phát huy để làm tốt hơn, nếu chưa đúng có dấu hiệu bất thường thì phải thanh tra, điều tra làm rõ để trả lời công luận.
Tóm lại, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay để trục lợi cho cá nhân là không thể chấp nhận được, phải xử lý cương quyết, nghiêm minh.
- Xin cảm ơn ông!
Video: Máy xét nghiệm COVID-19 bị CDC Hà Nội nâng giá 4,7 tỷ đồng
XUÂN TRƯỜNG
Quảng Ninh: Rà soát toàn diện sau thông tin mua máy Realtime PCR đội giá Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu rà soát toàn bộ hồ sơ, thủ tục việc mua sắm máy Realtime PCR tự động để xét nghiệm Covid-19 (SARS-CoV-2). Những ngày qua, có dư luận cho rằng, tỉnh Quảng Ninh đầu tư mua hệ thống máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (máy Realtime PCR tự động) cao hơn nhiều lần so với giá thực...