Nhiều tỉnh cho người về quê được cách ly tại nhà
Sau Kiên Giang, nhiều tỉnh miền Tây và Tây Nguyên đã mạnh dạn cho F1 và người từ TP.HCM về quê cách ly tại nhà để giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung.
Ngày 7/10, vẫn còn nhiều người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam chạy xe máy về An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Tại cửa ngõ, CSGT đã tiếp nhận, hướng dẫn người dân vào các khu cách ly tạm thời để sàng lọc F0.
Nhường nhà làm nơi cách ly người về quê
Trao đổi với Zing , Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết người dân đi xe máy về quê đã giảm so với những ngày trước. Tỉnh đã lập các tổ lấy mẫu xét nghiệm người trở về từ vùng dịch bằng phương pháp test nhanh. Những người cách ly tại nhà được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm trước.
Theo ông Lâu, những người tiêm đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19 được cách ly tại nhà trong 7 ngày. Nhóm được tiêm 1 mũi đủ 14 ngày và F0 khỏi bệnh được cách ly tại nhà 2 tuần. Trường hợp còn lại sẽ cách ly tập trung.
“Qua sàng lọc, chỉ có trên 20% người về quê được tiêm vaccine mũi 1. Bà con đủ điều kiện cách ly tại nhà chiếm trên 30%. Đối với F1, nếu cách ly tại nhà phải đủ điều kiện chống lây nhiễm chéo với các thành viên trong gia đình và nhà đó không có người già, phụ nữ mang thai”, ông Lâu nói.
Người dân về quê chạy xe máy qua TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng vào trưa 7/10. Ảnh: Việt Tường.
Tại An Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết có khoảng 42.000 người về tỉnh này trong tuần qua. Ngành y tế đã phát hiện 250 trường hợp nghi nhiễm nCoV.
“Trong 250 người nghi ngờ qua test nhanh, chúng tôi xét nghiệm RT-PCR xác định 153 F0. Các mẫu còn lại đang chạy RT-PCR. Tỉnh đã có quy định trường hợp nào xét nghiệm âm tính sẽ được cách ly tại nhà. Số người cách ly tại nhà hiện nay khoảng 25.000 người và sẽ còn tăng. Trong đó, có 20-25% được tiêm vaccine 1-2 mũi”, ông Bình chia sẻ.
Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết trong hơn 21.000 người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về quê, ngành y tế phát hiện trên 160 F0. Những trường hợp âm tính nCoV được cách ly tại nhà 28 ngày.
“Trong hơn 160 F0 có vài trường hợp tái dương tính. Những người được cách ly tại nhà ở Cà Mau phải đảm bảo không sống cùng người thân. Vì vậy, có nhiều gia đình là họ hàng đã vận động nhau nhường nhà cho bà con về quê được cách ly tại gia”, ông Việt nói.
Một số tỉnh còn thận trọng
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, người từ vùng dịch về địa phương này phải cách ly tại nhà trong 4 tuần vì có nhiều F0 được phát hiện trong thời gian qua. Trong số những người hồi hương chỉ có khoảng 40% được tiêm 1-2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Tại Đồng Tháp, trong hơn 26.500 người hồi hương cũng có 40% tiêm 1 mũi vaccine. Trường hợp này phải cách ly tập trung 7 ngày.
Những người được tiêm vaccine 2 mũi và F0 khỏi bệnh được về nhà theo dõi sức khỏe trong 3 ngày. Còn người chưa tiêm vaccine phải cách ly 2 tuần.
Nói với Zing , bác sĩ Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, cho biết hơn 14.000 công dân tỉnh này về quê những ngày qua, trong đó 20% được tiêm 1 mũi vaccine.
Qua sàng lọc những người hồi hương, ngành y tế Trà Vinh phát hiện trên 80 F0. Nhiều trường hợp tái dương tính và nhiễm nCoV khi đã tiêm 2 mũi vaccine.
Cán bộ y tế tại Đắk Lắk lập danh sánh công dân về các huyện cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe tại nhà. Ảnh: Minh Quý.
Tại Đắk Lắk, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, cho biết địa phương này đã tiếp nhận hơn 1.000 người trở về từ TP.HCM và các tỉnh phía nam. Các đợt dịch trước, địa phương trưng dụng trường học để làm khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, huyện đã trả những cơ sở này để dạy học trực tiếp.
“UBND huyện đã trưng dụng tất cả nhà cộng đồng, nhà văn hóa thôn để làm khu cách ly tập trung 100 người chưa tiêm vaccine. Những người còn lại, huyện cho các gia đình ký cam kết và thực hiện cách ly tại nhà theo nguyên tắc 3 nhà bên cạnh giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải báo chính quyền”, ông Long nói.
Còn Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) Võ Tấn Huy cho biết theo quy định, những trường hợp về địa phương đã tiêm vaccine, F0 khỏi bệnh được cách ly tại nhà. Trước khi thực hiện việc này, chính quyền địa phương sẽ khảo sát các điều kiện và giám sát chặt chẽ người cách ly tại nhà.
Đại biểu Quốc hội: Nên dùng tàu hỏa, xe khách đưa dân về quê
Miền Trung đang mưa lớn và sắp đón bão, các cơ quan chức năng cần khẩn cấp tổ chức đưa người dân về quê an toàn, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường.
Năm ngày gần đây, hàng chục nghìn người dân từ phía Nam chạy xe máy về quê ở miền Trung và ra Bắc. Theo thống kê của lực lượng chức năng Đà Nẵng, riêng ngày 6/10 khoảng 7.000 người hồi hương đi qua địa bàn trong bối cảnh thời tiết mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Trước dự báo áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, tiếp tục gây mưa lớn ở miền Trung từ nay đến cuối tuần, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường kiến nghị Chính phủ và chính quyền các tỉnh "có kế hoạch hành động ngay lúc này để hỗ trợ người dân".
Theo ông, dòng người hồi hương đã vượt qua mọi kịch bản và tính toán của chính quyền. Khi người dân buộc phải về quê bằng xe máy, chở theo con nhỏ, thậm chí đi bộ "đều là những quyết định bất đắc dĩ".
Để hỗ trợ người dân, ông Cường nói nên sử dụng hệ thống đường sắt chạy dọc đất nước, đi qua hầu hết các tỉnh. Khi tàu về ga nào thì tỉnh đó điều ôtô đón người dân đi cách ly. Miền Tây không có hệ thống tàu hỏa thì các tỉnh chuyên chở bằng ôtô. Xe khách chở người, xe tải chở xe máy. "Tàu hỏa, xe khách đang nằm im một chỗ mà dân phải chạy xe máy, thậm chí đi bộ về là một nghịch lý", ông Cường nói và đánh giá cao việc một số tỉnh đã chủ động phương án đón người dân về bằng tàu hỏa, đơn cử như Quảng Bình.
Dòng người chạy xe máy trong mưa, trước khi đi vào hầm Hải Vân (Đà Nẵng), đêm 6/10. Ảnh: Nguyễn Đông
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, ở thời điểm hiện nay, không nên dùng biện pháp hành chính ngăn cản người dân về quê. Biện pháp hành chính chỉ phù hợp trong lúc tình hình dịch chưa được kiểm soát và chưa chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn".
"Nếu hành động kịp thời, thậm chí sớm hơn thì dòng người hồi hương đã có trật tự và dễ kiểm soát dịch hơn", ông nhận định và kiến nghị chính quyền các tỉnh sớm ký hợp đồng với đơn vị vận tải ở địa phương để đón dân.
"Người dân đánh cược tính mạng vượt hàng nghìn km về quê rất khổ ải và rất dễ tủi lòng, chúng ta cần sớm hỗ trợ họ bằng phương án tốt nhất có thể", ông nói thêm.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Trung tâm báo chí Văn phòng Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng kiến nghị chính quyền các tỉnh, thành tổ chức đón người dân về quê. Các địa phương có thể công bố đường dây nóng tiếp nhận nguyện vọng của người dân hoặc đăng ký trực tuyến. Sau đó, chính quyền trích ngân sách, kêu gọi xã hội hóa thuê chuyến bay, tàu hỏa đưa người dân hồi hương.
Theo ông, khi người dân về quê, cần tổ chức khám sàng lọc. Trường hợp nào an toàn cho cách ly tại nhà, bởi nhiều tỉnh địa bàn rộng, nhà dân ở xa nhau không cần thiết phải cách ly tập trung tất cả.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng hỗ trợ người dân về quê trước khi bão tới là "việc cấp bách nhất lúc này". Ông nói phản ứng chính sách cần có ngay và nhất quán từ trung ương đến địa phương, bởi đây đã trở thành vấn đề lớn của quốc gia chứ không còn riêng tỉnh nào.
Với người dân đang trên đường về, trung ương nên chỉ đạo các tỉnh lập trạm dừng nghỉ, hỗ trợ, bố trí nơi ăn ở, đợi mưa bão qua rồi bố trí cho người dân di chuyển tiếp. "Nếu cứ để dân đi về giữa lũ bão, có bất trắc xảy ra thì không có gì biện minh và chuộc lỗi được hết", ông nói.
Trong bối cảnh TP HCM và nhiều tỉnh phía Nam đang dần phục hồi kinh tế, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói "lý tưởng nhất vẫn là vận động người dân ở lại". Người dân ở lại ngày nào thì TP HCM và các tỉnh trợ giúp ngày đó. Nếu nguồn lực địa phương cạn kiệt có thể bố trí ngân sách Trung ương. Nguồn dự trữ quốc gia cần dùng trong lúc cấp bách này và đó là chi tiêu hữu ích nhất.
Theo ông, nếu chương trình an sinh, tạo việc làm hấp dẫn mà người dân vẫn không ở lại, có nguyện vọng về quê thì nên tổ chức đưa đón có kế hoạch. "Cần có một cơ quan đứng ra làm đầu mối đưa bà con về. TP HCM giao cho Bộ tư lệnh thành phố lên kế hoạch là cách làm hay, thể hiện sự trân trọng tối đa con người và được lòng dân", TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Em bé người Mông bên mẹ, chờ khai báo y tế tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) khi từ phía Nam về quê lánh dịch, đêm 5/10. Ảnh: Phạm Chiểu
Ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận định những ngày tới số lượng người rời các tỉnh phía Nam về nương nhờ quê nhà sẽ còn rất nhiều. Dù muốn hay không thì chính quyền cũng phải hỗ trợ. Các tỉnh có thể phối hợp tạo thành luồng di chuyển riêng cho người dân và dùng xe khách trung chuyển, giúp người dân có thời gian nghỉ ngơi sau đoạn đường dài chạy xe máy.
Theo ông Thơ, hiện nay tín hiệu vui là một số địa phương đã chủ động tạo điều kiện cho người dân về nhà. Như Đà Nẵng đêm qua (6/10) đã mở hầm Hải Vân để người dân chạy xe máy qua, thay vì phải đi đường đèo nhiều khúc cua tay áo, đêm tối, đường trơn, sương mù che khuất tầm nhìn... "Việc này rất được dư luận rất ủng hộ", ông Thơ nói.
Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, các đơn vị đường sắt, hiệp hội du lịch cho biết sẵn sàng tham gia vào việc hỗ trợ người dân . Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói hiện nay các đơn vị lữ hành có rất nhiều đầu xe khách và sẵn sàng hỗ trợ người dân di chuyển thay vì phải chạy xe máy, việc còn lại là chủ trương của các địa phương. Hiện tại, chính quyền Đà Nẵng đã huy động phương tiện của hai doanh nghiệp để hỗ trợ trung chuyển người dân qua hầm Hải Vân.
"Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng huy động nguồn lực giúp bà con đi qua địa phận của thành phố. Tôi sẽ trao đổi với Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế để thống nhất", ông Dũng nói.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khẳng định "đường sắt sẵn sàng chuyên chở người dân về quê". Mỗi ngày, ngành có thể chạy 20 đoàn tàu trên tuyến, vận chuyển khoảng 10.000 khách.
Theo ông, vận chuyển bằng đường sắt an toàn cho người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, tàu có thể chở cả người và xe máy. Song tàu chở khách đến đâu phải được địa phương đó đồng ý cho dừng đỗ và tỉnh đó có biện pháp đón khách, cách ly theo quy định. Ngành đường sắt không thể tự đưa khách về các tỉnh mà không có sự đồng ý của địa phương. Do đó, nếu địa phương đề nghị ngành đường sắt vận chuyển công dân thì VNR sẵn sàng.
Thời gian qua, ngành đường sắt đã tổ chức chuyến tàu đưa người dân từ phía Nam về các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Ninh Bình theo đề nghị của địa phương.
Người dân chạy xe máy qua hầm Hải Vân, tối 6/10. Video: Nguyễn Đông
Ninh Bình: Đón trên 600 công dân trở về từ một số tỉnh phía Nam Sau hơn 1 ngày di chuyển, rạng sáng 5/10, đoàn tầu hỏa chở hơn 600 người dân tỉnh Ninh Bình đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP Hồ Chí Minh và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã về tới ga Ninh Bình. Những công dân đầu tiên đã trở về quê an toàn. Ảnh: baoninhbinh.org.vn Đây là 600 người dân...