Nhiều thách thức với chính sách tiền tệ
Có thể xem xét điều chuyển vốn tín dụng giữa các địa phương để tăng hiệu quả hỗ trợ tín dụng, thực hiện các giải pháp điều hành nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xây dựng đề án tái cơ cấu mới. Đó là định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nửa cuối năm nay.
Đến 29/5/2020, tổng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 1,96%, thấp hơn rất nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Tính chuyện điều chuyển vốn
NHNN cho biết, dịch Covid-19 đặt cả ngành ngân hàng vào thách thức to lớn bởi diễn biến khác biệt và tác động khó lường của dịch bệnh này. Các nền kinh tế, các ngành kinh tế chưa chắc sẽ hồi phục nhanh sau dịch, đồng thời, sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về cách thức sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ. Để ứng phó với thách thức đó, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã tích cực thực hiện các giải pháp điều hành kịp thời về lãi suất và chỉ đạo hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN quán triệt quan điểm bám sát mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong điều kiện tiếp tục vượt qua các thách thức của ngành.
Theo đó, 6 tháng cuối năm là khoảng thời gian có thể chứng kiến những khó khăn của hệ thống tổ chức tín dụng sau khi các doanh nghiệp đã “ngấm” và từng bước khắc phục khó khăn. Chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng có thể bị ảnh hưởng.
Video đang HOT
Về nợ xấu, nếu dịch Covid-19 không xảy ra, các ngân hàng đang trên đà tái cơ cấu nợ xấu tích cực, dự kiến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường và dự báo nợ xấu có thể tăng trong thời gian tới.
Về tăng trưởng tín dụng, con số định hướng cho năm 2020 được đặt ra từ cuối năm 2019 là khoảng 14%. Tuy nhiên, bà Hồng cho biết, cầu tín dụng hiện rất thấp do các doanh nghiệp đang thực hiện cơ cấu lại nợ thay vì vay mới. Đến 29/5/2020, tổng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 1,96%, thấp hơn rất nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước.
“Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy, có địa phương huy động được nguồn vốn lớn nhưng cho vay không nhiều và ngược lại ở các địa phương khác. Do đó, sắp tới NHNN sẽ tính tới việc điều chuyển vốn giữa các tỉnh, thành”, bà Hồng chia sẻ.
Liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, theo đại diện NHNN, đến thời điểm này, có ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng ở mức âm và có ngân hàng tăng trưởng tích cực, do đó có ý kiến đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này sẽ được cân nhắc kỹ dựa trên việc kiểm soát rủi ro chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống ngân hàng.
Về điều hành lãi suất, bà Hồng cho biết, NHNN đã chỉ đạo và bám sát quá trình thực hiện của các tổ chức tín dụng trong việc cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Thực tế là có doanh nghiệp cùng quy mô, thực trạng nhưng mức lãi suất vay được hưởng là khác nhau giữa các ngân hàng, bởi vì mỗi ngân hàng xem xét dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Song nhìn chung, mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay ở mức không cao, thậm chí còn thấp so với một số nước.
“Dựa trên diễn biến lạm phát từ đầu năm đến nay, dự báo của các cơ quan và tổ chức trong nước ở mức khoảng 3,5%, NHNN sẽ điều hành chính sách lãi suất phù hợp trong những tháng còn lại của năm theo diễn biến lạm phát”, bà Hồng nhấn mạnh.
Sẽ có đề án tái cơ cấu mới
Không chỉ tập trung vào các giải pháp tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, NHNN sẽ chú trọng cả việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra NHNN cho biết, đến tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là dưới 2%. Nợ xấu đang có xu hướng tăng từ tháng 3 đến nay nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Các tổ chức tín dụng đang tích cực giảm chi phí kinh doanh để vừa giảm lãi suất cho khách hàng lại vừa tái cơ cấu nợ xấu.
Định hướng của NHNN trong thời gian tới là tăng cường rà soát các ngân hàng thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng để đánh giá rõ thực trạng nợ xấu và có giải pháp kiểm soát cụ thể.
Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020″, mục tiêu xử lý nợ xấu nội bảng dưới 2% đến cuối năm nay là có thể đạt được, song vấn đề đáng ngại là nợ xấu tiềm ẩn đang có xu hướng gia tăng. Do đó, NHNN đã chỉ đạo đánh giá lại toàn diện việc thực hiện đề án này đồng thời với xây dựng đề án mới về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Giải ngân gói hỗ trợ tín dụng: Doanh nghiệp cần nhà băng linh động thực thi chính sách
Ngành ngân hàng cho biết đã vào cuộc mạnh mẽ, triển khai quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn khó tiếp cận và kiến nghị thực thi việc phân loại DN theo ngành nghề để chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tốt nhất.
Lũy kế từ 23/1 đến nay, hơn 188 nghìn khách hàng được cho vay mới trên 659 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau 2 tháng triển khai các giải pháp hỗ trợ tín dụng, đến nay toàn ngành đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Về chính sách hỗ trợ này, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nêu rõ: "Những ngân hàng nào có tiềm lực lớn thì sẵn sàng hỗ trợ nhiều. DN có niềm tin và tín nhiệm, quản lý được dòng tiền thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ DN không cần thế chấp. Vì vậy, các DN cũng phải công khai minh bạch tài chính, chứng minh được tình hình khó khăn của mình".
Từ phía người thụ hưởng, nhiều DN đánh giá tích cực chủ trương này song vẫn mong muốn các ngân hàng tăng thêm chính sách hỗ trợ tín dụng.
Phản hồi về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh An Giang cho biết, việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của ngân hàng trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) phải xin ý kiến hội sở. Để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ DN, ông Việt đề xuất NHNN cần hỗ trợ các NHTM trong việc phân loại DN, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các ngân hàng thuận lợi hơn khi làm việc với những đối tượng DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cùng quan điểm, ông Trần Hữu Đại, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã và DN TP. Hải Phòng đề xuất, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cần bám sát chỉ đạo của NHNN để hướng dẫn các hợp tác xã, DN tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cho phép kéo dài thời hạn cho vay, giãn kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất tiền vay. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ nên xem xét đến đặc thù từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đề nghị cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian để các đơn vị có điều kiện tái sản xuất, kinh doanh phục hồi kinh tế.
Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm Điền nêu quan điểm: "Lâu nay, chúng tôi với ngân hàng là bạn đồng hành và lần này rõ ràng có cả chia sẻ. Tôi cũng mong muốn rằng ngân hàng hỗ trợ thêm một số điểm nữa, nguồn vốn của nhiều DN ngành gỗ đang ứ đọng, nhiều sản phẩm chưa xuất đi được. Được biết, ngân hàng rất khó hạ điều kiện cho vay, nhưng nếu được, mong là NHNN và các NHTM nên khảo sát thực tế DN. Từ đó, đánh giá xem DN nào thực sản xuất, DN nào thực khó khăn và đưa ra gói hỗ trợ cho ngành gỗ xuất khẩu".
Ông Bùi Xuân Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Long Quân cho biết: "Chúng tôi đã làm đơn đến một số ngân hàng để được tháo gỡ khó khăn, dù không nhiều nhưng rất quý, chúng tôi đã được hỗ trợ 0,5%. Về thời hạn hết tháng 6, tôi đề nghị các ngân hàng xem xét hỗ trợ DN hết năm nay".
Từ các phản ánh của DN, ông Đào Minh Tú yêu cầu: "Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai của tổ chức tín dụng. Ngân hàng phải thường xuyên làm việc với các sở, ngành, hiệp hội, DN trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh để được xem xét xử lý theo quy định".
Châu Á tương lai có thể "nợ ngập đầu" do kích cầu kinh tế hậu Covid-19 Các nhà hoạch định chính sách cần phải chi tiêu thật cẩn thận mới có thể ngăn được việc các thế hệ tương lai phải trả quá nhiều những khoản nợ lớn. Chính phủ các nước khắp châu Á đang công bố rất nhiều gói kích cầu nhằm hỗ trợ cho các nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy thoái. Đại...