Nhiều sứ quán Mỹ đóng cửa thêm một tuần vì khủng bố
19 sứ quán và lãnh sự quán Mỹ ở Trung Đông và châu Phi sẽ đóng cửa đến hết tuần để đối phó với âm mưu khủng bố của mạng lưới al-Qaeda.
Một binh sĩ Bahrain gác bên ngoài sứ quán Mỹ ở Manama, Bahrain hôm qua. Ảnh: AP
Theo AFP, trong danh sách trên, có 15 cơ quan đã đóng cửa từ hôm qua và 4 cơ quan mới được bổ sung. Trước đó, ít nhất 25 sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại thế giới Hồi giáo đã được lệnh đóng cửa sau cảnh báo về một vụ tấn công quy mô lớn của al-Qaeda.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết trong một thông báo rằng, đây là biện pháp đề phòng, nhằm bảo vệ an toàn cho các nhân viên ở địa phương và quan khách đến các cơ sở ngoại giao Mỹ trong khu vực trên.
Tại Washington, các nghị sĩ mô tả mối đe dọa khủng bố trên là đe dọa nghiêm trọng nhất mà họ từng thấy trong những năm gần đây.
Dân biểu Dutch Ruppersberger, thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho hay chính phủ Mỹ “nhận được thông tin rằng các thành viên cấp cao của al-Qaeda trên bán đảo Arab đang bàn bạc về một vụ tấn công lớn” và “các thành viên của al-Qaeda đã vào vị trí”.
Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa, Michael McCaul, mô tả cảnh báo này là “cụ thể và đáng tin cậy nhất” mà ông được biết kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9. Một cuộc tấn công dường như “sắp xảy ra”, có thể vào đêm cuối cùng của Ramadan, tháng nhịn ăn của người Hồi giáo.
Video đang HOT
An ninh đặc biệt được thắt chặt tại thủ đô Sanaa của Yemen hôm qua, khi Anh, Pháp và Đức cũng đóng cửa sứ quán tại nước này sau lời cảnh báo của Mỹ. Các lực lượng đặc biệt với xe bọc thép đã được triển khai bên ngoài các tòa nhà, khi các chốt cảnh sát và quân sự được thành lập trên tất cả các đường phố chính của Sanaa. Người dân cho hay họ nghe thấy tiếng máy bay không người lái quần thảo trên đầu.
Washington xem al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP) là chi nhánh nguy hiểm nhất trong mạng lưới này và đã tăng cường các cuộc tấn công của máy bay không người lái nhằm chống lại AQAP tại Yemen.
Cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol hôm 3/8 đã phát đi cảnh báo an ninh sau khi hàng trăm phiến quân có liên hệ với al-Qaeda vượt ngục ở 9 quốc gia, đáng chú ý là ở Iraq, Libya và Pakistan.
Dù mục tiêu tấn công cụ thể là chưa rõ ràng nhưng các lợi ích của châu Âu, chứ không chỉ riêng của Mỹ, là đích ngắm của al-Qaeda lần này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần trước phát đi cảnh báo di chuyển toàn cầu đến công dân Mỹ, khuyến cáo họ về khả năng xảy ra tấn công tại các hệ thống giao thông công cộng và các cơ sở du lịch khác.
Nhiều giờ sau đó, một đoạn ghi âm được đăng tải trên các diễn đàn phiến quân Hồi giáo, trong đó thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri cáo buộc Mỹ “đã thông đồng” với quân đội, các tín đồ Kito giáo và các thành phần thế tục lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi.
Kể từ khi lãnh sự quán ở thủ đô Benghazhi của Libya bị tấn công ngày 11/9 năm ngoái, công tác an ninh được Washington đặc biệt chú trọng. Đại sứ Chris Stevens và ba người Mỹ khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công được cho là do các phiến quân Hồi giáo gây ra.
Theo VNE
Vụ tấn công ở Benghazi hé lộ nhiều điểm yếu an ninh của Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ bị chỉ trích nặng nề sau khi một Ủy ban độc lập chỉ ra những sơ hở an ninh chết người trong việc bảo vệ nhân viên ngoại giao Mỹ ở nước ngoài, nguyên nhân dẫn đến cái chết của 4 nhà ngoại giao Mỹ ở Benghazi cách đây 3 tháng.
Trụ sở sứ quán Mỹ ở Benghazi bị tấn công ngày 11/9/2012
Một Ủy ban độc lập của Mỹ điều tra vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi (Lybia) hôm 11/9 đã đi đến kết luận là an ninh của phái bộ tại Benghazi "rất lỏng lẻo và hoàn toàn kém hữu hiệu."
"Thất bại và khiếm khuyết mang tính hệ thống trong cách thức quản lý an ninh ở hai văn phòng ngoại giao Mỹ tại Lybia là nguyên nhân dẫn đến cái chết của các nhà ngoại giao Mỹ khi bị tấn công", Uỷ ban trên kết luận.
Theo ủy ban trên, số nhân viên an ninh ngoại giao tại Benghazi vào thời điểm xảy ra tấn công là "không đủ," bất kể những yêu cầu bổ sung nhân sự liên tục của các nhà ngoại giao khi đó.
Vụ tấn công hôm 11/9 đã làm bốn nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng, trong đó có Ðại sứ Christopher Stevens. Đây là lần đầu tiên một Đại sứ Mỹ bị sát hại kể từ năm 1988.
Cố Đại sứ Christopher Stevens, một trong 4 nạn nhân của vụ tấn công Lãnh sự Mỹ ở Benghazi hôm 11/9/2012.
Kết quả điều tra được công bố hôm 18/12 sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ gửi một phiên bản mật tới Quốc hội. Trong báo cáo, Ủy ban truy cứu trách nhiệm đã nêu một số kiến nghị tăng cường an ninh tại các cơ sở ngoại giao Mỹ ở nước ngoài và đề xuất kéo dài thời hạn làm việc cho các nhân viên an ninh chuyên trách.
"Bản chất ngắn hạn và tạm thời của các nhân viên an ninh ở phái bộ Benghazi đã đưa đến hậu quả là họ hiểu biết rất hạn chế về tình hình tại đây, chưa kể tới tình trạng gián đoạn trong công tác theo dõi an ninh", ủy ban khẳng định.
Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố chấp nhận mọi kiến nghị, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao thực thi mau chóng và đầy đủ các kiến nghị trên.
"Báo cáo của Uỷ ban truy cứu trách nhiệm đã cung cấp cái nhìn rõ ràng vào những thách thức nghiêm trọng và có hệ thống mà chúng ta cần phải bắt đầu điều chỉnh", bà Hillary nói.
Bà cũng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu tuyển dụng và huấn luyện thêm nhân viên an ninh ngoại giao, đồng thời mở cuộc điều tra về an ninh trên toàn thế giới, đặc biệt chú trọng các địa điểm bất ổn an ninh.
Ngay sau khi kết quả điều tra được công bố, 3 giới chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ xin từ chức do có trách nhiệm liên quan, trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng Eric Boswell và Phó trợ lý Ngoại trưởng về các chương trình quốc tế.
Theo Dantri
Người đàn ông tự xích mình trước cửa lãnh sự quán Mỹ Một người đàn ông hôm qua 4/12 đã tự xích mình vào hàng rào lãnh sứ quán Mỹ ở Cộng hòa Dominica sau khi khởi kiện đòi sứ quán Mỹ đền bù hàng trăm triệu USD, vì đã dựa vào xét nghiệm DNA sai từ chối nhập quốc tịch cho con gái ông. Miguel Familia tự xích tay mình ở hàng rào sứ...