Nhiều sở ngành Hà Nội “lạm phát” cấp phó
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa chỉ rõ một số cơ quan của Hà Nội có số lượng cấp Phó Giám đốc vượt quy định. Vì vậy, đơn vị này kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện số lượng các chức danh cấp Phó Giám đốc sở và tương đương phù hợp quy định.
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa thông báo kết luận thanh tra đột xuất thực hiện quy định về quản lý biên chế công chức, trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng, số lượng cấp phó từ Phó Giám đốc sở và tương đương trở xuống, việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn trong các cơ quan hành chính của UBND TP Hà Nội.
Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết, việc tuyển dụng công chức trong trường hợp đặc biệt được UBND TP Hà Nội thực hiện đúng quy định về thẩm quyền thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch hoặc các trường hợp không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Hà Nội cũng thực hiện đúng quy định thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ trước khi quyết định tiếp nhận không qua thi tuyển. Các trường hợp được tuyển dụng đều đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Thí sinh xếp hàng đợi thi vào công chức ngành thuế (Ảnh minh họa)
Trong kết luận, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ một số cơ quan hành chính của Hà Nội có số lượng Phó Giám đốc sở và tương đương vượt quá quy định. Hội đồng kiểm tra, sát hạch đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức còn có số lượng thành viên chưa phù hợp quy định. Hà Nội cũng chưa có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ đối với các trường hợp là viên chức đơn vị sư nghiệp công lập được tiếp nhận không qua thi tuyển sau tháng 10/2012.
Theo Thanh tra Bộ Nội vụ việc thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, việc tăng cường lực lượng thanh tra giao thông vận tải và chuyển giao nguyên trạng biên chế thanh tra xây dựng quận, huyện thị xã… là nguyên nhân dẫn đến số lượng Phó Giám đốc sở và tương đương của một số cơ quan, đơn vị vượt quy định và còn lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Video đang HOT
Vì vậy, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện số lượng các chức danh cấp Phó Giám đốc sở và tương đương phù hợp quy định và chấm dứt các hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đề nghị Hà Nội phải nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện quy định về số lượng cấp phó và lao động hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị hành chính.
Đại diện Bộ Nội vụ còn đề nghị Hà Nội thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để tuyển dụng công chức trong trường hợp đặc biệt theo quy định. Từ đó tổng hợp báo cáo Bộ Nội vụ về các trường hợp là viên chức được tuyển dụng sau tháng 10/2012 và công chức không qua thi.
Quang Phong
Theo Dantri
"Lạm phát" cấp phó do nể nang ban phát chức vụ
"Tôi nêu ra thực trạng đó vì có hiện tượng nể nang nhau mà ban phát chức vụ. Với một bộ máy nhà nước nhiều cấp trưởng (khoảng 139.000 người), còn cấp phó cứ nhân lên mấy lần nữa thì ngân sách nào chịu nổi", đại biểu Trần Đình Nhã nói.
Bên hành lang Quốc hội ngày 3/11, trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - giải thích rõ thêm lý do vì sao ông phản ánh thực trạng "lạm phát" cấp phó ở một số cơ quan hành chính sự nghiệp.
Đại biểu Trần Đình Nhã lo ngân sách bị lãng phí khi "lạm phát" cấp phó.
Tại sao trong buổi thảo luận thực hiện ngân sách 2014 và dự toán, phân bổ 2015, ông lại đưa ra cảnh báo tình trạng "lạm phát" cấp phó?
Không biết vì sao thời gian gần đây cấp phó lại cứ phình ra. Còn thực tế có hiện tượng nể nang nhau mà ban phát chức vụ. Đó là điều rất đáng để suy nghĩ, vì thế tôi mới nêu ra thực trạng này. Tôi nhẩm tính với một máy nhà nước cấp trưởng nhiều như thế, còn cấp phó cứ nhân lên mấy lần nữa thì ngân sách nào chịu nổi.
Như ông tính có khoảng 139.000 cấp trưởng, còn cấp phó hơn con số đó rất nhiều. Với số lượng cấp phó nhiều như vậy để phục vụ cấp trưởng, ông thấy trách nhiệm với công việc của cấp phó như thế nào?
Trong cơ quan nhà nước, cấp trưởng phải chịu trách nhiệm. Còn cấp phó chỉ là người giúp cấp trưởng thực hiện một nhiệm vụ nào đó hay thay thế cấp trưởng khi cấp trưởng vắng mặt. Ngoài việc đi kèm với cấp phó là chức vụ, còn phải có phụ cấp chức vụ và những chế độ chính sách khác, nhưng những cái đó không phải san sẻ từ cấp trưởng mà do ngân sách nhà nước cấp.
Từ thực tế hiện nay ông có phát hiện ra đơn vị nào nhiều cấp phó đến mức không cần thiết chưa?
Khi người ta xin cấp phó bao giờ người ta cũng đưa ra lý do hợp lý như đang quản lý nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hay chế độ vùng miền. Thế kỷ 21 rồi mà sao bây giờ phải có cấp phó miền Bắc, rồi phải có cấp phó miền Trung, rồi cấp phó của miền Nam... Tại sao lại phải như thế? Đó chỉ là ban phát chức vụ, xin cho.
Thậm chí còn có phong trào bổ nhiệm cấp phó. Ví như có Bộ chỉ 3 Thứ trưởng nhưng có Bộ có tới 8 Thứ trưởng. Do vậy dẫn đến băn khoăn sao mình lại ít Thứ trưởng hơn? Tại sao không xin thêm vài Thứ trưởng, vài Tổng cục và vài cấp vụ? Trong một cơ quan cũng thế, vụ này đông cấp phó thì chẳng tội gì vụ khác không xin thêm.
Tình trạng "lạm phát" cấp phó diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa xử lý được. Theo ông có tiêu cực đằng sau vấn đề này không?
Tiêu cực thì tôi chưa thấy nhưng cái chính ở đây là cấp trưởng dễ dãi quá. Cấp trưởng cũng muốn có nhiều cấp phó để đỡ đần mình nhưng cũng có tình trạng ông này, ông kia thấy lâu chưa được đề bạt thì nhân tiện dịp này, dịp kia đưa lên. Đó là cái rộng lượng của người lãnh đạo nhưng không tính đến khả năng ngân sách. Nhiều nước người ta rất hạn chế cấp phó, thậm chí một số nước bổ nhiệm cấp Thứ trưởng đã phải đưa ra Quốc hội bàn.
Cấp phó thực tế ở nhiều Bộ ngành vượt chỉ tiêu, nhưng khi có sự việc xảy ra thì lại rất ít người chịu trách nhiệm?
Bởi vì chúng ta quy định trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Vì vậy, tôi rất muốn trong luật tới đây phải phân biệt rõ cấp phó phải chịu trách nhiệm trong mảng công việc của mình.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong ghi
Theo Dantri
Bộ ngành nào cũng "lạm phát" cấp phó thì chi phí hành chính quá lớn! "Chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy. Nếu Bộ ngành nào cũng như vậy thì chi phí hành chính quá lớn, trong khi đó công việc lại ách tắc vì làm việc theo tập thể", đại biểu Đỗ Văn Đương nói. Bên lề hành lang Quốc hội ngày 3/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương trao đổi...