Nhiều sai phạm tại Mường Thanh Viễn Triều
Sở Xây dựng đã phạt, yêu cầu chủ đầu tư Mường Thanh Viễn Triều phải xây dựng đúng quy hoạch, nếu không sẽ tiếp tục xử lý nhưng công trình vẫn được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngày 18-8, ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã phạt chủ đầu tư dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus ( Mường Thanh Viễn Triều, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vì xây dựng công trình trái phép, chưa nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng.
Ở trước khi nghiệm thu
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư dự án này là Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh (trước đây là Công ty CP Viễn Triều Nha Trang, được Tập đoàn Mường Thanh mua cổ phần) đã tự ý xây dựng hồ bơi không đúng mục đích sử dụng. Khu vực hồ bơi nằm ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng được xác định là đất dành cho công cộng, làm tiểu cảnh. Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã phạt 40 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng đúng quy hoạch, nếu cố tình không làm đúng sẽ tiếp tục bị xử lý. Đến nay, thay vì dừng thì công trình hồ bơi này đã được xây dựng hoàn thành.
Hơn 22.000 m2 đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng được giao với giá chỉ 42,1 tỉ đồng
Trước đó, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cũng phạt 75 triệu đồng đối với hành vi đưa công trình OC1A và OC1B vào sử dụng mà chưa được nghiệm thu đối với nhà đầu tư này. “Về nguyên tắc, tòa nhà phải được nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Việc nghiệm thu này thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng vì là cơ quan cấp thẩm định. Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa với trách nhiệm giám sát đã lập biên bản về hành vi này và yêu cầu chủ đầu tư phải liên hệ Bộ Xây dựng tổ chức nghiệm thu. Đến nay, chủ đầu tư chưa báo cáo lại. Theo ông Thọ, tòa OC2 đang hoàn thiện nhưng có dấu hiệu chủ đầu tư đã đưa vào sử dụng trước khi nghiệm thu nên Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục kiểm tra để bảo đảm an toàn, chất lượng.
Video đang HOT
Dự án Mường Thanh Viễn Triều gồm 3 tổ hợp căn hộ du lịch, dịch vụ thương mại ký hiệu OC1, OC2, OC3 và 1 khối khách sạn ký hiệu OCS, tổng cộng có 6 khối nhà quy mô 40 tầng và 2 tầng hầm. Trong đó, khối OC1 đã đi vào hoạt động, bàn giao căn hộ cho khách hàng. Khối OC2 hoàn thiện và các hộ dân đã vào sinh sống. Nhà đầu tư cho biết khối OC1 đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu và thừa nhận khối OC2 đang trong thủ tục nghiệm thu, khối OCS và OC3 đang xây dựng.
Đất dự án từ hợp đồng BT giá bèo
Dự án Mường Thanh Viễn Triều trước đây gọi là Khu phức hợp Thiên Triều, được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty CP Đầu tư Thiên Triều sử dụng theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Theo đó, Công ty CP Đầu tư Thiên Triều đầu tư xây dựng đường Lý Thái Tổ (huyện Cam Lâm) với mức dự kiến hơn 56 tỉ đồng, giá trị quyết toán sau khi được phê duyệt là 41,2 tỉ đồng.
Công ty CP Đầu tư Thiên Triều được UBND tỉnh giao khu đất ở Bãi Dương (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang – hiện là dự án Mường Thanh Viễn Triều) với diện tích 22.340 m2 để làm dự án khu phức hợp Thiên Triều theo hợp đồng BT. Điều lạ là Công ty CP Đầu tư Thiên Triều sau đó chậm nộp tiền thuê đất từ năm 2013 đến 2015.
Ngày 21-10-2015, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ký quyết định thu hồi lô đất 22.340 m2 ở Bãi Dương của Công ty Đầu tư Thiên Triều và giao Công ty CP Đầu tư Viễn Triều Nha Trang với lý do “người sử dụng tự nguyện trả lại đất”. Thời hạn thuê đất được tính từ năm 2015 đến 2062 với hình thức trả tiền thuê đất 1 lần.
Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh cho biết công ty này đã mua lại cổ phần từ Công ty Đầu tư Viễn Triều Nha Trang và đổi tên lại thành Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh. Dù không tiết lộ giá mua đất nhưng vị đại diện cho biết việc “mua” lại dự án BT với giá “hợp lý”.
Lật lại vấn đề, chỉ với 41,2 tỉ đồng là nhà đầu tư đã có 2,2 ha mặt tiền hướng biển đường Phạm Văn Đồng, đối diện danh thắng Hòn Chồng, trong vòng 50 năm. Như vậy, trung bình mỗi mét vuông chỉ được thuê với giá khoảng 1,8 triệu đồng, trong khi từ năm 2015, theo các sàn giao dịch bất động sản ở khu vực này thì giá đã cả trăm triệu đồng/m2. Chủ đầu tư sau đó ủy nhiệm bán căn hộ khu OC1A, OC1B cho một sàn bất động sản ở mức 15-23 triệu đồng/m2 tùy căn. Hiện chủ đầu tư đang rao bán tiếp khu OC3 (phía trong) với giá khoảng 18-20 triệu đồng/m2. Với hơn 1.000 căn hộ rao bán (chưa tính các phòng kinh doanh dịch vụ lưu trú), chủ đầu tư đã thu khoảng 1.200-1.500 tỉ đồng (1,2-1,5 tỉ đồng/căn).
Lập lại phương án cắt tầng Mường Thanh Khánh Hòa
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư tổ hợp khách sạn – căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa phải làm lại phương án cắt 3 tầng (tầng 41-43) vượt quy hoạch mà Chính phủ phê duyệt. Việc cắt tầng phải bảo đảm an toàn, bảo đảm kết cấu công trình. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm chọn nhà thầu uy tín và chịu trách nhiệm khi thực hiện tháo dỡ. Phương án này sau khi được Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thẩm định và gửi UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, thông qua.
Theo Kỳ Nam
Người lao động
Buộc ngừng thi công dự án 'xẻ thịt' Hòn Rùa, Nha Trang
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Du lịch sinh thái Hòn Rùa - chủ đầu tư nghiêm túc chấp hành ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng tại dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa (gọi tắt là dự án Hòn Rùa) trên vịnh Nha Trang.
Theo Sở Xây dựng, cuối tháng 6-2018, Sở đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện Công ty Hòn Rùa tổ chức thi công xây dựng công trình nhà khách, nhà đặt máy phát điện thuộc dự án sai với nội dung giấy phép xây dựng được cấp. Thanh tra Sở Xây dựng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu Công ty Hòn Rùa ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm.
Liên quan tới dự án Hòn Rùa, sau khi lấy ý kiến nhiều sở, ngành, địa phương, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh rà soát lại mục tiêu dự án. Cụ thể, theo Sở NN&PTNT, mục tiêu chính của dự án này là trồng rừng nhưng khu vực dự án lại nằm ngoài quy hoạch của ngành cũng như các quy hoạch liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng. Đến nay chủ đầu tư vẫn chưa trồng rừng theo cam kết nhưng tự ý lấp lấn biển trái phép.
Còn theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, trong quá trình triển khai dự án, Công ty Hòn Rùa đã thực hiện không đúng chủ trương, ranh giới dự án được duyệt. Cụ thể, chủ đầu tư tự ý lấp vịnh Nha Trang trái phép; san ủi làm đường ngoài ranh giới dự án; sử dụng trái phép di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; không lập, gửi kế hoạch quản lý môi trường của dự án để niêm yết công khai theo quy định. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đề nghị ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cần yêu cầu chủ đầu tư khôi phục nguyên trạng ban đầu.
Tương tự, theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Khánh Hòa, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc khôi phục hiện trạng ban đầu. Trong khi đó, phần lớn trong 2.200 cây keo, sưa, chùm ngây do chủ đầu tư trồng lại trên khu vực sườn núi bị đào bới trước đây đã chết do không được chăm sóc. Khu vực đổ đất đá lấn biển trái phép cũng vẫn còn nguyên. Do đó, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cũng kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm.
Trong khi đó, UBND TP Nha Trang cho rằng trước đây chính quyền thành phố không được tham gia góp ý kiến thỏa thuận phương án kiến trúc đối với dự án Hòn Rùa.
Theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, kết quả khảo sát do Viện Hải dương học thực hiện năm 2016 cho thấy khu vực đảo Hòn Rùa có thảm rong mơ phân bố khá dày, là nơi sinh sản con giống của nhiều loại thủy sản như mực lá, cá mú chấm, ghẹ, cá dìa, cá giò... Trong quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị vịnh Nha Trang do UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tháng 9-2011 có nêu: Giữ nguyên trạng khu vực đảo Hòn Rùa để khai thác yếu tố cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ấn tượng trong khu vực vịnh Nha Trang. Thế nhưng khi dự án Hòn Rùa san lấp mặt bằng đã làm một lượng lớn đất, đá, cát tràn xuống biển, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái tại khu vực này. Ban quản lý vịnh Nha Trang cho rằng dự án Hòn Rùa với các hạng mục triển khai là không phù hợp.
Từ ý kiến các cơ quan liên quan, Sở KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành chức năng đánh giá việc ảnh hưởng của dự án Hòn Rùa đến các hệ sinh thái tại khu vực trên.
Tháng 10-2017, Pháp Luật TP.HCM phản ánh trong quá trình thi công dự án Hòn Rùa, chủ đầu tư đã lấp lấn vịnh Nha Trang trái phép, đào phá tan hoang đảo Hòn Rùa. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt hành chính đối với Công ty Hòn Rùa 175 triệu đồng, đồng thời buộc chủ đầu tư chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, khôi phục nguyên trạng trước ngày 6-11-2017.
Theo Tấn Lộc
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh
Đất ven biển Đà Nẵng giá 300 triệu đồng/m2, một năm tăng gấp đôi Theo Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất mặt đường khu vực dọc bãi biển thuộc TP Đà Nẵng đã lập kỷ lục, có nơi giá lên tới 300 triệu đồng/m2. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản Quý 2 năm 2018. Theo ghi nhận của Hội này,...