Nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người
Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 10, ngày 23/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 – 2017.
Tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán người ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Hơn 3.000 người bị mua bán, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em
Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian qua, tội phạm mua bán người đã xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mua bán người xảy ra dưới 2 dạng: Mua bán trong nước (lừa nạn nhân từ nông thôn ra thành thị bán vào nhà hàng, quán karaoke, cafe trá hình để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động…) và mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ). Hoạt động mua bán người ra nước ngoài tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó Trung Quốc chiếm trên 75%.
Theo thống kê, từ năm 2012 – 2017, số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn mua bán là 3.090 người; 2.571 người đã trở về, trong đó tự trở về là 1.237 người và còn 519 người chưa trở về. Hơn 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em và đa số thuộc các dân tộc ít người, thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động. Đối tượng phạm tội chủ yếu là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, câu kết với các đối tượng người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can, chiếm 97,3% số tin báo, tố giác đã tiếp nhận, xử lý. Công tác xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm mua bán người đảm bảo kịp thời, nghiêm minh.
Tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội
Trình bày dự thảo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Pha lưu ý về những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người. Đó là việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân.
Video đang HOT
Một số nơi, các đối tượng phạm tội đã tìm đến các phiên chợ vùng cao, cổng trường học, nhất là trường dân tộc nội trú khu vực biên giới để tiếp cận, làm quen với phụ nữ, học sinh, xin số điện thoại, kết bạn qua zalo, facebook, tán tỉnh, giả vờ yêu đương, rủ rê đi chơi, đi làm thuê thu nhập cao, sau đó lừa các em gái đưa về thành phố bán vào nhà hàng, quán karaoke… để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi hoặc móc nối với đối tượng người nước ngoài đưa nạn nhân qua biên giới, vào sâu trong nội địa để bán.
Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha, một số nơi xuất hiện hiện tượng các đối tượng phạm tội giả danh lực lượng chức năng để lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân (đối tượng dùng tên, hình ảnh đại diện giả trên facebook, mặc lễ phục bộ đội biên phòng làm quen, kết bạn và lừa bán nạn nhân…). Có đối tượng khi phát hiện phụ nữ Việt Nam đi lao động, đi chợ buôn bán… hoặc phụ nữ, trẻ em làm nương ở khu vực giáp biên, tiến hành kiểm tra giấy tờ, vờ cho đi nhờ xe rồi cưỡng ép, bắt cóc đưa sang bên biên giới, vào sâu trong nội địa để bán.
Tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người
Tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ: Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn. Kể cả khi đã tố giác, báo tin tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng. Đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới được phát hiện, khi đó đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài nên không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại hoặc người nhà nạn nhân.
Một số ý kiến cho rằng, việc xử lý tội phạm mua bán người còn nhiều bất cập, nhận thức của nạn nhân hạn chế nên bị đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người. Đồng thời, công tác tuyên truyền, hỗ trợ của địa phương chưa hiệu quả. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm mua bán người đối với người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Ở địa phương thường có tủ sách pháp luật để phổ biến kiến thức cho người dân, nhưng nhiều nơi người dân chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là người dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị, cần đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến về pháp luật phòng, chống mua bán người để người dân dễ tiếp cận hơn.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bởi một số địa phương chưa quan tâm đúng mức vấn đề này. Bên cạnh đó, cần tập trung giảm nghèo bền vững, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn đào tạo nghề, tạo sinh kế, việc làm ổn định cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; chấn chỉnh lại việc đưa lao động đi nước ngoài…
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có chính sách khuyến khích, tạo công ăn việc làm thu hút lao động tại địa phương để hạn chế tình trạng người dân, trong đó có phụ nữ đi lao động trái phép sang các nước láng giềng. Các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người để đề xuất sửa đổi, bổ sung, trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung những quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.
Phan Phương
Theo baotintuc
Hầu tòa vì bán 7 phụ nữ Việt sang làm vợ đàn ông Trung Quốc
Ngày 27/7, TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử sơ thẩm nhóm mua bán phụ nữ Việt Nam sang làm vợ đàn ông Trung Quốc.
Các bị cáo trong vụ án, gồm: Lý Búp Pha (SN 1976, ngụ thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình), Sơn Thị Lan (SN 1966, ngụ xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu), Nguyễn Văn Phục (SN 1961, ngụ thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), Lê Tấn Phong (SN 1964, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) và Lê Văn Táng (SN 1980, ngụ xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), cùng tỉnh Bạc Liêu.
Các bị cáo trước vành móng ngựa. Trong ảnh là bị cáo Lê Tấn Phong (đứng), một trong những người có vai trò giúp sức cho chủ mưu vụ án là Lý Búp Pha.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bạc Liêu, khoảng đầu năm 2015, Lý Búp Pha đi lao động tại Trung Quốc. Tại đây, Pha biết được nhiều người đàn ông Trung Quốc muốn mua phụ nữ Việt Nam về làm vợ, với giá 40.000 nhân dân tệ (khoảng 120 triệu đồng).
Sau đó, Pha về Việt Nam liên hệ với Sơn Thị Lan, Nguyễn Văn Phục, Lê Văn Táng và Lê Tấn Phong tìm các cô gái Việt Nam để Pha đưa sang Trung Quốc tìm người bán.
Các đối tượng Lan, Phục, Táng và Phong đã tìm đến những người quen có con gái, hoàn cảnh kinh tế khó khăn để dụ dỗ, nói rằng cho con gái họ sang Trung Quốc làm việc mức lương cao. Còn nếu muốn lấy chồng sẽ lựa người giàu gả, thì gia đình nhận được 40-50 triệu đồng.
Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã đưa 7 người phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc (trong đó có 4 người dưới 16 tuổi) bằng con đường bất hợp pháp, để bán cho những người đàn ông Trung Quốc làm vợ.
Qua đó, các đối tượng Pha, Lan, Phục, Táng và Phong đã thu lợi bất chính số tiền 400 triệu đồng. Hầu hết các nạn nhân đều ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu.
Ngoài hành vi trên, Lý Búp Pha và Sơn Thị Lan đã dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần, buộc gia đình nạn nhân phải đưa tiền cho Pha và Lan, thì con của họ mới về được Việt Nam, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, khoảng giữa tháng 2/2016, nạn nhân là em N.T.A.T. (SN 2001, ngụ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) sau khi bị Pha bán sang Trung thì bị trả lại. Lúc này, Pha gọi điện yêu cầu chị N.T.Đ. (mẹ của T.) phải đưa số tiền 40 triệu đồng để chuộc T. về nước.
Do lo sợ con gái của mình bị nguy hiểm và vì hoàn cảnh khó khăn, chị Đ. đồng ý giao 30 triệu đồng cho Pha và Lan. Chiều ngày 13/3/2016, chị Đ. mang trước 9,5 triệu đồng đến giao cho Pha và Lan tại nhà của Lan ở xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu) thì bị công an bắt quả tang.
Cơ quan tố tụng xác định, trong vụ án này, Lý Búp Pha với vai trò là người chủ mưu chính; còn Lan, Phục, Táng và Phong có vai trò giúp sức cho Pha.
Theo đó, Lý Búp Pha và Sơn Thị Lan cùng bị truy tố về tội "Mua bán người", "Mua bán trẻ em" và "Cưỡng đoạt tài sản"; Nguyễn Văn Phục và Lê Tấn Phong cùng bị truy tố tội "Mua bán người" và "Mua bán trẻ em"; Lê Văn Táng bị truy tố tội "Mua bán trẻ em".
Ngoài ra, bị cáo Lê Văn Táng vào tháng 7/2016 đã bị TAND huyện Hòa Bình tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về tội "Cướp giật tài sản" và "Trộm cắp tài sản". Đến tháng 9/2016, tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bị cáo này đang chấp hành án tại Trại giam Long Hòa (tỉnh Long An).
Lý Búp Pha là chủ mưu của vụ án này. (Ảnh: CTV)
Với hành vi phạm tội được xác định như nói trên, sau khi nghị án, HĐXX TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên phạt Lý Búp Pha 26 năm 3 tháng tù giam; Sơn Thị Lan 22 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Văn Phục 19 năm tù giam (bị cáo này đang bị bệnh nặng nên được tạm hoãn thi hành án tù); Lê Tấn Phong 16 năm tù giam; Lê Văn Táng 19 năm 6 tháng tù giam (cộng với các tội "Cướp giật tài sản" và "Trộm cắp tài sản" bị tuyên ở các vụ án trước).
Huỳnh Hải
Theo Dantri
Bắt hai mẹ con trong đường dây bán phụ nữ Việt Nam qua Trung Quốc Ngày 12.7, Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh Tây Ninh cho biết vừa triệt phá đường dây mua bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc do Nguyễn Thị Thanh Hoa cầm đầu. Nguyễn Thị Thanh Hoa tại cơ quan điều tra. ẢNH: HOÀNG HÀ Vào khoảng 11 giờ ngày 11.7, tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM) Công an tỉnh Tây...