Nhiều “ông lớn Nhà nước” vẫn “cù nhầy” công bố thông tin
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và khẳng định số DN công bố đầy đủ các thông tin đạt tỷ lệ rất thấp.
Theo Bộ KH&ĐT, trong 7 báo cáo công bố thông tin, tính đến ngày 20/9/2016, chỉ có 1 DN thực hiện nghiêm túc và đầy đủ theo quy định đó là Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Trong số 432 DN bắt buộc công bố thông tin theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, thì hiện mới chỉ có 140 DN thực hiện báo cáo, song cũng chỉ thực hiện một trong những báo cáo theo quy định đề ra.
Đáng nói, tính đến hết tháng 7/2016, Bộ KH&ĐT mới nhận được công văn trả lời của 7/22 Bộ ngành, 24/63 địa phương và 16/31 Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước về thực hiện nội dung báo cáo theo Nghị định 81 của Chính phủ.
Tỷ lệ DNNN thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định 81 còn rất thấp, nội dung thông tin công bố sơ sài, chưa đầy đủ, quy trình công bố thông tin
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có 87/432 DN công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 (chỉ chiếm 20% số DN được yêu cầu); có 55/432 DN thực hiện báo cáo đánh giá kế hoạch kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất (chiếm 12% số DN yêu cầu); 34/432 DN công bố báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích, trách nhiệm xã hội năm 2015 (chiếm gần 8%); 77 DN công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới năm 2015 (chiếm 17,8% số DN); có 64 DN công bố báo cáo tài chính năm 21015 (chiếm 14,8%)…
Đặc biệt, theo Bộ KH&ĐT, trong 31 Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước lớn phải thực hiện công bố thông tin, hầu hết các DN chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định, trong số này có Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam… chưa thực hiện công khai bất cứ một nội dung nào về công bố thông tin.
Riêng về báo cáo tài chính năm 2015, một số Tổng Công ty lớn như Đường sắt Việt Nam, Vinafood 1, Công nghiệp tàu thủy, Sông Đà, Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị, MobiFone hiện vẫn chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2015.
“Đánh giá sơ bộ, tỷ lệ DNNN thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định 81 còn rất thấp, nội dung thông tin công bố sơ sài, chưa đầy đủ, quy trình công bố thông tin cũng chưa được đảm bảo theo đúng quy định”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Nghị định 81/2015/NĐ-CP được ban hành tháng 9/2015 và chính thức có hiệu lực vào tháng 11/2015. Tại Nghị định này, các DNNN là các Tập đoàn, Tổng Công ty phải có trách nhiệm công bố 7 báo cáo thông tin, trong đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình đầu tư phát triển của năm hiện tại hoặc các năm trước đó. Báo cáo tài chính của năm hoạt động hoặc kế hoạch đổi mới sắp xếp theo chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa…
Theo quy định, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Nghị định 81 có hiệu lực thi hành, DN có trách nhiệm công bố thông tin bằng văn bản, dữ liệu gửi về Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, đến nay đã qua 4 tháng so với yêu cầu, nhiều “ông lớn Nhà nước” vẫn chây ỳ, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng chỉ đạo.
Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu DNNN không thực hiện chủ trương, Nghị định nêu rõ nếu cơ quan không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực, người đứng đầu sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo.
Video đang HOT
Trường hợp người đại diện vốn Nhà nước, Chủ tịch tập đoàn, Tổng công ty không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của DN lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn Nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý DN.
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri
Lo nợ công, Chính phủ tạm dừng bảo lãnh dự án mới
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ, từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc quản lý, giám sát các dự án được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các dự án bảo lãnh kém hiệu quả, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.
Hạn chế việc cho vay ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ nếu doanh nghiệp vẫn còn có thể huy động từ các nguồn vốn khác. Các doanh nghiệp phải nỗ lực tự thu xếp nguồn vốn đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đàm phán với bên cho vay để tái cơ cấu khoản vay.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang trong quá trình xây dựng.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.
Đối với các dự án đã có chủ trương cấp bảo lãnh, tăng cường công tác thẩm định và tuân thủ các tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bên cạnh các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện phương án tái cơ cấu tài chính dự án đã được Thủ tướng phê duyệt trong năm 2016.
Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh khẩn trương thực hiện việc thế chấp tài sản theo quy định trong năm 2016. Đối với các trường hợp đặc thù, Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp dự án đã hình thành xong tài sản nhưng chủ đầu tư không thực hiện thế chấp cho Bộ Tài chính theo yêu cầu, Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư trả nợ trước hạn để tất toán bảo lãnh Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phù hợp để đảm bảo công tác cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ ngày càng hiệu quả theo hướng phù hợp với Luật quản lý nợ công sửa đổi và định hướng của Chính phủ về bảo lãnh.
Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nợ trong việc đảm bảo tuân thủ quy định của người được bảo lãnh, cơ chế xử lý và áp dụng chế tài theo quy định đối với các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây cho biết, tính đến 31/12/2015, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%.
Nhưng đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Các khoản bảo lãnh của Chính phủ chủ yếu dành cho các "ông lớn" nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam...
Các dự án thuộc ngành điện được bảo lãnh nhiều nhất. Số cam kết bảo lãnh lũy kế đến 31/12/2015 của các tập đoàn, tổng công ty lớn trong lĩnh vực điện là hơn 15,9 tỷ USD.
Trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (công ty mẹ) được bảo lãnh nhiều nhất với hơn 9,7 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN là hơn 2,4 tỷ USD, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam là hơn 647 triệu USD...
Chỉ tính riêng năm 2015, đã có 4 dự án nguồn điện (2 dự án nhiệt điện và 2 dự án thủy điện) được cấp bảo lãnh Chính phủ với tổng trị giá gần 2,1 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện đầu tư cho các cụm nhà máy điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) và Duyên Hải (Trà Vinh).
Đối với PVN, còn nhớ, riêng dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, năm 2013, Chính phủ đã bảo lãnh 4.000 tỷ đồng để triển khai các hạng mục như xây dựng hạ tầng cơ bản, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, nạo vét cảng, công trình biển...
Theo thông tin từ Bộ Tài chính mới đây, cam kết lớn nhất của Chính phủ dành cho dự án này chính là cơ chế thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu. Cùng với đó là bảo lãnh nghĩa vụ PVN bao tiêu sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Tuy nhiên, theo tính toán, khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn PVN sẽ phải bù lỗ bình quân 80 - 110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800 - 2.500 tỷ đồng/năm, chưa tính đến khoản hỗ trợ trực tiếp 3.833 tỷ đồng để đầu tư các công trình bên trong nhà máy.
Nguy cơ chính phủ trả nợ thay
Trong một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn hồi tháng 5/2016, chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc đặt ra câu hỏi, tại sao các dự án được Chính phủ bảo lãnh lại hay "trục trặc"?
TS Phan Minh Ngọc cho rằng, hay "trục trặc" không phải là thuộc tính riêng của các dự án có bảo lãnh vay vốn của Chính phủ, mà điều này còn đúng cho phần lớn các dự án của DNNN, dự án có sử dụng vốn ngân sách. Điểm chung của các dự án loại này là các chủ dự án không có động cơ tính toán chi li và sử dụng hiệu quả đồng vốn bỏ ra như với dự án của các ông chủ tư nhân.
Ngược lại, sự vụ lợi làm cho các bên liên quan của dự án, từ chủ dự án, đến nhà thiết kế, tư vấn, phê duyệt, xây dựng và giám sát dự án, có xu hướng cố tình che giấu sự yếu kém, không hiệu quả của dự án.
Bởi vậy mới có chuyện khi thiết kế và phê duyệt dự án người ta đã "quên" không đưa các hạng mục cơ bản như thăm dò, xử lý nền móng đất yếu, đào tạo nhân viên, làm đường vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm, hoặc một số loại chi phí khác như "trượt giá" và tỷ giá... vào trong tính toán tổng chi phí dự án, làm cho dự án thoạt đầu có tổng mức đầu tư thấp xa so với thực tế sau này.
Bởi vậy mới có chuyện nhà thầu thiết kế và tư vấn dự án thì luôn "chưa có kinh nghiệm", nên luôn bỏ sót, tính thấp đi hoặc làm phát sinh chi phí. Và bởi vậy mới có chuyện dự án dang dở, đội vốn, hoặc có hoàn thành thì cũng "năm ngày ba tật" với giá thành sản phẩm đội lên trời.
Vị chuyên gia chỉ rõ, dù chỉ là đứng ra bảo lãnh vay vốn, nhưng Chính phủ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay chủ dự án khi dự án thất bại, và kết quả nhãn tiền hầu như là như vậy.
Nếu Chính phủ không muốn sự bảo lãnh của mình được hiện thực hóa ngay thành nghĩa vụ trả nợ thay cho chủ đầu tư thì Chính phủ buộc phải tiếp tục trò chơi rủi ro hơn, tốn kém hơn. Đó là tiếp tục bảo lãnh hoặc chỉ định cho vay để "nuôi" dự án cho đến lúc nó được hoàn thành hoặc, nếu đã hoàn thành, tiếp tục tồn tại kiểu "xác sống". Nhưng cách này cũng chỉ là để mua thời gian.
Vậy, với những dự án dang dở, đang kêu cứu Chính phủ, thì "thà đau một lần", kết thúc các dự án này, chấp nhận gánh chịu những hậu quả và tổn thất do chúng để lại để khép lại một giai đoạn.
Trong tương lai, cần nhanh chóng giảm thiểu bảo lãnh Chính phủ nói riêng, và đầu tư công nói chung, chỉ thực hiện trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bất khả kháng như thiên tai địch họa hay khủng hoảng đồng hành bởi các rủi ro đổ vỡ to lớn cho nền kinh tế làm cho không mấy nhà đầu tư nào còn dám tin tưởng bỏ vốn ra nữa.
Theo_Báo Đất Việt
Lãnh đạo các tập đoàn thuộc Bộ Công Thương có mức lương "khủng" Ngoài PVN, lãnh đạo các tập đoàn khác như EVN, Vinacomin nhận được trung bình gần 650 triệu đồng/năm. Mức lương của lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước luôn được xã hội quan tâm. Nhìn vào mức thu nhập của lãnh đạo các doanh nghiệp lớn này, người ta đánh giá được...