Nhiều nước lạc quan về triển vọng sớm có vaccine phòng COVID-19
Ngày 20/11, Viện Serum Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cho biết có thể phân phối vaccine tới các nhân viên y tế và người lớn tuổi tại Ấn Độ vào tháng 1/2021, trong bối cảnh số bệnh nhân COVID-19 tại nước này vượt 9 triệu người.
Trụ sở của hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca ở Cheshire, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN
Giám đốc SII Adar Poonawaala cho biết công ty sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Anh) chừng nào nhà chức trách Anh thông qua và đồng ý phân phối tới người dân. Vaccine sẽ có giá từ 5 – 6 USD trên thị trường bán lẻ, nhưng Chính phủ Ấn Độ sẽ chi trả thấp hơn nhiều do đặt mua với số lượng lớn. Ông Poonawaala cho biết sẽ mất ít nhất 2 – 3 năm để toàn bộ 1,3 tỷ người dân Ấn Độ có thể được tiêm vaccine.
Ngoài hợp đồng với công ty dược phẩm AstraZeneca, SII còn hợp đồng sản xuất hàng triệu liều vaccine đang trong quá trình hợp tác phát triển với Đại học Oxford (Anh), trong khi chờ đợi kết quả giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Hiện AstraZeneca cũng đã ký thỏa thuận cung cấp và sản xuất vaccine với các công ty và chính phủ trên khắp thế giới.
Ngày 19/11 vừa qua, dữ liệu do tạp chí y khoa The Lancet công bố cho thấy vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh ở những người lớn tuổi. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ có kết quả nghiên cứu giai đoạn cuối vào Giáng sinh này. Trước đó, hai công ty dược phẩm Pfizer và Moderna (Mỹ) đều đã công bố kết quả giai đoạn thử nghiệm cuối cùng cho thấy các vaccine hiệu quả tới 90%. Ấn Độ cũng đang theo dõi tiến độ phát triển vaccine của hai công ty này, song nguồn cung vaccine sẽ là một vấn đề với một nước đông dân như Ấn Độ.
Video đang HOT
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 45.882 ca nhiễm mới và 584 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã vượt 9 triệu người, trong đó có 132.162 ca tử vong do COVID-19. Ấn Độ hiện có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với xu hướng lây lan đang chậm lại sau khi đạt đỉnh vào tháng 9.
Cùng ngày, Ukraine bày tỏ hy vọng sẽ nhận được 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong nửa đầu năm tới.
Số ca nhiễm mới tại Ukraine bắt đầu tăng lên vào tháng 9 và duy trì ở mức cao kể từ thời điểm đó, buộc chính phủ phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào cuối tuần để khống chế dịch. Lệnh phong tỏa này đồng nghĩa với việc phải đóng cửa hoặc hạn chế phần lớn các doanh nghiệp, ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu như y tế, thực phẩm và vận tải.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov nhận định nước này đang đối mặt với giai đoạn dịch bệnh nghiêm trọng, nhưng sẽ không siết chặt các biện pháp hạn chế do các biện pháp mới được áp đặt vào tuần trước sẽ giúp ổn định tình hình. Ukraine cũng đã tham gia vào Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX), vốn được thiết lập nhằm cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển. Do đó, nước này hy vọng có thể nhận được đủ vaccine cho 20% dân số, tương đương 8 triệu liều.
Ông Stepanov cho biết vào ngày 7/12 tới, Ukraine phải ký kết toàn bộ các văn kiện kỹ thuật và hy vọng rằng đến nửa đầu năm 2021, nước này sẽ nhận được vaccine. Lô vaccine đầu tiên có thể gồm 1,2 triệu liều và sẽ được ưu tiên cho nhóm có nguy cơ cao nhất.
Giới chức Ukraine cũng đã thảo luận với các tất cả nhà sản xuất và cung cấp vaccine tiềm năng, cũng như phân bổ ngân sách dành riêng cho việc đặt mua. Ukraine hiện có tổng cộng 598.085 ca nhiễm, trong đó có 10.598 ca tử vong do COVID-19.
Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định phần lớn người dân nước này sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong nửa đầu năm 2021. Ông Sanchez cho biết chính phủ sẽ công bố kế hoạch tiêm chủng cụ thể vào ngày 24/11 tới.
Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã thành lập ủy ban đặc biệt để quyết định nhóm cư dân nào sẽ được tiêm vaccine trước, khi nguồn cung đã sẵn sàng.
Pfizer xin phê duyệt khẩn cấp vaccine
Pfizer cùng đối tác Đức BioNTech thông báo nộp đơn lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 BNT162b2.
"Công việc cung cấp vaccine an toàn và hiệu quả của chúng tôi chưa bao giờ cấp bách như thế này, trong bối cảnh chúng ta đang chứng kiến các ca nhiễm nCoV gia tăng báo động trên toàn cầu", Albert Bourla, chủ tịch và giám đốc điều hành của Pfizer, ra tuyên bố hôm 20/11.
Bourla cho biết thêm việc nộp đơn xin cấp phép tại Mỹ đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình họ cung cấp vaccine ra thế giới. "Giờ đây chúng tôi có bức tranh đầy đủ hơn cả về hiệu quả và tính an toàn của vaccine, giúp chúng tôi tin vào tiềm năng của nó", Bourla khẳng định.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa thông báo sẽ mất bao lâu để nghiên cứu dữ liệu vaccine, nhưng chính phủ nước này dự kiến "bật đèn xanh" cho BNT162b2 trong hai tuần đầu tiên của tháng 12.
Một kỹ thuật viên tại cơ sở sản xuất vaccine Covid-19 của Pfizer ở St. Louis, Missouri. Ảnh: Reuters.
Hôm 18/11, Pfizer thông báo đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba với vaccine Covid-19 BNT162b2, đạt hiệu quả 95%, không để lại tác dụng phụ đáng kể.
Nếu được FDA cấp phép, công ty có thể sản xuất 50 triệu liều vào cuối năm, đạt 1,3 tỷ liều vào năm 2021. Khoảng một nửa trong số đó được phân phối cho Mỹ, đủ dùng cho khoảng 12,5 triệu người.
Mỹ dự định tiêm chủng miễn phí cho người dân, theo các điều khoản của thoả thuận mua vaccine trị giá 1,95 tỷ USD mà chính quyền của Tổng thống Trump đã ký kết với Pfizer. Trước đó, hãng Pfizer khẳng định họ không nhận tiền tài trợ nghiên cứu từ Chiến dịch Thần tốc do Tổng thống Trump khởi xướng, nhằm đảm bảo tính độc lập về chính trị trong quá trình phát triển vaccine.
Phát ngôn viên của Pfizer Sharon Castillo hôm 18/11 cho hay họ đang duy trì liên lạc với cả chính quyền Tổng thống Donald Trump, các thống đốc và nghị sĩ hàng đầu ở cả hai đảng trong quốc hội cũng như đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 12 triệu ca nhiễm và gần 260.000 ca tử vong. Reuters hôm 14/11 dự đoán Mỹ có thể ghi nhận thêm 13 triệu ca nhiễm nCoV cho tới khi tân tổng thống nhậm chức vào ngày 20/1 năm tới.
Gần một triệu người Trung Quốc đã tiêm vaccine Covid-19 Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) cho biết đã tiêm vaccine Covid-19 cho gần một triệu người, thông qua chương trình phê duyệt khẩn cấp. Trung Quốc khởi động chương trình tiêm chủng khẩn cấp từ tháng 7, sử dụng BA loại vaccine. Hai ứng viên từ Sinopharm, loại còn lại của công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech....