Nhiều nông dân Ba Vì phất lên nhờ nuôi gà đồi ngon
Để giúp nông dân ở huyện Ba Vì (Hà Nội) phát triển chăn nuôi gà đồi bền vững và có đầu ra ổn định, bên cạnh việc hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội ( Hội ND TP.Hà Nội) còn chủ động kết nối các doanh nghiệp chuyên cung cấp nông sản an toàn đi tham quan, giới thiệu các trang trại, gia trại để xúc tiến thương mại cho sản phẩm gà đồi Ba Vì.
Hỗ trợ kịp thời
Hội ND xã Cẩm Lĩnh là một trong nhiều cơ sở Hội trên địa bàn huyện Ba Vì thực hiện hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Điển hình như Dự án “Trồng bưởi Diễn và nuôi gà thả vườn” vay vốn Quỹ HTND năm 2011 với số tiền 150 triệu đồng cho 15 hội viên vay. Đến nay, ngoài chăn nuôi gà, các hộ đã có vườn bưởi Diễn khép tán cho thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng/năm. Từ các hộ này mà phong trào trồng bưởi Diễn của xã đã được nhân lên.
Mô hình nuôi gà đồi đang mang lại thu nhập tốt cho nông dân tại các xã của huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Cùng với mô hình trồng bưởi Diễn, Hội ND xã Tản Lĩnh đã xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì. Gần 100% các hộ trong xã có thu nhập chính từ nghề nuôi gà.
Năm 2016, Hội ND xã Tản Lĩnh xây dựng “Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi”. Tham gia chuỗi, các thành viên phải tuân theo quy trình nuôi chung và sản xuất theo kế hoạch. Theo đó, quy trình chăn nuôi từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật.
Nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu về thực phẩm an toàn, năm 2016, Hội ND Cẩm Lĩnh đã mạnh dạn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và được Quỹ HTND duyệt cho vay 500 triệu đồng. Hiện nay, chuỗi gồm 61 hộ tham gia với tổng đàn gà lên tới 270.000 con, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 80 triệu đồng/năm.
Video đang HOT
Hội ND huyện Ba Vì đang duy trì 32 mô hình kinh tế tập thể và chỉ đạo xây dựng 8 mô hình kinh tế mới. Thông qua việc hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, các mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò của các cấp Hội ND trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.
Là một trong những hộ điển hình được hưởng lợi từ sự trợ giúp trên, gia đình anh Nguyễn Văn Sắc (xã Thụy An) đang nuôi hơn 1 vạn con gà, doanh thu 1 tỷ đồng/năm. Anh Sắc cho hay, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội ND huyện, thương hiệu gà đồi Ba Vì ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường…
Xây dựng thương hiệu
Chăn nuôi gà đồi được phát triển từ nhiều năm nay và là thế mạnh của huyện Ba Vì. Hiện tại, quy mô chăn nuôi gà thịt của mỗi hộ từ 100 – 500 con, quy mô chăn nuôi trang trại từ 2.000 – 10.000 con, tập trung tại các xã: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng…
Gà đồi Ba Vì được nuôi thả tự nhiên trên những vùng đất đồi gò rộng có bóng mát của cây cối. Thức ăn cho gà ở giai đoạn đầu là thức ăn công nghiệp. Khi được 2 tháng tuổi, gà được nuôi bằng thức ăn phối trộn ngô, đỗ tương xay, dầu cá, bã bia và được thả rông trong vườn, đồi. Nhờ đó, thịt gà có độ dai, chắc, thơm đặc trưng và cho tỷ lệ nạc cao.
Ông Trần Đình Thành – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì cho biết thêm, quy trình chăn nuôi gà của bà con ở huyện được thực hiện rất bài bản từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật. Bên cạnh bán gà thương phẩm, các thành viên của hội cũng bán gà làm sẵn, đóng gói hút chân không.
Hiện sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ. “Gà đồi Ba Vì vẫn đang được tiêu thụ tự do, chủ yếu qua thương lái với giá bán từ 90.000 – 110.000 đồng/kg. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm gà đồi Ba Vì sẽ có mặt trong hệ thống các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, các siêu thị lớn để người tiêu dùng Thủ đô được thưởng thức sản phẩm chính hiệu” – ông Thành nói
Ông Tô Hải Long – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội cho biết, khâu tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho gà đồi Ba Vì vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ. Việc tổ chức cho các doanh nghiệp tham quan mô hình chăn nuôi, sản xuất gà đồi theo chuỗi an toàn, khép kín là cơ hội để giới thiệu và quảng bá rộng rãi đồng thời mở ra cơ hội xúc tiến thương mại cho sản phẩm này.
“Bên cạnh đó, để giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chăn nuôi, cần đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp tới khâu bán lẻ, phân phối. Do đó, Trung tâm thường xuyên hỗ trợ Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội (số 33 Nguyễn Chí Thanh) nhằm mở rộng đầu ra bền vững cho sản phẩm chăn nuôi” – ông Long khẳng định.
Theo Danviet
Lai Châu: "Thả" 1 tỷ đồng xuống hồ thủy điện, kéo lên toàn cá ngon
Được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều gia đình hội viên, nông dân ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đã mạnh dạn đầu tư làm lồng thả cá, nuôi bò sinh sản...
Từ 1 tỷ đồng tới 45 lồng cá
Vượt gần 20km đường đèo dốc từ trung tâm huyện Nậm Nhùn, chúng tôi theo chân lãnh đạo Hội Nông dân (ND) huyện, đến thăm mô hình nuôi cá lồng ở cụm bản Pa Mô (xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu).
Cụm bản Pa Mô ngay cạnh lưu vực hồ thủy điện Lai Châu - nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng.
Nhiều hộ gia đình hội viên, nông dân ở xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn đã có thu nhập ổn định từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu. Ảnh: Văn Chiến
Ông Mào Văn Chỉnh - Chủ tịch Hội ND xã Mường Mô, phấn khởi cho biết: Những lồng nuôi cá đặc sản trên mặt hồ thủy điện Lai Châu chính là sản phẩm được tạo ra từ nguồn vốn Quỹ HTND của Hội ND tỉnh. Tháng 5/2017, dự án nuôi cá lồng ở xã Mường Mô được triển khai thực hiện với 15 nhóm hộ hội viên, nông dân trên địa bàn tham gia. Mỗi nhóm có từ 2 - 3 hội viên, nông dân tham gia. Dưới sự hướng dẫn lập dự án của Hội ND cấp trên, đại diện các nhóm hộ nuôi cá lồng dưới lòng hồ thủy điện đã đứng ra vay tổng số 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND.
"Ngay sau khi được giải ngân, các hội viên, nông dân tham gia dự án đã tiến hành làm lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu, sau đó mua cá giống về thả và chăm sóc. Từ 30 lồng cá ban đầu, đến nay các hội viên, nông dân đã phát triển lên 45 lồng. Bình quân mỗi lồng cho thu gần 50 triệu đồng/năm tùy vào từng loại cá nuôi" - ông Chỉnh nói.
Cần kết nối hỗ trợ tiêu thụ cá ngon
Qua câu chuyện với ông Mào Văn Chỉnh, chúng tôi được biết, ông cũng làm lồng nuôi cá trên hồ thủy điện Lai Châu. Bốn chú cháu nhà ông Mào Văn Chỉnh đã lập thành một nhóm cùng sở thích nuôi cá lồng tham gia dự án và được vay 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá lồng.
"Nuôi cá lồng khá nhàn mà hiệu quả kinh tế cũng khá cao. Vì thức ăn cho cá chủ yếu là cám ngô và cá con bắt ở ngay tại hồ thủy điện, nên ăn cá ở đây ai cũng khen ngon. Tuy nhiên do giao thông đi lại ở địa phương còn rất khó khăn nên ít có thương lái vào thu mua cá. Chúng tôi chủ yếu bán lẻ cá ở các chợ trong xã, trong huyện..." - ông Chỉnh trăn trở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Hội ND huyện Nậm Nhùn cho biết: Dự án vay vốn Quỹ HTND nuôi cá lồng ở xã Mường Mô bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Trừ chi phí mua giống, thức ăn, các hộ dân nuôi cá lồng cũng thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng/lồng/năm.
"Nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn của Quỹ HTND, Ban điều hành Quỹ HTND huyên đã tiến hành khảo sát địa bàn, đối tượng để đầu tư vốn đúng mục đích và khai thác được tiềm năng, lợi thế, sức lao động ở từng địa phương. Công tác thẩm định hồ sơ, giải ngân, theo dõi, thu phí, lưu trữ hồ sơ đều được tiến hành một cách chặt chẽ, đúng quy trình, đúng đối tượng. Hầu hết các dự án đều đã phát huy được hiệu quả. Nhiều gia đình hội viên nông dân đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu từ nguồn vốn" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Danviet
Vai trò Hội Nông dân trong xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể Ngày 5/8, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư NDVN) Bùi Thị Thơm, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 của T.Ư Hội NDVN và đoàn công tác đã về khảo sát vai trò của Hội ND tham...