Nhiều nơi “sốt đất” giữa mùa dịch
Dịch Covid-19 có tác động mạnh lên thị trường BĐS khiến nhu cầu sụt giảm mạnh, thị trường rơi vào tình trạng trầm lắng trên diện rộng. Thế nhưng trong những tháng đầu năm, vẫn có những “cơn sốt đất” cục bộ xảy ra nhưng đã nhanh chóng lụi tàn.
Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 các hoạt động mua bán, giao dịch bất động sản đều phải tạm dừng, nhu cầu tìm kiếm và mua bán bất động sản của người dân giảm sút đáng kể.
Theo dữ liệu thống kê của Batdongsan.com.vn, trong 2 tháng đầu năm nay nhu cầu tìm kiếm BĐS của người dân sụt giảm mạnh. Tại Tp.HCM mức độ quan tâm chung cư giảm 4,6%, riêng nhà phố giảm đến 35% so với cùng kỳ, đặc biệt phân khúc đất nền có mức độ quan tâm giảm gần 50%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Covid-19 đang khiến thị trường chững lại bởi BĐS không phải như hàng hóa thông thường khác có thể mua nhanh, bán nhanh mà cần có sự tìm hiểu kỹ của người mua cũng như tư vấn kỹ càng của người bán. Điều này khiến 300 sàn giao dịch BĐS quy mô nhỏ phải đóng cửa, và hàng trăm sàn khác giảm quy mô hoạt động.
Trong quý 1 này nguồn cung mới cũng sụt giảm mạnh. Số liệu từ Hội môi giới, cho thấy chỉ có 1 dự án nhà ở mới mở bán trong quý 1. Trong quý 1 toàn quốc chỉ có khoảng trên 8.300 căn hộ mới được mở bán, trong đó Tp.HCM chiếm gần 1 nửa, và khoảng 5.800 sản phẩm đất nền. Trong khi đó, trước đây có hàng chục nghìn sản phẩm được cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên, giữa lúc thị trường ảm đạm thì vẫn có nhiều điểm nóng vẫn diễn ra, đáng chú ý là phân khúc đất nền. Hầu hết những nơi sốt đất này đều do “bàn tay” của giới đầu cơ tạo nên dựa vào những thông tin khu vực này có quy hoạch xây dựng đô thị lớn của các tập đoàn BĐS lớn, nên không ít người chạy theo đám đông lao vào cơn sốt đất này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia sốt đất cục bộ sẽ ít và nhanh hạ nhiệt, thị trường thời điểm này chỉ dành cho những sản phẩm giá trị phục vụ nhu cầu ở thực. Giới địa ốc gọi đó là những cơn sốt đất ảo.
Đầu tiên phải kể tới là cơn sốt đất ở Châu Đức thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hồi đầu năm 2020, với điểm nóng là xã Bình Ba. Khu vực này được loan tin là có một tập đoàn BĐS lớn sẽ đầu tư xây dựng đại đô thị ở Bình Ba, thì chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô về đây tìm hiểu mua đất.
Các nhà đầu tư từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã đổ về quốc lộ 56, xã Bình Ba để hỏi mua đất khiến giá bán tăng lên từng ngày, thậm chí từng giờ. Trước Tết giá đất mặt tiền quốc lộ 56 chỉ vào khoảng 70-80 triệu đồng mỗi m2 thì trong cơn sốt đã bị “thổi” tăng lên từng ngày, cao gấp 3-4 lần, còn đất nông nghiệp tính theo diện tích sào (1.000 m2) có giá khoảng 600-700 triệu/sào được xem là đỉnh điểm cơn sốt vào đầu tháng 3.
Trước thực trạng “ cò đất” làm náo loạn Bình Ba, chính quyền địa phương đã có văn bản khuyến cáo người dân, cảnh báo về những cơn sốt đất ảo. Không lâu sau đó chỉ khoảng 2 tuần cơn sốt đã hạ nhiệt, giới đầu cơ đất cũng rút đi chóng vánh.
Video đang HOT
Hay mới đây nhất, trường hợp tương tự cũng xảy ra ở Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) với lý do tương tự là có quy hoạch 2 dự án khu đô thị quy mô lên tới 500ha được đầu tư bởi một tập đoàn lớn ở đây. Thế là, bỗng dưng giới đầu cơ cùng nhà đầu tư đất ở Hà Nội đổ xô về đây buôn đất.
Hàng trăm nhà đầu tư, cò đất xuất hiện mua bán đất, thổi giá từng ngày. Giá đất trước khi sốt chỉ 6-9 triệu đồng/m2, thời điểm sốt cò đẩy lên đến 12-20 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, cơn sốt này cũng chỉ kéo dài không quá 10 ngày rồi nhanh chóng hạ nhiệt khi chính quyền địa phương cho biết chưa nhận được bất cứ văn bản hay chỉ đạo nào của TP phê duyệt xây dựng khu đô thị.
Nhưng cơn sốt cũng chỉ kéo dài chứng 7 ngày, sau đó thì nhanh chóng hạ nhiệt và cò đất rút đi chóng vánh khi chính quyền địa phương cũng có động thái cảnh báo, khuyến cáo.
Đặc điểm chung của những cơn sốt đất này đó là hiệu ứng tâm lý đám đông, đất được sang tay giữa các nhà đầu cơ, cò đất với nhau thông qua hình thức đặt cọc. Người nọ sang tay cho người kia với giá đất được “hét” tăng theo giờ tạo sức nóng ở khu vực đó.
Theo nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nay đã tỉnh táo và cảnh giác hơn trước các cơn sốt. Cộng thêm sự vào cuộc kịp thời của chính quyền khiến tình hình không trở nên phức tạp.
Tuy nhiên, một nhà đầu tư lâu năm thì nhận định sốt đất vẫn xuất hiện chứng tỏ BĐS vẫn là kênh đầu tư nhiều người nhắm đến. Khi có thông tin về tiềm năng quy hoạch, phát triển đô thị là ngay lập tức giới đầu cơ tìm đến. Tuy nhiên, việc duy trì được đà tăng trưởng thì cần phải có nhu cầu ở thực nên “sóng” không thể duy trì lâu. Chỉ có những ai nhanh nhạy mới có thể kiếm lời được từ những cơn sốt đất như vậy, còn đa số đầu tư theo đám đông sẽ nếm “trái đắng” khi cơn sốt xì hơi.
Nhật Minh
"Sốt đất" bất thường ở Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trên Quốc lộ 56, đoạn đường khoảng 2km từ khu vực chợ mới Bình Ba (xã Bình Ba) đến vòng xoay Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tình trạng rao bán đất diễn ra tấp nập.
Cò đất "thổi giá"
Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), gần tuần qua có nhiều người mua bán đất nhưng chỉ bằng giấy tay mà chưa qua các cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển nhượng.
Cao điểm nhất là 2 ngày vừa qua, ngay từ 4-5h sáng đã có hàng trăm "cò" đất xuất hiện tại những con đường dẫn vào khu đất mà một "ông lớn" đang tìm hiểu để đầu tư dự án công nghiệp - đô thị.
Theo đó, hiện nay, trên Quốc lộ 56, đoạn đường khoảng 2km từ khu vực chợ mới Bình Ba (xã Bình Ba) đến vòng xoay Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tình trạng rao bán đất diễn ra tấp nập. Nhiều ô tô mang biển kiểm soát TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương , Nghệ An, Hà Tĩnhvà Bà Rịa - Vũng Tàu dừng, đỗ 2 bên đường.
Mỗi lần thấy có người định tìm mua đất thì hàng chục người môi giới chạy ùa ra mời chào. Dọc 2 bên quốc lộ 56 hàng trăm xe máy, ô tô dừng để mua bán đất khiến nhiều điểm mất an toàn giao thông, buộc lực lượng CSGT, CSTT Công an H.Châu Đức yêu cầu giải tán.
Trao đổi với một số môi giới được biết, trước thông tin một tập đoàn BĐS lớn đang chuẩn bị đầu tư dự án quy mô hàng nghìn hecta tại địa phương này, thời gian hơn một tuần gần đây nhiều người dân trong xã đang rao bán đất vườn, nhà cửa nên đang tạo ra cơn sốt nóng.
Qua tìm hiểu được biết, khu vực mà doanh nghiệp đang đề xuất thực hiện dự án khu đô thị, công nghiệp chế tạo, sản xuất công nghệ cao nằm dọc theo Quốc lộ 56 thuộc địa bàn xã Bình Ba (khu đất này hiện đang trồng cây cao su từ 3-5 năm tuổi.
Vị trí khu đất phía Nam giáp đường Bình Ba - Đá Bạc, phía Tây giáp Quốc lộ 56). UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chấp thuận để tập đoàn này tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tại 2 khu vực nêu trên.
Từ những thông tin trên, người dân và môi giới đã ùn ùn kéo về đây tìm hiểu và đang tranh nhau mua đất bất chấp giá cả hay tính pháp lý. Được biết, giá mỗi lô đất thay đổi theo từng ngày, chủ yếu do người môi giới làm giá với nhau.
Cụ thể lúc đất chưa "nóng", giá mỗi mét ngang đất cách Quốc lộ 56 khoảng 100m có giá chừng 40 triệu đồng, nay đã được "thổi" lên thành 120-130 triệu đồng và hôm nay (11/2) thành 160-170 triệu đồng. Còn đất ở sát mặt tiền Quốc lộ 56, mỗi mét ngang trước đây chỉ khoảng 200-300 triệu đồng, thì nay được rao bán tới 480 triệu đồng.
Trong khi đó, UBND xã Bình Ba thừa nhận hiện chưa nhận được văn bản từ tỉnh và huyện Châu Đức liên quan đến dự án đầu tư của tập đoàn đang đề xuất đầu tư vào địa phương. khu đất có thông tin về việc "ông lớn" địa ốc đang khảo sát để thực hiện dự án trên địa bàn huyện có diện tích khoảng 2,2ha. Hiện tại, khu vực này có Trung tâm Y tế huyện đang hoạt động, còn lại nhà dân san sát không còn đất trống nên không xảy ra tình trạng "sốt đất" như một số xã lân cận.
Sốt đất "ảo"
Theo ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, chính quyền địa phương rất ủng hộ các nhà đầu tư đến đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nhà đầu tư đang mới bước đầu nghiên cứu, khảo sát lập phương án đầu tư. Ngoài ra, đây là dự án có quy mô lớn, còn phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, do đó người dân, nhà đầu tư đất đai cần bình tĩnh, đừng nóng vội, tìm hiểu kỹ tính pháp lý của khu đất khi giao dịch.
Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, UBND huyện Châu Đức đã giao cho UBND các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát việc tự ý tổ chức xây dựng hạ tầng, phân lô, tách thửa, bán nền đất trái phép trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND huyện cũng giao Công an huyện, phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã kiểm tra, xử lý tình trạng tụ tập đông người, gây mất trật tự an toàn giao thông tại các khu đất diễn ra hoạt động giao dịch về đất đai...
Ông Phạm Lâm, CEO của DKRA cũng cảnh báo, sốt đất tại quốc lộ 56 hiện nay có nhiều nét tương đồng với tình trạng hỗn loại tại Bình Thuận một năm trước khi có thông tin về dự án sân bay Phan Thiết. Khi ấy, dọc con đường dự kiến xây dựng sân bay Phan Thiết "kẹt xe hơi" trong đó đa số là biển số TPHCM kéo về. Nhưng trong giới bất động sản thì biết, chủ yếu trong đó là lực lượng môi giới, cò đất... đầu cơ thổi giá gây hỗn loạn.
"Trước giờ khu vực đó không có tương tác gì, nhưng nếu có một tập đoàn đầu tư, họ nghĩ bất động sản xung quanh trong bán kính 2 - 3 km sẽ được thừa hưởng tiện ích, giá sẽ tăng. Lợi dụng tâm lý này giới đầu cơ kết hợp với môi giới thổi giá, gây sốt ảo. Những nhà đầu tư cá nhân nếu không tỉnh táo sẽ dễ bị sập bẫy", ông Phạm Lâm cảnh báo.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế
Có tiền nhàn rỗi, nhà đầu tư BĐS nên làm gì giữa mùa dịch? Bên cạnh những nhà đầu tư (NĐT) lo lắng thì còn khá nhiều NĐT lạc quan vẫn tìm kiếm kênh trú ẩn dòng tiền của mình vào bất động sản (BĐS) ở thời điểm này. Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường là nhiều nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi nhưng không biết phải làm gì. Trước ảnh hưởng...