Nhiều nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ tiếc thương cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương đối với cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau khi nhận được tin ông qua đời do bị bắn từ phía sau trong lúc vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía Tây Nhật Bản, vào ngày 8/7.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo qua đời sau khi bị ám sát. Ảnh: Reuters
Trong tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông “choáng váng” và đau buồn trước vụ việc trên. Ông coi đây là một “thảm kịch”, đồng thời khẳng định nước Mỹ sẽ “sát cánh cùng Nhật Bản trong thời khắc đau buồn này”. Tổng thống Biden cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình ông Abe.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi ông Abe là “bạn và là đối tác lâu năm”. Ông nhấn mạnh cựu Thủ tướng Abe đã cống hiến hết mình cho Nhật Bản cũng như liên minh đặc biệt Mỹ và Nhật Bản.
Cựu Tổng thống Donald Trump cũng ca ngợi cựu Thủ tướng Abe, đồng thời hy vọng thủ phạm sẽ nhanh chóng bị đưa ra xét xử.
Cũng trong ngày 8/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bày tỏ chia buồn với gia đình của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe. Ông nêu rõ: “Cựu Thủ tướng Abe đã từng đóng góp cho việc cải thiện và phát triển mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản”.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bày tỏ sự tiếc thương và gửi lời chia buồn tới gia quyến của cựu Thủ tướng Abe và người dân Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam khẳng định: “Chính phủ Hàn Quốc lên án mạnh mẽ vụ nổ súng, coi đây là một hành động bạo lực không thể chấp nhận được trong bất kỳ trường hợp nào”.
Các đảng chính trị lớn của Hàn Quốc cũng phát đi thông điệp chia buồn và lên án tội ác “tàn bạo” này. Hạ nghị sĩ Eu-na, người phát ngôn của đảng Quyền lực Quốc dân cho biết: “Chính sách kinh tế Abenomics là thương hiệu làm nên tên tuổi của ông và ông cũng được nhớ đến với vai trò là một chính trị gia đã nỗ lực hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài”. Đảng Dân chủ đối lập chính của Hàn Quốc cũng lên án vụ tấn công.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah và Hoàng hậu Hajah Azizah Aminah Maimunah Iskandariah cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe.
Trong một bài đăng trên trang Facebook, Hoàng gia Malaysia đã bày tỏ đau buồn trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Abe, đồng thời nhấn mạnh: “Sự ra đi của Ngài Abe là một mất mát lớn đối với Nhật Bản và người dân nước này”.
Hãng Thông tấn Bernama đưa tin Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Abe. Theo ông, cựu Thủ tướng Abe là người đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt giữa Malaysia và Nhật Bản và là người ủng hộ hàng đầu cho Chính sách hướng Đông của Malaysia.
Các nhà lãnh đạo khác tại châu Á gồm Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới người dân Nhật Bản và gia đình cựu Thủ tướng Abe.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo của New Zealand, Pakistan, Brazil và Serbia cũng đã lên án vụ tấn công, đồng thời gửi lời chia buồn tới Chính phủ, nhân dân và gia đình cựu Thủ tướng Abe.
Thế giới sẽ còn nói rất lâu về Shinzo Abe
Tầm ảnh hưởng của Shinzo Abe đã vượt quá hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông. Sau ngày hôm nay, di sản đó sẽ kéo dài hơn cả cuộc đời Abe.
Di sản của Shinzo Abe, người giữ nhiệm kỳ thủ tướng lâu nhất ở chính trường Nhật Bản, quá đồ sộ và phức tạp để có thể viết trong 7 tiếng.
Nhưng 7 tiếng là thời gian từ lúc ông trúng hai phát đạn đến khi tử vong. Cựu thủ tướng Nhật Bản đã qua đời ngày 8/7 sau khi bị bắn và mất máu quá nhiều.
Ở tuổi 67 và không còn giữ một vị trí chính thức trong chính phủ Nhật Bản, Shinzo Abe vẫn phủ bóng lên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cũng như những di sản của ông trong hai nhiệm kỳ thủ tướng vẫn tiếp tục định hình Nhật Bản và cả khu vực.
Trong nước, ông Abe lãnh đạo nước Nhật trải qua thời kỳ suy thoái, dù với một kết quả vẫn còn gây tranh cãi. Tại khu vực, ông đặt nền móng đầu tiên cho khuôn khổ hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khái niệm mà 10 năm sau đó đã trở nên quan trọng cấp thiết. Đối với Hàn Quốc, Abe lại là người phủ nhận quá khứ đen tối của lính Nhật tại bán đảo Triều Tiên.
Thế giới và nước Nhật sẽ nhớ về Shinzo Abe theo những cách rất khác nhau. Dù vậy, ít ai có thể phủ nhận việc ông là thủ tướng Nhật có ảnh hưởng nhất.
Jeffrey Hall, một chuyên gia chính trị Nhật Bản thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda, gọi ông Abe là một trong thủ tướng thành công nhất của nước Nhật thời hậu chiến, nhận định dựa trên việc vị cựu thủ tướng đã nhiều lần dẫn dắt đảng Dân chủ Tự do (LDP) trung hữu tới chiến thắng.
Hai lần làm thủ tướng
Sinh năm 1954 tại Tokyo, ông Abe Shinzo là điển hình cho mẫu chính trị gia xuất thân từ các "gia tộc chính trị" có truyền thống khuynh đảo chính trường Nhật Bản. Ông ngoại của ông là Nobusuke Kishi, Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960, cha ông là Shintaro Abe từng giữ chức ngoại trưởng.
Ông Abe đã tiếp nối truyền thống ấy và được bầu vào nghị viện lần đầu tiên vào năm 1993. Ông trở nên nổi tiếng khắp toàn quốc vì lập trường cứng rắn đối với nước láng giềng Triều Tiên. Truyền thống của gia đình còn ảnh hưởng lên tầm nhìn trọn đời của Abe: cả ông và ông ngoại, cựu Thủ tướng Kishi, đều ôm mộng thay đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản - bản hiến pháp do Mỹ viết nên.
Trong ảnh, ông Abe (trái) chụp ảnh cùng cha, mẹ và anh trai năm 1957. Ảnh: Getty.
Năm 2006, ông Abe lần đầu ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến II. Nhưng sau một năm vấp phải nhiều bê bối, ông Abe từ chức với lý do căn bệnh viêm loét đại tràng.
"Điều tôi lo lắng nhất là vì tôi từ chức, lý tưởng bảo thủ mà chính quyền Abe đã đặt ra sẽ tan biến", ông Abe viết trên tạp chí Bungei Shunju. "Từ nay trở đi, tôi muốn hy sinh bản thân mình với tư cách một nhà lập pháp để khiến chủ nghĩa bảo thủ đích thực cắm rễ tại Nhật Bản".
5 năm sau, năm 2012, chính ông Abe lại là người dẫn dắt đảng LDP trở lại vị thế đứng đầu sau khi để mất quyền lực vào năm 2009. Giai đoạn cầm quyền này của ông Abe đã đạt được nhiều thành công hơn, trong đó cần kể đến chiến lược kinh tế mang thương hiệu của vị thủ tướng để đẩy lùi lạm phát trầm kha và khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Hiệu quả của chính sách này, được gọi là Abenomics theo tên vị thủ tướng, đến nay vẫn còn được tranh luận nhưng nó vẫn một phần giúp nền kinh tế nước Nhật thoát khỏi nhiều thập kỷ trì trệ, theo nhà quan sát Nobuko Kobayashi thuộc hãng kiểm toán Ernst & Young, chi nhánh Tokyo.
Tuy nhiên, khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 gây ra đã phá hỏng kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Năm 2020, đại dịch khiến Nhật Bản trải qua lần suy giảm kinh tế sâu nhất của nước này.
Ông Abe tại trụ sở của đảng LDP ở Tokyo vào ngày bầu cử 16/12/2012. Ông Abe một lần nữa được Quốc hội bầu làm thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.
Cùng năm ấy, ông Abe từ chức cũng với lý do căn bệnh viêm đại tràng. Nhưng ông cũng đã trở thành người nắm giữ vị trí thủ tướng lâu năm nhất của Nhật Bản với hơn 2.800 ngày liên tục lãnh đạo đất nước, vượt qua kỷ lục trước đó của chú ruột Eisaku Sato.
Nhưng không giống những chính khách khác rút lui khỏi chính trường sau khi rời khỏi vị trí quyền lực nhất, ông Abe vẫn xuất hiện trước công chúng. Ngay trước khi bị bắn, ông Abe đang vận động cử tri ủng hộ đảng LDP trong cuộc bầu cử thượng viện sắp tới.
Tham vọng dang dở
Mọi người đều biết giấc mơ lớn của ông Abe: Đưa đất nước Nhật Bản, vốn nằm dưới chiếc ô hạt nhân Mỹ và bị giới hạn trong khuôn khổ bản hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, trở thành cường quốc quyết đoán hơn và tương tác nhiều hơn với thế giới.
Đặc biệt, ông cho rằng điều 9, vốn bác bỏ chiến tranh và cấm Nhật Bản có quân đội, là vật cản ngăn Tokyo có vai trò tương xứng với vị thế là cường quốc tại khu vực.
Nhưng bất chấp sức ảnh hưởng chính trị, ông Abe không thể gom được sự ủng hộ đủ mạnh mẽ để tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi bản hiến pháp đóng vai trò nền tảng cho nước Nhật hiện đại.
Dù vậy, chính trong giai đoạn ông Abe nắm quyền, nước Nhật cũng đã chuyển mình mạnh mẽ trên vấn đề an ninh, thông qua đưa ra các cải cách như việc lần đầu cho ra đời chiến lược an ninh quốc gia vào năm 2013, hay việc thông qua đạo luật mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào năm 2015.
Ông Abe cùng các học sinh ở thành phố Chiba tham gia cuộc diễn tập thảm họa toàn quốc ngày 1/9/2013. Ảnh: AP.
"Chính quyền thứ hai của ông Abe cũng chứng kiến nước Nhật bắt đầu thể hiện sức mạnh địa kinh tế của mình một cách chiến lược", ông Robert Ward, học giả cấp cao về nghiên cứu an ninh Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), viết trên Twitter ngày 8/7.
Khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", vốn thường xuyên xuất hiện trong tuyên bố của các nước phương Tây như hiện nay, cũng khó có thể tồn tại nếu không có ông Abe.
"Việc Nhật Bản cứu hiệp định TPP sau khi Mỹ rút lui và việc tái khởi động hiệp định ấy thành CPTPP là một thành tựu đáng nhớ của chính quyền Abe thứ 2", ông Ward nhận định. "Thương mại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ nghèo nàn hơn nếu không có CPTPP".
Và ông Abe cũng là một trong những người sớm nhận ra tác động tới từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm 2014, bài phát biểu dẫn đề của ông tại Đối thoại Shangri-La cho thấy tầm nhìn từ sớm của vị cố thủ tướng khi ông kêu gọi "pháp quyền cho tất cả".
Bất chấp một số thất bại như trong chính sách đối ngoại với Nga hay Hàn Quốc, di sản của ông Abe đã khiến Nhật Bản trở thành nguồn ủng hộ không thể thiếu đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo ông Ward.
Vào ngày 8/7, hai tiếng súng lần lượt vang lên giữa một con phố ở tỉnh Nara không chỉ cắt ngang bài phát biểu của ông Abe, nó còn làm thế giới rúng động. Cựu thủ tướng đổ gục, máu loang trên chiếc áo sơ mi. Vài tiếng sau, viễn cảnh mọi người đều lo sợ trở thành sự thật: Ông Abe, 67 tuổi, đã qua đời sau vụ ám sát.
Hai viên đạn từ khẩu súng tự chế trong tay một người đàn ông "bất mãn" đã tước đi mạng sống của ông Abe, người nắm giữ kỷ lục về số ngày giữ chức vụ thủ tướng Nhật Bản. Nhưng thế giới sẽ còn thảo luận về di sản của ông trong khu vực trong một thời gian dài nữa.
Zing từ Nara: Hiện trường nơi cựu Thủ tướng Abe bị bắn.CTV Thanh Hải (từ Nara, Nhật Bản) cho biết hiện trường vụ cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn vẫn đang được phong toả, rất đông phóng viên, người dân tập trung theo dõi sự việc.
Ấn Độ để quốc tang 1 ngày tưởng nhớ cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo Hôm 8/7, Ấn Độ tuyên bố để quốc tang 1 ngày tưởng nhớ cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau khi ông qua đời trong vụ ám sát gây rúng động thế giới. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Ảnh: Deccan Herald Theo hãng tin Reuters (Anh), Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã...