Nhiều nhà băng lộ lỗ vì nợ xấu
9 tháng năm 2018, lợi nhuận có xu hướng tăng trưởng cao bao trùm ở đa số các NHTM, mọi NH đều công bố kết quả kinh doanh tích cực để có thể hình dung một năm 2018 thắng lớn. Tuy nhiên, vào những tháng đầu năm 2019, có đến 4 NH báo lỗ quý IV-2018, nguyên nhân chính dẫn đến lỗ là vì nợ xấu.
Theo đó, lợi nhuận cả năm 2018 của các NH này cũng bị kéo xuống vị trí thấp. Kết quả không mong đợi này đến từ việc các NH sụt giảm tăng trưởng tín dụng mạnh trong khi khoản chi phí dự phòng rủi ro vẫn không ngừng tăng trưởng.
4 NH báo lỗ
SaigonBank là NH đầu tiên công bố kết quả kinh doanh không khả quan khi kết thúc năm tài chính 2018. Cụ thể, quý IV-2018, NH ghi nhận khoản lỗ trước thuế gần 69,5 tỷ đồng. Kết quả này đã kéo lợi nhuận trước thuế cả năm của SaigonBank xuống 52,5 tỷ đồng, giảm 26% so với năm trước.
Quý IV-2018, Eximbank ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm 86,4% so với năm trước, chỉ đạt 92,2 tỷ đồng (năm 2017 là 678,8 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế âm 247 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 827 tỷ đồng, con số này chỉ đạt hơn phân nửa kế hoạch lợi nhuận 1.600 tỷ đồng được đặt ra hồi đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế còn 661 tỷ đồng, giảm 19,7% so với năm trước (năm 2017 đạt 822,8 tỷ đồng).
Một NH khác cũng công bố thua lỗ trong quý IV vừa qua là VietCapitalBank với mức lỗ 27 tỷ đồng. Trước đó vào quý II-2018, VietCapitalBank cũng đã ghi nhận mức lỗ trước thuế gần 33,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 10,9 tỷ đồng. Song nhờ sự tăng trưởng tốt của 2 quý còn lại, tính hết cả năm 2018, lợi nhuận cả năm của VietCapitalBank vẫn tăng gấp 3 lần so với năm 2017.
Một trường hợp ghi nhận lỗ trong quý IV-2018 thu hút sự quan tâm nhất là Vietinbank. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV-2018, lợi nhuận kinh doanh trước thuế của Vietinbank lỗ hơn 853 tỷ đồng trong quý cuối cùng này. Lợi nhuận sau thuế cũng âm 698 tỷ đồng.
Theo đó cả năm, Vietinbank ghi nhận mức lãi trước thuế chỉ 6.742 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm 2017 và là mức thấp nhất tính từ năm 2011 đến nay. Từ vị trí thứ 2 về lợi nhuận trong những năm trước đây, Vietinbank đang xếp hạng thứ 7 về lợi nhuận trong hệ thống năm 2018.
Đối với Vietinbank, dù kết quả kinh doanh năm nay đạt mức thấp, nhưng điều này cũng không quá bất ngờ vì đầu tháng 12-2018, NH này đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, trong đó đưa ra hàng loạt thay đổi các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Điểm gây chú ý nhất là dù 9 tháng đầu năm đã lãi 7.596 tỷ đồng, nhưng NH này đã giảm kế hoạch lợi nhuận riêng lẻ chỉ còn 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất còn 6.700 tỷ đồng cho cả năm. NH cũng giảm chỉ tiêu tổng tài sản có tăng trưởng về mức 6-8%, dư nợ tín dụng tăng trưởng 8-9%, nguồn vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 9-10%, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) dưới 3%.
Tỷ lệ nợ xấu của NH cũng biến đổi theo chiều hướng kém khả quan, cụ thể nợ xấu đã tăng từ 1,13% tổng dư nợ vào cuối năm 2017 lên mức 1,56% vào cuối quý IV năm 2018. Theo đó, Vietinbank đã dành hơn 7.700 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ xấu.
Khách hàng giao dịch tại Eximbank.Ảnh: LONG THANH
Tại SaigonBank, dư nợ cho vay năm 2018 giảm 3,1% xuống còn 13.560 tỷ đồng nên thu nhập lãi thuần chỉ đạt 661 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 13% đạt 43 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 35,5% đạt gần 25 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác đạt 115 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong năm tăng 11,7% lên 449 tỷ đồng. Nợ xấu tại SaigonBank cuối năm 2018 là 301 tỷ đồng, giảm 28% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 2,98% xuống còn 2,2%. Song chi phí dự phòng rủi ro lại tăng 22% lên 344 tỷ, kéo lợi nhuận thụt lùi.
Tương tự, trong 3 tháng cuối của năm 2018, Eximbank tiêu tốn 1.047 tỷ đồng cho chi phí hoạt động (tăng 75,1% so với cùng kỳ) và 401,6 tỷ đồng cho khoản chi phí dự phòng rủi ro (tăng 239,8%), dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý IV bị âm tới gần 247 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng ăn mòn lợi nhuận
Trong cả năm 2018, ngoài những NH ghi nhận lợi nhuận thấp như trên thì vẫn có khá nhiều NH lập kỷ lục mới về lợi nhuận. Tuy nhiên, theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, thời gian gần đây, NHNN đang giới hạn mạnh mẽ hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng, chỉ những NH nào quyết tâm tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng vốn, NHNN mới nới room tăng trưởng tín dụng.
Video đang HOT
Bằng chứng là năm ngoái, một số NH đã phải điều chỉnh lợi nhuận vì bị hạn chế room tăng trưởng tín dụng do chưa tăng được vốn. Việc các NH bị NHNN giới hạn room tăng trưởng tín dụng, cũng được xem là động thái trong chính sách tiền tệ của NHNN, và chắc chắn là các NHTM sau khi tiếp nhận định hướng mới của NHNN sẽ phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh.
Do đó, lợi nhuận năm 2019 sẽ không được tốt như năm 2018. Nhìn từ thực tế tại đại hội cổ đông bất thường vừa qua, VietinBank cũng đã đặt ra 2 kịch bản kinh doanh cho năm 2019. Kịch bản 1, NH không được phê duyệt tăng vốn thì chỉ thực hiện kế hoạch tăng tổng tài sản 5%, tăng trưởng tín dụng 6,8%, tăng vốn tương ứng với tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 9.500 tỷ đồng.
Kịch bản 2, NH được phê duyệt tăng vốn sẽ đề ra mức tăng trưởng tín dụng cao hơn tương ứng với mức vốn được tăng. Điều này cho thấy, lợi nhuận kinh doanh năm 2019 của ngành NH vẫn sẽ tiếp tục chịu sự quyết định hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Như vậy ngoài những khó khăn đặc thù riêng của từng NH, thì tại tất cả các NHTM của Việt Nam, chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu vẫn chiếm một khoản khá lớn, ăn mòn lợi nhuận hàng năm. Nhưng muốn giảm nợ xấu phải có sự nỗ lực và hợp tác của nhiều bên. Hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã hỗ trợ các NHTM trong việc xử lý nợ xấu, nhưng nhiều NH vẫn gặp khó khăn khi thực thi, trong đó có liên quan đến vấn đề xử lý tài sản đảm bảo.
Nghị quyết 42 cũng cho các nhà băng quyền tự quyết và các hợp đồng tín dụng hiện nay nghiêng về bảo đảm quyền lợi NH, như cho NH quyền thẩm định giá và khi có giá thẩm định, NHTM được yêu cầu bên thứ 3 mua bán tài sản đó để tiến hành phát mãi. Nhưng trên thực tế khó áp dụng do khi chủ tài sản không hợp tác cũng không phát mãi được.
Thực tế tỷ lệ nợ xấu tăng còn do hoạt động cấp tín dụng của các NH vẫn chưa tuân thủ các quy định của NHNN khi thực hiện 4 bước, là tiếp xúc hỗ trợ khách hàng về hồ sơ vay, thẩm định hồ sơ vay, ra quyết định cho vay và thẩm định hồ sơ vay. Khó khăn này xuất phát từ kinh nghiệm, kiến thức của nhân viên tín dụng, cán bộ thẩm định của NH, tạo ra tỷ lệ nợ xấu tăng lên.
Đồng thời, khách hàng chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho NH và sau khi được cấp tín dụng, khách hàng thiếu hợp tác để NH quản lý nợ sau cho vay, dẫn đến nợ xấu tăng lên. Đây là những điểm cần sớm thay đổi, chấn chỉnh, nếu không các NH sẽ khó giải quyết được bài toán chi phí dự phòng ăn mòn lợi nhuận, dẫn đến việc phải điều chỉnh hay ghi nhận lỗ như đã xảy ra.
Nếu muốn tăng lợi nhuận, các NH phải tăng thu từ dịch vụ như tập trung vào các sản phẩm như liên kết với bảo hiểm, các giải pháp tài chính cho khách hàng, tập trung vào các sản phẩm phái sinh trong điều kiện tỷ giá tăng lên và DN có nhu cầu mua sản phẩm phái sinh, thu hộ, chi hộ, thay vì tập trung vào tín dụng như hiện tại.
THIÊN MINH
Theo saigondautu.com.vn
Toàn cảnh nợ xấu ngân hàng 9 tháng đầu năm: Nỗi lo nợ xấu vẫn tiếp diễn
Mặc dù kết quả kinh doanh của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng cùng xử lí nợ xấu có những kết quả khả quan nhưng nỗi "ám ảnh" về nợ xấu vẫn chưa dừng lại.
Nợ xấu ngân hàng vẫn là gánh nặng của nền kinh tế (Ảnh minh hoạ).
Lợi nhuận tăng, nợ xấu cũng tăng
Kết thúc ba quí đầu năm, lợi nhuận các ngân hàng khởi sắc khi tăng gần 46% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, số dư nợ xấu các ngân hàng lại có chiều hướng tăng mạnh hơn tăng trưởng cho vay khách hàng.
Theo báo cáo kinh doanh công bố của 22 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu đã tăng 26,5% so với cuối năm trước với 75.826 tỉ đồng (chưa xét đến số dư nợ xấu tại VAMC). Trong khi đó, tăng trưởng cho vay khách hàng lại ở mức khiêm tốn chỉ bằng một nửa là 11,3%.
Hầu hết ngân hàng khảo sát có số dư nợ xấu tăng, có ngân hàng tăng hơn 80%. Nhóm ngân hàng tăng mạnh nợ xấu gồm NCB (80%); OCB (65,2%); VPBank (51,6%); MBBank (45,1%); LienVietPostBank (41,9%); VietBank (40,4%),...
Chỉ có 3 trong số 22 ngân hàng khảo sát có số dư nợ xấu giảm gồm Nam A Bank, SeABank và Eximbank. Trong đó, nợ xấu tại Nam A Bank giảm gần một nửa (48,5%); Eximbank giảm 11,3% và SeABank giảm 5,2% so với con số cuối năm trước.
Bảng tổng hợp thông tin nợ xấu các ngân hàng (Nguồn: DB tổng hợp).
Do đó, tỉ lệ nợ xấu của phần lớn ngân hàng trên đều tăng trừ 4 ngân hàng là Nam A Bank; SeABank; HDBank và Eximbank.
Có 4 ngân hàng duy trì tỉ lệ nợ xấu dưới mức 1% gồm: SCB, Bac A Bank, Nam A Bank và ACB. Trong đó, SCB có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất ở mức 0,52%. Có hai ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao trên mức qui định của NHNN là PG Bank (4,49%) và VPBank (4,7%).
Xét về số dư tuyệt đối, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất với 17.042 tỉ đồng. Tiếp đó là các ngân hàng VietinBank (12.127 tỉ đồng); VPBank (9.401 tỉ đồng); Vietcombank (7.424 tỉ đồng).
Biểu đồ thể hiện số dư nợ xấu các ngân hàng.
Những con số tích cực từ số dư trái phiếu VAMC
Ngoài số dư nợ xấu trên bảng cân đối tài sản, các ngân hàng vẫn còn "gửi nhờ" một lượng nợ xấu nhất định tại VAMC. Do đó, nếu chỉ nhìn số dư nợ xấu tại các ngân hàng sẽ không có được đánh giá chính xác về số dư nợ xấu thực tế hiện tại.
Tuy vậy, không phải ngân hàng nào cũng công bố giá trị nợ đã bán cho VAMC trên báo cáo tài chính.
Các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VIB và MBBank đã thực hiện mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC.
Số dư trái phiếu VAMC tại các ngân hàng (Nguồn: DB tổng hợp).
Theo số liệu này có thể thấy số dư trái phiếu VAMC của các ngân hàng đang có chiều hướng giảm. Ngoại trừ Maritime Bank tăng 8,1% và Bac A Bank không đổi thì những ngân hàng còn lại đều giảm từ 5,9% đến 66,7%.
SCB là ngân hàng có số dư trái phiếu VAMC lớn nhất với 19.740 tỉ đồng, mặc dù đã giảm hơn 17% so với đầu năm. OCB là ngân hàng giảm mạnh nhất và trở thành ngân hàng có số dư trái phiếu VAMC ít nhất 242 tỉ đồng (không kể các ngân hàng đã tất toán hết).
Nợ xấu tiếp tục là tâm điểm chú ý của hệ thống
Trong báo cáo gửi Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2018, nợ xấu toàn hệ thống chỉ còn 2,13%, giảm so với mức 2,46% vào năm 2016.
Tính từ năm 2012 đến tháng 7/2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 794.200 tỉ đồng nợ xấu. Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, toàn hệ thống đã xử lý được 141.300 tỉ đồng nợ xấu.
Có thể thấy rằng xét về mặt con số đây là một kết quả đáng mừng cho nền kinh tế, tuy nhiên nếu xét trên tình hình thực tế thì nợ xấu vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại. Theo cho biết từ đại diện NHNN trong buổi tổng hết một năm áp dụng Nghị quyết 42, việc xử lí nợ xấu hiện tại vẫn chủ yếu từ nguồn dự phòng rủi ro.
Trong khi đó, việc mua bán nợ chưa sôi động, chưa có thị trường mua bán nợ, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều. Nhiều khoản nợ xấu có nguồn gốc là từ các khoản đầu tư cơ bản, nợ đọng từ Ngân sách Nhà nước khó xử lý, tiêu biểu như khoản nợ tại 12 dự án thua lỗ.
Nhiều khoản nợ của VAMC sau khi được rao bán vẫn "ế ẩm", không thu hút người mua. Tiêu biểu như vụ thu giữ cao ốc Saigon One Tower, mặc dù đã rao bán một khoảng thời gian không ngắn nhưng vẫn chưa có thông tin mới nào từ bên mua.
Mới đây, VAMC cũng liên tục rao bán đấu giá nhiều tài sản lớn như dự án Trung Đông Palaza; dự án Chung cư Thành phố xanh (TP HCM); khoản nợ gần 2.400 tỷ đồng của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng khác tại BIDV; ...
Nhiều khoản nợ xấu rao bán nhiều lần và phải giảm giá khá nhiều nhưng vẫn không thu hút người mua. Tình cảnh này cũng xảy ra tương tự với các vụ đấu giá tài sản xử lý nợ xấu tại các ngân hàng.
Có lẽ, may mắn nhất là vụ bán đấu giá thành công tòa tháp V-Ikon ở TP HCM, giá trúng thầu là hơn 300 tỷ đồng, vượt 1,6 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm sau những lần không thành công trước đó.
Trong năm 2018, VAMC lên kế hoạch phát hành tối đa 32.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu. Đồng thời, theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt thì trong năm 2018, VAMC sẽ chi 3.500 tỷ đồng để mua nợ xấu theo giá trị thị trường.
Giai đoạn 2017 - 2018 và hướng tới năm 2022, VAMC dự kiến xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (theo dư nợ gốc) và riêng năm 2018 là hơn 34.504 tỷ.
Ngày hôm qua (7/11), Thống đốc NHNN gửi văn bản yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Trong đó, yêu cầu rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42 để nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn.
Cùng với đó, chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong khi thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Diệp Bình
Agribank thu hồi 60.000 tỷ đồng nợ xấu Sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42, Agribank đã thu hồi và xử lý nợ xấu là 60.105 tỷ đồng, chiếm 36,32% tổng số nợ còn phải xử lý, thu hồi... Agribank thu hồi 60.000 tỷ đồng nợ xấu Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của...