Nhiều người ở Đà Nẵng bị phạt vì ra đường tập thể dục
Chính quyền cấp quận ở Đà Nẵng phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng với các trường hợp ra đường khi không cần thiết, như đạp xe, chạy thể dục.
Ngày 18/8, ông Nguyễn Đắc Xứng – Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng), nói hiện toàn thành phố đang cách ly xã hội theo chỉ thị 16, chính quyền chỉ cho phép người dân ra đường khi đi cấp cứu, mua thuốc men, đi chợ, đến cơ quan, nhà máy làm việc.
“Những trường hợp như đi đạp xe, tập thể dục hay đi dạo là ra đường không cần thiết, vi phạm chỉ thị 16 và bị xử phạt theo nghị định 176, mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng”, ông Xứng nói.
Theo lãnh đạo quận Sơn Trà, trong các lần đầu thực hiện cách ly toàn xã hội trước đây, do chưa có hướng dẫn cụ thể, nên lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở người dân. Tuy nhiên ngày 12/8 vừa qua, khi Đà Nẵng tiếp tục cách ly xã hội, UBND quận Sơn Trà gửi văn bản xin hướng dẫn của Sở Tư pháp để làm căn cứ xử phạt những trường hợp ra ngoài không thực sự cần thiết và được đề nghị áp dụng theo nghị định 176.
Từ ngày 14/8 đến nay, quận Sơn Trà xử phạt 81 người ra đường khi không cần thiết; riêng trong ngày 18/8, lực lượng chức năng quận xử phạt hành chính 18 trường hợp với tổng số tiền 3,5 triệu đồng.
Người dân ra đường tập thể dục, đạp xe sẽ bị xử phạt hành chính. Ảnh: Nguyễn Đông.
Sơn Trà là quận đầu tiên ở Đà Nẵng áp dụng việc xử phạt hành chính với người ra đường đạp xe, tập thể dục, bên cạnh các hành vi khác như tụ tập đông người (mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng/người); không đeo khẩu trang khi ra đường (200.000 đồng/người)… Tính từ 28/7 đến 18/8, quận đã xử phạt gần 300 trường hợp vi phạm cách ly xã hội, với số tiền hơn 400 triệu đồng (tổng số tiền xử phạt của toàn thành phố trong 22 ngày qua là hơn một tỷ đồng).
Sau quận Sơn Trà, nhiều địa phương khác ở Đà Nẵng cũng đã áp dụng việc xử phạt người dân ra đường trong trường hợp không cần thiết. Trong đó, riêng phường Mỹ An ( quận Ngũ Hành Sơn) những ngày gần đây đã xử phạt 38 người, mức phạt 200.000 đồng/người.
Theo ghi nhận của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng, những ngày qua tình trạng người dân ra đường, đặc biệt là giờ cao điểm vẫn còn đông, trong đó có nhiều người đi xe đạp, tập thể dục.
Từ ngày 24/7 đến 18h ngày 18/8, Đà Nẵng ghi nhận 354 người mắc Covid-19. Trong đó 244 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn; 76 người khỏi bệnh; 21 người tử vong.
Theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, hành vi “ra ngoài trong trường hợp không cần thiết” trong thời gian áp dụng cách ly xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định 176 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Bác sĩ Đà Nẵng hít đất, tập thể dục trong bệnh viện cách ly
Tháo đồ bảo hộ, đeo chiếc khẩu trang mới, bác sĩ Huy cùng đồng nghiệp đi bộ ra hành lang Bệnh viện Đà Nẵng tập thể dục.
"Tập luyện sau giờ làm việc vừa nâng cao sức khỏe chống 'covid', vừa vui vẻ cùng đồng nghiệp để thời gian cách ly đỡ nhàm chán. Chúng tôi gọi đây là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời, không phải ai cũng có được nhưng không bao giờ muốn gặp lại", bác sĩ Lê Quang Huy, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng, chia sẻ, hôm 31/7.
Họ thường tập luyện vào lúc sáng sớm hoặc chiều khi đã vãn việc. Trừ những người đang trong ca trực và điều trị bệnh nhân, hầu hết các y bác sĩ đều tập thể dục. Người nhảy, người hít đất, chạy bộ tại chỗ..., tất cả đều đeo khẩu trang và giữ đúng khoảng cách.
Bác sĩ Huy đăng video luyện tập của mình trên trang cá nhân để thử thách các đồng nghiệp khác, được mọi người ủng hộ. Đây là lần đầu tiên các y bác sĩ cùng tập thể dục tại bệnh viện. Video nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm chia sẻ. Mọi người động viên bác sĩ lạc quan và vững vàng trước đại dịch.
"Tôi khá bất ngờ khi video tập thể dục được mọi người chia sẻ trên mạng. Tôi chỉ xem đây là tập luyện để mọi người giải tỏa áp lực trong cuộc chiến chống dịch lâu dài phía trước", bác sĩ Huy nói.
Bệnh viện Đà Nẵng là một trong ba bệnh viện (cùng Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương và chỉnh hình Đà Nẵng) đang bị phong tỏa vì có người nhiễm nCoV. Hiện, khoa ngoại thần kinh có hơn 30 nhân viên y tế và khoảng 50 bệnh nhân, người nhà cùng cách ly.
Hàng ngày, bác sĩ khám bệnh, ra y lệnh điều trị và chỉ định bệnh nhân có thể xuất viện sang khu cách ly tập trung khác để giảm tải khu vực mình. Trong 4 ngày qua, các bác sĩ đã làm việc không ngừng nghỉ, trong tình huống bệnh viện bị cách ly hoàn toàn.
Từ ngày cách ly, công việc khám chữa bệnh vẫn duy trì. Để giảm áp lực công việc, nhân viên y tế được chia thành từng kíp để thay phiên nhau trực, khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
"Tất cả chúng tôi đều nhớ gia đình, nhớ vợ chồng con cái, song đều phải gác lại. Trách nhiệm công việc được đặt lên hàng đầu, tuyệt đối không lơ là", bác sĩ Huy nói.
Khoa Ngoại Thần kinh còn đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng như bệnh nhân vỡ phình mạch não, u não, chấn thương sọ não nặng. Bệnh nhân nặng vẫn được chuyển vào điều trị tại khoa để phẫu thuật song tuân thủ quy trình bảo hộ và cách ly an toàn. Ngoài ra, bác sĩ còn thay phiên nhau giải thích và động viên bệnh nhân không lo lắng, hoang mang, tuân thủ quy định cách ly đảm bảo an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Huy khẳng định: "Chỉ cần tất cả chúng ta, từ bác sĩ, bệnh nhân đến người cách ly và cả người dân không ai đứng ngoài cuộc. Cuộc chiến này nhất định thắng lợi".
Bác sĩ Huy ( hứ hai từ trái sang) cùng đồng nghiệp trong trang phục bảo hộ tiến hành ca phẫu thuật bệnh nhân chấn thương sọ não, tối 31/7. Trung bình mỗi ngày từ một đến hai ca cấp cứu tại khoa. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Đà Nẵng vắng vẻ những ngày cách ly toàn xã hội Đường phố tại Đà Nẵng vắng vẻ những ngày gần đây khi không còn khách du lịch và người dân cũng hạn chế đi lại. Ghi nhận vào sáng 5/4, đường phố Đà Nẵng khá thông thoáng, trên đường chỉ có vài phương tiện qua lại. Dậy sớm ngắm bình minh, tập thể dục bên bờ biển vốn là hoạt động quen thuộc...