Nhiều người nhập viện do bệnh hô hấp
TP HCM – Bà Nghé, 73 tuổi đột nhiên nóng lạnh, khó thở, xịt thuốc giãn phế quản không hiệu quả, phải vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu.
Đây là lần thứ ba bà Nghé nhập viện trong năm vì lên cơn cấp tính bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các bác sĩ cho bà thở oxy để hỗ trợ hô hấp. Ngày 24/9, bà khỏe hơn, có thể ngồi dậy trò chuyện. “Mỗi lần thời tiết thay đổi thất thường, những người vốn sẵn bệnh hô hấp như tôi rất dễ lên cơn khó thở”, bà Nghé nói.
Bác sĩ Ngô Thế Hoàng, Trưởng Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết từ cuối tuần trước đến đầu tuần nay, bệnh nhân nhập nội trú ở khoa tăng cao, có thời điểm quá tải. Cao điểm là chủ nhật 22/9, các y bác sĩ trực “phải luôn tay luôn chân” vì hầu hết bệnh nhân nhập viện tình trạng nặng, khó thở.
Ngày 24/9, sức khỏe bà Nghé ổn hơn sau 3 ngày vào viện cấp cứu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: Lê Phương.
Các khoa hô hấp nhiều bệnh viện TP HCM đều ghi nhận bệnh nhân tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết lượng bệnh hô hấp những ngày qua tăng khoảng 5-10% so với ngày thường.
Video đang HOT
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngày 24/9 điều trị hơn 90 bệnh nhi, ngày thường khoảng 60-70 bệnh. Hiện khoa có nhiều bệnh nhi hen suyễn, trong đó 4 ca nặng suy hô hấp cấp cứu, hơn 25 bệnh nhi viêm tiểu phế quản nhập viện vì khò khè, thở mệt, khoảng 30 bệnh nhi viêm phổi.
Các bác sĩ khuyến cáo TP HCM nói riêng và miền Nam nói chung đang thay đổi thời tiết lại nhiều mù, có hại cho sức khỏe, dễ gây các bệnh hô hấp.
Theo AirVisual, những ngày qua chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP HCM ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ, cam) – là mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe của người dân. Chỉ số bụi mịn PM2.5 dao động ở mức trên 100 g/m, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 g/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Xếp hạng chỉ số chất lượng không khí AQI chiều 24/9 của các thành phố trên thế giới, TP HCM ở vị trí thứ hai, Hà Nội ở vị trí thứ 5. Ảnh: AirVisual
Theo bác sĩ Hoàng, hạt bụi siêu mịn dễ xâm nhập vào đường thở, kích thích gây viêm. Thời tiết thay đổi, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ bùng phát các đợt bệnh đường hô hấp cấp tính.
Tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí, cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi hàng ngày. Sử dụng khẩu trang khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Hạn chế lưu thông những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm. Tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Nên rửa tay khi về nhà, uống đủ nước.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khuyến cáo phụ huynh cần cẩn thận bảo vệ sức khỏe trẻ, hạn chế ra đường, dùng khẩu trang lọc bụi mịn, giữ ấm mũi họng, cổ, vệ sinh mũi mỗi tối… Nên tải ứng dụng AirVisual giúp theo dõi tình hình ô nhiễm ở nơi đang sống. Hôm nào tình trạng ô nhiễm không khí cao nên hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.
Lê Phương
Theo VNE
Canada xác nhận trường hợp đầu tiên bị bệnh phổi do hút thuốc lá điện tử
Canada ngày 18/9 đã xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này bị bệnh hô hấp nặng liên quan đến việc hút thuốc lá điện tử, trong khi quốc gia láng giềng Mỹ thông báo đã có hàng trăm người bị bệnh phổi liên quan tới loại thuốc lá trên và ít nhất 7 người đã tử vong.
Chính phủ Canada đang xem xét việc cấm quảng cáo sử dụng thuốc lá điện tử. (Nguồn: Getty Images)
Người bị bệnh là một học sinh trung học ở thành phố London của tỉnh Ontario. Theo nguồn tin từ bệnh viện Middlesex-London Health Unit, nơi điều trị cho học sinh này, bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh phổi nặng vì sử dụng các sản phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử.
Người này đã được điều trị tại khoa chăm sóc tăng cường của bệnh viện. Sau một thời gian chữa trị đã khỏi bệnh.
Thuốc lá điện tử được bày bán sẵn ở Canada và Mỹ kể từ năm 2006. Chúng đôi khi còn được sử dụng để cai thuốc lá truyền thống.
Bất chấp việc Canada cấm bán thuốc lá điện tử cho các đối tượng thanh thiếu niên, việc sử dụng những sản phẩm này vẫn gia tăng trong những năm gần đây.
Theo Bộ trưởng Y tế Canada Ginette Petitpas-Taylor, để ngăn chặn việc sử dụng những sản phẩm trên, chính phủ nước này đang xem xét việc cấm quảng cáo sử dụng thuốc lá điện tử và một số loại tinh dầu có hương thơm đi kèm, vì được cho là đã lôi cuốn các đối tượng thanh thiếu niên.
Theo baoquocte
Nỗi lo khói bụi hiểm độc ở Jakarta INDONESIA - Ngồi trên máy bay nhìn xuống Jakarta, David Lipson thấy dày đặc lớp sương khói, tưởng đâu đó đang cháy. Gia đình David vừa trở về thủ đô Indonesia sau chuyến nghỉ dưỡng ở nước ngoài. Jakarta phủ kín trong sương khói khi nhìn từ trên cao. "Thì ra đó là sương khói quang hóa", David nói với người nhà. Sương...