Nhiều người già tại Hà Tĩnh làm đơn xin trả sổ hộ nghèo
“Tôi nghĩ làm người đừng quá bo bo, nếu thấy mình đủ rồi nên nghĩ đến người khác.
Vợ chồng tôi chưa giàu nhưng xung quanh nhiều người còn khổ hơn nên mình xin trả sổ thôi”, cụ Nguyễn Văn Lương (90 tuổi) bộc bạch về lý do viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo của mình.
Không riêng gì cụ Lương, trong đợt rà soát hộ nghèo năm 2020 (từ ngày 18/10-18/11), tại Hà Tĩnh, nhiều cặp vợ chồng già cũng viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Vợ chồng cụ Lương hạnh phúc bên nhau. Ảnh: Phan Quân/TTXVN
Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lương và Dương Thị Huệ (ở thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tuổi 90, nhưng vẫn rất yêu đời và tinh anh. Cụ ông Nguyễn Văn Lương trước đây là thanh niên xung phong tại Thanh Hóa. Sau đó, cụ nhận chế độ hưởng lương 1 lần. “Khi còn khỏe, hai vợ chồng tôi làm cả mẫu ruộng, trồng đủ các loại từ lúa cho đến khoai, ngô, lạc… Trâu bò trong nhà có 4-5 con. Giờ nghỉ hết rồi, hằng ngày vợ chồng già tự chăm nhau không phiền đến con cái”, cụ Lương chia sẻ.
Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Lương – Dương Thị Huệ có 5 người con, 13 cháu và 15 người chắt. Hiện, hai người con làm ăn tự do tại địa phương, ba người con còn lại đều đi làm ăn trong miền Nam. Gia đình cụ ông Nguyễn Văn Lương thuộc đối tượng hộ nghèo từ năm 2016 đến nay. Từ lâu, hai cụ sống tách riêng với con cái trong ngôi nhà tranh tre, tài sản trong nhà không có gì ngoài các vật dụng cơ bản, thiết yếu. Nhận thấy hai cụ không có khả năng lao động, kinh tế khó khăn nhiều năm liền, qua đánh giá, phân loại, Ban chỉ đạo hộ nghèo của thôn và xã xếp gia đình hai cụ vào diện hộ nghèo.
Năm 2019, anh Nguyễn Văn Hùng, con trai út của hai cụ quyết tâm xây lại căn nhà mới ngay sát ngôi nhà của bố mẹ. Phấn khởi trước cơ ngơi con cái mới xây dựng, ngày 22/10/2019, nhân xã đang tiến hành rà soát hộ nghèo, vợ chồng cụ Lương đã quyết định nộp đơn xin thoát nghèo. “Giờ con cháu làm ăn cũng tạm ổn, cuộc sống mình sướng thì chưa sướng nhưng cũng mãn nguyện rồi. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi thấy xin ra khỏi danh sách hộ nghèo là đúng, để còn nhường cho người khác khổ hơn mình”, cụ Huệ bày tỏ.
Năm 2019, xã Thạch Đài có 74 hộ nghèo, 103 hộ cận nghèo chiếm 4,21% dân số toàn xã. Riêng thôn Liên Hương có 12 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Chia sẻ về trường hợp của vợ chồng cụ Lương, ông Nguyễn Phúc Bảy ( Bí thư Chi bộ thôn Liên Hương) cho biết: “Hai cụ tuổi cao, sức yếu lại không có lương, chỉ có trợ cấp xã hội hàng tháng được hơn 500 ngàn đồng. Việc làm của cụ khiến chúng tôi rất xúc động. Sau khi kiểm tra xem xét, chính quyền đã chấp thuận đề nghị của hai cụ”.
Ngày 23/10, UBND xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hết sức bất ngờ khi nhận được lá đơn xin trả lại sổ hộ nghèo của vợ chồng ông Trần Xuân Sơn (thôn Thống Nhất). “Lúc đầu, chúng tôi tưởng có ai gây sức ép với hai ông bà nên đã xuống tận nơi kiểm tra và tìm hiểu. Sau khi nghe ông bà trình bày, chính quyền đã chấp thuận đề nghị đó”.
Video đang HOT
Vợ chồng ông Sơn được đưa vào danh sách hộ nghèo năm 2014. Từ đó đến nay, ông bà được hưởng nhiều chính sách như miễn tiền điện hàng tháng, được cấp bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí, nhận gạo trợ cấp theo từng đợt… Xin thoát khỏi hộ nghèo đồng nghĩa những quyền lợi này của ông bà cũng mất đi.
Chia sẻ điều này, ông Sơn xua tay nói: “Hiện, gia đình tôi cảm thấy không còn khó khăn nữa, trong khi đó thôn mình vẫn còn nhiều người già neo đơn, kinh tế rất eo hẹp, nên nhường lại cho họ”.
Với những suy nghĩ này, tại thành phố Hà Tĩnh, khi đợt rà soát hộ nghèo 2020 đang diễn ra đã có 3 hộ nghèo cũng xin rút khỏi danh sách hộ nghèo. Đó là trường hợp của hộ bà Trần Thị Long (81 tuổi), bà Lê Thị Thanh (79 tuổi) trú tại tổ 8 phường Nguyễn Du và bà Trương Thị Long (64 tuổi, trú tại tổ dân phố Nam Tiến, phường Thạch Linh).
Những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo của các hộ dân tại Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ trong việc giảm gánh nặng về chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, tạo ra cơ hội thiết thực hơn cho các hộ khó khăn ở những địa phương khác. Đây cũng chính là vấn đề chủ điểm được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh đưa ra trong Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2019.
Ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: “Bên cạnh thay đổi hình thức, đẩy mạnh vận động Quỹ Vì người nghèo, trong tháng cao điểm này, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung phân loại đối tượng nghèo để có hình thức hỗ trợ sát hợp, hiệu quả, tạo sinh kế, xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững”.
Theo Hoàng Ngà (TTXVN)
Hà Tĩnh: Ai dung túng cho xe Phú Quý lộng hành công khai?
Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe của hãng xe Phú Quý "lướt" bến chính, lập "bến cóc" ngay tại "đại bản doanh" phòng vé, chạy xe trung chuyển "trá hình", gây thất thu ngân sách nhà nước, cạnh tranh không lành mạnh .
Phải chăng, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh "quên" xử lý?
"Đại bản doanh" của Cty CP Vận tải Phú Quý (xóm Bắc Thượng, xã Thạch Đài, Thạch Hà, Hà Tĩnh), luôn tấp nập xe giường nằm đón khách ngay tại văn phòng. Ảnh: LÊ MINH
Uy quyền như "xe vua"
Theo phản ánh, hàng chục chuyến xe khách của Công ty CP Vận tải Phú Quý (hãng xe Phú Quý - PV) được cấp phù hiệu chạy tuyến cố định từ bến xe khách Hà Tĩnh đi Nước Ngầm (Hà Nội) nhưng chỉ vào bến lấy lệ, còn mọi hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa đều ở 'bến cóc'. Giới kinh doanh vận tải ở Hà Tĩnh nói đó là "lợi thế" khiến xe hãng Phú Quý lúc nào cũng đông khách hơn các hãng khác?
Theo ghi nhận của Tạp chí Giao thông vận tải, cách bến xe Hà Tĩnh khoảng 200m, tại xóm Bắc Thượng, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, mấy năm gần đây hình thành một "bến lậu" mang thương hiệu Phú Quý. Tại đây, nhà xe đặt biển "văn phòng bán vé" để làm "vỏ bọc" cho việc "lướt" bến chính, mở "bến cóc" của mình.
Điểm văn phòng bán vé của hãng xe Phú Quý có diện tích khoảng 1.000m2, bên trong có rất nhiều ghế ngồi. Trong các khung giờ từ 21-23h trong nhiều ngày cuối tháng 9, PV ghi nhận hàng trăm hành khách được các xe trung chuyển của Phú Quý trực tiếp đón về bến cóc này để đi Hà Nội, thay vì phải đón khách ở bến xe khách Hà Tĩnh theo quy định.
Trong vai hành khách, chúng tôi tới văn phòng bán vé của hãng xe Phú Quý tại xóm Bắc Thượng, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Nhân viên tại đây cho hay: "Tối nay, chúng em có chuyến 22h40 phút, nếu anh chị đi Hà Nội thì giá vé xe ca-bin là 250.000 đồng. Xe dừng tại văn phòng này, anh ra trước đợi và lên luôn xe tại đây không phải vào trong bến nào cả".
Có mặt tại văn phòng lúc 22h, dù chưa đến giờ chạy nhưng có hàng chục khách khách đi xe Phú Quý đợi sẵn ở đây. Đến sát giờ chạy, nhà xe trực tiếp xếp ghế cho khách ngay tại trước cửa văn phòng, hoạt động nhộn nhịp, công khai, ngang nhiên thách thức cơ quan chức năng.
Cũng tại thời điểm trên, PV cũng nghi nhận có ít nhất 2 xe của hãng xe Phú Quý đồng loạt đón, trả khách, cộng thêm hàng chục chiếc taxi các hãng luôn đậu cạnh văn phòng đưa đón khách khiến giao thông tại khu vực trước cổng Bx khách Hà Tĩnh ách tắc nghiêm trọng.
Một 'bến cóc' khác của hãng xe Phú Quý nằm đối diện Bx khách Hà Tĩnh. Ảnh: LÊ MINH
Ở chiều ngược lại, các chuyến xe từ bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) về, theo đúng lịch trình tuyến, xe Phú Quý bắt buộc phải trả khách về đúng bến xe khách Hà Tĩnh. Tuy nhiên, tất cả khách hàng đi xe Phú Quý đều bị nhà xe tìm đủ cách để trở về "bến cóc" là văn phòng bán vé tại số 2 đường Hàm Nghi, và một "bến cóc" có "đại bản doanh" trên đường Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh. Khi khách hàng phản ánh, các nhân viên Phú Quý liên tục nói với khách hàng, "về đây cho tiện".
Trao đổi với PV, một người dân ở gần văn phòng xe Phú Quý cho biết: "Có khoảng 9 đến 10 xe của nhà xe Phú Quý ngày nào cũng đến đón khách và dừng tại đây. Họ còn đậu xe nghênh ngang giữa đường. Thường thì buổi đêm từ khoảng 21h cho đến 23h giờ họ đến đón khách làm ầm ầm khu vực này".
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết hành khách đi trên xe khách Phú Quý khi trả tiền trực tiếp chỉ nhận được tấm "phiếu đặt chỗ" không hề có vé theo quy định.
Bên cạnh đó, nhà xe "lướt" bến chính cũng đồng nghĩa với việc quản lý hoạt động của các chuyến xe bị buông lỏng, không kiểm soát được số lượng hành khách, lịch trình di chuyển, gây ra nhiều phức tạp về ANTT, ATGT trên địa bàn.
Trong khi đó, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đối với doanh nghiệp, thì các điểm bán vé và đỗ xe của các doanh nghiệp không được tổ chức đón, trả khách. Xe khách phải vào bến trước 30 phút để đón khách trước khi xuất bến. Ngoài ra, lái xe phải hoàn thành giấy xác nhận xuất bến về thời gian, số lượng khách, giá thành... nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Mặt khác, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đặc biệt nhấn mạnh: Theo quy định, các điểm văn phòng đại diện, điểm nhận chuyển hàng hóa của các đơn vị vận tải đều không được phép dừng, đỗ đón, trả khách. Trên các quốc lộ, cơ quan có thẩm quyền bố trí các điểm dừng đỗ, đón trả khách chung cho các tuyến vận tải hành khách cố định và thời gian dừng đỗ tối đa không quá 3 phút.
Công ty CP Vận tải Phú Quý biến điểm bán vé thành bến cóc. Ảnh: LÊ MINH
Không xử lý, có thể đặt nghi vấn "bảo kê"
Trước những vi phạm của hãng xe Phú Quý, trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia vận tải - cho biết: Việc nhà xe này "lướt" bến, cố tình mở "bến cóc", chạy sai luồng tuyến như vậy cần phải xử lý nghiêm theo quy định. Ở đây, chúng ta cần phải làm rõ, tại sao nhà xe mở "bến cóc" trong thời gian dài mà các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh không hề hay biết.
Đặc biệt, nhà xe mở "bến cóc", chạy xe dù chỉ cách bến có vài trăm mét, đó là sự vi phạm trắng trợn các quy định pháp luật, cần phải xử lý nghiêm. Chỉ có vậy, chúng ta mới xây dựng được quy định chuẩn mực, để các nhà xe tham gia vận tải hành khách cạnh tranh lành mạnh, nhà nước không thất thu ngân sách, và xã hội phát triển theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Thanh, để xảy ra vấn đề xe Phú Quý mở "bến cóc", chạy sai lộ trình là do việc quản lý chưa nghiêm của sở GTVT Hà Tĩnh. Phải chăng có sự "chống lưng" của một số cán bộ sở?. Để minh bạch vấn đề này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.
Được biết, cách đây ít ngày, Thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động của Công ty CP Vận tải Phú Quý. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, tới nay nhà xe Phú Quý vẫn ngang nhiên vi phạm?
Tạp chí Giao thông vận tải tiếp tục thông tin tới độc giả.
LÊ MINH
Theo Tạp chí GTVT
Người dân Nghệ An, Hà Tĩnh vật vã bởi nắng nóng trên diện rộng Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ đỉnh điểm lên tới 43 độ C. Nắng nóng với nền nhiệt cao khiến cuộc sống người dân đảo lộn, nguy cơ dịch bệnh, đuối nước đối với trẻ em. Cửa đóng then cài Từ sáng sớm, nắng bắt đầu xuất...