Nhiều người bị ông Đinh La Thăng cách chức được quay về ‘ghế cũ’
“ Trảm tướng” là từ liên tục được nói đến dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT. Tuy nhiên, nhiều người bị cách chức đã vừa được quay về ghế cũ.
Như đã đưa tin, ông Nguyễn Viết Hiệp, nguyên Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội từng bị mất chức liên quan dự định mua lô tàu đã qua sử dụng của Trung Quốc hồi đầu năm 2016 đã vừa được khôi phục chức vụ từ 1/1/2018.
Vớt vát danh dự hay tái bổ nhiệm sai?
Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), ông Vũ Anh Minh cho hay việc bổ nhiệm ông Hiệp bắt nguồn từ việc ông Trần Thế Hùng – Tổng giám đốc của Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội nhiều lần đề nghị được quay trở về đơn vị cũ (Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt). “Ông Hùng ít nhất 2 lần có đơn, chúng tôi phải tìm người. Cân đo đong đếm nhiều yếu tố, chúng tôi thấy anh Hiệp phù hợp nhất”, ông Minh cho hay.
Trả lời câu hỏi về việc ông Hiệp từng bị kỷ luật nay lại được tái bổ nhiệm có đúng quy định? Ông Minh (từng là tổ trưởng tổ công tác làm rõ sự việc định mua lô toa tàu Trung Quốc tại ĐSVN thời còn là Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp – Bộ GTVT) cho hay sau khi sự việc dự định mua lô tàu Trung Quốc được làm rõ, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT ra nghị quyết, trong đó không có việc kỷ luật ông Hiệp. “Không có bất cứ quyết định nào kỷ luật ông Hiệp về vụ việc đó. Việc bổ nhiệm lại là phù hợp” – ông Minh nói.
Ông Nguyễn Viết Hiệp cho biết việc ông về lại Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội sẽ vất vả hơn so với làm lãnh đạo một ban chuyên môn, nhất là khi nguồn vốn đầu tư vào đường sắt vẫn còn rất khó khăn. “Tuy nhiên, tôi cũng mừng vì ít nhất lấy lại được danh dự sau sự việc trước đây”, ông Hiệp nói.
Trước đó, Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội gửi công văn đề nghị Bộ GTVT xem xét mua 160 toa tàu từ Trung Quốc. Khi nghe thông tin này, ông Đinh La Thăng lúc đó là Bộ trưởng GTVT đang chuẩn bị vào nhậm chức Bí thư TP.HCM lập tức chỉ đạo cách chức người đề nghị. Là người ký văn bản gửi Bộ GTVT nên ông Hiệp bị mất chức, chuyển sang làm Phó ban Kế hoạch – Kinh doanh của Tổng công ty ĐSVN.
Nguyên Chủ tịch HĐTV ĐSVN Trần Ngọc Thành lúc đó khẳng định việc kỷ luật ông Hiệp là xác đáng vì không đúng chủ trương của tổng công ty. Tuy nhiên, các tài liệu rò rỉ sau đó cho thấy, chính ông Trần Ngọc Thành có bút phê cho phép thực hiện nhanh việc mua toa tàu.
Sau đó, Bộ GTVT lập tổ kiểm tra và kết luận: Lãnh đạo ĐSVN làm sai chủ trương của Thủ tướng (tập trung phát triển công nghiệp đường sắt trong nước, không mua phương tiện thiết bị cũ), cung cấp thông tin thiếu chính xác cho báo chí nên đề nghị xem xét kỷ luật, kiểm điểm nhiều trường hợp, trong đó đứng đầu là Chủ tịch HĐTV ĐSVN. Sau đó, ông Thành vẫn không chấp nhận kết luận này, tháng 12/2016, ông Thành đột ngột nộp đơn xin nghỉ hưu trước.
Lễ chuyển giao nhiệm vụ giữa ông Trần Thế Hùng và ông Nguyễn Viết Hiệp (ngoài cùng bên phải) tại Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội. “Đúng quy trình”, xóa bỏ gia đình trị?
Trường hợp thứ hai cũng được bổ nhiệm lại đúng vị trí đã bị mất chức dưới thời ông Đinh La Thăng là ông Phạm Tuấn Anh. Ông Phạm Tuấn Anh, sinh năm 1982, là con trai ông Phạm Đình Vận, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam.
Ngày 21/2/2014, sau khi ông Vận nhận quyết định nghỉ hưu, em trai ông Vận là ông Phạm Quốc Súy nhận quyết định thay chức của anh trai. Trước thời điểm ông Vận nhận quyết định nghỉ hưu 2 ngày (ngày 19/2/2014), ông Vận ký quyết định bổ nhiệm con trai là Phạm Tuấn Anh (đang là Trưởng phòng an toàn hàng hải) làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam.
Tháng 4/2014, ông Đinh La Thăng (khi đó là Bộ trưởng GTVT) đã yêu cầu Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam thu hồi quyết định bổ nhiệm đối với ông Phạm Tuấn Anh. Sau đó, ông Phạm Tuấn Anh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu. Tháng 7/2015, ông Phạm Tuấn Anh đã trở lại chức vụ từng bị ông Đinh La Thăng cách chức.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 4/1, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Nam Bùi Thế Hùng cho hay ông Phạm Tuấn Anh lúc đó rời vị trí phó tổng giám đốc vì một số chỉ tiêu chưa đạt. Sau đó, ông Tuấn Anh được luân chuyển công tác để bồi dưỡng thêm, khi có phó tổng giám đốc khác nghỉ việc, ông Tuấn Anh được bổ nhiệm lại đúng quy trình.
Ông Hùng từng là Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Bắc, đổi vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam cho ông Phạm Quốc Suý. Theo ông Hùng, việc này cũng góp phần làm giảm đi những đồn đại về sự “gia đình trị” của Tổng công ty Đảm bảo Hàng hải miền Nam được chỉ ra dưới thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT.
Dưới thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT nhiều lãnh đạo khác bị mất chức như Tổng giám đốc ĐSVN Nguyễn Đạt Tường; ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt; Chủ tịch HĐQT Cienco1 Phạm Dũng cũng bị kỷ luật, xin nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra, một số cán bộ khác bị đình chỉ tạm thời như Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 1 Nguyễn Quốc Bình, ông Lưu Đình Tiến – người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy…
Bị cách chức phải thực sự xuất sắc mới được quay lại
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng việc một người bị cách chức rồi được phục hồi chức vụ như ở Bộ GTVT có thể xảy ra. Thứ nhất, người bị cách chức oan sai, cần được phục hồi, thậm chí được xin lỗi, đền bù. Thứ hai, người đó bị cách chức đúng nhưng có quá trình phấn đấu xuất sắc nên được bổ nhiệm lại. Tuy nhiên, trường hợp này theo ông Hùng rất khó có thể xảy ra.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, người liên tục theo dõi hoạt động của ngành GTVT cho rằng về các cán bộ đã bị cách chức rồi được bổ nhiệm lại, nếu việc cách chức đúng thì người đó phải có quá trình phấn đấu thực sự xuất sắc, chứ không thể có thành tích bình thường rồi được bổ nhiệm lại. “Việc bổ nhiệm lại người không có nỗ lực xuất sắc sẽ không tránh khỏi nghi ngờ về sự tuỳ tiện, lợi ích nhóm, ngăn cơ hội thăng tiến của người khác trong công tác cán bộ” – ông Thủy nói.
Những vụ án kinh tế nghiêm trọng liên quan tới ông Đinh La Thăng. Nguồn: VNE
Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)
Xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Những ai không bị áp giải ra tòa?
Trong vụ án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đa số các bị can đang bị tạm giam, chỉ có một số trường hợp được hưởng tại ngoại.
Ông Đinh La Thăng hiện bị tam giam tại Trại tạm giam T16 Bộ Công an (ảnh IT).
Tại phiên tòa xét xử sở thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ngày 8.1, những bị can đang bị tạm giam sẽ được lực lượng Công an áp giải đến trụ sở TAND TP. Hà Nội.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, có 17/22 bị can đang bị tạm giam, trong đó có ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV của PVN, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Đức Thuận...
Những trường hợp được tại ngoại sẽ tự đến tòa theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không có lý do chính sẽ bị áp giải. Những bị can được hưởng tại ngoại gồm ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng GĐ của PVN, Nguyễn Ngọc Quý nguyên Phó Chủ tịch HĐQT của PVC, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên. Tất cả cùng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp của ông Phùng Đình Thực, cáo trạng của Viện KSND Tối cao nêu rõ: Trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thực đã cùng ông Đinh La Thăng có hành vi sai phạm trong việc chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.112 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng gần 1.116 tỷ đồng không đúng mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.
Ông Thực là người bị khởi tố cuối cùng trong số 22 bị can của vụ án. Ngày 20.12.2017, Cơ quan điều tra tống đạt Quyết định khởi tố và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Thực cũng là ngày Cơ quan điều tra ban hành bản kết luận điều tra, đề nghị truy tố 22 bị can.
Trường hợp bị can Lại Thị Anh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa bị truy tố tội Tham ô tài sản. Bị can cũng được tại ngoại. Cáo trạng xác định, bị can Hoa cùng chồng là Nguyễn Thành Quỳnh có hành vi giúp sức cho Lương Văn Hòa, nguyên GĐ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch trong việc lập, ký 4 hợp đồng khống và hồ sơ thành quyết toán 4 hạng mục để Lương Văn Hòa rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban quản lý điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch (trong số hơn 13 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh hưởng 4 tỷ đồng). Vợ chồng Hoa - Quỳnh được ăn chia số tiền gần 2 tỷ đồng, sau đó đã dùng gần 1,2 tỷ đồng để nộp thuế cho Nhà nước.
Trong vụ án này chồng của Lại Thị Anh Hoa cũng bị truy tố về tội Tham ô tài sản và đang bị tạm giam. Hai vợ chồng bị can này cũng đã nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 977 triệu đồng.
Theo quy định của pháp luật, áp giải được hiểu là biện pháp dẫn giải có vũ trang để buộc đối tượng đi đến một địa điểm đã định theo lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc trong trường hợp khác do pháp luật quy định. Dẫn giải được dùng trong trường hợp khi được triệu tập nhưng đối tượng được triệu tập không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp áp giải đến địa điểm được yêu cầu.Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì áp giải được áp dụng trong các trường hợp: Bị can, bị cáo trong trường hợp đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng; Người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị buộc tội.- Dẫn giải có thể áp dụng đối với: Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
Theo Danviet
Phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ không có vành móng ngựa Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo vào ngày 8.1, TAND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện mô hình phòng xét xử mới, các bị cáo sẽ không phải đứng trước vành móng ngựa. Ông Đinh La Thăng phải hầu tòa ngày 8.1. Ảnh: IT. Chiều 8.1, trao đổi với PV Dân Việt, Thẩm phán Nguyễn Hữu...