Nhiều khu dân cư tại TP HCM sạch đẹp hơn nhờ giảm xả rác
Để giảm đáng kể tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các khu dân cư từ nội thành đến ngoại ô TP HCM đều có những cách làm hay
Sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy TP HCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, người dân ở nhiều khu dân cư tại TP HCM đã chuyển biến về nhận thức và hành động, tạo ra những khu dân cư sạch đẹp.
Công viên tại địa chỉ 92A29, đường Gò Ô Môi, khu dân cư Savimex, phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM trước đây là một bãi rác tự phát ô nhiễm.
Công viên Khu dân cư Savimex ở số 92A29 đường Gò Ô Môi, phường Phú Thuận, quận 7 giờ đây là nơi tập thể dục, vui chơi của người dân. Trước đây, công viên vốn là một bãi rác tự phát với lượng rác mỗi ngày một đầy lên, do chính cư dân trong khu vứt ra. Khi có Chỉ thị 19, chính quyền vận động người dân để rác đúng nơi quy định, các đoàn thể đi nhắc nhở ngay những người đem rác ra đây vứt theo thói quen. Đồng thời, quận 7 đầu tư cải tạo bãi rác thành công viên, trồng cây xanh, cải tạo môi trường.
Theo anh Lê Mạnh Tuyên, một người dân sinh sống tại đây chia sẻ, đa số người dân đều có ý thức giữ gìn công viên sạch đẹp, người nào kém ý thức cũng thấy ngại khi xả rác bừa bãi: “Khu vực này ngày xưa nó là bãi rác, đa số người dân tập trung rác về đây nhiều nhưng sau này người dân phường Phú Thuận có ý thức, rác để đúng vị trí, không xả rác ra đường và khu vực xung quanh theo chỉ thị 19 của UBND Thành phố, người dân chấp hành nghiêm túc. UBND Thành phố cải tạo, nâng cấp lên thành công viên, vui chơi xanh sạch đẹp”.
Khẩu hiệu không xả rác ra đường và kênh rạch được treo trên tường trong công viên nhắc nhở người dân có ý thức về môi trường.
Trên kênh rạch cũng vậy, tình trạng rác thải giảm rõ rệt. Đoạn kênh Bến Nghé chảy qua khu dân cư đường Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4 trước đây liên tục có những bè rác nối dài thì giờ không còn nữa. Đó là do người dân ở các vùng trên khu vực này giảm hẳn tình trạng xả rác ra kênh và chính người dân hai bên đoạn kênh này cũng vậy.
Ông Phan Hoàng Long, Tổ phó Tổ An ninh trật tự phường 1, quận 4 cho biết, khi các khu dân cư, các địa phương cùng thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” thì dòng kênh mới trong và sạch được. Chứ nếu nơi thực hiện nơi không thì không hiệu quả. Người dân trong phường 1 thấy kênh sạch sẽ hơn thì cũng ý thức giữ gìn môi trường, tìm cách xử lý rác thải sinh hoạt của gia đình mình tốt nhất, không ảnh hưởng đến xung quanh: “Dân ở đây nghe đài, xem ti vi người ta biết, mỗi ngày người ta dồn rác vô thùng hay bao rồi có xe lại lấy trên bờ. Không khí trong lành hơn trước nhiều, trước hôi lắm. Dòng kênh trong đỡ lắm, trong trở lại rồi”.
Những thùng rác nhựa tái chế được người dân Ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM đặt ở ngoài mỗi gia đình nhằm hạn chế vứt rác bừa bãi và giảm tải cho các thùng rác của công ty môi trường.
Để giảm đáng kể tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các khu dân cư từ nội thành đến ngoại ô TP HCM đều có những cách làm hay. Tại xã ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, để tránh rác tràn ra đường mỗi khi đầy ứ và quá tải, mỗi gia đình đều sáng tạo thêm một thùng rác tự chế bên cạnh những thùng rác của công ty môi trường.
Ông Đoàn Hòa, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, ấp 3, xã Tân Kiên cho biết, chính quyền xã đã lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 19 vào xây dựng nông thôn mới, phát tờ rơi tuyên truyền đến từng hộ dân, hướng dẫn cách làm. Từ đó, mọi người nhắc nhau không vứt rác bừa bãi, có ý thức bảo vệ môi trường. Bộ mặt xóm ấp, đường sá khang trang và sạch đẹp lên: “Nói chung cách đây một năm tình trạng rác họ vứt ra nhiều bây giờ trong quá trình xây dựng nông thôn mới người dân họ cải thiện, họ thấm nhuần từ từ, đến bây giờ không còn tình trạng đó. Mỗi nhà có thùng rác chứa rác theo phương thức vệ sinh môi trường, theo chỉ thị 19 tuyên truyền.
Video đang HOT
Chị Hoàng Thị Thu Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 1, TP HCM cho biết, Hội thực hiện cuộc vận động này bằng cách hướng dẫn chị em đi chợ bằng túi xách dùng nhiều lần, món nào cần gói lại thì dùng túi giấy, ở nhà cũng dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa: “Thực hiện cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, phải nói rằng nhận thức của người dân và trách nhiệm cấp độ hội cao hơn. Trước đây dùng chai nhựa nhưng bây giờ trang bị bình uống nước thủy tinh, giỏ đi chợ cũng thân thiện với môi trường. Người dân cũng ít xả rác ra môi trường, rồi thương nhân ở chợ cũng chuyển sử dụng túi thân thiện với môi trường”.
Từ thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, đã có 517 trong 600 “điểm đen” về rác được cải thiện một phần hoặc toàn bộ. Trong đó, có 65 điểm trở thành sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên… Cuộc vận động đã đem đến sự thay đổi từ nhận thức thành hành động của mỗi công dân./.
Thúy Mai
TP HCM tăng tốc "thông minh hóa" đô thị
TP HCM sẽ mở rộng "thông minh hóa" dần ra mọi khía cạnh xã hội để tăng cường kết nối toàn diện và đồng bộ.
Cuối năm 2017, UBND TP HCM đã công bố đề án tự xây dựng một TP thông minh (smart city) đầu tiên của Việt Nam vào năm 2020. Mục tiêu của đề án là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách phát triển theo hướng kinh tế số, dựa trên tri thức, thực hiện quản lý đô thị hiệu quả, nâng cao chất lượng môi trường sống, làm việc và tăng cường sự tham gia của người dân vào việc quản lý đô thị.
Con người là trung tâm
Năm 2019 vừa qua, chúng ta chứng kiến sự quyết liệt và quyết tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết của toàn bộ máy quản lý, từ cấp lãnh đạo cao nhất của trung ương và của TP HCM để đẩy mạnh các dự án xây dựng TP thông minh - đô thị thông minh (ĐTTM). Không ai có thể phủ nhận tiềm lực của TP từ con người tới tri thức, công nghệ và cơ sở hạ tầng... để xây dựng ĐTTM.
Công nghệ thông tin sẽ giúp TP HCM cải thiện tình hình giao thông Ảnh: Gia Minh
Ngày 13-12-2019, đoàn giám sát kết quả thực hiện Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM đã đến giám sát thực tế tại các trung tâm: Điều hành giao thông thông minh, Điều hành ĐTTM và Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội. Đề án ĐTTM của TP HCM có 5 cấu phần cụ thể, gồm: Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm dự báo mô phỏng, trung tâm điều hành và trung tâm bảo đảm an ninh mạng. Từ thực tiễn và nhìn tới tương lai, TP HCM đã xác định xây dựng ĐTTM với con người làm trung tâm và gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4.
Trước đó, cuối tháng 6-2019, tại hội nghị sơ kết, đánh giá 18 tháng triển khai Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025", Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "TP HCM là địa phương duyệt đề án xây dựng ĐTTM sớm trong cả nước. Do chưa có thực tiễn nên khi bắt đầu cũng thấy "quá sức", tuy nhiên, TP HCM xác định đổi mới quản lý gắn với ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp khả thi để phát triển TP. Bí thư Thành ủy chỉ đạo trong thời gian tới, TP HCM phải tăng tốc để chuyển sang giai đoạn ứng dụng rộng rãi trước tiên ở cấp TP, sở, ngành, quận, huyện.
Một ĐTTM phải có khả năng kết nối, liên kết và mở rộng. Có lẽ chưa bao giờ việc triển khai đề án của TP HCM thuận lợi như hiện nay. Bộ máy chính trị và các ban, ngành quản lý đã có nhận thức và ý chí rõ ràng. Các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng rộng trong nước và quốc tế tích cực tham gia. Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4". Như vậy, ngay từ cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo đất nước cũng đã nhập cuộc, đây chính là nền tảng vững chắc cho TP HCM thực hiện đề án xây dựng ĐTTM.
Chuyển đổi số là xương sống
Liệu TP HCM có thể đạt được mục tiêu trở thành ĐTTM trong năm 2020? Theo chúng tôi, với những gì TP đã đạt được cho tới nay, cho dù ở kịch bản xấu nhất, chắc chắn TP HCM vẫn có thể là một ĐTTM ở một cấp độ nào đó.
Thực tế, TP HCM đã cụ thể hóa được 5 cấu phần chính của một ĐTTM và về lý thuyết, kết quả thực hiện đề án được đánh giá dựa trên các cấu phần này. ĐTTM là một khái niệm không cụ thể và có tính linh hoạt cao, không có chuẩn mực chung mà tùy từng địa phương xây dựng những mục tiêu riêng. Các địa phương sẽ có thể phát triển tốt hơn nếu khai thác hiệu quả các nền tảng và đặc trưng của cuộc CMCN lần thứ 4. Cùng với chuyển đổi số là xương sống, ĐTTM còn dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với những cấp độ cao hơn (như máy học, học sâu...) và một hệ sinh thái AIoT (trí tuệ nhân tạo cho vạn vật). ĐTTM không phải chỉ đơn giản là một đô thị được số hóa mà phải là một đô thị được vận hành thông minh trên nền công nghệ và tự động hóa cao có thể dùng AI để xử lý nhiều vấn đề của xã hội.
Không nên tham vọng nhiều, TP HCM chỉ cần thực hiện tốt nhất có thể 5 thành phần cấu thành của ĐTTM (như trong đề án đã cụ thể hóa) là đã tạo ra chuyển biến thấy rõ cho công cuộc phát triển và tăng trưởng của mình. Điều mấu chốt vẫn là tính thực tế, liên thông và đồng bộ. Từ những thành phần cấu thành cốt lõi đó, TP sẽ mở rộng "thông minh hóa" dần ra mọi khía cạnh xã hội để tăng cường yêu cầu toàn diện và đồng bộ, như công nghệ tài chính, ngân hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...
Sau năm 2020, sẽ quản lý giao thông thông minh toàn TP
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, giai đoạn 1 từ năm 2019 đến 2020, sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông để giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực trung tâm TP. Hiện trung tâm đã cơ bản đáp ứng chức năng giám sát, điều khiển đèn giao thông và cung cấp thông tin, hỗ trợ xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông. Giai đoạn 2 (sau năm 2020) sẽ hoàn thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh với quy mô toàn TP, là "trái tim" của toàn bộ hệ thống giao thông của TP, kết nối với tất cả thiết bị ngoại vi thông qua một hệ thống truyền thông tiên tiến và tích hợp với các hệ thống quản lý giao thông chính đang hoạt động tại TP. G.Minh
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt dịch vụ công
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2020.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đổi mới và hoàn thiện hạ tầng công nghệ nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số; tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã trình và triển khai đề án Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (fintech); báo cáo cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) tại Việt Nam; đề án thử nghiệm các mô hình thanh toán mới...; ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...)... phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm.
T.Phương đại diện Trung tâm Quản lý đường hầm sông sài gòn:
Nhiều kênh thông tin về kẹt xe
Cổng Thông tin giao thông TP HCM do đơn vị quản lý hiện mang lại nhiều tiện ích, cho người dân theo dõi và phản ánh các thông tin giao thông. Thống kê sau hơn 2 năm vận hành, cổng thông tin này hiện có khoảng 6,7 triệu lượt truy cập trên website và di động. Hiện công cụ tra cứu thông tin giao thông cũng đã được tích hợp qua chức năng trợ lý ảo trên nền tảng ứng dụng Zalo, mang lại nhiều hiệu quả. Lượng người dùng tương tác ngược lại hiện ngày càng tăng và để thông tin có thể truyền tải trực tiếp đến người dùng, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp cung cấp thông tin liên tục về tình hình giao thông như đông xe, ùn tắc... Cụ thể là thông qua 70 bảng thông tin giao thông điện tử lắp đặt tại một số khu vực giao thông trọng điểm, cửa ngõ ra vào TP, các kênh phát thanh VOV, VOH...
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Ví điện tử MoMo:
Hướng đến siêu ứng dụng
Trong năm 2019, MoMo đã mở rộng hệ sinh thái chấp nhận thanh toán từ các dịch vụ: thu hộ tiền điện, nước; mua vé máy bay, tàu, phim, bảo hiểm hay đơn giản chỉ là mua ly nước cam, ổ bánh mì ở vỉa hè... Đặc biệt đẩy mạnh thanh toán trong mảng dịch vụ công dù ở lĩnh vực hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục... vẫn gặp khó khăn vì kinh phí thấp, hệ thống hạ tầng không đồng bộ. Năm 2020, thị trường thanh toán điện tử chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ bởi đã hội đủ các yếu tố cần thiết từ Việt Nam có quy mô dân số lớn đặc biệt là dân số trẻ, có khả năng tiếp cận các xu hướng, phong cách sống mới. MoMo đang chuyên biệt hóa, tự tạo ra sản phẩm trở thành một siêu ứng dụng tài chính - công nghệ - giải trí, chỉ trên một ứng dụng.
Ông Trần Khải Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank):
Giao dịch đa kênh, đa tiện ích
Nam A Bank vừa ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, đặc biệt là ứng dụng AI. Khách hàng sẽ được trải nghiệm đa không gian giao dịch đón đầu xu hướng công nghệ 4.0 như: tablet, LCD Touch Screen, "chi nhánh số" VTM OPBA... Hệ sinh thái này được kết hợp với kênh ứng dụng trên nền tảng Open Banking của Nam A Bank. Mọi nhu cầu tài chính của khách hàng sẽ được đáp ứng 24/7 khi có thể giao dịch đa kênh, đa tiện ích. "Chi nhánh số" VTM OPBA khi được triển khai sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch ngân hàng của khách hàng từ rút tiền, in/xem sổ phụ tài khoản, thậm chí là phát hành thẻ và có nhân viên hỗ trợ 24/7 thông qua hệ thống tương tác video trên máy VTM OPBA mà không cần đến quầy giao dịch.
Th.Phương - G.Minh ghi
Phạm Hồng Phước
Theo Người lao động
Nhật ký một ngày khám phá "nơi tách biệt trần thế" của gái xinh Đà Lạt, hóa ra Tây Bắc có chỗ lạ đến thế sao? Được gọi là bản Cu Vai, chắc hẳn nhiều bạn sẽ tò mò lắm với nơi được mệnh danh là "tách biệt trần thế" giữa Tây Bắc như thế này! Nhắc đến Tây Bắc là khơi gợi trong lòng bao tín đồ du lịch một sự "cuồng chân" không hề nhẹ. Thiên đường quanh năm được bao phủ bởi mây mù giăng kín...