Nhiều khoản đầu tư có vấn đề tại VietinBank, PTI, VDB…
Kiểm toán Nhà nước nêu cụ thể nhiều khoản đầu tư không hiệu quả, thậm chí có khả năng mất vốn tại một số ngân hàng và tổ chức tài chính.
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội cho biết, liên quan đến nợ công, hiện còn tồn đọng một số dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ có nợ quá hạn.
Cụ thể, đến 31/12/2018, có 54 dự án cho vay lại được thực hiện từ trước năm 2010 quá hạn (ủy thác qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 43 dự án, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 8 dự án; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) 3 dự án) với dư nợ là 5.122 tỷ đồng, trong đó các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán là 3.551,68 tỷ đồng.
Năm 2018 còn phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 2 dự án Chính phủ bảo lãnh 1.184 tỷ đồng.
Kết quả chung về kiểm toán nợ công cũng được nêu tại báo cáo. Theo đó, dư nợ công đến 31/12/2018 là 3.232.411 tỷ đồng, bằng 58,3% GDP thực hiện (3.232.411/5.542.300 tỷ đồng). Mặc dù các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước nhưng dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng 159.117 tỷ đồng tương đương 5,18% so với năm 2017.
Kiểm toán Nhà nước nhận định, nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với ngân sách nhà nước (NSNN) (chi trả phí, lãi vay) và quản lý nợ công (vay để trả nợ gốc) trong cả hiện tại và tương lai.
Năm 2018, hệ số trả nợ của Chính phủ so với tổng thu NSNN ở mức 12,3% (230.823/1.880.029 tỷ đồng), trong đó chi trả nợ lãi 104.443 tỷ đồng bằng 146% tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương và bằng 68,2% bội chi NSNN năm 2018.
Khái quát kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 10 tổ chức tài chính, ngân hàng, Tổng Kiểm toán nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân cả năm 1,48%, lạm phát bình quân ở mức 3,54%, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng 12%.
Hầu hết các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động (trừ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam), kinh doanh có lãi hoặc chênh lệch thu chi dương (trừ VDB).
Song, lãi suất cho vay bình quân năm 2018 tăng so với năm 2017, không đạt mục tiêu giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ. Một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước cũng điểm danh một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Cụ thể như Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) lãi từ hoạt động đầu tư ngắn hạn và dài hạn chỉ đạt 0,1%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, đến 31/12/2018 phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư 163 tỷ đồng; góp 88 tỷ đồng thành lập Công ty CP Bất động sản Bưu điện từ năm 2008 chỉ nhận được 1 tỷ đồng cổ tức, đến 31/12/2018 lỗ lũy kế 0,5 tỷ đồng.
Video đang HOT
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, PTI ủy thác đầu tư 34 tỷ đồng thời hạn 2 năm cho Công ty CP Bất động sản Bưu điện để đầu tư Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), dự án chậm tiến độ, hết thời hạn ủy thác chưa thu hồi được vốn đầu tư phải gia hạn hợp đồng ủy thác; rồi khoản ủy thác cho vay 45 tỷ đồng để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long cho vay Công ty CP Vận tải biển VISHIP đã quá hạn từ năm 2011, thu hồi từ việc bán đấu giá tài sản được 6,6 tỷ đồng, số còn lại phải trích lập dự phòng 100%.
Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đến 31/12/2018 trích lập dự phòng 239/711 tỷ đồng vốn đầu tư, năm 2018 không được nhận cổ tức từ 25 đơn vị DATC đầu tư dưới hình thức chuyển nợ thành vốn góp (580 tỷ đồng) do các đơn vị hoạt động cầm chừng, sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BHBV) phải trích lập dự phòng 100% khoản đầu tư 72 tỷ đồng tiền gửi tại Công ty CP Cho thuê tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 95% khoản đầu tư 190 tỷ đồng trái phiếu Vinashin; đã thanh lý hợp đồng ủy thác BIDV cho Công ty TNHH đèn hình Orion Hannel vay vốn năm 2004 nhưng chưa thu được 25,4 tỷ đồng tiền lãi.
Đáng chú ý, Ngân hàng Công thương Việt Nam ( VietinBank) có khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có khả năng mất vốn 1.070 tỷ đồng, với số lãi chưa thu được 532 tỷ đồng, theo Kiểm toán Nhà nước nêu.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) góp 3.690 tỷ đồng vào Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam để đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Dự án chưa cân đối được dòng tiền, VDB không thu được lợi nhuận kể từ khi góp vốn năm 2007. Nợ xấu tại 31/12/2018 của VDB chiếm 17,2% tổng dư nợ.
Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Sở Giao dịch 1- VDB giải ngân cho vay Công ty CP Tập đoàn Thái Hoà Việt Nam chưa chặt chẽ, Công ty có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hoá giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn và không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay, nợ khó có khả năng thu hồi tại 31/12/2018 của Công ty là 337,1 tỷ đồng.
"Điểm danh" những ngân hàng bị kiểm toán năm 2019
Năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán tình hình hoạt động kinh doanh và nợ xấu tại một số ngân hàng thương mại.
Lỗ lũy kế đến 31/12/2018 của VDB gần 5.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)
Báo cáo của KTNN về công tác kiểm toán năm 2019 cho thấy VDB đang lỗ nặng. Hoạt động tín dụng thời gian qua của VDB gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 của VDB âm hơn 866 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2018 gần 5.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, báo cáo chỉ rõ nợ xấu đến thời điểm 31/12/2018 hơn 46.000 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ. Trong khi đó, việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ gần 6.000 tỷ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu.
Đặc biệt, số liệu bù chênh lệch lãi suất mà ngân sách nhà nước phải cấp bù cho VDB tại thời điểm 31/12/2018 rất lớn, lên tới 13.496 tỷ đồng.
Ngoài ra, KTNN đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại VDB.
Trường hợp thứ nhất là Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ. Dư nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 mà công ty không trả được là gần 343 tỷ đồng. Công ty không minh bạch trong việc sử dụng vốn vay, không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.
Trường hợp thứ hai là Công ty Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng (Công ty đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay). KTNN cho biết Sở Giao dịch 1 của VDB chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)
Sau đợt kiểm toán của KTNN, Vietinbank cho biết, nhà băng đã nhận được công văn số 538/KTNN-TH ngày 21/11/2019 của KTNN về việc gửi Báo cáo kiểm toán năm 2018 của VietinBank.
Theo đó, VietinBank đã thực hiện điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính (BCTC) riêng lẻ và hợp nhất năm 2018 được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập theo báo cáo kiểm toán của KTNN.
Việc điều chỉnh số liệu BCTC kiểm toán năm 2018 được thực hiện cho số liệu đầu kỳ BCTC quý IV/2019; các số liệu trên BCTC quý I, II và III/2019 giữ nguyên không thay đổi.
Lợi nhuận sau thuế năm 2018 giảm 139 tỷ xuống còn 5.277 tỷ đồng.
Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng được điều chỉnh giảm 120 tỷ đồng, từ 14.256 tỷ đồng xuống 14.084 tỷ; chi phí dự phòng rủi ro tăng từ 7.751 tỷ đồng lên 7.803 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của VietinBank giảm gần 172 tỷ đồng, xuống còn 6.559 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp 1.281 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2018 giảm 139 tỷ xuống còn 5.277 tỷ đồng.
Trong các khoản mục được điều chỉnh tại Bảng cân đối kế toán, khoản mục lãi và phí phải thu có sự thay đổi mạnh nhất khi giảm gần 308 tỷ đồng so với báo cáo kiểm toán trước đó.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Kiểm toán xác định, tính đến cuối năm 2018, BIDV có 5.450 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn, 6.182 tỷ đồng nợ nghi ngờ, 7.170 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn. Theo đó, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tới phần lớn (38%) trong cơ cấu nợ xấu của ngân hàng.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của BIDV tăng từ 1,69% lên 1,9%. Bên cạnh đó, BIDV còn có 14.138 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, giảm 27% so với đầu năm, trong đó trích lập dự phòng 7.676 tỷ đồng.
Năm 2018, tổng thu nhập hoạt động của BIDV đạt 44.483 tỷ đồng, tăng 14% và cũng là mức cao nhất trong các NHTMCP. Tuy nhiên, với 16.117 tỷ đồng chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 18.893 tỷ đồng; lợi nhuận của BIDV chỉ còn lại 9.4723 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017.
Cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,31 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 988.739 tỷ đồng, tăng 14,1%. Huy động tiền gửi của khách hàng đạt 989.671 tỷ đồng, tăng 15,1%.
Báo cáo cũng cho biết, trong năm 2018, ngân hàng đã chi 7.620 tỷ đồng để trả thu nhập cho cán bộ nhân viên. Với 25.237 nhân viên trong năm, thu nhập bình quân tháng của nhân viên BIDV là 25,16 triệu đồng, tăng nhẹ so với mức 24,08 triệu đồng năm 2017.
Tiếp tục kiểm toán một số ngân hàng trong năm 2020
Trong năm 2020, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2018 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam lọt vào tầm ngắm của KTNN trong năm 2020
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án "Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng"; Đề án "Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" và việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42.
Theo đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tại: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Nguyễn Long
Theo Enternews.vn
Năm 2020: Nhà băng nào trong "tầm ngắm" kiểm toán? Theo "Kế hoạch kiểm toán năm 2020" vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố, ngoài Ngân hàng Nhà nước sẽ có 3 ngân hàng thương mại (NHTM) nằm trong danh sách kiểm toán năm 2020... (PLVN) - Theo "Kế hoạch kiểm toán năm 2020" vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố, ngoài Ngân hàng Nhà nước sẽ có 3...