Nhiêu khê chuyện bảo hiểm tai nạn tàu cá
Chính sách Bảo hiểm thủy sản (BHTS) theo Nghị định 67/2014-NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản thực sự là niềm vui lớn cho ngư dân khi giúp chủ tàu giảm bớt gánh nặng tiền mua bảo hiểm.
Ngư dân Trình A bày tỏ bất bình với những lý do Công ty Bảo hiểm Bảo Minh đưa ra để từ chối trả bảo hiểm tàu cá của ông bị nạn. Ảnh: Phương Oanh
Thế nhưng, đã có rất nhiều trường hợp tàu cá của ngư dân ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên gặp nạn trên biển, bị thiệt hại tài sản nhưng không được Công ty Bảo hiểm Bảo Minh giải quyết theo đúng hợp đồng bảo hiểm (Công ty này có trách nhiệm bán bảo hiểm và chi trả bồi thường cho ngư dân thuộc khu vực miền Trung). Điều đáng nói, những chứng cứ mà công ty này viện dẫn để từ chối bồi thường bảo hiểm chưa có tính thuyết phục đã gây nhiều bức xúc cho ngư dân bị nạn.
Mệt mỏi đi đòi bảo hiểm
Ngư dân Nguyễn Rờm ở phường 6, thành phố Tuy Hòa, chủ tàu cá PY92737 TS hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương cho biết, ngày 26-3-2018, tàu ông đang đánh bắt tại tọa độ 11 độ 52 phút 30 giây vĩ Bắc – 114 độ 47 phút 20 giây kinh Đông thì bị hỏng máy, không hoạt động được phải thả trôi tự do. Ông Rờm đã báo cáo Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng (thuộc Đồn Biên phòng Tuy Hòa, BĐBP Phú Yên), vận động các phương tiện đánh bắt ở gần đó đến hỗ trợ lai dắt đưa tàu về bờ sửa chữa.
Ngày 22-4-2018, tàu của ông Rờm đã được tàu cá PY 92519 của ngư dân Nguyễn Đình Nhân lai dắt về cảng cá phường 6. Ngay sau đó, ông Rờm đã làm thủ tục đề nghị bồi thường bảo hiểm gửi đến Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, nơi ông đã mua bảo hiểm. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng chờ đợi, sáng 19-7, ông được Công ty Bảo hiểm Bảo Minh gửi thông báo từ chối chi trả bồi thường bảo hiểm.
Theo Nghị định 67/2014-NĐ-CP đối với những trường hợp tàu bị hư hại nhưng vẫn có thể sửa chữa hoạt động được, công ty bảo hiểm phải thanh toán toàn bộ chi phí sửa tàu. Đối với phương tiện của ngư dân Nguyễn Rờm, toàn bộ kinh phí sửa chữa tàu và thuê phương tiện lai dắt tàu vào bờ khoảng 37 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cho rằng, tàu cá PY 92737 TS bị sự cố là do máy bị “hao mòn tự nhiên”. Và tổn thất này không thuộc phạm vi bồi thường bảo hiểm của công ty.
Video đang HOT
Không đồng tình về thông báo trên, ông Rờm cho biết, trước mỗi lần xuất bến, ông đều cho thợ kiểm tra máy móc rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chuyến biển bất chợt gặp sóng to, gió lớn, buộc ông phải vặn tay lái hết ga để vượt sóng. Trong tình cảnh đó, những sự cố máy móc như bị bể hộp số hay gãy trục không thể lường trước được. Và điều mà ông Rờm bất bình là trong số tiền 37 triệu đồng tiền bồi thường mà lẽ ra ông phải được hưởng, khoản tiền 1.700 lít dầu, ước tính khoảng 27 triệu đồng trả cho phương tiện lai dắt tàu về bờ cũng bị Công ty Bảo hiểm Bảo Minh coi như vô can.
Cũng như ông Rờm, chủ tàu cá bị nạn PY92709 TS Trần Văn Tú ở phường 6, thành phố Tuy Hòa đã nộp hồ sơ đề nghị bồi thường bảo hiểm, nhưng bị Công ty Bảo hiểm Bảo Minh từ chối. Ông Tú cho rằng, nói “máy móc hao mòn tự nhiên” là cách Công ty Bảo hiểm Bảo Minh “phủi tay” để từ chối chi trả bảo hiểm cho các trường hợp tàu thuyền bị nạn. Ông cũng cho biết, tàu của ông xuất bến ngày 4-5, ra biển hơn 10 ngày thì gặp áp thấp nhiệt đới, mưa to, sóng lớn, biển động dữ dội. Để giữ tàu không bị sóng gió nhấn chìm, ông đã mở lớn ga, chạy thẳng về hướng đảo. Thế nhưng, tàu đang chạy, cách bờ 370 hải lý thì đứng máy luôn, không hoạt động. Ông Tú buộc phải thả trôi tàu, đồng thời liên lạc, gọi đồng đội đến hỗ trợ. Sau hơn 4 ngày vượt sóng gió đi ứng cứu, hai chiếc tàu đồng đội của ông Tú mới đến để tiếp cận lai dắt tàu về bờ.
Theo ngư dân Trần Văn Tú, mỗi khi ngư dân bị nạn đề nghị bồi thường bảo hiểm, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh viện dẫn ra rất nhiều điều khoản để thoái thác. “Chúng tôi như bị rối mù khi họ nói Nghị định này, điều khoản nọ. Nghe còn không kịp hiểu hết thì lấy đâu nhiều chữ nghĩa để mà ứng đáp. Chỉ còn nước mệt mỏi rồi thì cũng phải bỏ cuộc”, ông Tú bày tỏ thất vọng.
Ai làm khó ngư dân?
Trung úy Phạm Văn Huân, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng cho biết: Hiện, thành phố Tuy Hòa có khoảng 20 trường hợp ngư dân bị Công ty Bảo hiểm Bảo Minh từ chối bồi thường bảo hiểm tàu cá vì lý do “hao mòn tự nhiên”. “Nếu biết trước máy móc không tốt, ngư dân sẽ không cho tàu ra biển. Bà con bỏ cả trăm triệu sắm phí tổn với mong muốn chuyến biển trở về có dư chút ít, để chia cho bạn. Chẳng có ai đưa chiếc tàu hỏng hóc ra biển rồi chờ xảy ra sự cố để lấy tiền bảo hiểm, chưa nói làm sao dám đánh đổi mạng sống cả 7, 8 con người” – Trung úy Huân khẳng định.
Là người thường xuyên dõi theo, nắm bắt khá rõ các vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền của ngư dân địa phương, ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, thành phố Tuy Hòa cho rằng, trên hồ sơ khi bán bảo hiểm thân tàu cho ngư dân, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh đã xác định giá trị thực tế của cả vỏ tàu, máy tàu, ngư cụ, đồng thời đưa ra tỷ lệ mức bồi thường khi xảy ra rủi ro. “Vậy thì tại sao Công ty Bảo hiểm Bảo Minh không thực hiện chi trả theo đúng cam kết như hồ sơ mua bảo hiểm” – ông Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá đặt câu hỏi.
Khi phóng viên Báo Biên phòng đặt vấn đề về những bức xúc của ngư dân, ông Bùi Văn Luận, Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Phú Yên giải thích: Lâu nay, theo quy tắc bảo hiểm thân tàu cá của các công ty bảo hiểm, trong trường hợp tổn thất xảy ra, cho dù hao mòn tự nhiên hoặc va chạm, va đập hoặc nguyên nhân do nhà sản xuất đều có hỗ trợ khoản lai dắt. Tuy nhiên, quy tắc bảo hiểm thân tàu cá theo Nghị định 67 của Bộ Tài chính, nếu tàu bị tổn thất do hao mòn tự nhiên sẽ không được bồi thường, kể cả lai dắt tàu về cũng không được hỗ trợ. “Nguyên tắc như vậy nên mặc dù Công ty Bảo hiểm Bảo Minh rất thông cảm cho một số ngư dân nhưng không thể làm sai quy định được”, ông Luận phân trần.
Lật hồ sơ giám định mà Công ty Bảo hiểm Bảo Minh trả về khi từ chối bồi thường bảo hiểm cho sự cố con tàu PY92709 của ngư dân Trần Văn Tú, chúng tôi bất ngờ khi tìm thấy Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá PY 92709 được cấp ngày 3-5-2018 và có giá trị đến hết ngày 2-5-2019, người ký là ông Đào Quang Minh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên.
“Để được Trạm Kiểm soát Biên phòng cho xuất bến, tàu cá của ngư dân phải đảm bảo đầy đủ thủ tục, đảm bảo an toàn. Trong đó, không được thiếu bất kỳ giấy tờ, thủ tục nào, từ Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên” – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phan Thuẩn khẳng định.
Như vậy, kết luận “hao mòn tự nhiên” của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh đối với tàu cá PY 92709 có thực sự khách quan không (?), nếu chưa nói nó bộc lộ quá rõ bất cập với Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật do Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cấp cho tàu cá này!
Không chỉ ông Tú, trong hồ sơ của ngư dân Nguyễn Rờm, Trình A và nhiều ngư dân khác bị Công ty Bảo hiểm Bảo Minh từ chối bảo hiểm, chúng tôi cũng thấy rõ bất cập này.
Thiết nghĩ, trước những rủi ro thiệt hại của ngư dân, chuyện bồi thường của bảo hiểm có ý nghĩa quan trọng trong việc bù đắp phần nào tổn thất giúp bà con tái đầu tư, phục hồi phương tiện sản xuất. Thế nhưng, cách ứng xử của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Phú Yên đã khiến cho ngư dân vốn đã khó khăn càng thêm mệt mỏi. Liệu về lâu dài Công ty Bảo hiểm Bảo Minh có giữ được niềm tin, chữ tín để tiếp tục kinh doanh bán bảo hiểm cho ngư dân hay không?”.
Phương Oanh
Theo bienphong
Sớm mở đường bay thẳng Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh và Brunei
Đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, sớm mở đường bay thẳng giữa Hà Nội/TP.Hồ Chí Minh và Brunei để thúc đẩy giao lưu giữa hai nước về mọi mặt, hỗ trợ ngư dân và các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản, ... là những nội dung đã được đề cập tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei Erywan Yusof.
Ngày 4/8/2018, tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei Erywan Yusof, hai bên bày tỏ vui mừng về những bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Brunei; phối hợp triển khai hiệu quả kết quả Kỳ họp lần thứ nhất Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam - Brunei (tháng 2/2017) và sớm thu xếp thời gian cho kỳ họp lần thứ 2 tại Brunei năm 2019.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei Erywan Yusof.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Yusof nhất trí thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước như nông nghiệp, nghề cá, giáo dục, du lịch...
Nhất trí với đề xuất của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Yusof khẳng định sẽ thúc đẩy các cơ quan chức năng của Brunei sớm cấp chứng nhận Halal cho các cơ sở sản xuất thực phẩm của Việt Nam; hoan nghênh Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo và hàng nông - thủy sản vào thị trường Brunei, qua đó hỗ trợ Brunei bảo đảm an ninh lương thực lâu dài.
Hai bên cho rằng cần sớm mở đường bay thẳng giữa Hà Nộ/TP.Hồ Chí Minh và Brunei để thúc đẩy giao lưu giữa hai nước về mọi mặt, sớm ký Thỏa thuận thiết lập Đường dây nóng trên biển để hỗ trợ ngư dân và các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản.
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác hiệu quả và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN, nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); phối hợp thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đưa Hiệp định này vào triển khai.
Theo baoquocte
Quảng Nam: Tàu cá cháy trên biển, 11 ngư dân may mắn thoát nạn Vào lúc 7 giờ ngày 3-8, ông Phạm Văn Châu, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNa 91199 TS, trú tại thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vào Trạm kiểm soát Biên phòng An Hòa, thông báo tàu cá của ông bị cháy và chìm trên biển, rất may được các tàu đánh cá gần đó...