Nhiều Hiệu trưởng tiết lộ phụ huynh phải è cổ gánh… sách giáo khoa
Sự thiếu minh bạch trong việc lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa là mảnh đất báu bở cho nhiều cá nhân trục lợi. Phụ huynh “è cổ” làm giàu cho nhiều người.
Những ngày gần đây dư luận xã hội nhiều lần lên tiếng về vấn đề sách giáo khoa quá cao, thậm chí có bộ sách có giá gấp 4 lần so với sách giáo khoa hiện hành.
Thực tế với giá sách giáo khoa hiện nay có thể nói đắt cũng đúng mà rẻ cũng đúng.
Bởi vì, sách giáo khoa thông qua nhiều cầu trung gian sẽ có mức giá khác nhau. Nhưng khi đến tay phụ huynh, học sinh đó là mức giá cuối cùng.
Bài viết xin chia sẻ một số quan điểm, câu chuyện của những hiệu trưởng “dũng cảm” tại một số địa phương lên tiếng tố cáo về sự thiếu minh bạch trong việc lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập.
Có thể nói đây vẫn là mảnh đất màu mỡ “hốt ra bạc” khiến nhiều cửa hàng không tiếc tiền chi đậm hoa hồng.
Theo cô T.H.T, một hiệu trưởng có thâm niên tại tỉnh Lào Cai, người trực tiếp tham gia lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho biết: Đây là một mảnh đất cạnh tranh khốc liệt và thường là sân sau của những vị quan chức.
Cô T. phân tích: “Thị trường cung ứng sách giáo khoa là mảnh đất mà ai cũng muốn nhảy vào. Lấy ví dụ như toàn huyện của tôi có khoảng vài vạn học sinh.
Mỗi học sinh chỉ cần mua một bộ sách giáo khoa thì tổng số tiền đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Cho nên đây là mảnh đất cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Trên thực tế giá sách giáo khoa từ nhà xuất bản cho khi đến tay phụ huynh là hai mức giá hoàn toàn khác nhau.
Vì giá sách giáo khoa đến tay phụ huynh đã phải trải qua nhiều cầu trung gian trong đó có các đại lý, nhà cung ứng sách, thiết bị đồ dùng học tập.
Thêm nữa giá sách còn tính cả công vận chuyển và tiền hoa hồng cho các cơ quan chuyên môn hoặc nhà trường”.
Việc lựa chọn nhà cung ứng sách giáo khoa hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho các cá nhân trục lợi (Ảnh minh họa:TTXVN.VN)
Để dễ hình dung cô T. ví von việc cung ứng sách giáo khoa cũng giống như việc lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm cho nhà trường.
Nếu trong trường có thể xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn thì chất lượng sách giáo khoa hoặc đồ dùng học tập hoàn toàn có thể kém chất lượng.
Cô T. cho biết: “Việc cung ứng sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho các trường đem lại nguồn lợi nhuận rất lớn.
Cho nên các cửa hàng sách, đơn vị cung ứng không ngại lo lót cho lãnh đạo Phòng và các trường. Thông thường ở các địa phương sẽ có 2 cách lựa chọn nhà cung ứng.
Một là, nhà cung ứng sẽ do Phòng giáo dục chỉ định. Hai là, các trường được phép lựa chọn nhà cung ứng sách.
Với cách làm thứ nhất, nhà trường hoàn toàn không có vai trò và quyền hạn trong việc lựa chọn nhà cung ứng, cửa hàng bán sách”.
Video đang HOT
Số tiền mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập nhân lên hàng vạn học sinh là một con số rất lớn (Ảnh:V.N)
Theo cô T. để có thể trở thành nhà cung ứng sách giáo khoa và đồ dùng học tập tại các địa phương thì tiền hoa hồng thôi là chưa đủ.
Đôi khi các nhà cung ứng đều là “sân sau” của lãnh đạo huyện. Đó có thể là người nhà, bạn bè hoặc các mối quan hệ thân quen.
Một trong những vấn đề khiến các trường bức xúc đó là chất lượng sách giáo khoa và đồ dùng học tập của nhiều nhà cung ứng không được đảm bảo.
Cô T. nói: “Nhiều khi họ chở sách giáo khoa và đồ dùng học tập đến các trường theo danh sách đăng ký. Khi thì thiếu cái này, khi thì thiếu cái khác. Có lần nhà cung ứng mang đến cho chúng tôi 1 lô bút bi thăng long.
Nhưng khi mở ra thì trong ruột toàn bút Trung Quốc. Việc lựa chọn nhà cung ứng và cửa hàng sách theo quy định do các trường và phụ huynh lựa chọn. Nhưng thực tế tại nhiều địa phương thì đây là đặc quyền của phòng giáo dục”.
Tại huyện Xín Mần ( Hà Giang), nhiều hiệu trưởng bức xúc vì các nhà cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập đều do Phòng giáo dục lựa chọn.
Một vị hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường không được chủ động một cái gì, mình muốn đặt mua ở những nhà xuất bản chất lượng, tiện nhưng họ cứ bắt đặt mua ở các cửa hàng vớ vẩn.
Sách thì toàn sách lậu còn tội đâu các trường chịu vì nhà trường ký hợp đồng họ chỉ đứng ở đằng sau họ giật dây.
Các trường chỉ biết đăng ký số lượng học sinh nghèo theo Nghị định 86, đăng ký về phòng giáo dục, chẳng hạn như 200 học sinh thì họ khắc tự làm một cái menu trong đó có sách giáo khoa, đồ dùng học tập, vở viết gồm những cái gì đủ 400.000 đồng.
Nhà cung cấp sách giáo khoa và đồ dùng học tập là cửa hàng H.A làm ăn rất cẩu thả vì có quan hệ chặt chẽ.
Chẳng hạn có quyển sách mỹ thuật in lậu khi chúng tôi kiểm tra giá trên mạng mới biết sách bị bán đắt thêm 5000 đồng/ quyển”.
Vị hiệu trưởng này cho hay: Trong vấn đề lựa chọn nhà cung ứng và cửa hàng sách giáo khoa nhà trường và phụ huynh hoàn toàn không có tiếng nói.
Bên cạnh đó ngoài việc bán sách giáo khoa cũng xảy ra tình trạng “bia kèm lạc” đặc biệt là đối với sách tham khảo, sách bổ trợ.
Phụ huynh sẽ hiểu vì sao năm học nào các trường cũng vận động học sinh mua sách giáo khoa,đồ dùng học tập mới (Ảnh minh họa:VTC.VN)
Vị hiệu trưởng này nói: “Sách tham khảo và đặc biệt là sách bổ trợ buổi chiều trước đây là do Sở giáo dục biên soạn và bán cho các trường. Nhưng vài năm nay, Phòng giáo dục trực tiếp xuống Hà Nội đặt và in ấn.
Tôi cho rằng việc bán sách giáo khoa và đồ dùng học tập như hiện nay rất lãng phí.
Chẳng hạn như các cháu lớp 1 phải mua đến 14 quyển vở thì làm sao các em viết hết được. Hay loại bảng viết năm nào cũng bắt phải mua mới”.
Thực hư câu chuyện “hoa hồng” trong việc mua bán sách giáo khoa đã được chính các hiệu trưởng xác nhận. Có 2 vấn đề được đặt ra ở đây:
Thứ nhất, giá sách giáo khoa trên thực tế từ tay nhà xuất bản đến tay phụ huynh đã thông qua rất nhiều cầu với mức chi phí khác nhau. Phụ huynh bỏ tiền ra mua sách cho con mà không biết rằng số tiền đó đã chảy vào túi nhiều người. Nghịch lý là người bỏ tiền ra mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập lại không được quyền quyết định và lựa chọn mua ở đơn vị, cửa hàng nào?
Thứ hai, nhiều hiệu trưởng phản ánh chất lượng sách giáo khoa và đồ dùng học tập do các nhà cung ứng, cửa hàng sách không được đảm bảo. Vì là “sân sau” của những người có thẩm quyền cho nên nhiều đơn vị mặc sức tự tung, tự tác cung cấp các sản phẩm kém chất lượng.
Cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ huynh và học sinh. Tương tự như thị trường thực phẩm trong các nhà trường, mảnh đất cung ứng sách và thiết bị, đồ dùng học tập cũng là cuộc chơi của những “liên minh ma quỷ”.
Đến đây chắc hẳn phụ huynh sẽ có câu trả lời: Vì sao năm nào các trường cũng vận động học sinh mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập mới?
Vũ Ninh
Giá sách giáo khoa mới tăng cao có phải do độc quyền?
Trong 5 bộ sách giáo khoa mới công bố thì có 4 bộ sách thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục với giá từ 179.000 đến 189.000 đồng, phải chăng đây là độc quyền về giá?
Tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phê duyệt 38/49 bản mẫu sách giáo khoa cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Tháng 1/2020, Bộ Giáo dục và Đào yêu cầu các nhà xuất bản khẩn trương thực hiện các thủ tục, công bố giá của sách giáo khoa lớp 1 đã được phê duyệt để các cơ sở giáo dục, các địa phương có đầy đủ thông tin tổ chức lựa chọn sách.
Ngày 21/2/2020, Bộ trưởng tiếp tục phê duyệt 7 mẫu sách giáo khoa, nâng tổng số sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới lên 45 cuốn của 9 môn học và các hoạt động giáo dục.
Dư luận xã hội cho rằng nguyên nhân chính của việc giá sách giáo khoa mới tăng cao như hiện nay phần lớn là do Bộ Giáo dục chưa thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ảnh: Tùng Dương.
Nhưng cả 5 bộ sách giáo khoa mới vừa được công bố thì cũng đã nhận được nhiều ý kiến xã hội, đặc biệt nhất là về giá thành. Tại sao giá sách giáo khoa mới lại cao hơn gấp 4 lần sách giáo khoa hiện hành?
Có ý kiến cho rằng đơn vị biên soạn sách giáo khoa không nên là các nhà xuất bản mà phải là một đơn vị độc lập, sau khi sách được duyệt thì mới đưa sang các nhà xuất bản để thực hiện khâu in ấn.
Nhưng hiện nay các nhà xuất bản vừa tổ chức viết biên soạn, vừa in ấn xuất bản, lại còn tự ý đưa ra nhiều sách như vậy nên rất dễ độc quyền về giá. Vừa đá bóng vừa thổi còi.
Các nhà xuất bản tự quyết định giá bán mà như trong giải trình bao gồm tất cả các chi phí, thậm chí có cả chi phí các khâu như hành chính, bao tiêu, tiếp khách, quảng cáo...tất cả những cái đó cấu thành nên giá sách khiến người dân phải chịu.
Như vậy là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội, mà thả nổi cho thị trường nâng giá, có thể nói đây là xã hội hóa về giá sách giáo khoa thì đúng hơn.
Theo chuyên gia kinh tế tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: " Khi thị trường chỉ có 1 doanh nghiệp làm sách giáo khoa thì Nhà nước phải kiểm soát giá để tránh độc quyền.
Còn khi thị trường đã có nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà xuất bản tham gia, nếu doanh nghiệp định giá quá cao so với thực tế thì sản phẩm sẽ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.
Vai trò quản lý của Nhà nước là làm sao để giám sát, hạn chế được tình trạng doanh nghiệp cùng bắt tay để tăng giá bán một cách vô tội vạ, đẩy giá bán cao hơn so với giá thành".
Vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn thì để mỗi em học sinh mua được một bộ sách giáo khoa là việc không hề dễ dàng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: " Giá của sách giáo khoa cần phải tính toán hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người sử dụng.
Tuy nhiên, để sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bộ sách thì trách nhiệm của Nhà nước như thế nào? Với nhóm đối tượng được Nhà nước bao cấp thì Nhà nước thể hiện như thế nào?
Ví dụ có thể không thu tiền, miễn phí... hoặc hỗ trợ các trường mua sách cho học sinh thuê, rồi quay vòng cho những năm học sau. Về phía đơn vị cung cấp thì cần có định hướng của Nhà nước.
Nếu không muốn vượt quá giá sách hiện hành thì việc đầu tư cho sách nên ở chừng mực nào thôi. Nội dung bên trong, trí tuệ hội tụ của các tri thức trong đó mới quan trọng.
Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng để thích ứng với thị trường, nếu giá cao quá mà với thu nhập của người dân hiện tại không đủ tiền mua thì rất khó".
Trách nhiệm thuộc về ai?
Dư luận xã hội cho rằng nguyên nhân chính của việc giá sách giáo khoa mới tăng cao như hiện nay phần lớn là do Bộ Giáo dục chưa thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Nghị quyết 88/2014/ QH13 nêu rõ " Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, bộ sách này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa khác do các tổ chức, cá nhân biên soạn".
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn được một bộ sách của riêng mình như tinh thần của Nghị quyết 88 thì sẽ là quy chuẩn về mọi mặt từ nội dung, số lượng sách cũng như giá thành để từ đó áp dụng cho các đơn vị tham gia biên soạn, tránh được tình trạng tăng giá.
Bộ phải có những giải pháp khuyến khích xã hội hóa để thu hút thêm các nhà xuất bản, các tổ chức tham gia biên soạn, tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, tránh nguy cơ độc quyền, tăng giá tạo thêm gánh nặng về kinh tế cho phụ huynh và học sinh cũng như toàn xã hội.
Giá sách giáo khoa mới hiện nay cao hơn gấp 4 lần so với giá sách giáo khoa hiện tại. Ảnh: T.D.
Thực tế có quá ít đơn vị tham gia biên soạn sách giáo khoa mới, phải chăng là do cơ chế hiện nay?
Có 03 nhà xuất bản được phát hành sách giáo khoa, đó là Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng số lượng sách giáo khoa mới lại tập chung vào Nhà xuất bản Giáo dục khi có tới 4 bộ sách.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có chung 1 bộ sách giáo khoa. Liệu có điều gì bất thường ở đây?
Bộ Tài chính cũng khẳng định thống nhất quan điểm với Văn bản số 115/BGDĐT - KHTC ngày 14/1/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo " Đảm bảo không vượt mức giá kê khai bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019 -2020.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến và hướng dẫn các nhà xuất bản kê khai giá theo đúng chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 115".
Nhưng ngày 20/2/2020, Bộ Tài chính lại có văn bản số 1760/BTC - QLG về việc kê khai giá bán sách giáo khoa gửi 03 nhà xuất bản " Nhằm mục tiêu ổn định kinh tế, kiểm soát lạm pháp, bảo đảm an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát chặt chẽ chi phí kinh doanh...
Trên cơ sở đó các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá sách giáo khoa theo quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai".
Việc ra Văn bản này của Bộ Tài chính lại trái ngược với sự đồng thuận trước đó với Văn bản 115 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến dư luận thấy khó hiểu? Phải chăng các nhà xuất bản dựa vào Văn bản này để lách luật tăng giá sách?
Điểm mấu chốt nữa là Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa đã được ban hành từ tháng 11/2014.
Cho đến nay đã 6 năm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn nào về các phương diện của sách giáo khoa như kích cỡ sách, số lượng trang, mầu in, chất lượng giấy, số lượng cuốn trong 1 bộ sách... trong khi đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu trước khi biên soạn sách giáo khoa.
Tùng Dương
Giá sách giáo khoa tăng hơn gấp 3 lần là quá vô lý Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: "Không phải tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con em người nghèo không đủ tiền mua sách". Công tác lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 1 hiện vẫn chưa xong, trong đó giá sách giáo khoa là thông tin quan trọng, một trong những yếu tố để đưa...