Nhiều hạng mục ở di tích quốc gia Yên Tử được xây mới
Chùa Một Mái, nơi biên soạn nhiều kinh văn của trường phái Trúc Lâm Yên Tử được xây mới hoàn toàn trên nền sàn bê tông cốt thép với diện tích mở rộng thêm. Am Dược, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh được trùng tu lại.
Khoảng nửa tháng nay, khi đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử (Quảng Ninh), không ít du khách ngạc nhiên vì nhiều công trình cổ bị biến thành công trường xây dựng với ngổn ngang sắt thép, cát, vôi. Chùa Một Mái (Bán Thiên tự) – nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông thường tới đây đọc sách, soạn kinh văn – nay những bao ximăng được chất đống để chuẩn bị phục vụ việc xây mới.
Khu phế tích Am Dược – nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tổ chức bốc thuốc, cứu độ chúng sinh – nay bị đào tung nền móng, tường đá cổ cũng không còn. Những phiến đá gạo với họa tiết trăm năm của di tích, sau khi bị phá dỡ nằm chỏng chơ xung quanh, không có mái che bảo quản như yêu cầu của Luật Di sản văn hóa. Duy nhất có bức tượng Phật nhỏ trên nền phế tích được đặt lên bàn thờ.
Am Dược (Yên Tử) bị phá bỏ nền móng cũ và tường đá cổ để làm mới công trình. Ảnh: Mỹ Mỹ.
Giữa đại ngàn non thiêng Yên Tử hoang sơ, một con đường rộng mới được mở cắt xuyên rừng Yên Tử, hằn đầy vết xe cơ giới.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng ban Quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, những hạng mục đang được thi công này thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình phục hồi, tôn tạo di tích chùa Một Mái – Am Dược được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2011. Tổng mức đầu tư theo quyết định gần 20 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa. Theo kế hoạch, công trình được thực hiện từ năm 2013, nhưng nay mới có kinh phí để thi công.
Theo ông Hải, việc chùa Một Mái được xây mới, đúng với thiết kế bản vẽ thi công mà Ban quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh phê duyệt năm 2012. Trong thiết kế, ngôi chùa nức tiếng trời Nam với thế “Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài” (thơ Hoàng Quang Thuận) này, sẽ bị dỡ bỏ kết cấu gạch, gỗ và xây mới hoàn toàn trên nền sàn bê tông cốt thép. Diện tích chùa cũng được mở rộng từ 41 lên 124 m2. Chùa Một Mái đến nay đã sắp trùng tu xong.
Video đang HOT
Chùa Một Mái thuộc khu Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử trước và sau trùng tu tôn tạo. Ảnh: Mỹ Mỹ và tư liệu.
Phế tích Am Dược theo phê duyệt sẽ xây công trình mới nhưng giữ nguyên mặt bằng cũ và tường đá cũ còn sót lại. “Việc phá dỡ nền móng cũ, tường đá, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh không cố tình làm mà vì các hạng mục đó đã bị sụp, lún sẵn rồi”, ông Hải nói.
Theo Trưởng ban quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, nền móng của Am Dược khi công nhân phạt cỏ để gia cố đã thấy sân đá tảng bị trộm đào xới để tìm đồ cổ từ trước. Nền móng sụt lún nên không thể xây trên nền này được. Hai bức tường đầu hồi còn sót lại được giữ với nhau bằng rễ cây, dây leo. Khi chặt dây để trùng tu, tường đã sụp đổ.
Con đường rộng xe cơ giới chạy qua là chỉnh trang từ đường thăm dò địa chất đã có từ mấy chục năm trước, nay dùng để đưa vật liệu lên khu vực tôn tạo di tích và phục vụ công tác tuần tra.
Trưởng ban quản lý Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho hay, ngày 25/12 vừa qua, đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở Văn hóa phối hợp với Phòng nghiệp vụ đã đến Yên Tử rà soát quá trình tôn tạo di tích chùa Một Mái – Am Dược. Dự án đầu tư xây dựng này sau đó đã được yêu cầu tạm dừng thi công.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Đề xuất xây mới 35 tượng đài ở Hà Nội
Việc xây hàng loạt các tượng đài theo đề xuất là do Hà Nội đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.
Tại hội thảo "Quy hoạch hệ thống tượng đài trên thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 3/12, giám đốc trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội - đơn vị tư vấn và xây dựng đề án - ông Trần Gia Lượng cho biết, con số 28 tượng đài hiện có của Hà Nội là khá nhiều so với các địa phương khác. Tuy nhiên, Hà Nội có đến 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã. Sự phân bố tượng đài đang không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành (79%).
"Số lượng tượng đài tại thành phố Hà Nội còn thiếu, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế và truyền thống văn hóa lịch sử của thủ đô, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008", ông Lượng nói.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tán đồng đề xuất xây mới 35 tượng đài, đưa tổng số tượng đài của thành phố Hà Nội lên 63 vào năm 2030. Ảnh: Linh Tâm.
Các tượng đài chủ yếu được xây dựng khoảng thế kỷ 19-20 (một số vào đầu thế kỉ 21), do tác động của điều kiện tự nhiên, đã bị xuống cấp. Một số khu vực đặt tượng đài cũng biến đổi do việc xâm lấn của các công trình xây dựng, các hoạt động buôn bán tự phát... làm giảm đáng kể chất lượng nghệ thuật tự thân tượng đài và cảnh quan môi trường.
Đơn vị tư vấn và xây dựng đề án đề xuất xây mới thêm 35 tượng đài, sửa chữa và phân bố lại cho cân đối hài hòa theo tiêu chí, tất cả các quận, huyện, các cửa ô đều có tượng đài. Nguồn kinh phí xây dựng huy động từ: vốn ngân sách Nhà nước, ngân sách thành phố Hà Nội, các huyện, xã, các ngành - tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến tán đồng đề xuất này và cho rằng nó "hết sức ý nghĩa và cần thiết". Bởi theo ông, ở bất cứ nước nào cũng rất cần những công trình tượng đài, góp phần tôn vinh, quảng bá những giá trị về lịch sử, văn hóa, đời sống của người dân.
Việc xây mới 35 tượng đài, theo Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội là hoàn toàn khả thi nếu được các Bộ, ban, ngành đồng ý.
Bản đồ quy hoạch tượng đài của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, đa số các kiến trúc sư có mặt trong hội thảo lại không đồng tình với việc xây mới ồ ạt các tượng đài và cho rằng đây là phương án "phiêu lưu".
"Tôi không tán thành quan điểm mỗi khu đô thị, mỗi cửa ô phải có ít nhất một tượng đài. Nếu làm ồ ạt rất dễ bị mắc sai lầm văn hóa, tạo ra các công trình không có nhiều giá trị", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm-Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố, nói.
Theo ông Nghiêm, việc quy hoạch phải có sơ sở pháp lý và thực tiễn để triển khai. Không phải muốn đặt tượng đài ở đâu cũng được mà còn liên quan đến an ninh quốc phòng, phong thủy...
Kiến trúc sư Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng, cần thận trọng khi triển khai kế hoạch đưa tượng đài đến từng, quận, huyện. Theo ông, thay vì xây mới các tượng đài, nên điều chỉnh, di dời những tượng đài không hiệu quả, chỉnh trang, cân đối khuôn viên các tượng đài để phát huy vai trò là điểm sinh hoạt công cộng lành mạnh.
Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Hà Nội lấy ví dụ bức phù điêu "Năm 1946" (cao 4,5m; rộng 4,5m; nặng hơn 7 tấn, tái hiện cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô) nằm giữa vỉa hè chợ Đồng Xuân đang cản trở lối đi của người dân. Tượng đài Quang Trung, trước Hà Nội phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức xây dựng nhưng giờ bị lọt thỏm giữa các nhà cao tầng.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Thủ tướng: "Dân chủ là động lực, cũng là đòi hỏi của người dân" Nhắc riêng Quảng Ninh phải xây dựng cho được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý chung vấn đề có tính nguyên tắc "phải bảo đảm, phát huy dân chủ, pháp quyền. Đây vừa là động lực, vừa là đòi hỏi của người dân". Chiều nay, 13/9, tại thành phố Hạ Long,...