Nhiều giải pháp sáng tạo tại Triển lãm kiến trúc ASA 2024
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhiều giải pháp sáng tạo và công nghệ mới trong lĩnh vực kiến trúc đã được giới thiệu tại Triển lãm Kiến trúc 2024.
Gian hàng giới thiệu vật liệu thân thiện môi trường tại triển lãm. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan
Sự kiện do Hiệp hội Kiến trúc sư Siam dưới sự bảo trợ của Hoàng gia (ASA) và đối tác TTF International phối hợp tổ chức đang diễn ra tại Trung tâm triển lãm hội nghị IMPACT, ở Muang Thong Thani, tỉnh Nonthaburi (Thái Lan).
Với hơn 100.000 hiện vật được trưng bày từ hơn 1.000 nhà triển lãm trong nước và quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ…, triển lãm năm nay mang chủ đề “Ngôn ngữ tập thể”, phản ánh sự công nhận toàn cầu về kiến trúc và thiết kế không biên giới giống như sự đa dạng phong phú của ngôn ngữ.
Công nghệ in 3D trong lĩnh vực xây dựng được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan
Đáng chú ý tại triển lãm năm nay, Tập đoàn SCG của Thái Lan đã giới thiệu các giải pháp và cải tiến sản phẩm của mình với chủ đề “SCG hướng tới cuộc sống tương lai: Công nghệ và Không gian bền vững”, củng cố vai trò dẫn đầu của tập đoàn trong các giải pháp sống tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Các giải pháp của SCG đề cập đến các xu hướng sống và lối sống tích hợp các khái niệm xanh với các công nghệ tiết kiệm năng lượng, sạch, an toàn và bền vững, trong đó phải kể đến bộ 3 giải pháp “Mái nhà năng lượng Mặt Trời” giúp tiết kiệm 60% chi phí điện, “Chất lượng Không khí tích cực” giúp cải thiện không khí trong nhà bằng cách lọc bụi và mầm bệnh, đồng thời tăng lượng oxy mà không cần thêm máy lọc không khí và “Nhà thông minh dành cho người cao tuổi” giúp nâng cao chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi thông qua những cải tiến được công nhận trên toàn cầu và được thử nghiệm trong thế giới thực.
Ông Wachirachai Koonamwattana, Giám đốc Giải pháp Hệ thống Thông minh tại SCG Smart Living giới thiệu về thiết bị giúp người cao tuổi. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Wachirachai Koonamwattana, Giám đốc Giải pháp Hệ thống thông minh tại SCG Smart Living, cho biết các giải pháp và công nghệ của SCG hướng đến giải quyết những vấn đề “sát sườn” của xã hội hiện đại như biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, ô nhiễm không khí hay già hóa dân số.
Video đang HOT
Dẫn ví dụ giải pháp “Nhà thông minh cho người cao tuổi”, ông Wachirachai nói: “Trong xã hội hiện tại nhìn chung con cái không ở cùng bố mẹ già suốt ngày được. Họ còn phải đi làm hoặc không sống cùng nhà bố mẹ.
Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người già thì công nghệ của chúng tôi sẽ giúp ích rất nhiều. Theo đó, thiết bị này sẽ giúp phát hiện người già bị ngã và lập tức báo thông tin tới tổng đài. Tổng đài sẽ gọi lại kiểm tra và nếu có vấn đề gì cũng có thể gọi xe cấp cứu đến và thông báo cho con cái họ”.
Một gian hàng về sản phẩm gạch gốm thân thiện môi trường tại triển lãm. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan
Trong khuôn khổ triển lãm từ ngày 30/4 – 5/5 đã diễn ra nhiều hoạt động khác như Hội thảo Chuyên môn ASA 2024, cung cấp một diễn đàn thảo luận chuyên môn về nhiều chủ đề khác nhau như kiến trúc cộng đồng, bảo tồn, các xu hướng tương lai… nhằm hỗ trợ các kiến trúc sư và nhà thiết kế trong ngành xây dựng; các gian hàng chuyên đề và lễ trao giải thưởng sáng tạo tốt nhất.
Các nhà tổ chức triển lãm kỳ vọng sự kiện có quy mô lớn nhất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về công nghệ xây dựng này sẽ thu hút hơn 325.000 du khách tham quan, đóng vai trò là trung tâm học tập có giá trị cho các cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, cung cấp cho người xem những hiểu biết sâu sắc về các xu hướng và đổi mới kiến trúc mới nhất và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Thái Lan.
Trung Quốc - Mỹ tạo ra hợp kim titan bền nhất thế giới bằng công nghệ in 3D
Các nhà khoa học đã đạt được tiến bộ đột phá trong công nghệ in 3D đối với hợp kim titan, tăng gấp đôi khả năng phục hồi và mở rộng triển vọng cho các ứng dụng của vật liệu này trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã ca ngợi thành tựu này là "bước đột phá đáng kể" trong lĩnh vực khoa học vật liệu. Công nghệ mới đã được trình bày chi tiết trên Tạp chí Nature hôm 29/2.
Ông Zhang Zhenjun và Zhang Zhefeng, hai nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm khoa học vật liệu quốc gia Thẩm Dương thuộc Viện nghiên cứu kim loại CAS, đã hợp tác thực hiện nghiên cứu này với ông Robert Ritchie tại Đại học California, Berkeley.
Nghiên cứu được thực hiện ở Trung Quốc và vật liệu mẫu cũng được sản xuất tại quốc gia này. Ông Ritchie tham gia vào quá trình xem xét bản thảo.
In 3D - còn được gọi là sản xuất bồi đắp (Additive Manufacturing, AM) - là phương thức chế tạo sản phẩm bằng cách "đắp" từng lớp vật liệu lên nhau, mô phỏng theo thiết kế đã được vẽ sẵn trên phần mềm. Công nghệ in 3D đã cách mạng hóa ngành sản xuất nhưng quy trình này vẫn được áp dụng hạn chế trong việc chế tạo các bộ phận đòi hỏi độ chịu mỏi cao.
In 3D kim loại sử dụng tia laser để làm tan chảy bột kim loại, tích tụ thành các hình dạng cụ thể, phức tạp với chu kỳ chuẩn bị ngắn, được coi là công nghệ hoàn hảo để chế tạo nhanh chóng các vật liệu lớn, phức tạp.
Tuy nhiên, nhiệt độ cao được tạo ra bởi các chùm tia laser mạnh khi in thường dẫn đến sự hình thành các lỗ khí bên trong các bộ phận, từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu suất của hợp kim.
Những lỗ khí siêu nhỏ này có thể đóng vai trò là điểm tập trung ứng suất, tạo ra các vết nứt ngày càng lan rộng, do đó làm giảm khả năng chịu mỏi của vật liệu.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu sản xuất một hợp kim titan không có lỗ khí. Họ đã phát triển quy trình sử dụng Ti-6Al-4V, hợp kim titan-nhôm-vanadi, đạt được khả năng chịu mỏi cao nhất trong số tất cả các hợp kim titan cho đến nay.
Ông Zhang Zhenjun cho biết lý thuyết lý tưởng nhất là các hợp kim được in trong điều kiện hoàn hảo sẽ có hiệu suất chịu mỏi vượt trội. Việc đạt được mục tiêu này thoạt nhìn có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, các kỹ thuật đang được sử dụng để loại bỏ các lỗ khí thường khiến cấu trúc bên trong của hợp kim trở nên thô hơn.
"Việc giải quyết vấn đề này mà không tạo lỗ khí hoặc các tác dụng phụ khác là một thách thức. Chúng tôi đã phát triển một kỹ thuật mới gọi là xử lý Net-AM để in ở nhiệt độ cao", ông nói.
Theo ông Zhang, quá trình này bắt đầu bằng việc ép đẳng nhiệt nóng để loại bỏ các lỗ khí, sau đó làm nguội nhanh trước khi có bất kỳ sự thay đổi nào đối với cấu trúc bên trong của hợp kim. Quy trình này đã tạo ra hợp kim không có lỗ khí với độ chịu mỏi kéo được cải thiện 106% - từ 475 MPa lên 978 MPa - một kỷ lục thế giới.
"Thành tựu này hứa hẹn rất lớn cho các ngành công nghiệp đòi hỏi vật liệu nhẹ, chẳng hạn ngành hàng không vũ trụ và phương tiện sử dụng năng lượng mới", ông Zhang cho biết.
Cho đến nay, vật liệu này mới chỉ được sản xuất ở quy mô mẫu, với phần mỏng nhất có kích thước 3mm, quá nhỏ đối với hầu hết các ứng dụng trong đời thực.
Theo ông Zhang, mặc dù công nghệ mới vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng nó thực sự có triển vọng ứng dụng rất lớn.
"Các phần dày hơn sẽ gặp phải hạn chế truyền nhiệt trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, tiến bộ này đủ để chế tạo nhiều thiết bị mỏng hơn, phức tạp hơn," ông nói.
Theo trang web CAS, nhiều bộ phận hàng không - bao gồm vòi phun tên lửa của NASA, khung đỡ của máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc và vòi phun nhiên liệu của máy bay C919 của Trung Quốc - đã được chế tạo bằng công nghệ in 3D.
Với việc mở rộng quy mô trong tương lai, công nghệ này có thể sẵn sàng cho ứng dụng công nghiệp rộng rãi. Song phát triển của loại vật liệu mới này có thu hút sự hợp tác quốc tế hay không thì vẫn chưa rõ.
Ông Zhang cho biết ngoài thành tích của nhóm, nghiên cứu này còn truyền cảm hứng cho một số nghiên cứu mới cho công nghệ AM.
"Quan điểm cho rằng các cấu trúc vi mô AM không có lỗ khí, có khả năng chống mỏi đặc biệt cao không chỉ áp dụng cho hợp kim titan mà còn được mở rộng cho các hệ vật liệu kim loại khác".
Hội nghị Trung ương VII Đảng Cộng sản Cuba tìm giải pháp cho các vấn đề ưu tiên của đất nước Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba (PCC) vừa kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ VII tại thủ đô La Habana, trong đó tập trung phân tích nhiều vấn đề ưu tiên của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Toàn cảnh lễ khai mạc Đại...