Nhiều giải pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa, hoạt động xuất nhập khẩu
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Y tế Giao thông Vận tải phối hợp với cơ quan của Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng lao động trong lĩnh vực vận tải và logistics.
Khẩn trương dành vaccine ưu tiên tiêm cho lái xe vận tải. Ảnh: TTXVN
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt tại các cảng biển cửa ngõ như Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp và nhóm giải pháp.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Y tế Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các Bộ: Y tế, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Y tế Giao thông Vận tải phối hợp với cơ quan của Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng lao động trong lĩnh vực vận tải và logistics như: người điều khiển phương tiện, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa, nhân viên vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại cảng biển, lực lượng thi công tại các công trường xây dựng giao thông.
Đối với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phối hợp với các sở, ngành chức năng của địa phương để thực hiện thống nhất các hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về việc phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải; điều tiết, phân luồng phương tiện đảm bảo cho việc lưu thông thuận lợi, tránh gây ùn tắc giao thông.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cảng Hải Phòng là một trong những cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất miền Bắc trước đó gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Để giải quyết vấn đề này, ngày 11/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất với chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thực hiện giảm phí đường bộ 30% cho các phương tiện (loại 2 trở lên) lưu thông trên tuyến từ ngày 12/8/2021.
“Điều này sẽ giúp giảm ùn tắc trên Quốc lộ 5, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu không bị ngừng trệ. Thêm vào đó, việc giảm phí cũng góp phần chia sẻ chi phí với các đơn vị vận tải và thu hút các phương tiện chuyển hướng lưu thông từ Quốc lộ 5 sang cao tốc Hà Nội – Hải Phòng”, ông Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá.
Trước đó, để giải tỏa tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa tại Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải cho phép xét nghiệm SARS-COV-2 lưu động cho người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa tại các địa điểm tập kết phương tiện của Hải Phòng.
Trong khi đó, để giảm nhiệt cho khu vực vận tải hàng hóa tại khu vực phía Nam, đặc biệt là việc ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sau khi có sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như thực hiện các giải pháp đồng bộ nên đến nay lượng hàng tồn ở cảng Cát Lái đã trở về mức an toàn thay vì ùn ứ, có dấu hiệu quá tải hàng nhập so với khoảng một tuần trước đó.
Để đạt được kết quả trên, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, trong những ngày qua, Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị vận hành cảng Cát Lái) đã phối hợp triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp với Cục Hàng hải Việt Nam. Bên cạnh đó, hiệu quả giải phóng hàng tồn đọng và áp lực hàng hóa tại cảng Cát Lái vừa qua cũng có sự hỗ trợ kịp thời từ phía Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan và các ngành chức năng địa phương.
“Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục cùng doanh nghiệp triển khai các nhóm giải pháp, đảm bảo sự ổn định cho cảng Cát Lái, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông phục vụ hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế trong đại dịch”, ông Sang chia sẻ.
Một giải pháp khác giúp lưu thông hàng hóa được thuận lợi giữa các vùng kinh tế cũng được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đẩy nhanh thực hiện. Đó là yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tuyến “luồng xanh” đường thủy, phục vụ vận tải hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy liên tỉnh và tuyến đường thuỷ địa phương.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, đơn vị đang khẩn trương hoàn thành Dự thảo hướng dẫn lập “luồng xanh” đường thủy và quy trình vận tải hàng hóa bằng đường thủy tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19.
Dự kiến trong những ngày tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương công bố các tuyến “luồng xanh” đường thủy liên tỉnh; Sở Giao thông Vận tải địa phương công bố “luồng xanh” đường thủy tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ duy trì họp giao ban 3 lần/tuần để tổng kết, rút kinh nghiệm những vấn đề liên quan; đồng thời, còn có các nhóm công tác để giải quyết ngay các phản ánh, kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ cũng đã cấp mã QR cho các xe vận tải hàng hóa, lái xe và phụ xe có xét nghiệm âm tính với COVID-19 có giá trị trong 72 giờ, chỉ kiểm tra ở điểm đầu và điểm cuối, nếu địa phương nào không thực hiện là làm không đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị miễn phí điều chỉnh thông tin cho hàng chuyển từ cảng Cát Lái
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng tàu về việc hỗ trợ điều chỉnh thông tin cảng Cát Lái (cảng đích- cảng cửa khẩu quốc tế) về cảng Cái Mép.
Quang cảnh cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Văn bản do ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ký cho biết, sau hơn 3 tuần Tp. Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số lượng container hàng nhập tồn ở cảng Cát Lái tăng cao do tỷ lệ khách hàng lấy container ra khỏi cảng liên tục giảm theo từng tuần so với thời gian chưa thực hiện giãn cách.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nhà máy, xí nghiệp trong khu vực phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động do bị phong tỏa. Việc hàng hóa tồn tại bãi tăng cao có nguy cơ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tàu.
Để cảng Cát Lái duy trì hoạt động thông suốt, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tạm thời ngừng vận chuyển container hàng nhập từ các khu vực Cái Mép, Tân Cảng Hiệp Phước về cảng Cát Lái.
Trước tình hình hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hãng tàu hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu điều chỉnh thông tin cảng Cát Lái (cảng đích) về cảng Cái Mép (đối với tàu ở các cảng khu vực Cái Mép), Hiệp Phước (đối với tàu ở Tân Cảng Hiệp Phước) để doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu theo quy định đối với lô hàng nhập khẩu đang vận chuyển trên tàu biển chưa dỡ xuống cảng hoặc hàng hóa nhập khẩu đã dỡ xuống cảng đang chờ xếp lên phương tiện vận chuyển về cảng Cát Lái. Đặc biệt, các hãng tàu cũng cần xem xét không thu phí phát sinh nếu có do việc điều chỉnh thông tin này.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đề nghị các hãng tàu tăng cường đàm phán, ký hợp đồng với các cảng tại khu vực Cái Mép và tại khu vực lân cận cảng Cát Lái để có sự điều chỉnh linh hoạt trong trường hợp cảng Cát Lái quá tải.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng hình thức điện tử để giải quyết các giấy tờ trong thời gian các địa phương phía Nam áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, tạo thuận lợi cho chủ hàng, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành đang nỗ lực thực hiện các nhóm giải pháp, giảm nguy cơ ách tắc hàng hóa cho cảng Cát Lái trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đến thời điểm hiện tại tình hình tại cảng Cát Lái đã "giảm nhiệt".
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ hàng ách tắc tại cảng Cát Lái Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý khó khăn, giải phóng hàng ở cảng Cát Lái trước nguy cơ có thể phải tạm ngừng tiếp nhận tàu. Quang cảnh cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh...