Nhiều em bé chấn thương tâm lý sau vụ nổ Beirut
Abed Itani, 3 tuổi, bị các mảnh kính vỡ bắn vào người khi đang chơi xếp hình trong nhà lúc vụ nổ xảy ra xé toạc Beirut hôm 4/8.
Bé bị thương đầu, hai cánh tay và chân đầy những vết kính cắt. Itani được đưa tới phòng cấp cứu.
“Khi tôi tới bệnh viện, con tôi đang ngồi một góc trong phòng cấp cứu, run bần bật khi xung quanh là những nạn nhân bị thương rất nặng, máu chảy loang khắp sàn nhà”, Hiba Achi, mẹ Itani nhớ lại. Khi vụ nổ xảy ra, cô đang ở công ty, còn Itani được bà ngoại trông nom.
Những ngày sau đó, Itani trở thành một cậu bé hoàn toàn khác. Như hàng nghìn người khác tại Lebanon, cậu vật lộn với những cơn chấn thương tâm lý.
“Giờ Itani rất ghét màu đỏ. Con nhất quyết không chịu đi đôi giày màu đỏ như thường ngày, cứ bắt tôi đi giặt đôi giày ấy”, cô nói.
“Chỉ một tiếng động nhỏ cũng khiến con tôi giật mình và nhảy lên. Cậu bé ăn uống không ngon miệng nữa. Itani vốn là một cậu bé năng động, hòa đồng. Giờ con tôi không muốn nói chuyện với bất kỳ ai”, Achi bộc bạch.
Abed Itani, 3 tuổi, một trong những nạn nhân của vụ nổ tại Beirut hôm 4/8. Ảnh: AP
Yasmine, 8 tuổi và chị gái Talia, 11 tuổi, không dám ngủ một mình sau khi chứng kiến vụ nổ làm vỡ kính cửa sổ, các mảnh vỡ văng ra khắp nhà.
“Chúng tôi đã sống sót một cách kỳ diệu”, Zeinab Ghazale, mẹ của Talia và Yasmine nói. “Con gái tôi liên tục hỏi ‘Tại sao con không thể có một tuổi thơ bình thường? Tại sao con phải trải qua tất cả những điều tồi tệ này khi mới 8 tuổi?”.
Vụ nổ kho chứa gần 3.000 tấn amoni nitrat tại cảng Beirut hôm 4/8 khiến ít nhất 171 người chết, khoảng 6.000 người bị thương, gây thiệt hại nặng nề cơ sở vật chất tại thủ đô của Lebanon, đồng thời khiến hơn 300.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, đã có ba trẻ em tử vong và 31 em bị thương nặng, phải nhập viện.
Có 100.000 trẻ em phải di dời khỏi nhà, trong đó rất nhiều em gặp chấn thương tâm lý, theo tổ chức Save The Children.
Joy Abi Habib, chuyên gia sức khỏe tâm thần tại Save The Children cho biết trẻ em gặp chấn thương tâm lý có thể có phản ứng khác nhau.
“Đau đầu, buồn nôn, tè dầm, gặp vấn đề tiêu hóa là những triệu chứng phổ biến cha mẹ thường bỏ qua. Trẻ gặp chấn thương tâm lý trở nên phụ thuộc, luôn lo lắng”, Habib cho biết.
Nhà tâm lý học Maha Ghazale điều trị số lượng lớn trẻ em sau vụ nổ, cho hay nhiều em đang đối mặt với sự không chắc chắn, “các em liên tục hỏi liệu một vụ nổ tương tự có xảy ra nữa không”.
“Nhiều em không dám về nhà vì ở nhà có rất nhiều cửa kính hoặc cửa sổ”, Ghazale bổ sung.
Khi nhà kho phát nổ, Ricardo Molaschi, 6 tuổi và bố mẹ đang tới thăm ông bà ở Beirut. Những mảnh kính vỡ văng mạnh khiến cậu bị thương, phải đi khâu. Ông cậu, Kazem Shamseddine mất mạng trong vụ nổ.
Molaschi sau đó thường xuyên nổi giận, nói rằng muốn trừng trị bất kỳ ai đã gây ra vụ nổ.
Một khu nhà bị tàn phá trong vụ nổ ở Beirut hôm 4/8. Ảnh: AP
Theo nhà tâm lý học Ghazale, để trẻ em dần chấp nhận những chấn thương tâm lý rất quan trọng. “Hãy cứ để chúng giận dữ, nhưng cũng nên động viên trẻ chia sẻ suy nghĩ thông qua các câu chuyện, nghệ thuật hoặc trò chơi”, bà nhấn mạnh.
Ngoài ra, mang lại cho trẻ cảm giác an toàn, sự bình thường và thói quen cũng giúp trẻ dần vượt qua những ám ảnh.
Achi cho biết cô đã quyết định rời khỏi Lebanon cùng Itani tới Dubai, nơi chồng cô làm việc để sinh sống. Ngoài cô, nhiều gia đình khác cũng đang có kế hoạch di dời tương tự.
“Đất nước này không còn an toàn cho Itani, và sẽ không bao giờ an toàn. Tôi không muốn con trai mình phải sống ở đây thêm ngày nào nữa”, Achi nói.
Rất nhiều bậc cha mẹ khác cũng có cảm giác tội lỗi giống Achi, đặc biệt những người từng trải qua cuộc nội chiến ở Lebanon giai đoạn 1975-1990.
“Thế hệ chúng tôi đã bị tổn thương vĩnh viễn”, Achkar nói, đề cập đến những người lớn lên ở Lebanon sau cuộc nội chiến. “Nhưng tại sao con cái chúng tôi cũng phải trải qua điều tồi tệ này?”.
Bị thổi bay khi đưa tin trực tiếp từ Beirut
Phóng viên Maryam Toumi đang phỏng vấn trực tuyến thì vụ nổ ở Beirut ngày 4/8 khiến văn phòng đổ sập, cô bị văng xuống sàn nhà.
Toumi, làm việc cho BBC News Arab, ngày 4/8 phỏng vấn Faisal Al-Aseel, giám đốc dự án Cơ quan Năng lượng Bền vững Morocco, từ thủ đô Beirut của Lebanon. Trong lúc cô đang trò chuyện, các bức tường xung quanh cô rung lên bần bật khiến nữ phóng viên hoảng loạn nhìn xung quanh. Một tiếng nổ lớn vang lên, máy quay đập xuống đất, Toumi bị hất văng xuống sàn.
Phóng viên văn xuống sàn nhà khi đang phỏng vấn trực tuyến từ Beirut ngày 4/8. Video: BBC,
Tiếng chuông báo động vang lên, mảnh kính vỡ nằm la liệt trên sàn. Al-Aseel bị sốc khi nhìn thấy cảnh tượng ở đầu cầu bên kia. Một lát sau, Toumi đứng dậy và nhấc camera lên.
Kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, thường được sử dụng để sản xuất phân bón, tại cảng ở Beirut phát nổ ngày 4/8 với sức công phá ngang 240 tấn TNT, làm rung chuyển thành phố. Vụ nổ khiến hơn 100 người chết và hơn 4.000 người bị thương, trong khi giới chức cảnh báo số người chết sẽ tiếp tục tăng.
Hiện các quan chức Beirut chưa tuyên bố nguyên nhân ban đầu gây ra vụ nổ. Nhưng theo một nguồn tin an ninh và truyền thông địa phương, vụ nổ có thể được bắt nguồn từ một mái nhà kho đang được hàn sửa chữa.
Thống đốc Beirut Marwan Aboud nói rằng vụ nổ khiến 300.000 người mất nhà cửa và tàn phá hơn nửa thành phố, thiệt hại có thể lên đến khoảng 5 tỷ USD.
Trực thăng bay trên đống đổ nát ở Beirut ngày 5/8. Ảnh: Reuters.
Bán kính công phá trong vụ nổ tại Lebanon Người dân Beirut trắng tay sau vụ nổ Vụ nổ Beirut có thể được cảnh báo từ trước 5 tháng Cách 240 km vẫn nghe được vụ nổ từ Lebanon 'Thủ phạm' biến Beirut thành 'bãi chiến trường' 22
Chuyên gia Lebanon: Lưu trữ amoni nitrat gần dân là 'phạm tội' Chaaban, phó giáo sư kinh tế Đại học Mỹ ở Beirut, cho biết lưu trữ gần 2.800 tấn amoni nitrat gần khu dân cư ở Beirut là hành vi "phạm tội" "Thành phố Beirut hoàn toàn bị hủy diệt và hoang tàn", phó giáo sư Jad Chaaban hôm nay cho hay. Theo ông, việc lưu trữ amoni nitrat trong một nhà kho gần...