Nhiều dự án trọng điểm 2018 ‘lọt tầm ngắm’ của Kiểm toán Nhà nước
3 dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt cùng một loạt công trình trọng điểm khác vừa được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2018.
Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa công bố quyết định kiểm toán bổ sung năm 2018 trên cơ sở đề nghị của một số bộ ngành, đơn vị có liên quan.
Theo quyết định này, 3 dự án hiện đại hóa tín hiệu đường sắt sẽ được bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2018.
Cụ thể, 3 dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt gồm: Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Lào Cai và Hà Nội – Thái Nguyên, 3 khu đầu mối Hà Nội giai đoạn I; Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh – Sài Gòn tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn I; Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội – Vinh tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn II.
Danh sách kiểm toán bổ sung năm 2018 còn có Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Ngoài ra, đợt bổ sung này Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện kiểm toán với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công giai đoạn 2012-2017 và 9 tháng đầu năm 2018 của Trường Đại học Điện lực.
Trước đó, trao đổi với Báo Lao Động, ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, thời gian vừa qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tập trung vào những lĩnh vực mà nhiều người quan tâm và những khu vực hay xảy ra thất thoát lãng phí như BT, BOT, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thuế, chuyển giá và những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách. KTNN đã tập trung lần lượt vào các chuyên đề, từ đó kiến nghị với Chính phủ sửa cơ chế chính sách phù hợp và sát hợp tránh thất thoát tài chính công, tài sản công nhà nước.
Video đang HOT
“Định hướng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường về chất lượng. Năm 2019, KTNN sẽ giảm 20% các cuộc kiểm toán so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng. Giảm báo cáo tài chính, tăng cường kiểm toán chuyên đề, tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực, hiệu quả của các chương trình mục tiêu, các chuyên đề, để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tránh xảy ra thất thoát”, ông Phớc thông tin.
Ngoài ra, trong năm 2019, KTNN sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như đất đai của một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kiểm toán về một số chương trình thu thuế, xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan và một số chuyên đề về BT…
Đây đều là những lĩnh vực nhạy cảm, những khu vực có thể dễ gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Với việc tổ chức các chuyên đề như vậy, Kiểm toán Nhà nước hy vọng sẽ tránh thất thoát tài chính công, tài sản công, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Theo Lao động
Kiểm điểm nghiêm các trường hợp vi phạm trong thu, chi ngân sách 2016
Bộ Tài chính vừa có công văn yêu cầu các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, TP, các đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đối với các báo cáo quyết toán NSNN năm 2016.
Ảnh minh hoạ
Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị được kiểm toán tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý tài chính - ngân sách theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Các nội dung này cần được kịp thời tổng hợp báo cáo Quốc hội theo đúng thời hạn quy định.
Các bộ, ban, ngành, địa phương cần phải có những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng xây dựng dự toán NSNN, bảo đảm dự toán phải sát thực tế, phù hợp với khả năng của NSNN và đúng theo quy định của pháp luật; tránh tình trạng lập dự toán chưa đầy đủ, phải điều chỉnh, bổ sung dự toán nhiều lần trong năm.
Trong chi NSNN phải bám sát dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng chi không đúng nguồn kinh phí, mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí NSNN; không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần khắc phục tình trạng tạm ứng vốn lớn, tạm ứng sai quy định, cho vay, tạm ứng kéo dài qua nhiều năm chậm thu hồi; có giải pháp xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; chi chuyển nguồn chậm, số chi chuyển nguồn sang năm tăng so với năm trước...
Công tác quản lý thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng thu phí, lệ phí sai quy định, áp dụng không đúng mức thu hoặc thu thêm các khoản thu không có trong quy định.
Ngoài ra, các bộ, ban, ngành, địa phương cũng khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng quy định của pháp luật đối với các cơ chế, chính sách quản lý tài chính ngân sách không còn phù hợp với quy định chung của Nhà nước; đồng thời, bãi bỏ các cơ chế, chính sách trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên.
Công văn của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, đối với các kết luận, kiến nghị về xử lý vi phạm về tài chính - ngân sách, các bộ, ban, ngành cần tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm sai phạm, tồn tại và thu nộp đầy đủ vào NSNN đối với các khoản thu, chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức.
Đối với các kiến nghị về cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách, các bộ, ban, ngành, các địa phương và các đơn vị được KTNN kiến nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng quy định của pháp luật đối với các cơ chế, chính sách quản lý không còn phù hợp; bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của pháp luật. Trường hợp chưa sửa đổi, bổ sung phải nêu rõ lý do và dự kiến thời hạn sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, cần kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và báo cáo cụ thể về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN năm 2016.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khi duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách năm 2017 của các cơ quan, đơn vị trực thuộc hoặc ngân sách cấp dưới phải theo đúng chế độ và thời gian quy định. Đồng thời lưu ý, đôn đốc, xử lý kiến nghị của KTNN đối với quyết toán NSNN các năm trước và đối với quyết toán NSNN năm 2016 chưa thực hiện hoặc mới thực hiện được một phần. Các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị được kiểm toán phải nêu rõ lý do, biện pháp và thời hạn xử lý dứt điểm.
Sau ngày 30/11/2018, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa gửi báo cáo theo các quy định nêu trên, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm dừng việc rút kinh phí chi thường xuyên khối văn phòng và tạm dừng việc rút số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tương ứng với số kinh phí sai phạm của KTNN kết luận, kiến nghị.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ những bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán chưa gửi báo cáo tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, hoặc theo báo cáo chưa thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với quyết toán NSNN năm 2016.
Theo báo Hải Quan
Kiểm toán NN: Khu đô thị Dương Nội và 3 TCty vào "tầm ngắm" Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của 3 Tổng công ty (Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC) và kiểm toán Dự án Khu đô thị mới Dương Nội tại quận Hà Đông, Hà...